Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, September 19, 2015

CÁI GIÁ KHỦNG KHIẾP CỦA NHỚ

   Bỗng dưng ai đó nhớ lại cái nơi mình đã từng ghé. Họ tìm một cục đá đặt lên đó làm chứng tích. Một miếng đất bé bỏng bị hòn đá choán lên liền. Người đẻ chứ đất không đẻ. Một ngày nọ, có tắc đường, thằng bé mất dạy nào đó chửi đậu xanh rau má nhà nó chớ, không có cục đá chình ình này thì có lối đi rồi. Để tưởng nhớ các vĩ nhân, các sự kiện lịch sử gì đó. Người ta lập tượng đài hoặc khu tưởng niệm. Quỹ đất bị thốn đi ít nhiều. Tiền xây tượng đài, bia tưởng niệm được rót ra. Và tất nhiên, tiền chi cho việc an sinh xã hội phải kém đi một chút. Có người hỏi, liệu lỗi do người sống hay người chết? Lại có kẻ đùa, giỏi ít thôi kẻo mai này tội con cháu.

   Anh ấy có căn nhà ở làng cổ. Căn nhà bé tí, xập xệ lắm rồi. Anh ấy muốn đập nhà, xây cái mới cho nó hoành. Mà nghe chừng người trong làng của anh cũng muốn như thế. Họ rủ nhau làm đơn xin xây nhà. Bỗng đâu có kẻ gào lên trời ơi lịch sử bao nhiêu năm sẽ tiêu tan khi làng cổ không còn. Thế rồi nhiều kẻ ưa hoài niệm khác cũng làm rùm beng lên. Anh ấy vẫn phải sống trong cái ổ chuột nhưng được cái mang tiếng danh giá người làng cổ.
Tác giả ảnh: Phương Luther
    Người ta muốn giữ được chút gì cho người đời sau còn nhớ đến mình nên muốn được chôn dưới các nấm mồ. Và mặt đất dang dần trở thành cái nghĩa địa khổng lồ. Cũng vì cái gọi là cần có để mà hoài niệm. Đất cho người sống cứ hạn hẹp. Và rồi thế hệ sau cấu xé nhau giành từng mảnh đất để sống và thậm chí sợ chết không có chỗ chôn.

    Người vợ bỗng dưng nhớ người yêu cũ. Ả ta buồn vu vơ, chồng hỏi gì cũng không nói. Anh chồng hơi bực. Và anh ta cũng nhớ cái nét dịu dàng của cô bé mối tình đầu. Hai vợ chồng nằm chèo queo ở hai góc giường. Cái nhà bỗng rộng thênh thang vì…nhớ.

    Vì nhớ công ơn mà phải nể ông này bà nọ, cho con cháu họ vào làm. Có năng lực thì may, không năng lực thì lỡ biên chế mất rồi. Giờ mà đuổi, chỉ cần nghe tiếng trẻ con khát nữa vì bố mẹ nó mất việc là đủ não nề. Kinh tế đất nước ốm nhom, dặt dẹo bởi nhớ.
Nhưng không nhớ gì thì người cũng chẳng bình thường cho lắm. Thôi nhớ vừa đủ để còn thấy bùi bùi, ngòn ngọt thôi. Nhớ quá, kinh hoàng lắm!
Buôn Ama Thuột, 19/9/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Friday, September 18, 2015

BUÔN HỒ


Nó là thị xã Buôn Hồ của tỉnh Dak Lak. Thời điểm nó lên ngôi "thị xã", người ta cũng bắt đầu nâng cấp hai tỉnh lộ 645 (Phú Yên ) và 691 (Dak Lak) để nối thành quốc lộ 29. Nó là điểm giao nhau giữa quốc lộ 29 và quốc lộ 14 (nay là đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên). Cái ngày nó được tách khỏi huyện Krong Buk để lên “thị xã”. Hội nước chè xanh ở xóm mình rôm rả lắm. Các cụ bảo nay thị xã nhưng mai này sẽ nâng lên thành phố và chưa biết chừng nó sẽ là trung tâm của tỉnh Dak Lak, còn Buôn Ma Thuột sẽ là trực thuộc trung ương, xóm mình thành đất phố. Nghe đến vụ mình là dân phố, ai nấy thích tai lắm. Nhưng nghĩ đến chuyện có một vài thứ phí phải đóng nhưng cuộc sống nơi này chưa chắc đã khác nhiều, các cụ lại méo xẹo cái mặt.

Nó là trung tâm mua sắm cho người dân hai huyện Krong Buk và Ea H’Leo. Nhất là người ở Ea H’Leo, muốn đi Buôn Ma Thuột mua sắm phải đi cả trăm cây số. Khi Buôn Hồ được đầu tư để thành thị xã thì hai huyện ấy bớt heo hút .Ít nhất là người trong tỉnh đỡ ngại khi bị phân việc về hai huyện nằm trên con đường nối Gia Lai với Dak Lak.

Nếu Buôn Hồ đủ sức lên tầm thành phố thì cả nó cùng với cảng biển Vũng Rô (Phú Yên) sẽ là hai đầu mút giao thương cho cả khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ thông qua quốc lộ 29. Sau này nếu ta đủ sức xây dựng đường sắt từ Phú Yên lên Dak Lak thì giá đất của Buôn Hồ hơi bị đắt đấy nhé.

Buôn Hồ tồn tại cực kỳ mờ nhạt trong tuổi thơ của mình. Bởi nơi mình sống cách nơi ấy khoảng 70 km đường vòng vèo. Lần đầu tiên nghe đến địa danh Buôn Hồ là vì trong bữa cơm nọ, ba má nói chú hàng xóm sẽ chuyển nhà sang Buôn Hồ sống. Chú ấy là người Huế, có lẽ sống với cả xóm toàn người Nghệ An khiến chú hơi cô độc. Thế nên chú chuyển nhà sang bên ấy sống chung với cộng đồng người Huế di cư.

Còn bây giờ, Buôn Hồ là cái mốc địa danh để mỗi lúc người trong gia đình mình đi xe khách chạy từ Gia Lai sang thì gọi báo tin chuẩn bị sang ngã ba Cuôr Đăng (phát âm là Chu Đăng) đón.
Buôn Ama Thuột, 18/9/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Nguyễn Hữu Thọ

2 comments

Tuesday, September 15, 2015

KIẾN VÀ RAU DỀN


Trèo lên cây chôm chôm, bị kiến cắn vào mõm. Ló mặt ra khỏi nhà đã có anh trêu mới được người yêu cắn hay sao mà sưng môi thế. Có ngượng không cơ chứ. Thù kiến nên phải nói xấu tông chi họ hàng nhà nó. Trong ảnh là cây rau dền đương trổ bông. Ở đâu mọc rau dền thì ư như xung quanh đấy có tổ kiến. Thú vị phát nữa là nơi nào có rác thải hữu cơ phân hủy nhiều thì nơi ấy có rau dền. Kiến ở đây là kiến bé tí tị dài khoảng 1 mm, đen thui và cực kỳ hăm hở khi có con bò, con trâu ỉa lên tổ ấy. Nhờ bọn ấy mà “để lâu cứt trâu hóa bùn” được đấy. he he. Ở Tây Nguyên nhá, không lo lẽo đẽo theo đít bò mà hốt cứt thì ngày mai cái đống ấy bị kiến vùi đất lên một phần tư rồi nhá. Ơ kìa, các bạn đừng có gớm. Buôn phân bò nhanh có Iphone lắm đấy nhá.
Lại nói chuyện kiến với rau dền. Cách đây mấy tối, Tây xem trên chương trình Thiên Nhiên Kỳ Thú của kênh An Ninh Thế Giới có quay cảnh kiến cắt cỏ rồi tha về tổ. Tất nhiên nó không ăn được cỏ, nhưng loại nấm mọc lên từ đống cỏ trong tổ là nguồn thức ăn cho kiến. Loại nấm này chỉ trong tổ kiến mới có. Thế thì Tây bắt đầu thắc mắc là, liệu có phải kiến cũng xẻo lá dền rồi tha về tổ để nuôi nấm hay không. Vì nơi nào có dền mọc thì có tổ kiến và lá dền hay bị xẻo mất góc. Vết xẻo mượt mà chứ chẳng nham nhở như sâu gặm.

Vui mắt nhất là sau vài hôm mưa dầm. Ngóng cổ ra vườn, nơi nào có vãi trấu cà phê tươi hồi đầu mùa khô thì dền cơm mọc lún phún. Nhìn rau dền, người Thái Bình thèm mắm cáy, người Nghệ Tĩnh thèm tương, người Bình Trị Thiên thèm ruốc. Rau dền luộc chấm với mấy thứ ấy đã là một phần tuổi thơ của họ rồi. Vào Tây Nguyên, họ chẳng có gì ngoài cây nông sản. Tất tần tật đều phải mua. Nhưng có những thứ phải ở quê mới có…

Tạm thế đã, khi nào có ảnh rau sam sẽ kể tội của bọn kiến phá cái sân phơi nông sản như nào.
Buôn Ama Thuột, 15/9/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Nguyễn Hữu Thọ
4 comments

Monday, September 14, 2015

NÔNG THÔN TRỒNG CHÈ Ở ÁN ĐỘ VÀ Ở TÂY NGUYÊN

Đây là hình ảnh của các bạn chơi ảnh ở Ấn Độ chụp. Mấy hôm trước các bạn xem VTV24 về nông dân trồng chè ở Ấn Độ cũng biết rồi. Cảnh sống khốn khổ thôi rồi. Nom nông thôn của họ cũng như Thái Nguyên hay Lâm Đồng của Việt Nam nhỉ? Ngồi tìm cái bài thơ có câu với đại ý búp chè chết thêm lần nữa để tỏa lương cho đời mà không thấy lên mò vào Facebook các bạn Ấn Độ he he. Mà thât, búp chè bị cắt lìa khỏi cây là chết lần thứ nhất. Nhưng lần chết thứ hai trong nước nóng bỏng mới thực sự tỏa hương cho đời. Nể gã nhà thơ ấy quá. Bên dưới là ảnh hái chè, đội các khay chè về nhà và hai ảnh đường quê xứ chè của Ấn Độ đấy.


Tác giả ảnh: Jameson Sahariah

Tác giả ảnh: Jameson Sahariah
Tác giả ảnh: Debashiz Gogoi
Tác giả ảnh: Debashiz Gogoi
Tác giả ảnh: GitaRtha SønØwal

    Em đang phấn đấu là mỗi khi vào ngó blog của em xong thì các bác sẽ ngoái ra ngoài cửa sổ tìm kiếm màu xanh lá cây, tò mò một chút về mảnh đất Tây Nguyên và khuyên con nên xem chương trình thế giới động vật. He he. Ước mơ giản dị vật vã nhể?

Tác giả ảnh: Siu Hrill
Tác giả ảnh: Siu Hrill
Tác giả ảnh: Siu Hrill
Tác giả ảnh: Siu Hrill
No comments