Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, July 16, 2015

RẮN LÀ MỘT LOÀI BÒ....SÁT KHÔNG CHÂN

   Thấy anh em chơi dòng ảnh macro ở Indonesia hưởng ứng ngày Rắn Thế Giới (World Snake Day) 16/7 nên Tây cũng a dua. He he. Dưới đây là một số loài rắn có ở rừng của Việt Nam ta. Ai đã từng nghe thầy cô “càm ràm” về cái lối học thuộc lòng “rắn là một loài bò, rắn là một loài bò…..sát không chân, sát không chân” thì điểm danh nào. He he. Cách mắng kinh điển của thầy cô đấy các tềnh êu nhể? Các bạn muốn biết bọn trong ảnh thuộc loại rắn gì thì bấm vào đây: Sinh Vật Rừng Việt Nam để tra cứu nhé. Tây ngu cái món sinh vật học lắm. Toàn đi lấy ảnh và nội dung các sờ-ta-tụt từ bên nhà anh ảnh về ịn lên trang mình thôi. Tây cũng học theo cái giọng của các chuyên gia để khuyên các bạn chút, he he, ấy là nếu không phải chuyên gia về bò sát thì đừng có tìm cách tiếp cận rắn. Nghe đồn đã có người chết oan vì phán một con rắn độc là trăn để rồi bị nó cắn chết ngay và luôn sau khi lại gần. 








Buôn Ama Thuột, 16/7/2015
Tây Nguyên Xnah
No comments

MỘT LÝ DO ĐÁNH NHAU KINH ĐIỂN CỦA HỌC TRÒ Ở TÂY NGUYÊN

Trẻ em Tây Nguyên - Tác giả ảnh: Thái Hồng Kỳ
    Đang đứng trên bục giảng, đôi lúc thầy cô ở Tây Nguyên bị cả lớp cúi xuống cười khúc khích sau khi nói một câu gì đó. Không phải học trò cười thầy cô đâu, họ cười vì thầy cô vô tình nhắc đến từ đồng âm với tên của cha hoặc mẹ một người bạn trong lớp. Chuyện này phát sinh do văn hoá gọi tên khác nhau của các vùng. Bọn học trò có gốc khác nhau, chưa đủ lớn để hiểu hết vấn đề nên cứ gọi tên xách mé nhau, Hồi đi học, mình chứng kiến nguyên nhân thế này:

     Người Nghệ có cách con tên con kèm theo tên cha. Ví dụ đứa con có tên Hoàng và cha tên Phi thì người ta gọi tên đứa đó là Hoàng Phi ơi. Chính bản thân người cha cũng gọi con kèm theo tên mình như thế. Cũng như câu cửa miệng kinh điển của người Nghệ là “mả xưng cha mi” rất dễ được phát âm từ chính miệng của người cha khi mắng con hoặc khen ngợi con. Câu ấy đóng vai trò là trợ từ ngữ khí giống như “sư bố anh/cô” của miền Bắc và “mồ tổ cha bay” của miền sông nước Nam Bộ. Quay trở lại với cách gọi tên con của người Nghệ, nếu đặt nó trong môi trường văn hoá giống nhau thì không sao. Đằng này tại nơi tứ phương hội tụ như Tây Nguyên lại nảy sinh kình lộn. Người Nghệ Tĩnh ở Tây Nguyên nhiều lắm. Con cái của họ học với bạn bè gốc Bình – Trị - Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…rất nhiều. Người các vùng này không thấy gọi con kèm tên cha.

     Bạn cùng xóm nghe thấy cha mẹ đứa nọ đứa kia gọi tên con có kèm tên cha. Đến lớp nó cũng gọi bạn mình y như vậy. Những đứa khác quê thấy cách gọi ngồ ngộ nên làm theo. Khi giận nhau chúng lôi tên cha mẹ bạn bè để gọi xách mé nữa. Thế là quánh lộn. Mình còn nhớ, thằng bạn trong lớp mình có cha tên là Tý. Có lần thầy giáo môn Vật Lý giảng về dao động cơ học của con lắc lò xo, thầy nói nhiều khi chỉ cần kéo con lắc ra một đoạn đường “tí tị tì ti” thôi cũng đủ gây dao động lớn rồi. Dưới lớp, học sinh ôm bụng cười với nhau làm thầy đỏ mặt. Sau buổi học, thằng bạn kia hậm hực lắm. Nó muốn đánh tất cả những ai đã cười tên cha nó. Nó rủ cả nhóm bạn thân đánh bọn khác nhóm luôn.


    Bè cánh thời phổ thông đa số được đứng đầu bởi các cán bộ lớp, đứa học giỏi được thầy cô cưng hoặc đơn giản là một học trò cá biệt. Nói xấu nhau, ghét nhau không phải là hiếm. Thầy cô hay tin lời cán bộ lớp nên lớp trưởng, lớp phó khá có quyền lực. Nghe nói đang có dự thảo Điều lệ trường tiểu học, trong đó đổi danh xưng Lớp Trưởng thành Chủ Tịch Hội Đồng Tự Quản. Ở cái tuổi ấy, các bé còn chơi trò sắm vai ông này bà nọ mà đã được tôn xưng như thế thì các bé dễ bị ảo tưởng mình ngang hàng với các ông chủ tịch của các tập đoàn. Khi mà ảo tưởng quyền lực tăng lên thì đánh nhau trong trường phổ thông sẽ càng khó kiểm soát hơn. Nhỡ các bé lên bậc học cao hơn, đánh bạn và hăm doạ không được kể lể với ai như vụ ném ghế vào đầu khiến nữ sinh bị điếc tai kia thì khốn. Xã hội sẽ có các thế hệ ảo tưởng sức mạnh. Nói chuyện với người hay ảo tưởng đã mệt rồi chứ đừng nói làm việc cùng!
Buôn Ama Thuột, 16/7/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Wednesday, July 15, 2015

BỜ BÊN KIA SÔNG…


    Đây rồi! Trời ơi, sau bao lâu tìm kiếm và chờ đợi thì cũng thấy được một tấm ảnh như thế này về Sài Gòn. Tác giả Trần Chí Kông ghi trên dòng chú thích ảnh là “Thủ Thiêm, Sài Gòn 2009”. Từ lâu mình đã muốn thấy (dù chỉ một chút cũng được) bờ bên kia của sông Sài Gòn. Năm 2011 vào đó, có được lên phà ở bến Thủ Thiêm để qua sông nhưng trời tối quá và chỉ qua rồi về chứ không thăm thú gì được. Ngồi bên này bờ quay lưng với các toà nhà cao và lộng lẫy để nhìn những ánh đèn leo lét xa xa bên kia sông gợi cảm giác khó tả lắm. Nó như muốn hỏi vì sao, như muốn trách cứ nhưng rồi tan biến sau cái cười nhếch mép, tự trả lời rằng sông có bên lở bên bồi, đời có nơi giàu nơi khổ.

   Mình không thích lối viết kể hết tần tật những mảnh đời nghèo của bên kia sông để rồi so sánh, đặt cạnh cuộc sống giàu sang buông thả của một vài người ở bên bờ này. Cái lối viết ấy như thể dằn mặt những ai đang cầm tiền trong tay và nó như đào khoét sâu thêm nỗi thiệt thòi của người nghèo. Mình thích những câu chữ nói lên cái nghèo, cái buồn nhưng không lem luốc. Buồn dìu dịu như con nước nhẹ trôi, len lỏi vào làng chài ven sông. Nơi ấy có những đứa trẻ chỉ cần qua phà sang bờ bên này thì có thể học trường “ngon” nhất nhì đất nước này nhưng chúng không được học ở đó vì “trái tuyến”. Chúng nó không lấy đó làm cớ suốt ngày rủa người giàu. Chúng lớn và học rồi cũng đến ngày chính thức được bước vào giảng đường đại học ở bên này sông. Khi thành công trong sự nghiệp, chúng chỉ nói một câu thôi, tôi lớn ở bờ bên kia sông Sài Gòn kìa. Nghe có vậy thôi, ai cũng hiểu sự thiếu thốn mà chúng đã từng nếm trải. Chẳng cần phải kể lể chì chiết quá khứ lầm than đâu. Mình vẫn thích chơi với những người vị tha với cái nghèo mà họ đã từng trải qua. Là mình đang muốn nói rằng mình chưa bao giờ được đọc thông tin cuộc sống của người sống bên bờ kia sông Sài Gòn. Chịu khó tìm kiếm chắc cũng có thôi nhưng sợ sự so sánh nên thôi.

     Hôm nay, anh Trần Chí Kông đăng đúng cái mình cần. Bức ảnh nom trầm buồn, có sự đối lập giữa hai bờ nhưng không qua rõ. Con tàu to uỳnh kia ai cũng biết nó sẽ đỗ bến nào nhưng vì nó đang ở giữa lòng sông nên như vẫn gieo tia hy vọng nó ghé bờ vắng. Nó hàm chứa bi kịch của cuộc sống. Nhiều khi con người ta biết mình khó có được nhưng vẫn ảo tưởng và cố giành lấy bằng mọi giá. Những cái chén được rửa sạch rồi úp ngay ngắn, phơi khô giữa bến. Chỉ có người quen lối sống bình dân mới có kiểu phơi chén như thế. Họ phơi nét chân quê nhưng không hề xoàng xĩnh trong mắt thiên hạ. Thú vị là chỉ qua một đỗi đường phà mà người ta như bước vào thế giới khác. Sài Gòn mâu thuẫn lắm. Cơ mà có lẽ nó phát triển là nhờ mâu thuẫn.
Buôn Ama Thuột, 15/7/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, July 14, 2015

TỰ DƯNG THÈM TÁO CHẤM MUỐI HẦM

   Tự nhiên lão Núi Xanh đăng cái ảnh táo ở trên cây làm mình nhớ thời sinh viên nôn nao cả ruột gan. Các cuộc tụ tập của bọn sinh viên hầu như cuộc nào cũng có táo xanh này. Táo chấm muối ớt. Cái thứ muối ớt được mấy bà buôn làm sẵn, chỉ gồm muối hầm trộm bột ngọt (mì chính) và ớt bột. Thế mà cả lũ ăn ầm ầm, vừa ăn vừa nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển.

    Nói đến đây, tự dưng thèm vị mặn chát của muối hầm (muối rang). Cái thứ muối được tạo ra bằng cách nung nóng muối thô (muối hạt, thu được nhờ làm bay hơi nước biển). Khi được nung nóng, các hạt tinh thể muối thô sẽ nổ ra thành những hạt bé bằng hạt muối tinh nhưng có màu sậm và đục hơn. Loại muối này có vị mặn thanh hơn muối tinh và muối hạt do đó thường được dùng để trộn muối tiêu, muối ớt, rắc trực tiếp lên thức ăn chứ không dùng để nêm nếm thức ăn.

    Lần đầu tiên nhìn hũ muối hầm ấy, mình còn tỏ thái độ như kiểu ta đây là người sạch sẽ không ăn muối bẩn nữa chứ. Do mình ăn muối tinh có trộn Iot được gói trong bịch ở Dak Lak quen rồi. Ở quê mình, đi chợ gần như chỉ có muối hạt để bỏ vào hũ ngâm dưa cà hoặc muối tinh để nêm nếm thức ăn thôi. Giờ nhớ muối hầm mà tìm không có.

    Lại nghe nói ở Hàn Quốc còn có một loại muối truyền thống gọi là “muối tre” (bamboo salt). Đây là loại muối thô được cho vào trong ống tre, hai đầu được bít lại bằng bùn đất rồi đem nung ở nhiệt độ cao. Trong quá trình nung, một số chất khoáng từ tre và bùn được hấp phụ vào muối do vậy chúng được xem có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe con người. Theo đó chúng được sử dụng trong phòng ngừa bệnh cũng như trong mỹ phẩm.

    Té ra mình chẳng biết gì về nghệ thuật dùng muối.

 Buôn Ama Thuột, 14/7/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Núi Xanh
No comments

Monday, July 13, 2015

NGHỀ LÀM NHANG (HƯƠNG)


    Hôm qua Ba đi Phố mua mấy ốp nhang. Bà bán quán bảo hương Bắc đấy, thơm lắm. Thế là mua. Mình thắp thấy cũng thơm thật. Khoảng hai tháng, Ba lên phố mua nhang một lần và mua khoảng năm ốp. Nhà mình có thói quen ngày nào cũng thắp nhang vào buổi sáng và tối. Ngồi ăn cơm trong tiết trời se se lạnh và ngửi mùi hương trầm tạo cảm giác ấm cúng dễ chịu. Thành thử, nhà mình đã sử dụng tương đối nhiều loại nhang hiện có trên thị trường.

   Đi mua mới thấy nhu cầu sử dụng nhang khá là đa dạng. Có người ưa nhang cháy xong cuốn ba vòng cho hên. Có người muốn nhang cháy xong tạo bụi trắng như cát trong lư. Có người lại muốn nhang cháy không có bụi. Còn như nhà mình thì muốn nhang cháy có mùi thơm, cháy được lâu, bụi nhang mịn và rơi gọn vào lư hương là được. Muốn được như vậy thì que làm nhang phải thật khô. Nếu phơi que nhang không kỹ, lúc cháy nó sẽ tạo ra các cột bụi nhang rơi xung quanh lư. Tất nhiên, đã nhang thì ai cũng muốn có mùi thơm lan toả khi cháy nhưng không phải ai cũng thích mùi Trầm Hương và cây Rễ Hương. Hình như mùi Trầm dễ khơi gợi một ám ảnh tâm linh nào đó nên trên thị trường còn có loại nhang gây mùi nước hoa nữa. Một bạn Facebook bảo nhang Bắc có thành phần là nhựa trám, keo, mùn cưa và vài vị thuốc bắc nên thơm lừng.

   Nơi khác làm nhang như thế nào thì mình không rõ nhưng mình thấy những người làm nhang ở ngay xóm bên cạnh thường dùng bã mía, mùn cưa, than, lá và rễ của cây Rễ Hương. Trầm Hương đắt và hiếm nên gần như chỉ có trong hỗn hợp bột cho vào khuôn để tạo các thỏi có tên chung là Trầm. Thỏi trầm nhìn như kim tự tháp ấy, chỉ khác là nó tròn xung quanh thôi. Người ta thường đốt các thỏi trầm trong các lò xông hương tạo không khí nho nhã ở chính thất. Bã mía bỏ vào càng nhiều thì nhang càng dễ tạo vòng sau khi đốt. Bởi vì bã mía có đường. Khi cháy, đường keo lại và dính chặt vào que nhang chứ không chịu rơi xuống. 

   Cách làm truyền thống là thế. Nhưng nghe nói có một cách làm nhang cháy tạo tàn vòng cung đó là ngâm tăm nhang vào trong axit photphoric để phản ứng với xenlulo có trong tre nứa tạo thành estephotphat. Sau khi phơi khô, nước bay hơi chỉ còn lại estephotphat. Khi đốt nhang, chất này sẽ bị thăng hoa và tạo thành anhidrit photphoric khi cháy sẽ làm cây nhang cháy nhanh và kéo tàn nhang có hình cong tròn. Khói nhang này có thể gây mờ mắt, tất nhiên! Vậy nên cứ nhang cháy là phải thành tro rơi lả tả xuống lư mới yên tâm được các bạn nhé.

   Mình đã từng ngồi lăn giấy cuốn bột hương vào que tre. Cách làm này khá tốn kém nên người ta thích sản xuất theo cách nhúng vào hồ tinh bột rồi lăn bột hương. Cứ lăn rồi nhúng và lăn thêm lớp bột nữa. Tuỳ vào đường kính cây nhang mà chu trình đó được lặp lại bao nhiêu lần. Nhưng mà ngày nay mình thấy người ta làm nhang bằng máy nhiều hơn. Họ trộn hồ tinh bột với bột hương theo tỉ lệ nào đó rồi cho vào khuôn. Cứ thế máy ép ra nhang rồi đem phơi đến khi khô thì đóng gói và bán.

   Que nhang ngày xưa có thể cháy được một tiếng rưỡi nhưng nay chỉ cháy được khoảng năm phút là hết. Để đảm bảo giá cả không tăng thì người làm nhang phải bớt độ dài của phần bột hương dính trên que. Ngày xưa chân nhang có độ dài khoảng một ngón tay trỏ rưỡi của các bạn, Còn ngày nay nó đã dài bằng hai ngón trỏ nối lại. Khách hàng quở quá nên người ta lại làm nhỏ đường kính cây nhang. Muốn như cũ thì buộc phải tăng giá như các mặt hàng khác.

   Ảnh minh hoạ trong bài viết được chụp ở làng nghề làm nhang thủ công Cao Thôn (Bảo Khê, Hưng Yên).
Buôn Ma Thuột, 13/7/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Trần Thi
2 comments