Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, September 5, 2015

NHỮNG NGÀY SỐNG Ở QUY NHƠN (Hồi ký) - Phần 1. BÉN DUYÊN

Sáng 5/9/2008, lần đầu tiên trong đời, tôi đặt chân lên đất Quy Nhơn. Hai bố con hồ hởi đem giấy báo vào làm thủ tục nhập học. Cảm giác lúc đó lâng lâng cứ như vừa thoát khỏi tảng đá đè nặng lưng ấy. Thầy dạy môn Sinh Học đã hù dọa tất cả những đứa trong lớp luyện thi rằng “Đậu đại học là thiên đường. Rớt đại học là địa ngục, các bạn chọn đi”. Với những cậu ấm cô chiêu sinh ra ở đất Tây Nguyên như chúng tôi, rớt đại học thực sự là kinh khủng. Tuy điều kiện sống không được gần nhà sách hay các trung tâm vui chơi giải trí như trẻ con thành phố nhưng chúng tôi cũng được bố mẹ cho học thêm và cả ngày chỉ việc ăn rồi học. Cái tâm lý muốn có con đỗ khoa bảng hằn sau trong tâm trí của người Việt Nam nói chung đã khiến những ngày chờ kết quả thi cực kỳ căng thẳng.
Thành phố Quy Nhơn nhìn từ cửa sổ máy bay - Tác giả ảnh: Nguyễn Hà
Hãy tưởng tượng đi, nếu chúng tôi khi ấy rớt đại học thì dù có mười hai năm phấn đầu đạt học sinh tiên tiến hay học sinh giỏi cũng chẳng là cái đinh gì trong mắt thiên hạ cả. Những vết hoen ố của thời học sinh sẽ được xóa nhòa hoặc thậm chí là được tôn vinh rằng tuy nghịch ngợm nhưng mà thông minh nếu bạn đỗ một ngành nào đó (dù thấp điểm) ở trong hệ thống đại học quốc lập. Khi học phổ thông, chúng tôi thèm khát cái gì mà cần dùng đến số tiền trên năm trăm nghìn thì bố mẹ luôn nói rằng đỗ đại học đi rồi sẽ có. Bố mẹ tôi khi ấy hay đùa rằng nếu đỗ đại học thì muốn ăn gan của ông trời, mỡ của con muỗi thì bố mẹ cũng mua cho.

Tôi thi hai khối A và B ở hai trường của miền Trung, là đại học Quy Nhơn và đại học Y Dược Huế, Khối B có điểm trước. Hồi ấy, cứ ai đi ôn luyện môn Sinh Học thì đều có phong trào thi y khoa. Tôi a dua và hậu quả là trèo cao té nặng. Các bạn đoán đúng đấy, tôi đã rớt y khoa ở Huế. Bốn năm sau, tức năm 2012, một mình tôi ngồi ngắm sông Hương, lọ mọ tìm quán ăn một tô bún bò Huế cay xè, ăn một ly chè đậu xanh đánh ngọt lừ rồi đón xe về Dak Lak. Trả lại Huế mọi tiếc nuối trong bốn năm. May mà đỗ khối A ở Quy Nhơn.
Thành phố Quy Nhơn lúc trăng mọc - Tác giả ảnh: Nguyễn Hà
Phải nói rằng được học ở đại học Quy Nhơn nhờ thi đầu vào bằng khối A là một điều tôi không dám mơ. Bỏi tôi học rất yếu môn Vật Lý. Ngày ấy mẹ khuyên mãi, tôi mới làm một bộ hồ sơ thi khối A đấy. Thầy cô ở trường phổ thông của tôi, có đến 70% là cựu sinh viên của đại học Quy Nhơn rồi. Thầy cô lăng xê cho Quy Nhơn hoành tráng lắm. Nào là trước mặt là biển cả, xa xa có cây cầu xuyên biển dài nhất Việt Nam, tôi như bị hớp hồn vì dân núi, mấy khi được biết biển.

