Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, August 22, 2015

NGỒI NGHE MẸ KỂ CHUYỆN THỜI ĂN KHÔ DẦU


    Trong tay mình lúc này là khoanh khô dầu lạc nóng hổi vừa lấy từ khuôn ép ra. Bọn 9X như mình gần như chỉ biết nó dùng trộn với cám cho lợn hoặc các tay chơi kiểng mua nó về để ủ với phân bò bón cho cây. Nhưng mẹ nói, thời bao cấp của mẹ ở ngoài Nghệ An, nó được dùng để cho người…ăn.
     Bố mẹ ngồi nếm khô dầu như kiểu nhấm nháp ký ức tuổi thơ ấy. Mẹ nói trên Nam Đàn của bố không biết như thế nào chứ dưới Hưng Nguyên nhà mẹ thì cái khoanh này sẽ được cắt ra thành những cục nhỏ và kho với nước mắm như kho cá. Ghê gớm ghê gang, rứa mà ăn như tằm ăn lên. Nghe mẹ nói câu ấy, mình thèm nhỏ dãi. Bố nói tán đồng lời kể ấy và liếc mắt sang nhìn mình, bảo bay sống thời ni là quá sướng rồi. Choa khi trước hần khổ cấy chì chi. Bố kể cơm hằng bữa không đủ no nên hay thò tay ăn vụng lạc phơi một nắng ở ngoài sân. Lạc khô được bóc vỏ, hông hấp cho chin rồi đổ vào khuôn ép dầu. Người lớn lo rót dầu vào can còn trẻ con tranh nhau ăn từng miếng bã khô. Những lúc như này, mình hay trêu rằng thảo nào ngày xưa bố mẹ tìm người cùng quê để lấy. Bố phán, mẹ gật đầu tán thưởng thế này thì con ưng lấy chồng lắm rồi đấy. He he.
     Năm nay, lần đầu tiên nhà mình trồng lạc trong vườn nhà. Ngày xưa người ta cứ đồn rằng chỉ có đất ở miền Trung với hợp lạc chứ đất Tây Nguyên trồng không có củ. Thế nhưng người ta chống lại quan điểm này bằng cách trồng thử và kết quả là…lạc ba lạc tư nhiều hơn lạc hai củ. Dịch vụ ép dầu lạc dạo này đắt khách lắm. Đem lạc đến xưởng từ hôm qua mà hôm nay mới đến lượt mình ép.
     Nhà ai cũng thu được khoảng hai bao lạc khô còn vỏ. 45 kg lạc khô còn vỏ ép được 11 lít dầu. Mỗi lít dầu lạc thu mua tại xưởng ở Tây Nguyên hiện nay là 100 nghìn đồng. Nhà mình vội thu hoạch quá nên lạc còn hơi non. 40kg cả vỏ mà chỉ được có 9 lít dầu. Nói chung là từ giờ đến tết không phải mua dầu ở chợ. He he. Trỉa lạc vụ hai rồi, mai mốt ép tiếp thì ăn dầu tự làm cho tới…vụ lạc năm sau.  Đang phấn đấu quanh năm không phải mua dầu ăn nữa.

     Hiện tại, cái trong ảnh chuẩn bị dùng để bón cho Hồ Tiêu.
Buôn Ama Thuột, 22/8/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Friday, August 21, 2015

NHÌN LẠI CUỘC THI TUYỂN LÀM NGƯỜI YÊU CỦA TÂY NGUYÊN XANH

   
    Mấy hôm trước anh ấy chạy đua đi nộp hồ sơ tuyển làm người yêu của em. Mợ Hoàng Hà ghi lại khoảnh khắc này đấy. Nom yêu anh ấy không chịu được. Cả núi rừng thương anh ấy luôn. Cây cối lao xao bảo con oắt Tây Nguyên Xanh có gì hấp dẫn mà ông hoàng Voọc Chá Vá Chân Nâu đẹp ngời ngời phải chạy theo cơ chứ. Không làm người yêu của nó thì làm người yêu của các cậu các mợ chụp ảnh. Làm người yêu của con oắt Tây Nguyên Xanh không phải là con đường duy nhất để được cưng nựng trên blog.
Tác giả ảnh: Hoàng Hà
    Em thương anh ấy lắm. Nghĩ lại mà thấy có lỗi với anh ấy ghê. Em biết em có sắc đẹp nhất nhì xứ Tây Nguyên. Em chảnh tí thì có sao đâu nào. Trái tim em chỉ có một mà nhiều anh yêu em như thế. He he. Vậy nên em phải có một kỳ thi tuyển người yêu. Các anh phải tranh tài với nhau. Tính em cả thèm chóng chán. Mỗi năm em tuyển một người yêu mới. Mọi năm em bắt các anh phải chứng minh độ “mạnh mẽ” đại trà rồi mới được tỉ thí “võ mồm” tán em. Em yêu bằng tai mà. Nhưng năm nay em thấy thương các anh tột độ. Các anh tốn sức cho hai lần xét quá nên em gộp hai cái làm một. Các anh chỉ việc chứng minh tình yêu của mình dành cho em.
Tác giả ảnh: Thái Hồng Kỳ
    Em dạo này có tính đa nghi, ứ tin lời các anh ấy nói. Em bắt các anh ấy thân chinh lên Tây Nguyên với em. Em nhòm mặt, ai đẹp trai thì chọn. Và kết quả là có cái ảnh vừa chạy vừa lau mồ hôi như này. Em có chảnh chó quá không nhỉ? Hĩ hĩ. Kệ mọe các anh, năm sau em đổi cách tuyển khác. Em đẹp, em có quyền chảnh! Các anh muôn đời là những con chuột bạch cho em thí nghiệm cái độ đẹp của mình thôi. Cấm cãi nhé!
Buôn Ama Thuột, 21/8/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, August 20, 2015

NGỌT TRONG ĐẮNG


    Bạn của Tía đến nhà. Bác ấy kể cả nhà bác ăn trái sầu riêng cơm vàng hạt lép mà tiếc đứt ruột. Không phải trái ấy dở, cũng không phải vì tiếc tiền mua mà do bác là người trồng sầu riêng để bán. Sóc nó khoét một lỗ rồi nên không bán được. Gia đình đành phải ăn. Mùa này, mọi chi phí dưa hành mắm muối của gia đình bác đều trông vào mấy cây sầu riêng trong vườn. Đáng lẽ trồng để thỏa mãn cái thèm của gia đình mình trước nhưng nông dân bao giờ cũng thế, bán cái ngon và ăn cái dở. Cái dở ấy mà bị ung thối, còn phải lấy tiền thu được nhờ bán cái ngon để mua thuốc chữa đau bụng nữa chứ. Suy rộng ra cho cả một nền kinh tế. Nản! Thôi kể cái gì cho vui vui tí nhỉ?

    Mấy nay bụng Tây tròn như con Voọc ngồi trên ảnh bìa rồi. Tròn là vì nhà có điều kiện quá.(khoe mẽ tí!) Sáng sớm ăn cơm trắng với trái bơ chấm nước mắm, tráng miệng bằng một trái sầu riêng. Xong rồi ngồi diễn cái mặt vừa đáng thương lại vừa đáng yêu, thò đầu ra cửa sổ nhìn đời rất…ngây thơ. Cơ mà trong bụng mong có anh nào đi ngang qua bị hớp hồn. Tía với Bầm chẳng nói gì vì mong có kẻ hốt giùm quả bom nổ chậm.

    Ăn cơm trưa xong, tráng miệng bằng một quả dứa. Sau đó, Tây trở thành thiếu nữ ngủ ngày. Nửa chiều lồm cồm bò dậy. Thấy ngứa mồm, lại trèo vắt vẻo trên cành chôm chôm. Cái cảm giác hái quả, bóc vỏ, nhai bóp bép chôm chôm rồi phun hạt xuống gốc và mắt lơ láo nhìn chim bay sao mà thư thái quá đi. Ăn xong cành chôm chôm thì toi mất buổi chiều.
Trái Giác - Đặc trưng của ẩm thực Nam Bộ
    Tắm táp, ăn tối và chỉnh trang sắc đẹp để chờ trai đến tán. Tía và Bầm của Tây tăng năng suất hàng hóa thế mà chả xuất kho được nhỉ? Hĩ hĩ.




Buôn Ama Thuột, 20/8/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Bùi Văn Chung
Dòng các bạn vừa chiêm ngưỡng được gọi là ảnh tĩnh vật
3 comments

Wednesday, August 19, 2015

TRUYỀN THUYẾT VỀ CÁI TÊN THÀNH PHỐ PLEIKU CỦA TỈNH GIA LAI

Thành phố Pleiku - Ảnh: Lê Thành Dương
    Cái tên Pleiku có nguồn gốc từ tên của một làng Jrai (plơi Aku). Trong tiếng Jrai, aku có nghĩa là cái đuôi, vì nguyên âm a đứng trước một phụ âm là âm câm, nên khi đọc nó không được thể hiện. Đến nay, mặc dù viết là Pleiku nhưng địa danh này vẫn được thống nhất hiểu là có nguồn gốc từ plơi Aku tức làng Đuôi.
     Về nguồn gốc địa danh Pleiku, hiện có 2 truyền thuyết:


 1) Truyền thuyết thứ nhất do Rơmah Del sưu tầm và dịch:
    Ngày xưa ở làng Brel có 2 gia đình gả con cho nhau. Theo đúng tục lệ của người Jrai, sau khi lấy vợ, người chồng phải về ở rể suốt đời nên khi làm lễ cưới cô dâu phải lo mọi lễ vật.
    Cưới được mấy hôm, cô dâu phải làm lễ tạ ơn cha mẹ chồng. Nàng giết một con lợn rất to và một con trâu đực. Hơn một tháng sau, người chồng phải làm lễ tạ ơn cha mẹ vợ tại làng mình. Vì là gia đình giàu có lại rất có uy tín nên anh em họ hàng và lũ làng kéo đến chia vui rất đông. Rượu ghè nhiều không đếm xuể. Già làng phân công những người có kinh nghiệm giết bò, còn việc thui và mổ heo thì giao cho lũ thanh niên. Chúng hí hửng vừa đùa giỡn, vừa xẻ thịt nướng ăn và ăn luôn cả cái đuôi lợn. Khi bày lễ vật ra cúng, không có đuôi lợn, người nhà lật đật xuống dưới gọi lũ thanh niên giết lợn khác. Nhưng cũng như lần trước, lần này vì quá đói chúng lại ăn mất cái đuôi. Cứ như thế, lục đục mãi đến tối buổi lễ mới bắt đầu.
    Để trừng phạt lũ thanh niên đã ăn vụng đuôi lợn, già làng đặt tên làng này là plei Ku nghĩa là “cái đuôi” với dụng ý mỗi khi gọi đến tên làng thì bọn thanh niên phải xấu hổ vì hành động của mình.
    Từ làng gốc đó, sau này plei Ku còn tách ra nhiều làng nhỏ: plơi Ku Roh, plơi Ku Tong, plơi Ku Blang…

2)Truyền thuyết thứ hai (do Ty Thông tin tỉnh Pleiku (Việt Nam Cộng Hòa) sưu tầm và công bố vào đầu thập niên 60 của thế kỷ XX):
    Nhân một ngày hội lớn, người Jrai quần tụ quanh nhà rông để tộc trưởng cúng yang. Giữa lúc dân làng đang vui mừng nhảy múa quanh con trâu cúng yang, thì xảy ra một cuộc xô xát giữa 2 con trai tộc trưởng. Họ tranh nhau cái đuôi trâu, bởi theo phong tục của người Jrai, nếu ai chiếm được đuôi trâu để tế Trời - Đất là một vinh dự lớn.
    Cuối cùng, người chiếm được đuôi trâu được lưu lại vùng đất này và đặt tên làng là Aku (cái đuôi) với dụng ý đề cao chiến thắng của mình. Người không chiếm được đuôi trâu phải dạt đi, lập các làng mới.
     Chúng tôi thiên về cách giải thích theo truyền thuyết thứ hai. Vì trên thực tế, các địa danh thường đề cao uy danh của cộng đồng, chứ không mấy khi gắn với những nguồn gốc bất lợi cho uy tín của bộ phân cư dân chủ thể.
      Pleiku đã trở thành một địa danh tồn tại độc lập suốt gần một thế kỷ. Dù bắt đầu từ nghĩa gốc plơi Aku tức là làng đuôi, nhưng đến nay Pleiku đã được chấp nhận như một tên riêng và mang tải những giá trị riêng của nó. Lịch sử luôn vận động, mà lịch sử của các địa danh cũng không là ngoại lệ. Vậy hãy để cái tên Pleiku đã gắn với cả quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này được tồn tại như nó đã tồn tại với tư cách là một địa danh - một tên riêng, với những giá trị lịch sử - văn hóa riêng chứ không đơn thuần chỉ được hiểu với nghĩa “Làng Đuôi”

Những nội dung trên tôi copy bài của Nguyễn Thị Kim Vân trên trang pleikucafe

Nguồn bài: http://www.pleikucafe.com/ver2/tin-tuc-24h/pleiku-xua-va-nay/pleiku-duoi-goc-nhin-lich-su-dia-danh.html

---
Cái ảnh bên trên là một góc thành phố Pleiku của tỉnh Gia Lai cách đây 2 năm. Đây là cái điểm giao nhau giữa hai con đường nổi tiếng– Quốc lộ 14 và 19. Quốc lộ 14 có tòa nhà cao màu trắng bên lề đường đấy. Và nơi tác giả đứng để chụp là tòa nhà của Hoàng Anh Gia Lai. Vì nó cao, rộng, to và ở vị trí bắt mắt quá nên trở thành dấu hiệu nhận biết cho những ai lạc đường ở Pleiku. Khi có người lạ đến, người Pleiku hay nói xe dừng ở bùng binh này đón cho tiện. Bốn năm đi học ở Quy Nhơn, Tây đi qua nơi này miết. Thế mà tối hôm qua vẫn phải nhắn tin hỏi chú Văn Công Hùng xem đâu là quốc lộ 14 trong ảnh. Chao ôi, Tây chỉ khoe mẽ là giỏi chứ chả biết cái mốc thếch gì sất.
No comments

Monday, August 17, 2015

LÊN VOI XUỐNG CHÓ VỚI CÂY TIÊU


   Sáng nay có cô cuối xóm đến hỏi mua chôm chôm. Ban đầu mọi người tưởng cô ấy mua về làm quà gửi ra quê nên định hái khoảng 5 kg vì còn để dành đến rằm tháng bảy bày lễ cúng nữa. Nhưng cô ấy muốn mua cả cây để nhập sang Gia Lai bán. Hỏi ra mới biết, lâu nay dân Dak Lak kiếm được bộn tiền nhờ buôn trái cây sang “thủ phủ Hồ Tiêu” của Tây Nguyên. Ở bên đó, người ta dành đất để trồng Tiêu hết. Nếu trồng xen cây ăn trái vào vườn Tiêu thì năng suất không cao lắm. Với lại một ký tiêu mua được cả chục ký loại trái khác. Họ cần gì trồng.

    Có chú hàng xóm cũ của mình, bỏ Dak Lak sang Gia Lai mua đất tút lút ở xã vùng sâu nhất của huyện Dak Đoa. Khiếp, từ quốc lộ rẽ vào cỡ 30 cây số nữa mới tới. Cái năm chú về mời Ba Má mình sang ăn tân gia. Má sang bên ấy, Má bảo Đắc Đoạ (dấu nặng) chứ Đắc Đoa (không dấu) nỗi gì. Hi hi. Ấy thế mà mấy hôm trước chú ấy sang chơi, chú kể rằng dân ở đó, đến mùa bán Tiêu thì người nào người nấy mang một bọc tiền chạy đi thành phố Pleiku để gửi vào ngân hàng. Mình chưa chứng kiến cảnh “lên voi” ấy nhưng “xuống chó’ thì gợi lại sợ.

    Có cái nhà kia, trong vườn có đâu hai trăm trụ tiêu phủ kín. Năm ấy, họ đặt niềm tin vào vụ thu hoạch nên mua vật liệu về xây nhà. Xây gần xong rồi, tự dưng Tiêu trong vườn chết hàng loạt chỉ sau một tuần. Chủ nhà tự sát vì vỡ nợ. Cây Tiêu nhìn vậy chứ không “nồi đồng cối đá” bằng cà phê đâu. Nó mà mắc bệnh gì đó thì lây nhanh và chết nhanh cực kỳ. Có lẽ vì sự phập phều trong canh tác như thế cộng thêm giá trị sử dụng nên giá của nó chạm mốc 120 000 đ/kg bán tại vườn là chuyện thường.

    Đâu khoảng mười lăm năm về trước, dân Dak Lak chạy sang mua đất của huyện Cư Pưh (trước năm 2009 thuộc huyện Cư Sê, tỉnh Gia Lai) rất nhiều. Phong trào trồng tiêu của huyện Cư Sê lan mạnh sang huyện Ea H’leo của Dak Lak mình từ cái đận ấy. Hồi xưa, giáo viên nhận việc ở các điểm trường thuộc huyện Ea H’Leo thì ngúng nguẩy vùng vằng chứ nay hào hứng lắm. Vì nghe đồn dân ở đó trồng tiêu. Họ giàu nên cho con học thêm mái thoải. Tha hồ mở lớp dạy thêm (?!). Cũng như ở thành phố, trẻ con của Tây Nguyên hiện nay học thêm (học trước) từ thuở đang sờ ti của mẹ cho đến lúc bước vào giảng đường đại học. Mang tiếng dân xứ núi chứ tuổi thơ cũng chả có mấy thời gian tìm hiểu về rừng ở địa phương. He he, trong đó có con oắt Tây Nguyên Xanh.
   Các ảnh bên trên là một vườn Tiêu. Hình ảnh cọc làm trụ được xây kiên cố bằng gạch như trong ảnh thể hiện phong trào một thuở của người trồng tiêu đấy các bạn ạ. Sau này, người ta đổ trụ tiêu bằng cột bê tông chứ không dùng gạch nữa. Nhưng dưới cái nắng của mùa khô hằng năm, tiêu bị chết nhiều do trụ bê tông nóng quá nên dạo này người ta chuộng trồng cây có thân cao và thẳng để làm trụ. Ví dụ như Nục Nác, Mấc, Gòn Gai, Muồng Đen…Các cây này khiến cho nông dân phải sắm thêm cái ngoèo để tỉa bớt cành cho khỏi rợp bóng vào mùa mưa.
Buôn Ama Thuột, 17/8/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Chế Hồng Trung
No comments