Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, July 23, 2015

EM CỨ ĐÙA ANH NỎ CHO VÀ NỎ LẤY, SAO MỀM LÒNG VỀ XỨ NGHỆ LÀM DÂU?

   Cái tựa đề bài viết là mình nhại một câu hát trong bài Điệu Ví Dặm Là Em mà trưa nay mình được nghe trong đám cưới của cô bạn cùng lớp đại học. Ông nội của bạn “nhổ neo” và lái con thuyền đưa cả gia đình vào Tây Nguyên sống. Nay có một chàng trai xứ Nghệ vào trong này “dụ dỗ” cháu gái của ông về đất Nghệ làm dâu. Hôm nay dự lễ vu quy của bạn nên có dịp được du hý ở cái huyện được cho là khỉ ho cò gáy một thời của Dak Lak. Đáng lẽ bài viết này có tên CƯ M’GAR cơ . he he.

    Cư M’gar! Viết như thế nhưng người Dak Lak gọi nó là Chư Mờ Ga hoặc Cư Mờ Nga. Năm trước có ghé thị trấn Quảng Phú của huyện một lần nhưng đường còn đang làm dở nên bụi quá, không ngắm đươc gì. Hôm nay mới thực sự được “phượt” Cư M’gar. Từ Buôn Ma Thuột, chạy thẳng đường Phan Chu Trinh nối sang Hà Huy Tập và cứ thế men theo tỉnh lộ 8. Chay ngang qua bìa rừng Cư H’Lâm. Ấn tượng vô vàn vì lần đầu tiên mình thấy cây rừng cổ thụ đấy. Thèm được vào chơi ở đó lắm nhưng phải chạy cho kịp giờ. Sau khoảng hai chục cây số, ba đứa con gái rẽ đường vào buôn Dong giữa bạt ngàn cây cao su. Nhờ lạc đường mà đươc trực tiếp thấy cảnh khai thác và nghiền đá làm xi măng ở xã Ea Kpam. Lâu nay thấy người ta rủ nhau sang Cư M’Gar lấy đá, mình không tin. Giờ thì tin rồi.
Tác giả ảnh: Trần Bảo Hòa
   Nếu như Krong Pak mình là “vựa cà phê” thì Cư M’Gar là “vựa cao su” của Dak Lak. Đường về thi trấn Quảng Phú, đâu đâu cũng thấy cao su xanh ngút ngàn. Ngày xưa, người ta đến Dak Lak bằng cách men theo quốc lộ 1A tới Ninh Hòa ( Khánh Hòa) thì leo đèo Phượng Hoàng để lên huyện M’Drak (dân ở đây gọi là Ma Đờ Rắc hoăc Mơ Đơ Rắc) rồi cứ thế thẳng tiến quốc lộ 26 qua Ea Kar và Krong Pak để lên thành phố Buôn Ma Thuột. Vì vậy quốc lộ 26 có tên trong lòng dân Dak Lak là “đường đi Nha Trang”. Những ngày sau giải phóng, Krong Pak được xem là huyện “đáng sống” chỉ xếp sau tỉnh lỵ. Ai được xếp công việc tại Cư M’gar thì họ sẽ nói là “bị đẩy đi Chư Mờ Ga”.

    Hiên nay, Cư M’Gar có dân số hưởng lương hưu chắc cũng nhất nhì Dak Lak vì công nhân canh tác cho các nông trường cao su được xét về hưu sớm hơn các loại cây trồng khác. Người ta muốn được về hưu sớm nên nạn chạy giám định sức khỏe để được cái sổ nhận tiền “hưu non” rất phổ biến. Dân cà phê cũng có nạn này. Bảo hiểm xã hội hãi ước vọng về hưu non của dân tình quá nên ra quy định mới rằng những ai sinh từ ngày 1/1/1966 trở về sau không được gọi đi giám định sức khỏe để làm thủ tục về hưu non nữa. Ai muốn chốt ngừng đóng bảo hiểm thì họ cho ngừng nhưng đến tuổi mới đươc hưởng lương hưu. Bi kịch nhiều lắm. Hôm nào mình kể sau.

