Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, July 31, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 10: XE TO XE NHỎ

   Hôm qua Ba nói Má đưa tiền để thay cặp lốp xe máy. Ba biểu thay mới cho xe to rồi lấy lốp cũ thay cho xe nhỏ. Trái ngược khái niệm to nhỏ áp dụng đối với vợ, xe tậu về trước được gọi là xe nhỏ, xe càng về sau là xe to. He he. Xe to dùng để đi chơi, xe nhỏ quanh năm dính bùn lầy trên đường ra rẫy. Ở Tây Nguyên bây giờ, khái niệm ấy phổ biến lắm. Cái xe như trong ảnh dưới đây được cho là xe nhỏ.
Tác giả ảnh: Ngô Văn Khánh
    Dân Tây Nguyên cũng như cả nước, một thời vênh mặt với đời khi sắm được chiếc Super Cub Giọt Lệ (dân quen miệng gọi là Cối 81) hoặc Honda Citi màu đỏ choét. Nhưng sang năm 2000, người ta bắt đầu thích sắm Dream của Thái Lan. Những nhà có hai loại xe trên lại bán cho những nhà không có rồi thêm tiền mua Dream. Ngồi trong rạp ăn cưới, nhòm ra cửa rạp ngắm mấy cái xe, các cụ ông phán xe nọ xe kia là Dream Thái với cả Dream Tàu như chuyên gia cơ khí. Cãi nhau bất phân thắng bại, các cụ chép miệng, nói câu sau cùng rằng thằng Tàu nhái cái gì cũng giống các ông nhỉ? He he, huề vốn!
     Thời kỳ kinh tế cả nước khủng hoảng, giá cà phê rớt xuống có mười nghìn đồng một ký lô gam. Thảm sao mà thảm! Dân cầu trời khấn Phật cho nó lên mười lăm nghìn. Nó lên thật và trào lưu sắm xe lại sốt lên xình xịch. Sau năm đó, người ta lại chuộng Wave. Nhưng bây giờ, dân Tây Nguyên lại sắm xe gạt côn tay như Yamaha Exciter cho con trai và các loại xe tay ga cho con gái. Buôn xe máy ở đây phát đạt lắm.
     Trong một gia đình ở nông thôn Tây Nguyên hiện tay, thường có ba hoặc bốn cái xe. Hai bố mẹ chung một xe đi rẫy và đi chợ. Hai đứa con mỗi đứa mỗi chiếc. Xe càng tối tân càng được xếp ở vị thế cao. Chúng hầu như dùng để đi đường rải nhựa. Các xe cũ rich quanh quẩn trên đường ra rẫy.
      Khoảng mười năm về trước, sáng sớm các bạn còn dễ được nghe tiếng ken két, ót ét phát ra từ chiếc xe đạp chứ bây giờ hơi khó. Dân đi xe máy đi làm rẫy hết rồi. Nạn rút trộm xăng tự dưng lên ngôi. Rẫy ai cũng cách nhà ít nhất nửa cây số. Giá xăng tăng cao nên bọn trộm đi dọc các bờ lô nông sản. Nhân lúc chủ xe đang lúi húi làm trong lô, xe dựng ở bìa lô bị rút xăng do các xe cũ thường có ống xăng lộ ra ngoài.
    Thế nhưng Tây Nguyên bây giờ, cũng như cả nước, các gia đình đang có con học phổ thông đều săn lùng xe phân khối nhỏ như Super Cub và Honda Citi để cho con chạy đi học thêm. Cốt là nhằm dễ bề ăn nói khi công an giao thông tuýt còi. Nghe nói thanh niên ở phố đang có trào lưu săn các loại xe đời cũ này để “độ” lại. Té ra xe cũng như bao nhiêu vật dụng khác. Sản phẩm mới sản xuất liên tục và sản phẩm cũ vẫn được chuộng bởi những người hoài niệm.
Buôn Ama Thuột, 31/7/2015
Tây Nguyên Xanh
---
Các bạn bấm vào Kỳ 1Kỳ 2Kỳ 3Kỳ 4 , Kỳ 5Kỳ 6Kỳ 7  Kỳ 8Kỳ 9 để xem lại từ đầu nhé
2 comments

