Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, July 4, 2015

NHỚ NHỮNG TỐI ĐI BẮT CÒNG VỀ NẤU CHÁO ĂN VỚI…BỒ

Dã Tràng còn non - Tác giả ảnh: Bùi Trọng Hiếu
    Có những tối hai đứa nắm tay nhau lom khom lần theo bãi cát, anh xách xô và em nhí nhảnh chạy theo bóng dáng con Dã Tràng. Nó bé xíu như hạt đậu, dưới ánh đèn pin tìm nó thật là hoa mắt phải không anh? Số con bắt được, chẳng đáng mất công nấu cháo. Hai đứa lại cười khì khì thả nó trở lại với bãi biển Quy Nhơn. Em ghét anh! Còn nhớ không anh? Em nhớ vô vàn. Nhớ cái lần hai đứa cãi nhau toé lửa vì cái tên Dã Tràng và Còng. Em ở miền Bắc xa xôi vào đây học. Em gọi nó là con Dã Tràng. Anh ứ chịu, anh bảo miền Nam quê anh gọi là con Còng. Hai đứa quyết chứng minh cái cách gọi của ai là đúng hơn.
Dã Tràng trưởng thành - Tác giả ảnh: Nguyễn Đắc Thảo
    Lần ấy em giận, giận lắm. Sao anh không nhường nhịn em? Em ứ thèm nói chuyện với anh mấy ngày. Lên lớp, em ngồi ở cái bàn xa tít. Anh ngồi ở phía trên, lâu lâu cứ ngoái cổ xuống nhìn trộm em. Lần nào anh ngoái xuống cũng đâm sầm vào ánh mắt em nên anh vội quay lên. Những ngày ấy, em ứ nhìn lên bảng và nghe giảng. Em chỉ nhìn anh thôi. Hu hu. Em còn nhớ như in cái tối, em buồn quá nên ngồi một mình bên bãi hoa muống biển. Em đã khóc sưng vù hai con mắt khi nghe câu hát “Có chàng trai tên Biển cùng yêu thương cô Muống chân tình. Biển mải mê bơi tìm luồng cá. Con nước vô tình cuốn biển trôi xa!”. Lúc ấy, em sợ mình vì không được ôm anh nữa mà cũng âu sầu nằm chết bên bờ như cô Muống ngày xưa. Bỗng đâu, anh xuất hiện và ôm em. Em vùng vẫy làm như giận lắm nhưng không đủ sức giãy nữa khi môi anh khoá môi em. Hu hu, em ghét anh! Yêu nhau đến vậy sao giờ ta vẫn hai nơi???
Dã Tràng và chim Bói Cá - Tác giả ảnh; Duy My
    He he, Tây phịa cái thư cho các đồng chí đã từng yêu nhau nồng thắm hồi còn là sinh viên ở đại học Quy Nhơn khóc thút thít chơi. Tây là Tây thù lũ làng ấy lắm. Có những tối Tây lọ mọ ra xóm trọ của con bạn để rủ nó đi ăn chè. Chưa kịp há mõm thì thằng bồ của con bạn gợi ý cả cả xóm chúng mình đi bắt còng về nấu cháo ăn khuya đi. Tây chẳng nghĩ gì, cứ thế đi mà chẳng biết mình đang là con kỳ đà. Chúng nó có bắt đươc con nào đâu. Cầm cái xô to uỳnh oàng cho có khí thế thôi. Thuỷ triều vừa mới rút, còng đi kiếm ăn nhiều nhưng nó nhỏ quá, đã thế là bò nhanh nhoay nhoáy. Khó bắt lắm. Khi Tây chộp được một con, đương toàn tính bỏ vào xô thì chẳng thấy lũ làng ấy đâu. Bằng mắt của một con cú, Tây nhòm ngó trong các bụi rậm và thấy những cái xô được vứt chỏng vó khắp nơi, còn người thì…đang hôn nhau. Hu hu, người yêu không có nên nó tủi dễ sợ.
Dã Tràng và chim Sẻ - Tác giả ảnh: Trần Quý Lễ
     He he, nói quá lên thế chứ không đến nỗi vậy đâu. Bốn năm là sinh viên ở Quy Nhơn. Tây ở ký túc xá hết cả bốn nhưng bạn bè ở trọ cũng có dăm đứa. Những tối chuẩn bị cho sáng hôm sau lên xe về quê ăn tết hoặc nghỉ hè, Tây hay ra xóm trọ rủ bạn đi chơi và chào bọn nó luôn. Thường thì chúng nó cũng đương chuẩn bị xếp hành lý và cũng muốn dành thời gian để tạm biệt người yêu. He he. Để dung hoà giữa tình bạn và tình yêu, bọn xóm trọ thường bày trò ra biển chơi. Một là bắt còng về nấu cháo hoặc là chơi trò nói thật. Nghĩa là hỏi gì phải trả lời thật cái ấy nhưng được cả bọn giữ kín. Biển Quy Nhơn muôn thuở là nơi chứng kiến những cuộc chia tay như thế. Kể cả bây giờ, nếu trở lại Quy Nhơn thăm trường xưa thì đứa nào cũng có dạo biển. Khi chưa biết biển thì thôi chứ lỡ đứng trước nó rồi thì thấy như mình mắc nợ nó lúc chia xa. Lạ thiệt! 
Buôn Ama Thuột, 4/7/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, July 2, 2015