    Người gốc Nghệ An ở Cư M;Gar rất nhiều. Chủ yếu là xã Nam Diên (huyện Nam Đàn) và xã nào đó của huyện Đô Lương thì phải. Họ được trộn với dân Bình Trị Thiên nữa. Huyện Cư M’Gar có cái ngã ba Cuôr Đăng (gọi là Chu Đăng) rất nổi tiếng trên quốc lộ 14 (từ Plei Ku sang Buôn Ma Thuột) vì ngã ba này đi vào hồ Ea Nhái và đi tắt sang Krong Pak để đón xe xuống Nha Trang. Đường của huyên này nay hoàng tráng lắm. Chẳng giống mô tả nơi chó ăn đá gà ăn sỏi như trong các câu chuyện kể ngày xưa.
Buôn Ama Thuột, 13/7/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Wednesday, July 22, 2015

CÂU CUỐI CÙNG CỦA TỜ DI CHÚC, CÁC BAN NÊN VIẾT GÌ?

    Các bạn đã bao giờ nghe chuyện một gã nọ sống nhờ miếng đất bé bằng cái bàn chưa? Tây kể cho mà nghe. Mỗi lần có người đến xin mua một dằm đất để an táng cho thân nhân mới qua đời, tên cai quản nghĩa địa luôn chỉ cho họ một miếng đất có nước ngầm ứa ra khi đào huyệt. Quan niệm của dân ta xưa nay muốn được chôn cất nơi khô ráo, sợ linh hồn người quá cố lạnh lẽo nên phải hối lộ cho tên quản trang một ít tiền mới được đổi miếng đất khác. Miếng đất ẩm ướt chỉ rộng bằng cái bàn trở thành kế sinh nhai cho môt kẻ đang sống.

     Các bạn đã từng nghe đến chuyện cháy rừng do dân đốt vàng mã ở khu nghĩa địa ngay bìa rừng chưa? Sáng 9/8/2014, có ông kia cùng vợ đến khu vực núi Bà Hỏa (Thành phố Quy Nhơn, Bình Định) viếng mộ người thân. Trong lúc thắp nhang và đốt vàng mã, ông sơ ý làm rơi tàn lửa xuống đám cỏ và thực bì khiến lửa bùng phát. Đám cháy sau đó lan rộng, làm thiệt hại hơn 20 ha rừng (10 đến 15 năm tuổi) của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn. Tổng thiệt hại vụ cháy rừng là hơn 1 tỷ đồng. Ông kia bi phat 3 năm tù.
Tác giả ảnh: Đăng Tuấn Trung
     Các ban đã từng nghe đồn thổi rằng thời phong kiến, có một thằng thù dai đào hài cốt của một người quá cố rồi táng thành thuốc súng bắn ra sông để rửa hận chưa? Trong nhân gian vẫn lưu truyền cái câu chửi đôc:“Mày sống cho đàng hoàng chứ không tao đào mồ mả cha me mày lên”. Nghe thất kinh! Có bao giờ các bạn cảm thấy cái tết chưa bao giờ trọn vẹn do đau đáu hướng về quê hương vì xuân về không đi tảo mộ gia tiên chưa?

    Tây hỏi lắm nhỉ? Chỉ là Tây đang muốn nói rằng trái đất đang dần dần trở thành cái nghĩa địa khổng lồ các bạn a. Chẳng ai muốn con cháu của mình sau này bị tên cai quản nghĩa địa làm tổn thương, bị phạt tù chỉ vì hiếu kính với chúng ta hoăc vì gánh nặng hương hỏa cho ông bà mà không vươn cao vươn xa đến đươc những chân trời tư do, đúng không? Vậy thì hãy chấm dứt hình thức địa táng nhanh nhất có thể.

    Miếng đất dành cho cái mộ của mỗi người có thể trồng được môt cái cây tỏa bóng xanh mát cho đời đời nghỉ chân. Với diện tích ấy cũng có thể kê một cái bàn nhỏ cùng hai cái ghế để con cháu chúng ta uống trà và tâm tình với nhau. Với diện tích các nghĩa trang, chúng ta có thể xây dựng nhiều tòa nhà nhằm mục đích sinh lơi cho xã hội