Monday, July 27, 2015

DỊCH VỤ ĐƯA ĐÓN KHÁCH ĐI KHÁM Ở VIỆN KÝ SINH TRÙNG QUY NHƠN

    Chú út gọi điện vào, than dạo này hay đau đầu. Nghe kể triệu chứng giống mấy người bị sán não nên ba xúi chú vào viện Ký Sinh Trùng ở Quy Nhơn mà xét nghiệm. Cháu gái bồi thêm một câu rằng các bệnh viện trong Sài Gòn còn gửi mẫu về Quy Nhơn xét nghiệm nữa đó chú. He he, anh chàng vào Dak Lak chơi và định bụng sẽ bắt cóc ba của mình cùng xuống Quy Nhơn. Sau vài cuộc thăm thú nhà họ hàng xôi ở trong này, cả nhà mới hay có cái dịch vụ bao tiêu khám chữa bệnh ở tỉnh xa.
Thắng cảnh Eo Gió (Quy Nhơn) - Tác giả ảnh: Tiến Luyến
    Ở Dak Lak của mình, hễ đau đầu là các cụ nhớ đến quảng thời gian hay ăn thịt bò tái và nghĩ ngay đến giun sán làm tổ trên não và họ kéo nhau về viện Sốt Rét – Ký Sinh Trùng – Côn Trùng Quy Nhơn (dân quen gọi là bệnh viện Ký Sinh Trùng). Nếu đúng bệnh thì uống một liều thuốc là dứt cơn ngay. Lên xe lúc năm giờ tối, khoảng 1h sáng tới nơi rồi trọ ở nhà nghỉ nhà xe chuẩn bị sẵn. Đến sáng, các tài xế chở khách vào bệnh viện. Mọi người đưa giấy chứng minh nhân dân cho tài xế để họ chạy vào “chỗ quen” bốc số thứ tự. Khoảng năm phút sau, từng người nối đuôi nhau vào lấy máu. Trong thời gian chờ đợi kết quả, nhà xe chở khách đi tham quan phố biển Quy Nhơn một vòng. Đến khoảng 9h sáng, nhân viên bệnh viện gọi điện thoại cho tài xế thông báo có kết quả thì họ chở khách trở lại lấy giấy và mua thuốc. Xong xuôi mọi việc thì trở lại quê nhà.

    Cái mình thấy thú vị ấy là dân làm cà phê nơi mình sống hễ nghi ngờ đến giun sán thì chỉ nghĩ đến viện Ký Sinh Trùng ở Quy Nhơn chứ không màng đến Sài Gòn hay Đà Nẵng. Xe làm dịch vụ đưa đón người đi khám bệnh ấy có khách liên lục. Điều này có thể giải thích rằng do đội ngũ giáo viên ở Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung toàn từ lò đại học Quy Nhơn mà ra. Có rất nhiều kế toán trong các cơ quan hành chính sự nghiệp được đào tạo từ trường trung cấp kế toán Nghĩa Bình cũ (nay là đại học tài chính kế toán Quảng Ngãi). Chính các cựu sinh viên này đã tích cực quảng cáo cho bệnh viện Ký Sinh Trùng Quy Nhơn.
Thắng cảnh Eo Gió (Quy Nhơn) - Tác giả ảh: Tiến Luyến

     Mình cũng là sinh viên đại học Quy Nhơn. Nói không phải nổ giùm cho Quy Nhơn chứ nghe nói người khắp cả nước về bệnh viện Đa Khoa Bình Định để chữa các bệnh liên quan đến hệ thần kinh. Hồi sinh viên, mình được nghe họ đồn là người dân thành phố Quy Nhơn tự hào có bác sĩ (tên gì đó mà mình quên rồi) được mời ra Hà Nội làm ở khoa thần kinh với chế độ đãi ngộ cao. Nhưng ông thẳng thừng tuyên bố ông không đi đâu hết, quê ông ở đây thì sống ở đây thôi. Nhằm nhấn mạnh tính chính xác, họ còn bảo con của ông quan to ngoài trung ương đưa con vào Quy Nhơn chữa bệnh. Mới có điều trị vài ngày mà bà vợ té xỉu vì bất ngờ với thành công ngoài sức tưởng tượng. Cái năm toàn dân đi bỏ phiếu bầu đại biểu quốc hội mới vui. Mấy đứa sinh viên quê Bình Định khuyên dân ngoại tỉnh như mình gạch tên vị bác sĩ ấy ra. Họ muốn bác sĩ chuyên tâm chữa bệnh cứu người chứ không muốn ông tốn thời gian vì chính trị.

    Mong là Quy Nhơn thu hút được nhiều nhân tài cho nó phát triển để con oắt Tây Nguyên Xanh hễ há mõm khoe dân đại học Quy Nhơn thì có ngay cả bọn xun xoe vuốt ve. He he.
Buôn Ama Thuột, 27/7/2015
Tây Nguyên Xanh
8 comments

Sunday, July 26, 2015

VỢ CHẾT RỒI HOÁ RẮN VỀ GIỮ CHỒNG

Tác giả ảnh: Võ Huy Hoài
    Có khách, ngồi hóng chuyện nghe Liêu Trai thôi rồi. Theo lời khách thì chuyện này có thật ở một tỉnh của Tây Nguyên. Có cô kia bị ung thư gì đó nhưng nghe nói chữa được lành rồi (?!) Bỗng dưng cô đột tử. Vào ngày mở cửa mả (cúng ở mộ sau ba ngày chôn), người ta thấy một con rắn hổ đất đen ngòm ngỏng đầu nằm trên mộ. Thấy đông người đến cúng nên nó tránh đi. Những tưởng chỉ có thế thôi.

    Hôm giỗ 100 ngày, trước sự chứng kiến của 7 mâm khách, một con rắn hổ đất như hôm nọ trườn vào cửa nhà và chạy đến quấn quanh bụng chồng. Nó không cắn ai cả, nó chỉ cuốn chồng thôi. Anh chồng đưa tay nâng ly rượu, rắn ngỏng đầu về cánh tay. Anh chồng và hai đứa con khiếp đảm. Họ lấy gậy đập rắn nhưng cứ đập trúng là nó biến mất rồi hiện lại. Người ta bắt đầu nhớ lại rằng cô vợ cầm tinh con rắn và mất ngày 1 tháng 1 năm Quý Tỵ. Họ nghĩ là hồn cô ấy nhập vào rắn. Anh em họ hàng ra Bắc thỉnh thầy ở chùa Hương vào trong này cúng để xua rắn đi. Nhưng nó không đi. Ban ngày nó trườn lên bàn thờ nằm. Ban đêm, người chồng có đóng cửa chặt đến đâu thì rắn cũng nằm bên dưới gầm giường. Và dù có ghém màn kín cỡ nào thì nửa đêm rắn cũng mò lên giường ngủ và trườn lên bụng chồng. Mỗi tháng, rắn vắng nhà vào ngày mồng 1 và ngày 15 âm lịch.

    Sau một năm rưỡi sống chung với rắn, lạ kỳ thay, hai đứa con không còn sợ nó nữa. Đi học về, quăng cái cặp xuống giường xong là chúng lại bàn thờ mẹ để tìm rắn để vuốt ve. Nay rắn dài gấp đôi hồi mới đến. Người chồng kinh hãi một thời gian dài nhưng dần rồi cũng quen. Anh ấy là có máy ảnh nên chụp có nhiều kiểu ảnh với rắn. Anh chỉ cần ngửa bàn tay thì rắn gối đầu vào lòng bàn tay anh.


    Chuyện này gây hiếu kỳ cho những người xung quanh và anh cũng sợ con cái bị ảnh hưởng khi các nhà báo đến tìm hiểu nên bây giờ ai hỏi con rắn còn ở nhà nữa không. Anh trả lời ngay rằng không nhưng đồng nghiệp của anh thì biết rõ rắn hẵng còn bên anh. Anh ít đi đến nhà người khác chơi vì sợ rắn đi theo làm kinh hãi mọi người. Anh chồng chắc không thể đi bước nữa vì… rắn.
Buôn Ama Thuột, 26/7/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments