Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, August 7, 2015

SAO?



Sao em làm khổ anh thế?

Một đời thương nhớ, một đời đau

Sao em keo kẹt với anh thế?

Một chiếc hôn dài, một cái nắm tay cũng trao anh nhỏ giọt.

Sao em lạnh lùng với anh thế?

Biết anh nhìn mà em vẫn nỡ vui vẻ với ai kia

Sao em hay đùa với anh thế?

Câu yêu nói vội để rồi anh sống như người lãng tai.

Sao em đáo để với anh thế?

Luôn cãi lời mỗi khi anh dặn dò tâm sự

Sao anh hỏi em nhiều thế?

Xa anh rồi em mới biết nghĩa ai chữ yêu thương…

***
Buôn Ama Thuột, 7/8/2015

Thơ: Tây Nguyên Xanh

Ảnh: Sơn Bọ 
No comments

TẢN MẠN VỚI TRÁI KHÓM (DỨA, THƠM)

Tác giả ảnh: Phạm Tên
    Nhìn cái ảnh thu hoạch khóm này lại nhớ kỷ niệm lần đầu tiên nghe từ “trái khóm”. Cái đêm nọ, có chị kia ngồi ở vỉa hè trước cổng trường đại học Quy Nhơn, nói giọng Quảng Ngãi chào mời mua khóm đi em. Khóm Quảng Ngãi ngon lắm á. Mình nói sao nó giống trái thơm quê em và trái dứa của miền Bắc quá vậy chị. Chị ấy biện luận đủ thứ. Nào là nhìn vậy mà không phải vậy. Trái thơm với trái dứa là một nhưng khóm thì khác à nha. Khóm có mắt to hơn. Ở ngoài đó không có nắng quanh năm như trong này. Trái có nước nhiều chớ không ngọt như khóm Quảng Ngãi. Quảng Ngãi quê chị nắng ghê lắm. Cái gì sống được ở trên đất quê chị cũng bùi, thơm và ngọt hơn các nơi khác.Tùm tum tà la lời biện hộ khác nữa. Nghe cứ buồn cười nhưng thích cái tinh thần chịu khó lắt léo bán hàng nên mua cho chị ấy. Với lại thú thật là lúc đó cũng thèm khóm.
   Mình thuôc loại siêng ăn nhưng nhác làm. Đớp khóm nhai ngấu nghiến nuốt ực một phát nhưng mà cái công đoạn chọt mắt khi gọt thì ôi thôi, nản lắm thay! Gọt khóm là cả một công trình nghệ thuật và mang hàm ý triết học cao. He he. Mình tin là thế. Nó luyện tính nhẫn nại và sự khéo đặt dao lích mắt ra. Dân chuyên nghiệp gọt là biết ngay. Nhát gọt ngọt như vị khóm. He he. Có người trực tính, ưa nhanh nên gọt phàm tay cho cả vỏ lẫn mắt đi tong một lần. Kết quả thu được chỉ là cùi lõi có dính lớp ruột khóm tròn nhẵn. Còn những kẻ keo kẹt và lười biếng như mình thì gọt vỏ sợt ra tí thôi rồi cố nắm chặt và lích mắt. Nước rỉ ra từ khóm nhỏ từng giọt xuống sàn nhà. Cái tâm lý sợ mất mát nó gây ra sự thể thế đấy. Mình thầm phục những người gọt khóm với phong thái nhệ tênh. Họ cầm hờ hững trái khóm nên nước không bị bóp ra nhiều. Nom tay họ như đỡ trái khóm hơn là cầm nắm.
   Sau này đọc Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam mới thấy quen dần với từ khóm. Phải nói rằng cái từ khóm được phát âm theo giọng miền Nam nghe dân dã và ngọt lừ lắm luôn. Quanh năm nhà mình cũng có đôi trái khóm để ăn chứ hiếm khi phải mua. Ban đầu trồng mấy bụi xung quanh bốn bề hàng rào. Sau mỗi lần hái trái rồi bẻ cây con bên trên và cắm xuống đất thì đến nay nó khít hàng rào. Không nhớ ai dọa nhưng nhớ lời hù rằng coi chừng ăn dứa bị ngộ độc chết toi vì ban đêm rắn bò lên cắn hút nước. Nghe ba láp ba sàm dễ sợ. He he. Chắc ai đó sợ bị trộm khóm nên phao tin vớ vẩn.
Buôn Ama Thuột, 7/8/2015
Tây Nguyên Xanh

    
No comments

Thursday, August 6, 2015

HỒ EA NHÁI

  Khi cái hồ này chưa xây thì nơi mình sống đầy rẫy giếng. Giếng được đào để mùa khô tưới nước cho cà phê. Cái nào cái nầy cứ tơ hơ giữa trời, chẳng đậy điệm gì cả. Người lớn cấm trẻ con ra phía bờ lô (ở đây gọi rẫy là lô. Lô trong lô đất ấy). Phía sau nhà mình là bạt ngàn lô cà phê của công ty. Các ông bố bà mẹ sợ con bị rớt giếng. Nhưng nay đa số giếng đã làm nắp rồi vì chẳng dùng đến nữa. Thay vào đó là họ đào hệ thống kênh mương, xây dựng các phai để điều tiết nước về tận rẫy của công nhân.
Hồ Ea Nhái - Ảnh: Lê Bu
   Cái hồ này chính là nguồn nước cho hàng trăm hecta cà phê, là nguồn sống của hàng trăm công nhân canh tác của nông trường Thắng Lợi. Nó tên là hồ Ea Nhái. Cái tên này được đặt do ngay bên cạnh buôn Nhái, đi sâu thêm nữa là buôn Riêng B và Riêng A của cộng đồng người Ê Đê. Trong tiếng Ê Đê, Ea có nghĩa là suối. Thực ra trước đây nó chỉ là một cái suối tự nhiên, chảy mải miết rồi hòa mình vào dòng sông Krong Pak. Người ta lợi dụng mạch nước tự nhiên nên đã đào thành cái hồ chứa nước. Mạch chảy của con suối này cắt ngay quốc lộ 26 (đường đi Nha Trang) ở ngay km 19 (tính từ bùng binh ngà sáu Buôn Ma Thuột). Người ta quen gọi là cầu 19. Trên cầu 19 có cái chợ nên gọi là chợ 19. Đây là chợ quê của chủ trang Tây Nguyên Xanh đấy.
    Các bạn có thể hình dung vị trí của hồ Ea Nhái như sau. Trước mặt siêu thị Coop Mark Buôn Ma Thuột là nút giao nhau của quốc lộ 14 (nay là đường Hồ Chí Minh chạy qua Tây Nguyên) và quốc lộ 26. Hai quốc lộ này nằm trên hai cạnh lớn của chữ A in hoa. Hồ Ea Nhái nằm giữa cạnh nối của chữ A. Từ siêu thị Coop Mark Buôn Ma Thuột chạy theo hướng đi Gia Lai, đến ngã ba Chu Đăng (viết là Cuôr Đăng). Từ đây các bạn rẽ sang tay phải, chạy thêm hì sẽ tới hồ Ea Nhái. Tương tự, các bạn chạy từ thành phố Buôn Ma Thuột đến ngay cột mốc km18 trên đường đi Nha Trang rồi rẽ sang tay trái và chạy khoảng 2km nữa là đến hồ.
    Con đường tỉnh lộ nối hai quốc lộ 14 và 26 này cực kỳ nổi tiếng bởi vì nó nối tình đồng hương xứ Nghệ của nhân dân hai huyện Krong Pak và Cư M’Gar. Cũng là người thuộc huyên Nam Đàn tỉnh Nghệ An, nhưng người thuộc xã Nam Diên khi di cư vào đây lại canh tác cao su ở xã Ea Đrơng của huyện Cư M’Gar. Còn người thuộc xã Xuân Hòa và xã Nam Anh vào đây canh tác cà phê, lập nên xã Hòa Đông của huyện Krong Pak. Ngày xưa các cụ đi hát ví giặm trong những đêm trăng, thế rồi yêu và cưới nhau. Thành ra ở các xã hay có mối thâm tình với nhau. Vào trong này, xa quê nên cố gắng bắt liên lạc với nhau. Hơn nữa, đây là con đường để đi tắt sang đón xe đi Gia Lai hoặc Nha Trang cho nên mức độ sử dụng của nó quá lớn. Đường nay có nhiều ổ gà. ổ chó. Ai đi thăm hồ Ea Nhái về, đừng có rủa con oắt Tây Nguyên Xanh xúi đi con đường xấu hoi nhé. He he. Có nhõn con đường ấy thôi.
Buôn Ama Thuột, 6/8/2015
Tây Nguyên xanh

No comments

Tuesday, August 4, 2015

MỆT QUÁ CHÚNG MÀI ƠI !


    Mệt quá bọn mài ơi. He he, Tây biết có một vài cụ to to tuổi đương giơ bàn tay lên chuẩn bị tát vỡ mõm của Tây vì tội gọi người lớn là mày. Các bác để Tây giải thích, đừng có xồn xồn. He he. Cái câu ấy Tây dùng để gây sự chú ý cho việc khoe thành tích giúp bố mẹ làm vườn. Tự dưng thèm có cái điện thoại khôn. Nó có camera 360 độ để chụp phát rồi chỉnh sửa và đăng lên Facebook ngay tại vườn cho hót hòn họt. Khổ cái, dùng điện thoại ngu, camera 2.0 mờ câm mờ tịt, chụp lên trai chạy mất dép thì toi.

    Gớm chết chết, những đứa thuộc thế hệ 9X ở Tây Nguyên như Tây, trừ phi bỏ học sớm mới chấp nhận cuộc sống làm nông. Còn không thì cố mà lăn lê bò toải đến các trường đại học. Không đỗ quốc lập thì nộp hồ sơ vào dân lập. Thành phố lớn khó trúng tuyển quá thì mò các trường của tỉnh lẻ. Bây giờ tỉnh nào chẳng có đại học. Như Dak Lak chẳng hạn. trường Đại học Tây Nguyên mới xây dựng được thương hiệu vững một tí thì thằng cu trường đại học Buôn Ma Thuột đã có biển hiệu sáng loáng ở cuối đường Hà Huy Tập rồi. Học phí cao hay thấp cũng kệ, ra trường có khả năng xin việc được hay không cũng mặc. Cốt là khỏi phải nai lưng, cong mông, thở hộc xì dầu làm cỏ và hái nông sản ngoài rẫy. Lâu lâu thích đổi gió, khoác lên cái áo lem luốc của bố mẹ đi dạo ra rẫy. Chụp xoành xoạch rồi đăng lên Facebook với nội dung “Thời buổi ghế ít đít nhiều, anh/chị sinh viên năm nào nay đã trở về cái mốc nông dân”. Hía hía. Tây cũng nằm trong số ấy. Các bác đừng có mờ oánh giá. Thời đại của Tây mỗi nhà chỉ nhõn hai con. Bố mẹ cố gắng chăm sóc trong điều tốt nhất nên đừng có so bì với các thời đại trước. Tây tự ái, block đới. Hé hé.

À quên, chưa khoe Tây giúp bố mẹ làm việc gì nhỉ? Hôm nay Tây ra vườn nhổ lạc. Có nơi gọi là đậu phộng mí cả đậu phụng ấy. Chai hết cả tay rồi. Tối nay anh nào đến tán, nắm cái tay thấy nham nhám thì đừng có mà chê ỏng chê ẻo nhé. Lớ ngớ là em bắt cóc các anh, em ép các anh gọi điện về nhà khóc hu hu bảo bố mẹ ơi, mang cau trầu đến chuộc con về nhà đấy nhé. Em là em làm thật đấy. Ứ điêu! Hã hã.



Buôn Ama Thuôt, 3/8/2015
Lời:Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Tran An
Năm ảnh trên là non nước Lạng Sơn những ngày nắng hè 2015
No comments

Sunday, August 2, 2015

CÁC “VƯƠNG TRIỀU” THƯC THẨM CHAY


     Hôm nay nhà có cỗ, đi chợ thấy trái Sa Kê, hỏi bao nhiêu một trái, chị bán hàng bảo 30 000 đồng. Ối ồi ôi, quả này ở ngoại ô Sài Gòn và Bình Dương rụng đầy gốc, chả ai ăn. Tiểu thương đi nhặt đem lên Tây Nguyên bán với giá trên giời như thế. Dân xứ núi thấy món này là lạ nên đang sốt giá lắm. Dạo này còn có phong trào trồng cây Sa Kê để bán quả nữa cơ. Chẳng ai biết sức tỏa bóng chiếm diện tích của nó là bao nhiêu, cái vườn bé bằng lỗ mũi mà dân cũng cố trồng vì nghe đồn lá Sa Kê khô rụng xuống đất có tác dụng chữa bệnh tiểu đường. Còn quả Sa kê đa số đươc chiên lên rồi sốt cà chua nấu như kiểu khoai tây chiên hoặc mít non. Mình thích ăn mít non hơn Sa Kê. Sa Kê ăn khô òm.

     Trước khi Sa Kê thịnh hành, ở chỗ mình (chắc nhiều nơi cũng thế) có trào lưu ăn nấm Kim Châm và nấm Đùi Gà. Nấm Kim Châm dùng để xào hoặc hấp còn nấm Đùi Gà bỏ vào nồi súp. Sau khi tivi đưa tin sản lượng các loại nấm này tại Viêt Nam cực kỳ ít, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc thì trao lưu này bị dập tắt.

     Trước khi Sa Kê, nấm Kim Châm và nấm Đùi Gà chưa thịnh hành thì người ăn chay chuộng cọng và lá Phù Trúc (Phù Chúc, Tàu Hũ Ky). Cái cọng Phù Trúc cứng quao ấy được chiên lên để bỏ vào nồi súp. Còn lá Phù Trúc dùng để bóp gỏi hoặc cuốn với cọng sả chiên lên giả hình dáng đùi gà. Ruột của đùi gà chính là nguyên liệu chúng ta hay dùng làm chả ram. Có người không thích đậu khuôn trắng nên thay thế bằng đậu xanh nấu nhừ. Hí hí, Tây thích chả ram nhân đậu xanh hơn. Phong trào ăn lá và cọng Phù Trúc cũng bị xẹp xuống vì bao bì có chữ Hán. Nghe nói lá và cọng Phù Trúc chính là bọt vón lại trong quá trình nấu đậu hũ. Chẳng rõ thế nào.

     Từ bé đến giờ, mình cũng được trải qua khá nhiều các “vương triều thực phẩm chay”. Còn nhớ những năm cuối cùng của thế kỷ 20, mâm cỗ cúng tất niên, rằm tháng bảy và cúng giỗ nào cũng mong được gắp cho một miếng “gà cục” trong súp, “gà lát” và “bò lát” trong các món xào. Hương vị của nó giống y hệt mấy cục tròn tròn nhỏ xíu trong gia vị các gói phở gà và phở bò ăn liền ấy. Nay ở chợ chỉ còn gà lát và bò lát (gọi chung là lát khô) nữa thôi, gà cục vắng bóng. Sau đó, nấm rơm rồi nấm hương và nấm đông cô Nhật Bản lần lượt lên ngôi. Nấu súp mà không có các nấm ấy á, bị chê ngay. Ném đủ các loại nấm có thể ăn được vào nồi súp rồi, người ta lại bỏ them táo tàu và hoa Hồi khô. Ngó sen muối chua cũng có một thời hoàng kim vì nó là nguyên liệu làm gỏi (nộm).

     Cái thời báo chí ca tụng (còn người ăn mặn lại bỉu môi) vị đầu bếp nào đó đã cải cách hình thức trình bày các thực phẩm chay. Người ăn chay ở Tây Nguyên cũng có đổ xô đi mua cá thu chay, ốc chay, tai heo chay… dạo này đang thịnh hành cá kèo chay. Cá thu và cá kèo chay thì mình thích vì có lớp rong biển bao boc bên ngoài thôi chứ các món mô phỏng y đồ mặn kia thì thấy gớm. Thứ nhất là sợ bỏ hàn the cho dai. Thứ hai là thấy rất vô duyên nếu ăn chay mà cố hình dung các món mặn. Hình như nhiều người nghĩ như mình nên chỉ cá kèo chay còn bán chạy do nó lạ và dân nghĩ cái lớp rong biển bên ngoài tốt cho sức khỏe.

     Cũng vì xem phim Hàn Quốc thấy các bà bầu mới sinh hay được ăn canh rong biển cho nên mấy năm trở lại đây. Người ta thích nấu canh chua với rong biển. Cái loại rong biển đen thui đươc ép thành từng khoanh tròn mỏng ấy. Rong màu trắng trong, họ dùng nấu chè đông sương để cúng. Kể ra rong biển ấy cũng hay. Trời nắng nóng, lười đi chợ thì ra vườn vặt lá chua me, tước ít cọng mùng (có nơi goi là mùng bạc hà) và mỏ tủ lạnh ra lấy rong biển. Thế là có nồi canh chua mát ruột.

     Với mình. ăn chay có cái hay ấy là lúc ăn chẳng bao giờ sợ bi hóc. He he. Bài viết nói về cỗ chay mà hình toàn là cỗ mặn.

Buôn Ama Thuôt, chủ nhât, 2/8/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Nguyễn Bảng
No comments