    Khi chúng ta bị chôn dưới đất, những con mối, con kiến sẽ cắn xé da thịt. Những giọt nước từ cơ thể chúng ta sẽ ngấm vào mạch nước ngầm. Cư dân sống xung quanh nghĩa địa chết dần chết mòn vì nguồn nước ô nhiễm. Vậy nên câu cuối cùng của bản di chúc, các bạn nên viết câu ước nguyên được hỏa táng và thả tro cốt ra sông, ra biển hoặc dùng bón cho cây cối trên rừng của quê hương. Chẳng có ai nỡ đốt những người mình yêu quý thành tro đâu. Chỉ khi vâng lời di chúc mới dám làm thôi. Môt dòng viết ngắn hoặc một lời dặn sau cùng của các bạn sẽ góp phần thay đổi tư duy cho nhiều thế hệ. Các bạn đừng sợ con cháu mất gốc gác quê hương khi không còn về thăm mồ mả ông bà tổ tiên. Từ khi sinh ra, mỗi người đã bị ràng buôc bởi tờ giấy khai sinh rồi. Đi đâu, làm gì cũng đòi giấy khai sinh. Chay đâu cho thoát hai tiếng “quê nhà”.

   Thế nên đừng so bì ganh ti cái chính sách dành đất cho phần mộ của vợ hoặc chồng của cán bộ cao cấp các bạn nhé. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều vĩ nhân muốn đươc hỏa thiêu đâu các bạn ạ. Vì họ tiến bộ đấy. Chúng ta không là vĩ nhân nhưng chúng ta muốn con cháu mình tiến bộ. Gõ bài này xong, tự dưng nhớ câu của người Nghệ Tĩnh: “Chết trước được mồ đươc mả, chết sau lấy lả mà hui”.
Buôn Ama Thuôt, 22/7/2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Monday, July 20, 2015

LẠI THỬ LẠM BÀN VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH GIỌNG NÓI VÀ TỪ NGỮ ĐỊA PHƯƠNG.

    Mình không đồng ý với cách giải thích là do nguồn nước nên giọng nói người các miền khác nhau. Bởi vì người Sài Gòn ra Hà Nội mà cố giữ giọng miền Nam thì có uống cạn nước con sông Hồng cũng vẫn thế. Nhưng các bạn có thấy là nếu chúng ta lọt thỏm trong môi trường giọng nói hoàn toàn khác biệt. Các bạn thấy hơi “lạc loài” một chút và có xu hướng pha giọng của mình hoặc nếu muốn thì sẵn sàng uốn lưỡi và nói hẳn cái giọng của người nơi ấy không? Mỗi một người đểu có thể thay đổi được giọng nói nếu biết điều khiển luồng khí trong miệng và uốn éo lưỡi theo hướng khác thường.

    Người thượng cổ cũng thế, họ bị những kẻ mạnh hơn truy sát để nhằm chiếm đoạt nơi cư trú và tài sản. Để bảo vệ tính mạng, họ phải chạy trốn. Họ tìm những vùng đất hoang vắng mà sống. Lỡ bị bắt gặp, họ không nói bằng giọng cũ nữa. Họ cố nói lạc giọng đi để chứng minh mình là người bản địa. Chẳng những họ nói chệch giọng đi mà còn dùng một số từ ngữ khác để ám thị cho sự vật, sự việc. Giọng mới và hệ thống từ ngữ đia phương được hình thành từ đây. Ban đầu chỉ nghe như lạc giọng thông thường thôi nhưng trải qua nhiều thế hệ con cháu thì giọng được trau chuốt hơn và hay dần lên.
Tác giả ảnh: Minh Ngọc
    Từ đây mình kết luận rộng hơn rằng sự hình thành ngôn ngữ của các dân tộc trên thế giới là kết quả sau cùng của sự biến đổi giọng và xây dựng từ địa phương. Riêng người Việt ta, biểu đồ độ cao của âm từ Bắc vào Nam có hình chữ U. Theo khảo nghiệm vớ vẩn của mình là như thế.

    Từ giọng cao vút, chặt lưỡi ở Bắc Bộ, người ta thổi hơi ra nhiều để hạ giọng xuống dần từ Thanh Hoá cho đến hết đất Quảng Trị. Sang đất Huế, người ta vớt hơi và luồn khí vào mũi để hình thành âm mũi. Giọng Huế ở ngay đường cong gần đáy của chữ U. Giọng Quảng Nam – Đà Nẵng và Quảng Ngãi có biên độ ngang, khi họ phát âm cứ như cái lưỡi bị ai đè xuống. Bình Định và Phú Yên nằm trên đường cong gần đáy còn lại của chữ U. Từ Khánh Hoà trở vào, giọng cao dần lên đến miền sông nước Cửu Long thì trong veo và nhẹ tênh ở đầu lưỡi.

     Nếu như nhận định của mình là đúng thì đáng thương cho dân tộc Việt Nam quá. Trải qua biết bao nhiêu cuộc nhồi da xáo thịt, tổ tiên chúng ta đã vừa đi tìm vùng đất mới và trong cái khó đã ló cái khôn. Họ xây dựng hệ thống phương ngữ phong phú như ngày nay. Không những giọng các tỉnh khác nhau mà thậm chí trong một tình có các huyện nói giọng khác nhau và khó tin hơn nữa là trong một huyện vẫn có các xã nói giọng khác nhau.    


     Mình nêu ra ý kiến như thế, chờ đợi lời phản biện của các bạn!
Buôn Ama Thuột, 20/7/2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Sunday, July 19, 2015

VIẾT VĂN BÂY GIỜ CŨNG KHÓ GHÊ



Viết văn bây giờ cũng khó ghê

Dù rằng cầm bút rất say mê

Cảm xúc ở đâu cứ tuồn về

Nhưng mà bài viết vẫn bị chê



Bởi nay người viết sao nhiều thế

Thông tin xoi mói đủ trăm bề

Ta thêm bài nữa e là tệ

Đành im cho đời bớt nhiêu khê.

Ảnh trong bài viết là các giai đoạn phát triển của nấm Trứng Gà

Buôn Ama Thuột, 19/7/2015

Thơ: Tây Nguyên Xanh

Ảnh: Vũ Mạnh Tư
No comments

THU HOẠCH CỦ BÌNH TINH


   Mình không biết trước khi con người xẻ rừng Tây Nguyên để kiếm đất sống thì mảnh đất này có cây Bình Tinh (Huỳnh Tinh, Hoàng Tinh, củ Dong), Riềng, Gừng, Nghệ… mọc hay không. Còn bây giờ thì mình thấy Tây Nguyên cũng là một nguồn cung cấp các loại củ của các cây ấy cho cả nước. Bên dưới là hình ảnh thu hoạch củ Bình Tinh. Tiếng Anh gọi củ Bình Tinh (tên khoa học: Maranta arundinacea) là Arrowroot bởi vì người ta thấy hình dáng nhọn hoắt và họ tin nó có thể chữa lành các vết thương do tên bắn trúng. Nghe nói bột Bình Tinh gắn liền với tuổi thơ ăn dặm của nhiều người, Còn mình thì nhớ mấy lần ngồi chà củ để lấy bột với bác hàng xóm để làm bánh Thuẫn ngày Tết.

   Mấy ngày cận Tết Nguyên Đán, trong tiết trời nắng đỏ, người Tây Nguyên đào các loại củ để làm mứt hoặc táng thành bột. Nay có máy xay rồi chứ ngày xưa Bình Tinh được mài trên một tấm sắt được đục lỗ. Tấm sắt ấy có một mặt trơn và một mặt nhám. Khi đục, mặt bị mũi đinh đè lên thì trơn còn mặt sau sẽ nhám do sắt bung ra. Người ta mài củ Bình Tinh trên mặt nhám. Mài xong củ, người ta dầm trong nước rồi đổ bã vào vải màn vắt cho bột sa xuống nước. Cuối cùng là đổ nước bột vào vải lụa để nước thấm ra dần dần. Khi nước không nhỏ giọt nữa thì bột được phơi nắng cho đến khô. Cái nắng đỉnh điểm mùa khô Tây Nguyên trong mấy ngày cận Tết không đùa được đâu. Các trai ở miền Bắc lạnh teo cả của quý còn gái Tây Nguyên lại mặc càng mỏng các tốt. He he, thảo nào mùa khô, trai miền Bắc hành quân vào Tây Nguyên du lịch rầm rầm.

   Người gốc Quảng Nam, Quãng Ngãi và Bình Định ở trong xóm của mình dùng bột Bình Tinh đã làm bánh Thuẫn. Cách làm bánh thuẫn và tác dụng y học của bột Bình Tinh thì các bạn gõ Google nhé. Kẻo gõ ra đây, các bạn lại than status của Tây lúc nào cũng dài lê thê. He he. Mới đầu nhìn ảnh, mình tưởng là thu hoạch cử Nghệ cơ. Nhưng tác giả ảnh bảo là củ Bình Tinh. Vì là cây Bình Tinh trong xóm mình nhìn nhỏ hơn, chắc do đất ở chỗ mình cằn cỗi hơn.
Buôn Ama Thuột, 19/7/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Tra Nha
No comments