Làm thủ tục nhập học xong, bố tìm đường ra quốc lộ để đón xe về Dak Lak. Tôi gọi điện cho cô bạn quen hồi cùng ở trọ thi khối A. Nó dẫn đi chợ mua đủ thứ chuẩn bị cho cuộc sống mới. Cất đồ ở phòng ký túc xong, bạn chở tôi về nhà bạn ở khu phố 1, phường Ghềnh Ráng.

Thế là tôi đã có đêm đầu tiên ở Quy Nhơn tại một nơi giống làng chài hơn phố.
Buôn Ama Thuột, 5/9/2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Friday, September 4, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 12: MỘT THUỞ RƯỚC DÂU BẰNG XE CÔNG NÔNG




Mình cứ tưởng những hình ảnh rước dâu như này đã “tuyệt chủng” từ lâu, ai dè vẫn còn. Cơ mà tác giả ảnh đã đăng cách đây hai năm rồi. Vâng, đây là hình ảnh tiêu biểu cho thời vàng son của xe công nông ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đấy. Những năm 90 của thế kỷ trước, người Tây Nguyên bắt đầu dành dụm cắc ca cắm củm để mua cho được xe công nông chở nông sản từ rẫy về nhà và từ rẫy đi giao nộp cho nông trường. Đường sá thời đó còn kinh hoàng lắm. Những con đường rải nhựa thường có từ thời “bọn giãy chết còn bóc lột dân tộc ta”. Đường nối các thôn các xã chủ yếu là đường đất. Ai không thể kìm hãm cái sự sung sướng để chờ đến ngày nắng ráo thì cưới vào mùa mưa. Ôi thôi, cả họ quần áo bảnh bao và ngồi lên cái xe công nông thần thánh này đi rước dâu. Cả xóm đi ăn cỗ cưới ở khác xã cũng leo lên xe này luôn.

Các cô giáo thời ấy phải đi dạy bằng xe đạp, một số thầy hiệu trưởng hoặc hiệu phó đến nay vẫn được kể lại kỉ niệm cực kỳ xúc động. Mùa hoa Dã Quỳ (dân ở đây gọi là Cúc Quỳ) nở hằng năm, lúc ấy trời trút nốt những cơn mưa cuối cùng trước khi chuyển sang mùa khô. Các thầy mượn xe công nông của dân chúng hai bên đường để chở cả xe đạp lẫn các cô giáo vào điểm trường xa xôi. Đoạn nào lầy quá thì thầy vừa rịn ga, các cô vừa dùng sức đẩy.

Bộ phim Mẹ Con Đậu Đũa do đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh sản xuất được cho là một trong những bộ phim có giá trị vượt thời gian cũng bởi vì tái hiện lại cảnh sống ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Mẹ của bé Đậu Đũa mất sớm, ba của bé phải lo hết thảy. Có một lần đi dự thi gì đó, bé bị xe bắn tung bùn lên áo. Bé khóc với ba. Ba bé vừa lau nước mắt cho con vừa dỗ dành. Cũng trong phim đó hoặc phim có cảm hứng lấy đề tài thời kỳ đó, hình ảnh các bà đẻ suýt nữa sinh con trên xe công nông lúc đang được chở đi trạm xá trở thành huyền thoại.

Nay công an giao thông bắt buộc xe công nông phải gắn biển số rồi. Nếu mai mốt nổi hứng bắt đi học bằng lá xe công nông nữa thì đúng bài luôn. He he. Ôi cái xe thần thánh!
Buôn Ama Thuột, 4/9/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Hồ Ngọc Điệp
***
Các bạn bấm vào Kỳ 1Kỳ 2Kỳ 3Kỳ 4 , Kỳ 5Kỳ 6Kỳ 7 Kỳ 8Kỳ 9kỳ 10Kỳ 11 để xem các kỳ trước nhé
2 comments