NỖI NIỀM CỦA RIÊNG AI

Tác giả ảnh: Quách Tùng Dương
   Thèm viết quá! Thế là chị mở máy tính lên để gõ lại những gì đã trải qua. Chị còn rờn rợn cái cảm giác lập biên bản đình chỉ thi của thằng nhỏ kia. Cứ như thể chị đã tước đi tương lai của nó. Nghiệt ngã quá trời ơi! Chị bắt đầu có chút hối hận vì theo nghề giáo. Ít ra, cũng đỡ phải thấy ăn năn mặc dù mình làm đúng quy chế.

   Đang lúc gọi tên thí sinh lên để thu bài làm, bỗng dưng cả phòng nghe tiếng chuông điện thoại đổ. Ngó khắp phòng, có đứa đang tái nhợt mặt mày loay hoay mò mầm túi quần. Chị chợt xé lòng, thôi xong rồi cậu học trò bé nhỏ ơi. Lập biên bản nhé? Chắc chắn rồi! Cấm mang điện thoại vào phòng thi mà. Năm nào cả nước cũng có thí sinh mắc lỗi này là sao? Nhưng thằng nhỏ đã quỳ lạy, khóc lóc van xin, nó gào thét xin thầy cô ơi, hãy cứu em. Đừng huỷ bài của em. Sao chị muốn tha cho nó quá vậy kìa. Chỉ cần cầm bài thi của nó, cho nó ký đã nộp bài rồi cứ vậy là xong chứ có gì đâu. Nhưng hỡi ôi, cái tiếng kêu đó nó vang xa quá. Người ngoài cửa sổ cũng ló mặt vô coi mà. Không cách nào khác nữa, phải vậy thôi. Nhưng chị day dứt…

    Phải chi đây không phải là kỳ thi Quốc Gia. Phải chi đây là một buổi kiểm tra cuối kỳ bình thường thôi thì chị tha cho nó cái rụp. Mấy năm trong nghề, coi thi bấy nhiêu bận. Chị lạ gì cái trò ghi tài liệu vô ống tay, dán tờ giấy công thức toán dưới nắp máy tính bỏ túi. Đứa ngồi trên ngồi nghiêng nghiêng cho đứa ngồi xéo ở sau thấy bài mà ghi. Chị cũng đã từng trải qua tuổi học trò, biết hết chứ, thông cảm lắm chứ. Có điều sự dễ dãi cũng có mức độ của nó thôi. Chị rất ghét nghe tiếng rột roạt giở tài liệu khi chị đang ghi dở cái đề kiểm tra. Mấy đứa đó coi thường cô giáo cũng một vừa hai phải thôi chứ. Chẳng thà là còn mười lăm phút cuối giờ, tụi nó thậm thụt chép vội vàng thì chị còn thương chứ không thèm cố nhớ một chữ nào mà hành động luôn như vậy. Chị ghét lắm. Đó, cả đời này, chị chỉ phạt những đứa như vậy thôi. Chị nguyện vậy rồi nhưng hôm nay…

    Đắng quá! Cái đắng thấm chầm chậm vô tim can rồi trào ngược lên cổ họng. Cái đắng khiến chị bẽ bang khi nghĩ về nghề. Chị yêu chi cái nghề nâng chân cho chim bay nhưng trước khi cất cánh, móng cựa của nó chọt mạnh vô tay mình để nó lấy đà nhảy. Chim bay rồi, có con còn quẳng lại ngó miền đất cũ nhưng có con bay luôn không về. Chim bỏ mặc những ông giáo, bà giáo như chị với sự săm soi của đời. Họ soi cái nết ăn nết ở của chị như đang xét nét tướng đi của cô người mẫu trên sàn trình diễn thời trang. Chị vẫn nghĩ chỉ cần không làm sai thì không bao giờ nếm trái đắng. Nhưng hôm nay…

    Ai gọi cho thằng nhỏ vậy trời? Chẳng lẽ những kẻ đó không biết giờ đó nó đang trong phòng thi sao? Mệt mỏi vì tìm tòi trong tưởng tượng, chị bỏ dở câu chữ, lên báo mạng đọc cho đỡ buồn. Bỗng mắt chị mở to, cổ họng khô khốc khi đọc cái tin thằng bé bị huỷ bài thi chỉ vì cú điện thoại của cha. Hai cha con ôm nhau khóc dưới sân trường. Chị bắt đầu sợ người cha ấy vì mặc cảm với con mà bỏ đi. Chị sợ mình là người liên can đến bi kịch ấy. Lạy trời, đừng ai nghĩ quẫn

     Dưới nhà, giai điệu cuối phim Cha Rơi vang lên. VTV Cần Thơ sao khéo chiếu tập cuối vô đúng thời điểm vậy? Ôi tình cha…
Buôn Ama Thuột, 2/7/2015
Tây Nguyên Xanh
Đây chỉ là sáng tác, không phải tự truyện.

No comments

Tuesday, June 30, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 8. MIÊN MAN VỚI NHỮNG ÂM THANH BÊN RẪY CÀ PHÊ

    Bảnh mắt ra và chu mỏ hôn ngày mới, tai của bất kể ai đang sống bên rẫy cà phê ở Tây Nguyên đều nghe tiếng kêu như trong video này: https://www.youtube.com/watch?v=WfPMc7_GlsM và các bạn hỏi 100 người thì đến 99 người cam đoan chưa thấy chim ấy bao giờ, dù có lúc nghe tiếng hót rất gần. Cảm ơn Facebook đã cho Tây kết bạn với những người chuyên chụp ảnh chim rừng để hôm nay Tây biết cái con hót ầm ầm cả rẫy ấy là chim Bắt Cô Trói Cột (Cuculus micropterus). Sáng nào nó cũng hót, nắng gắt thì còn im mồm chứ chiều mát, sắp tắt nắng thì chúng lại thò mỏ hót inh ỏi làm Tây tò mò muốn biết cái mặt nó lắm luôn.
Chim Bắt Cô Trói Cột - Tác giả ảnh: Trần Tuấn
    Những ngày chính thức bước vào mùa khô, nhất là khoảng thời gian ăn tết Nguyên Đán hằng năm, lúc mặt trời chuẩn bị ló ra đằng đông, các bạn còn được nghe tiếng con này nữa nè: https://www.youtube.com/watch?v=_8sg0WVgRDY . Cũng như Bắt Cô Trói Cột, tuy từ bé đã nghe tiếng hót này nhưng giờ Tây biết nó là con chim Tìm Vịt (Cacomantis merulinus).
Chim Tìm Vịt - Tác giả ảnh: Trần Quý Lễ
    Còn nhiều tiếng chim khác nữa nhưng dường như hai âm thanh ấy ám ảnh mãi cho những ai bỏ rẫy cà phê theo chồng làm dâu xứ lạ. Các cô gái Tây Nguyên lấy chồng xa xứ nếu bị mẹ chồng mắng mà nghe hai tiếng chim ấy hót ở đâu đó thì có mà khóc ngất luôn. Nhớ mẹ đẻ chịu chi nổi. He he. Chả thèm điêu đâu. Nói như thế để các bạn hình dung sự gần gũi của hai tiếng hót ấy. Chưa nhìn thấy chúng bao giờ nhưng người ta không muốn mất đi tiếng hót của chúng.
Chim Bắt Cô Trói Cột - Tác giả ảnh: Trần Tuấn
    Lúc chập tối, nếu các bạn đi du lịch ở vùng nông thôn Tây Nguyên thì còn nghe tiếng hù đồng thanh như kiểu xua gà ở trong rẫy cà phê nữa. Đó là tiếng các chàng trai người dân tộc thiểu số đi săn thỏ rừng. Một tốp khoảng bốn đến năm người bao bây rẫy cà phê. Họ đứng ở bốn góc của rẫy và hét dồn về trọng tâm rẫy cho thỏ sợ và chạy vào bẫy họ đặt sẵn. Họ cứ hét dồn như thế. Có hôm bắt được thỏ nhưng có hôm không có. Tây không cổ xuý cho việc săn bắt thú rừng nhưng rõ ràng hình thức săn thỏ theo kiểu như vậy cũng phần nào làm cho rừng núi Tây Nguyên có những âm thanh lạ mà quen.
---

     Kỳ sau Tây sẽ “dắt tay” các bạn vào thăm rẫy cà phê để xem các sinh vật bé nhỏ như kiến, ốc sên trong rẫy cà phê nhé. Nói chung là Tây không giỏi văn miêu tả nên chỉ có thể nói cho các bạn biết sự tồn tại của con nọ loài kia thôi. Hi hi.
Buôn Ama Thuột, 30/6/2015
Tây Nguyên Xanh
Xem các kỳ trước tại: Kỳ 1Kỳ 2Kỳ 3Kỳ 4 , Kỳ 5Kỳ 6Kỳ 7  
No comments

Monday, June 29, 2015

CHUYỆN CÂY VẢI THIỀU BÉN RỄ Ở TÂY NGUYÊN


    Đây là hình ảnh thu hoạch vải thiều ở Bắc Giang. Sau thu hoạch, họ đóng gói sản phẩm và lái xe chạy qua cầu phao để đem đi bán. Bắc Giang mấy nay lên tivi suốt là nhờ trái vải thiều. Sức mạnh của đặc sản thật là ghê gớm các cụ nhỉ? Hích! Tây Nguyên của em vào vụ cách đây một tháng rưỡi rồi. Nguyên nhân khiến Tây Nguyên cũng có vải là vì các cụ ở phía Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp. Họ nhớ hương trái quê nhà quá. Đem hạt vải từ quê vào Tây Nguyên trồng. Ối sồi là đất Tây Nguyên, màu mỡ lắm. Vải xanh tốt, lá mịn màng như da con gái tuổi mười lăm ấy. Có điều, cây vải quen sống ở vùng đất khô cằn, tự dưng được bén rễ nơi đất tốt, nó thành….cây vải đực. He he, Vải làm gì có cây đực, cây cái, chẳng qua mãi không chịu ra hoa đẻ trái nên mới có cái tên cây vải đực thôi. Nhưng rồi có cái sự vụ hay hay này mà Tây Nguyên trở thành đối thủ cạnh tranh với diện tích đất trồng vải với cả nước. Em hóng được trên báo như sau:

    Cái cô tên Mận, ở mãi đâu thị xã Buôn Hồ của tình Dak Lak nhà em, Cô ấy về từ Ninh Bình vào Tây Nguyên từ năm 1980 cơ. Năm 1991 cô về thăm quê, mang một bầu đất có cây vải thiều vào để trồng. Nó sống và xanh tốt lắm. Mỗi tội gần chục năm sau chả có quả bao giờ. Cô ấy muốn chặt lắm rồi nhưng một ngày nọ, cô đốt rác dưới gốc cây vải. Cây bị cháy sém đen thùi lùi, cô tưởng nó sẽ nghoẻo luôn. Ai dè, vài tháng sau, cây ấy ra hoa và đậu quả lúc lỉu khắp cây mới kinh chứ. Cô tò mò không chịu nổi, mon men hỏi người ngoài quê vì sao. Họ bảo rằng vì cây vải vốn sinh trưởng nơi đất xấu và khô cằn ở ngoài Bắc. Do đất Tây Nguyên màu mỡ quá, nó không muốn phải nuôi con để rồi xấu gái cho nên chả chịu đẻ trái. Phải xiết nước, hãm chất dinh dưỡng của nó, phải bắt nó sống kham khổ trong thời gian ngắn thì nó mới chịu ra hoa và kết trái được. Một đồn mười, mười đồn trăm. Kể từ đó, dân tình học lỏm và rủ nhau trồng vải trên khắp Tây Nguyên.

   Vào tháng 9 hằng năm, nông dân dùng dao sắc tạo rãnh sâu quanh vỏ gốc cây vải để ngăn cản chất dưỡng lên cành thì tháng 12 vải sẽ ra hoa và sau tháng 4 hằng năm thì Tây Nguyên bắt đầu có vải để nhem thèm dân miền khác nhé. Trong xóm của em, có mấy nhà trồng vải nhưng do không biết cách động nên đến giờ vẫn chưa có vải để em hái trộm. He he. Chắc phải bày cho họ để có mà thó thôi.

   Ngày xưa, học ở dưới Quy Nhơn, có anh chàng muốn tán chị gái cùng phòng với em hồi năm nhất thì phải khao cả phòng. Anh ấy vừa từ Bắc Giang vào nên mang một bọc vải sấy to uỳnh. Đó là lần đầu tiên em ăn vải sấy đấy. Và cũng chính thời điểm ấy, nông dân ở Tây Nguyên mạnh dạn trồng đại trà vải thiều để bán. Sau hai mươi năm tha hương và thất bại trong việc thuần dưỡng, những người con của đất Bắc xa xôi đã cho con ong Tây Nguyên được hút mật hoa vải thiều giữa đất trời mùa khô.
Buôn Ama Thuột, 29/6/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Vũ Duy Bội
Chữ ký trong ảnh là tên con gái của bạn ấy.
No comments

Sunday, June 28, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 7: BA NGUYÊN NHÂN CÃI NHAU ĐIỂN HÌNH TRONG GIA ĐÌNH Ở TÂY NGUYÊN


    Đây là ảnh cưới của một chàng trai người Kinh và cô gái người Ê Đê. Chàng từ Nghệ An vào Tây Nguyên lập nghiệp. Thế quái nào lúc đang liếc ngang liếc dọc thì đâm sầm vào ánh mắt của cô gái Ê Đê, thế là a lê hấp, yêu! Chàng yêu cô gái quá nên tổ chức đám cưới hài hoà giữa Ê Đê và Joan (người Ê Đê gọi người Kinh như thế). Người ta hỏi vì sao anh chọn “tộc” để lấy. Anh bảo hình như anh sinh ra là để yêu “tộc”. Từ đó họ bên nhau và hạnh phúc suốt đời. He he, nghe giống câu cuối cùng của các truyện cổ tích ấy nhỉ? Để mà sống đến đầu bạc răng long với nhau thì cũng phải trải qua vô vàn những cuộc cãi nhau chí choé nhỉ? Nhân cái sự vụ ngày gia đình Việt Nam, Tây kể vài lý do cãi nhau của các cặp vợ chồng làm nông ở Tây Nguyên.

    Làm nông thì đương nhiên là sống dựa vào nông sản. Những mà có được nông sản trong nhà rồi, bán làm sao cho được giá cao là cả một vấn đề. Ngày nào các cụ cũng mở tivi lên để xem bản tin giá cả thị trường. Vợ nói giá trên tivi như thế, bọn thu mua ở ngoài chắc mua đón then mấy giá nữa, hay mình bán một tạ anh nhé. Chồng bảo mấy nay thấy giá tăng đều, cái đà này thì còn tăng nữa. Đùng một phát hai hôm sau đó giá giảm mạnh. Bà vợ tiếc tiền nên gây sự cãi nhau với chồng thôi. Đấy là choảng nhau vì bà bảo bán ông bảo không hoặc ngược lại.

    Vào mùa mưa, người ta phải bón phân cho nông sản. Người ta cần một lượng mưa đủ lớn để hoà tan phân và tâm lý bao giờ cũng muốn bón vào chiều nay thì tối nay phải có mưa luôn. Nếu không thì họ cho là phân bị nắng làm bốc hơi đi mất, cây không hấp thụ được. Đầu giờ chiều, chồng ngóng cổ lên trời và thấy ở xa xa hình như có vài đụn mây hơi thâm đen. Vợ thấy nắng hãy còn to, bảo sợ không mưa đâu anh à. Chồng khẳng định sẽ có mưa. Chị chàng lục tục đổ kali và đạm ra trộn lấy trộn để rồi đi bón cho kịp mưa vào chập tối. Ai dè, ăn cơm tối xong, cả nhà ngước lên nhìn trời mỏi cả cổ mà chẳng có tí mưa nào. Ui cha là anh chồng bị vợ cằn nhằn. Một lý do cãi nhau cực kỳ kinh điển của nông dân.

     Kết hôn với người khác sắc tộc là một hành động đẹp. Không những về tình yêu mà đẹp cả về mối bang giao giữa các tộc người trong một nước. Nhất là ở “cái bãi sân sau của cả nước” như Tây Nguyên thì vấn đề hoà hợp sắc tộc luôn đặt lên hàng đầu. Nói không phải khoe, cả nước này có bao nhiêu dân tộc thì ở Tây Nguyên cũng có bấy nhiêu sắc tộc. Làn sóng di cư vào phá rừng làm rẫy vô cùng khó kiểm soát. Sống cận cư với nhau, phải lòng nhau và tổ chức đám cưới thì ai cũng hạnh phúc. Nhưng một thời gian sau, vợ hoặc chồng bị xúi là mày ngon như nọ như kia sao lại đi lấy cái thằng/con dân tộc. Nhất là người Kinh lấy người dân tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên thì càng hay bị dèm pha. Nếu không vững lòng thì hục hặc ngay. Khi cãi nhau, người Kinh hay mắng nhiếc chồng/vợ là người thiểu số rằng “đồ dân tộc ngu như lợn, biết cái quái gì mà nói”. Cưới người Kinh, người dân tộc thiểu số thường bị khinh rẻ do người ta bảo rằng họ thuộc dân tộc ít người. Kết hôn với người Kinh thì người dân tộc thiểu số ít khi được nắm giữ quyền chi tiêu trong nhà. Tất nhiên đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Không phải cứ cưới nhau khác sắc tộc thì xảy ra những sự việc đáng buồn như như thế.

    Cãi nhau vì ngoại tình, vì thiếu tiền và vì vô vàn những lý do khác trong xã hội đương đại thì ở Tây Nguyên cũng có nhưng nó không mang đặc trưng của vùng miền như ba nguyên nhân ở trên. Các vấn đề trên tưởng là bé nhưng nó đã khoét sâu vào hạnh phúc của rất nhiều người. Khi yêu ai cũng nghĩ cãi nhau là chuyện nhỏ nên chẳng ai “chịu học võ” để ngăn cản sự phát sinh của nó. Nghe nói cãi nhau cũng là gia vị của tình yêu. Mong rằng sống là phải cãi nhưng cãi là để hiểu và yêu nhau hơn.
---

Đây là ảnh cưới, mong rằng các bạn không phát tán ảnh kèm với những lời khiếm nhã. Ảnh được sưu tầm từ Facebook Nguyễn Lưu - chú rể trong ảnh.
Buôn Ama Thuột, 28/6/2015
Tây Nguyên Xanh
Muốn xem các kỳ trước thì bấm vào đây: Kỳ 1Kỳ 2Kỳ 3Kỳ 4 , Kỳ 5Kỳ 6
No comments