Thursday, September 3, 2015

SÂU ĐẦU RỒNG VÀ BƯỚM CỦA NÓ

Tác giả ảnh: Adegsm Pte
    Thấy dân nhà nhiếp ở Việt Nam gọi bạn này là sâu Đầu Rồng. Còn dân nhiếp dùng tiếng Anh thì gọi là Tailed Emperor. Vào google gõ “Polyura Pyrrhus” thì ra ảnh bạn này và anh em “con cô con cậu” Polyura của bạn ấy. Nhưng màu bướm phát triển từ bạn ấy thì, hĩ hĩ, chẳng chói lóa như bạn ấy. Dưới đây là thông tin về con bướm. Tây chép bên nhà chuyên gia sinh vật Phùng Mỹ Trung. He he. Tây hay khoe nhưng kiến thức chả có nên phải chôm chỉa. Những cái tên được nêu bên dưới đây là tên Latin, được dùng chung trên toàn thế giới các bạn nhé. He he, khó nhớ bỏ bu. Cơ mà phải dùng tên ấy mới chính xác được.
Tác giả ảnh: Phùng Mỹ Trung
    “So với hàng trăm loài bướm thuộc giống Charaxes sp. ở châu Phi thì Việt nam chỉ có 5 loài và Charaxes bernardus là loài bướm phổ biến nhất trong họ này ở rừng mưa nhiệt đới Việt Nam. Loài Charaxes bernardus thường được làm ví dụ điển hình trong các bài học về nhận dạng các loài bướm cho các em thiếu nhi, học sinh vì những đặc điểm hình thái tập tính rất phố biến và dễ hiểu. Tuy nhiên loài bướm có tôc độ bay của “tên lửa” với thân hình rắn chắc này không dễ cho chúng ta bắt gặp chúng trong tự nhiên.
Tác giả ảnh: Thiên Thai
    Mặt trên cánh màu cam với viền đen rộng ở chót và mép cánh trước. Cánh sau có một đuôi ngắn dạng răng. Con cái lớn hơn con đực, một đuôi dài hơn rõ rệt; một nhú đuôi ngắn và vùng giữa cánh trước với vùng giữa về mép trên cánh sau màu trắng. Mặt dưới con đực màu nâu với các đường mảnh màu đen chạy ngoằn ngoèo từ gốc cánh ra. Một số loài như C.marmax và C.aristogiton có kiểu mặt dưới cánh rất giống, không thể phân biệt được bằng quan sát. Bướm đực có một vài dạng khác nhau cả về kích thước và màu sắc; sự phong phú của chúng phụ thuộc vào vùng địa lý. Sải cánh: 80 - 110mm.
Tác giả ảnh: Bùi Trọng Hiếu
     Sâu bướm có màu xanh lá cây với một đốm nâu đặc trưng ở phần giữa thân, được viền bằng máu trắng đục. Đầu với 6 chiếc sừng gớm ghiếc, lớn dần từ trong ra ngoài, có màu nâu đỏ và hàng trăm chiếc gai nhọn tua tủa khiến cho bạn cảm thấy rợn người khi lần đầu bắt gặp sâu bướm.
Tác giả ảnh: Phùng Mỹ Trung
     Nhưng đối với các nhà nghiên cứu côn trùng thì sâu bướm của Charaxes bernardus có một vẻ đẹp mê hồn đến độ chẳng ai không muốn được thả nó trên lòng bàn tay một lần để ngắm nhìn những màu sắc … đáng yêu.”
Buôn Ama Thuột, 3/9/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Wednesday, September 2, 2015

BA BỨC ẢNH CHÂN DUNG VÀ MỘT CLIP GÂY XÔN XAO CỘNG ĐỒNG MẠNG TRONG NGÀY KỶ NIỆM QUỐC KHÁNH 2/9

1.
Tác giả ảnh: Trần Tuấn
    Cái cô Quân Y mà sáng nay các anh trên mạng chụp màn hình tivi rồi xuýt xóa khen đẹp đây này. Khổ, thương quá nên Tây hóng cho bằng được ảnh do ống kính chuyên nghiệp chụp trực tiếp cho các anh tối nay bỏ vợ, tương tư cô ấy he he. Rõ cả tên trên ngực áo nhé!
Tác giả ảnh: Trần Tuấn
    Còn Tây thì có vẻ động lòng với cái hàng mồ hôi đương chảy trên mặt cái anh này (và có lẽ trên mặt nhiều anh khác nữa). Thế nên Tây cực kỳ quan ngại khi xem clip quay cảnh hai mợ to to tuổi chạy ào ra đứng chen giữa khoảng cách hai đoàn để làm mẫu chụp ảnh. Cái clip đây: http://xem.vn/video/video/13486 . Tây đương hình dung các mợ ấy sẽ khoe lòng yêu nước nồng nàn bằng cách chứng minh mình có ảnh lưu niệm với các đoàn diễu binh. Tộ xư.
2.
Tác giả ảnh: Phạm Mỹ
    Đó là bức ảnh anh bộ đội âm thầm che nắng cho thằng bé không quen biết đang đứng xem diễu binh đấy. Một hình ảnh đẹp đang làm động lòng bao người. Thế đấy, trong đám đông có người này người nọ. Cho nên thôi thì Tây không bao giờ chê hết thảy mà cũng không khen hết thảy được. Chỉ mong hình ảnh đẹp có ở mọi nơi mọi chỗ. Nhưng mà cho Tây hỏi ngu tí, đi xem diễu binh chỉ cần dùng mắt thôi nhể. Cái mồm thì để khen đẹp hoặc chê xấu thôi nhể? À, cái tay thì dùng chụp ảnh hoặc che nắng thôi nhể? Thế quái nào, rác trên những tuyến phố có người tụ tập xem diễu binh nhiều vậy? Tây đồ là các cụ đi xem đói bụng, khát nước nên đem đồ ăn đồ uống theo, Rồi thì là cần cái lót đít ngồi xem cho nên cơ man nào là giấy xả đầy vỉa hè. Lúc về, các cụ quên mẹ nó dọn rác chứ không phải vì ý thức nơi công cộng kém đâu nhể? Tây là Tây cứ nghĩ thoáng như vậy chứ ai lại chê trách người Việt kém văn minh bao giờ. He he. Lại tộ xư phát. Các cụ phải làm sao để mấy tay nhà báo ứ có ảnh rác để đăng sau mỗi mùa lễ hội cho Tây là được.
Buôn Ama Thuột, chiều tối 2/9/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

SÁNG NAY HÀ NỘI DIỄU BINH, SÀI GÒN CƯỚI TẬP THỂ, AN GIANG ĐUA THUYỀN RỒNG VÀ CÓ NGƯỜI THÍCH ĐI RÔNG

Cụ già vỗ tay khi xem diễu binh ở đường phố Hà Nội - Tác giả ảnh: Trịnh Giang
Sáng nay, trong khi Hà Nội diễu binh, Sài Gòn chúc mừng cho 100 cặp đôi nên duyên vợ chồng. dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tụ về Châu Đốc, tỉnh An Giang để tham gia và cổ vũ cho lễ hội đua thuyền rồng. Người Đà Nẵng yêu thiên nhiên thì lên bán đảo Sơn Trà thăm các chú Voọc Chà Vá Chân Nâu.
100 cặp tình nhân trong lễ cưới tập thể tại Sài Gòn - Tác giả ảnh: Võ Quốc Thanh
 Mồng 2/9 trong tuổi thơ của một đứa sống ở huyện như Tây là cái cớ để được đi Phố. Người dân Dak Lak ưu ái dành từ Phố cho riêng Buôn Ma Thuột. Cái từ Phố ấy có ý nghĩa thiêng liêng như người cả nước thích gọi Sài Gòn cho thành phố Hồ Chí Minh vậy. Vì ngày 5/9 mới bắt đầu học nên bốn ngày đầu tháng chin, bọn Tây viện đủ lý do lý trấu để xin bố mẹ chở đi Phố. Gần như một năm, bọn Tây chỉ được hai lần lên Buôn Ma Thuột thôi. 
Người lính âm thầm che nắng cho đứa trẻ xem duyệt binh - Tác giả ảnh: Phạm Mỹ
Đó là đi chơi công viên nước Dak Lak vào dịp 1/6 và sắm văn phòng phẩm ở nhà sách Giáo Dục vào ngày 2/9. Thậm chí là chỉ được chọn một trong hai dịp ấy. Được lên thành phố là một khao khát của bọn Tây. Mồng 2/9 được xem như ngày cuối cùng của kỷ nghỉ hè. Hai ngày mồng ba và mồng bốn, bạn bè í ới gọi nhau dán nhãn vở, bấm bao bọc sách và khoe cặp mới.
Voọc Chà Vá Chân Nâu - Tác giả ảnh: Hoàng Hà
Vì sau tháng chín dương lịch, mùa hái bói cà phê bắt đầu nên bố mẹ cũng kết hợp đi Phố mua bạt lưới và bao bì luôn. Thường là bố chở đi, còn mẹ ở nhà nấu nướng. Chẳng biết từ bao giờ cái xóm của Tây có phong trào ăn Tết Độc Lập. Nhà nào không có cũng cố gắng đi vay cho con ăn được tô bún bò hoặc bún thịt gà. Các thôn xóm hay tổ chức giải bóng chuyền nên tiền thưởng thu về được trưng dụng ăn uống linh đình trong ngày này luôn.
Đua thuyền Rồng ở An Giang sáng nay - Tác giả ảnh: Quý Phú Chung
Sáng nay hội nước chè xanh trong xóm của Tây ngồi lâu hơn mọi ngày. Các cụ xem xong những gì diễn ra ngoài quảng trường Ba Đình rồi mới chịu về. Người thì gật gù khen đẹp, người chê chắc tốn kém tiền ngân sách lắm đây. Người khác nữa lại phản biện rằng nếu cứ theo ý nghĩ sợ tốn kém mà làm sơ sài thì còn đâu là quốc thể. Các cụ ông tranh cãi chém gió phần phật. May mà lâu lâu những cặp giò nuột nà, các gương mặt nữ khả ái xuất hiện trên màn hình nên những cái miệng bớt cãi nhau vì há hốc
Cầu sông Hàn ở Đà Nẵng sáng nay - Tác giả ảnh: Viet Vovi
Còn có người thích đi rông…
Buôn Ama Thuột, 2/9/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, August 31, 2015

VÌ YÊU?


Chú ơi, bán cho cháu một bao gạo. Tôi cất tiếng như vậy nhưng người đàn ông ấy chỉ nhìn tôi với vẻ mệt mỏi rồi nói con tự bưng nhé, chú hết sức rồi. Ngẫm cái dáng loắt choắt của mình, tôi đứng ngẩn tò te nhìn đất. Bỗng có người đến hỏi thăm chú ấy. Tôi hóng chuyện chú ấy kể với giọng hoang mang…

Chú vừa mới chở con gái đi khuyên thằng người yêu uống thuốc giải độc về. Thằng ấy và con gái của chú yêu nhau từ hồi lớp tám. Hai bên gia đình biết tính tình con mình bướng bỉnh, không dám cấm cản. Chú chỉ nói với thằng bé ấy một câu rằng nếu muốn có tương lai thì tạm gác chuyện yêu lại để học cho tử tế, còn nếu muốn bỏ học rồi về hai đứa kéo lưới hái cà phê nuôi nhau thì cưới. Ở vùng này, kéo bạt lưới sau khi hứng trái cà phê được hái từ trên cây xuống là một việc nặng nhọc. Người ta hay dọa con cái như thế để chúng lo học hành.


Thằng bé tỏ vẻ khá nghe lời. Mấy ngày sau, nó bảo thằng bạn mua giùm chai thuốc diệt cỏ với lý do là muốn phun cho sạch bụi rậm quanh nhà. Nhưng nào ngờ nó uống chai thuốc ừng ực, thằng bạn kia ngăn không kịp. Bệnh viện trả về nhà chờ chết vì nếu thuốc trừ sâu thì súc ruột kịp thời là có cơ may sống. Còn thuốc diệt cỏ gây hoại tử lục phủ ngũ tạng dần dần, khoảng một tháng nữa mới chết. Chú ấy kể thế chứ tôi không rõ về kiến thức y học. Bố mẹ thằng bé phải chở nó lên trên cầu 14 để tìm nhà bà thầy lang sống bên bờ sông Serepok. Đến đó, bà đưa cho bốn ca nước thuốc, bảo uống đi, nếu sau này khỏe mạnh bình thường rồi bà mới lấy 40 triệu đồng. Thằng bé kiên quyết không uống. Mặc cho mẹ gào khóc, người yêu van xin, bố quỳ lạy. Ngồi nghe chuyện mà mong đó chỉ là bịa đặt. Vì yêu mà nó khiến mẹ đứt ruột sợ giây phút xa con đến gần. Vì yêu mà để người bạn thân ám ảnh mãi vì vô tình tiếp tay cho một vụ tự sát. Nếu có cứu được thì cũng không còn nguyên vẹn nữa. Ai dám trao con gái mình cho một người như thế?


Thời buổi này, học sinh khan hiếm niềm đam mê đến thế sao? Không có gì để tốn công, đổ sức một cách bổ ích cho khuây khỏa nỗi lòng à? Sáng đi học, trưa ăn nhanh, ngủ vội để chiều đi học thêm mấy môn liền đến tận bảy giờ tối mới về. Lại ăn vội, làm bài tập gấp, chuẩn bị cho guồng quay của ngày hôm sau. Các bé được kỳ vọng sẽ đỗ ngành này ở học viện nọ. Sểnh ra một chút là bố mẹ ép vào bàn học. Cái nhu cầu có người hiểu mình, chịu nghe mình nói cứ thế tăng lên. Bắt được mối, thế là yêu! Yêu đến mức muốn đi học dể được gặp nhau. Yêu quá, say quá nên sợ xa nhau. Trẻ con bây giờ khôn sớm và nhạy cảm sớm hơn các thế hệ trước rất nhiều. Trào lưu phim tâm lý tình cảm và tiểu thuyết ngôn tình được cập nhật hằng ngày và lan tỏa âm thầm sâu rộng trong các lớp học. Chúng yêu ướt át như trong phim. Mặc kệ thực tế ra sao. Và…
Buôn Ama Thuột, 31/8/2015
Vì thấy đắng nghét cổ họng khi gõ lại những gì đã nghe nên chọn ảnh quả mướp đắng bị phìu do chín quá.
Tác giả ảnh: Nguyễn Hữu Thọ.
Lời: Tây Nguyên Xanh
2 comments

Sunday, August 30, 2015

TRÊN ĐỜI CÓ BỐN CÁI NGU

Chim cu Luồng - Tác giả ảnh: Nguyễn Anh Thế
“Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” là bốn cái ngu.
   Ngu nhất là mai mối. Hễ vợ chồng lục đục là người ta đè đầu người mai mối mà chửi. Khi hạnh phúc thì có ai nhớ đến đâu.
   Ngu nhì là lãnh nợ giùm. Đi vay tiền cho người khác. Đến khi con nợ không có trả thì chủ nợ đến đòi siết cổ mình.
   Ngu thứ ba là gác cu. À há! Chơi chim là một thú vui của nhiều người. Hồi xưa người ta dùng chim cu nuôi nhốt trong lồng để làm chim mồi dụ dỗ bắt chim cu trong rừng. Họ treo cái lồng chim mồi kèm theo bẫy ở cái cây nào đó rồi kiếm chỗ núp trong rừng. Người gác cu lọt vào tầm ngắm rình mồi của hổ, báo khi nào không hay. Cho nên đó cũng là một cái ngu.
Chim cu Xanh Sáo - Tác giả ảnh: Nguyễn Anh Thế
    Cầm chầu hát Bội là cái ngu thứ tư. Người cầm chầu ngoài vốn Nho học uyên bác còn phải am hiểu về tuồng tích và nghệ thuật biểu diễn để cảm nhận tinh tế và khen chê đúng mức động tác diễn, chất giọng, cách thể hiện từng câu Nam, câu Xuân, câu Lối của diễn viên trên sân khấu. Vì vậy, người cầm chầu ngày xưa thường là các vị quan lại, chức sắc hoặc các vị trưởng lão tại địa phương tổ chức biểu diễn hát bội.
   Tìm hiểu những nét độc đáo của nghệ thuật cầm chầu, chúng ta có thể thấy đó là cả một quá trình thống nhất theo những nguyên tắc nghiêm ngặt. Khi sắp bắt đầu buổi diễn, người cầm chầu “hỏi” đoàn hát đã chuẩn bị xong chưa bằng hai tiếng trống nhẹ, hơi gằn “rụm rụm”. Dàn nhạc lúc này với trống chiến có vai trò “nghênh tiếp” trống chầu. Nếu chuẩn bị xong, tiếng trống phản hồi sẽ đáp lại “rụp rụp”. Để chắc chắn, trống chầu hỏi lại một lần nữa“rụm rụm”. Nếu có tín hiệu trả lời“rụp rụp” thì người cầm chầu sẽ lập tức đả tiếp hồi Khai trường (khai chầu). Nguyên tắc đánh của hồi trống này là buổi diễn thuộc về mùa nào thì đánh theo quy ước của mùa đó: Xuân tam, Hạ cửu, Thu thất, Đông ngũ. 
Một loài chim ử Úc có họ hàng với chim cu - Tác giả ảnh: Nam Lý
     Hồi Khai trường vừa dứt là nhạc bắt đầu nổi lên. Khi diễn viên ra sân khấu chuẩn bị hát câu đầu tiên, người cầm chầu tiếp tục gõ cái “thùng” khai mở cho câu đầu tiên của đêm diễn. Sau đó là những tiếng trống chấm câu “thùng”, đánh mỗi khi câu hát kết thúc; tiếng trống vớt hơi, với ý đỡ giọng cho diễn viên mỗi khi hơi bị đuối; tiếng điểm khuyên “thùng” để khen, động viên, khích lệ mỗi khi diễn viên có những câu hát hay, động tác diễn đẹp… Ngược lại, khi diễn chưa đạt, người cầm chầu thường phạt bằng cách gõ những tiếng “cạch, cạch” vào cạnh trống (tang trống).
     Hễ mình ít “chầu” thì bọn đào kép cho mình là người khó khăn, phách lối, khinh khi bọn xướng ca vô loại. Nhưng nếu mình đánh chầu đúng điệu thì bị gièm xiểm, cho rằng mình là thằng dâm dê, cứ đánh khen mấy cô đào trẻ mà chê bai mấy cô đào già.
Bồ Câu là loài có họ hàng với chim Cu - Tác giả ảnh: Dragana Trajkovic
     Chỉ nhằm giới thiệu bốn cái ngu ấy mà cụ Sơn Nam viết hẳn một cái truyện ngắn BỐN CÁI NGU trong truyển tập Hương Rừng Cà Mau. Khéo léo đến thế là cùng. Cái đoạn giới thiệu về nghệ thuật cầm chầu, nhà cháu sưu tầm ở Báo Bình Định.
Buôn Ama Thuột, 30/8/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments