Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, September 26, 2015

BẢO TỒN LỄ BỎ MẢ (PƠ THI) NHƯ THẾ NÀO NẾU TÂY NGUYÊN KHÔNG CÒN HÌNH THỨC ĐỊA TÁNG?

Mình có một khát vọng, đó là Việt Nam không còn mồ mả nữa. Người chết được hỏa thiêu và đổ lên rừng bón cho cây hoặc ra sông, ra bể. Những ngôi mộ đã có từ trước thì xin phép được lấy hết xương cốt và cũng dùng điện đốt thành tro. Trả lại mặt bằng cho việc trồng rừng (ở vùng nông thôn) hoặc dựng công viên cây xanh (ở thành thị). Tất cả đều hóa vào hư vô hết. Chỉ có những đóng góp lúc còn sống thì trường tồn. Không còn cảnh thân nhân đi tìm hài cốt nữa. Nhưng chắc chắn những nhà nghiên cứu văn hóa sẽ gào lên rằng việc bảo tồn các nghi lễ liên quan đến mồ mả sẽ ra sao, như Pơ Thi của các đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên chẳng hạn. Và mình đã nghĩ giải pháp như thế này
Một cái nhà mồ ở Tây Nguyên
Để lễ được tươm tất thì ắt phải hội tụ đông người về giúp. Tình cảm giữa người với người được gắn kết từ đó. Vì thế, phải bảo tồn lễ bỏ mả của đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên. Khi hình thức chôn dưới đất không còn, nghĩa là không có mộ nữa thì lấy đâu ra mà bỏ mả? Có! Chúng ta đừng vội vàng đổ tro cốt ngay sau khi hỏa táng. Những hũ đựng tro được đặt trong một cái nhà mồ bằng gỗ rồi chờ đến lúc gia đình có đủ điều kiện làm lễ bỏ mả mới đi đổ tro ra thiên nhiên. Mỗi một khu dân cư có một nhà mồ tập thể. Nhà mồ được làm bằng gỗ và dưng theo lối cổ truyền. Vấn đề tượng nhà mồ thì sao?

Ngày nay, dạo quanh nghĩa địa của đồng bào thiểu số. Không khó để bắt gặp những nhà mồ được xây bằng xi măng ốp gạch. Tượng dựng quanh nhà mồ làm bằng sứ. Những người đam mê tìm hiểu nghệ thuật tạc tượng nhà mồ bằng gỗ sẽ khóc thét khi hoài cổ là cái chắc. Lễ bỏ mả khi không còn hình thức địa táng vẫn có dựng tượng nhà mồ. Nhưng độc đáo ở chỗ, gỗ để tạc tượng là do người quá cố  (hoặc bố mẹ) trồng cây mà nên. Mỗi một nhà mồ tập thể ấy theo thời gian sẽ trở thành nơi trưng bày tượng. Khi một đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời thì bố mẹ chúng phải trồng cho nó một cái cây lấy gỗ. Đứa trẻ ấy lớn lên, già đi và sau khi chết thì người thân chặt cây ấy lấy gỗ để tạc tượng nhà mồ. Từ đây, hình thành một nền văn hóa mới. Văn hóa trồng cây xanh phục vụ cho việc bảo tồn những tinh hoa do người xưa để lại.
Một buổi học tạc tượng nhà mồ do trung tâm bảo tồn văn hóa người Jrai tổ chức
Rồi sẽ phát sinh ra tục “vay cây”. Nếu những người không may chết lúc còn trẻ. Cây của họ chưa cho chất lượng gỗ tốt. Thế nên người nhà phải vay cây của người già đang sống. Vay thì phải lấy lãi. Vay một cây thì đương nhiên trả phần gốc là cây còn non của người quá cố rồi. Ngoài ra, thân nhân phải trồng thêm một cây con nữa.

Những điều mình kể trên, loài người hoàn toàn có thể làm được. Nếu thay đổi được tư duy. Mình thầm thán phục những nhà truyền giáo Tin Lành. Chỉ sau có mấy trăm năm đặt chân lên Tây Nguyên mà họ có thể đồng hóa đức Chúa Trời với các vị thần (Giàng) của người dân tộc thiểu số. Đụng đến văn hóa tín ngưỡng là một vấn đề nhay cảm. Nhưng không gì là không thể. Mình nghĩ thế!
Buôn Ama Thuột, 26/9/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Nguyễn Quốc
No comments

Thursday, September 24, 2015

THỦ ĐOẠN SÍNH LỄ NGHĨA

Trung Thu năm ngoái hắn chia tay người yêu nên năm nay, hắn ngồi hút thuốc lá nơi góc quán cà phê trong tiếng rộn rã của trống múa lân. Lý do chia tay lãng nhách thôi rồi. Chỉ là nhân dịp Trung Thu năm ngoái, nàng người yêu nổi hứng trổ tài đảm đang. Nàng gõ google cách làm bánh Trung Thu. Khi có bánh, nàng chụp ảnh rồi tung lên Facebook. Nàng có nhắc tên hắn trong cái status ấy. Chờ mãi chẳng thấy hắn còm (bình luận) và like (ấn nút thích) gì cả. Nàng gọi điện, nhõng nhẽo đòi hắn mở mạng lên coi gấp. Lúc ấy hắn đang bận đi tặng quà Trung Thu cho một vài nhân vật quan trọng. Đó là những con người có thể giúp hắn trúng thầu các dự án lớn. Con gái khi yêu mà. Các nàng luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ. Tối hôm đó, lúc gặp, hắn bị nàng hằn học, mắng mỏ cực kỳ khó chịu. Nàng cáu tiết bảo có cái điện thoại thông minh mà không sắm được. Chỉ cần đăng ký gói cước 3G hoặc wifi là vào còm, like khi nào chả được.

Hắn cũng nổi khùng lên. Hắn chửi lại nàng rằng anh nói với em bao nhiêu lần rồi. Anh không thích sờ mát phôn (smarphone). Thời đại bùng nổ trào lưu chơi mạng xã hội. Ai cũng thèm có một cái. Bọn đối tác của anh, đông hơn quân Nguyên. Mỗi đứa chỉ cần khen khéo cái điện thoại của anh đẹp thế. Anh đố dám không tặng nó cái ấy đấy. Chưa có cái điện thoại nào được sờ ấm tay. Thôi dùng điện thoại ném chó rồi chó chết, còn nó vỡ ra lắp lại vẫn a lô như thường cho khỏe. Tiền đéo đâu mà vãi cho chúng từ A đến Z thế. Hết quà Trung Thu đến quà Tết Dương rồi sang Tết Âm Lịch. Tiền mừng con sếp đi du học và cả tiền cho vợ sếp đi thăm chùa chiền. Nàng làm như tiểu thư gia giáo lắm. Nghe có vẻ dị ứng với từ “đéo”. Ô thế là giận dỗi và chia tay. Đơn giản như đang giỡn. Nhưng hắn còn đau lòng lắm.
Bọ xít hút máu con sâu. Trông cứ như đang cứu sâu ấy nhỉ? - Tác giả ảnh: Thanh Tb
Ngồi ở góc quán, hắn ngắm thiên hạ đón Trung Thu. Đội múa lân của bọn trẻ con lít nhít đi bên hàng rào, chuẩn bị đến cổng quán. Bà chủ đã lanh lẹ đóng gấp cái cổng. Hắn hỏi sao phải làm thế, để chúng vào múa cho vui mắt cũng được mà. Bà chủ bảo mấy đứa trẻ con cả năm chẳng tập lần nào. Tự dưng mấy ngày cận tết Trung Thu, rủ nhau rung rung mấy cái đầu Lân để đi xin tiền thiên hạ chớ có hay ho gì đâu. Không cho chúng tiền. chúng đánh trống om sòm khó chịu lắm. Đánh trống cũng không đúng nhịp nữa chớ. À, hắn hiểu rồi. Một kiểu lợi dụng văn hóa để xin tiền đó mà. Đời lắm khi buồn. Chỉ mong văn hóa là cái còn lại sau cùng khi con người ta mất hết mọi thứ. Thế nhưng xem ra, văn hóa mất trước khi mất tiền rồi. Hắn chán. Hắn bỏ dở ly cà phê ra về.

Bước lững thững giữa đường, bỗng dưng hắn đá phải xác một con chuột. Ngó thấy cái biển hiệu bánh Trung Thu, hắn lắc đầu, tặc lưỡi, bảo khổ thân mày, chắc chỉ vì thèm miếng bánh ngọt nhỏ nhoi mà mắc bẫy. Loài người chúng tao vì muốn giành lấy vị ngọt cho riêng mình nên tranh đấu đến mệt nhoài. Không muốn mất nhiều sức thì phải dùng thủ đoạn. Sính lễ nghĩa cũng là một thủ đoạn mày ạ.


Để dự án nhanh có vốn đầu tư. Mấy nay hắn bạc mặt lo quà cáp các thứ tặng những người liên quan. Hắn đang sợ sống…
Buôn Ama Thuột, tết Trung Thu năm Ất Mùi 2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments

NGUỒN GỐC CỦA TỪ COÓC XÊ VÀ XU CHIÊNG

Tác giả ảnh: Angie Musgrave Brinker
     Coóc-xê (hoặc coọc-xê) là phiên âm của từ corset. Thực ra, corset trong tiếng Pháp không phải là áo ngực, mà là áo nịt phụ nữ thường mặc để thắt eo lại cho thon, nhỏ (ảnh). Trong tiếng Anh, corset vừa có nghĩa là áo nịt vừa có nghĩa là “yêu cầu thắt chặt” – một thuật ngữ chuyên ngành kinh tế.

     Như thế, cái nghĩa “yêu cầu thắt chặt” (tiếng Anh) và “cái áo nịt thắt eo nhỏ lại” (tiếng Pháp) của từ corset đã ít nhiều “trùng” nhau. Minh họa cho trường nghĩa này là một cảnh trong phim “Pirate of The Caribbean” (Cướp biển vùng Ca-ri-bê), khi diễn viên chính Elizabeth Swann mang cái “thiết bị” làm cho eo nhỏ lại này lên thì cô nàng thở không ra hơi và luống ca luống cuống rơi tõm xuống biển.

     Xu-chiên (hoặc xú-chiên) là phiên âm của từ soutien. Thực ra, trong tiếng Pháp, soutien có đến 4 nhóm nghĩa, nhưng không có nghĩa nào chỉ cái nịt ngực của phụ nữ: Sự ủng hộ; Cột trụ/ người ủng hộ; Sự giữ vững; Sự đỡ, sự chống; vật đỡ, vật chống (từ hiếm, nghĩa ít dùng).

     Để chỉ cái nịt ngực/xu-chiên/nịt vú, người Pháp ghép từ soutien (nâng đỡ) với một số từ khác đi liền sau có nghĩa là “ngực/vú”: soutien-doudounes; soutien-gorge; soutien-nibards; soutien-machins (machin: từ thân mật, nghĩa là cái ấy). Nghĩa đen của các từ này là “cái để nâng đỡ ngực” (phụ nữ).

    Do “cái để nâng đỡ ngực” cho phụ nữ này không còn xa lạ gì, bởi đã được hơn một nửa thế giới sử dụng nên đến nay người Pháp đã nói gọn lại là soutien, người Việt gọi là xu-chiên (phát âm xu-chiên đúng hơn là xu-chiêng).

    Nói thêm, người Việt đã Việt hóa rất nhiều từ gốc Pháp, trong đó có nhiều từ nếu không để ý sẽ không biết từ gốc như thế nào. Ví dụ: sen đầm (quốc tế), là cách đọc trại của từ gendarm, có nghĩa là công an, hiến binh… Ma-dút – mazut: dầu đặc dùng làm nhiên liệu để chạy máy. Ma-két – maquette: mẫu, mô hình của vật sẽ chế tạo (vẽ ma-két); mẫu dự kiến của bản in (thuê hoạ sĩ trình bày ma-két cuốn sách). Li-pli: nếp quần áo (lẽ ra phải đọc là pơ-li, nhưng người Việt đọc gọn thành li). Xúc-xích – saucisse. Mi-nhon – mignon: dễ thương.
Nguồn bài: Báo Đà Nẵng Điện Tử
2 comments

Tuesday, September 22, 2015

TƯỜNG THUẬT MÙA THU HOẠCH CÀ PHÊ 2015 - Kỳ 1: TIẾNG CÒI KHAI CUỘC

Đâu khoảng 5h30 sáng, bỗng dưng nghe tiếng đội trưởng nói trên loa rằng a lô, a lô, kính mời các đồng chí có tên sau đây, 2h chiều nay, đến hội trường của đơn vị để họp về công tác bảo vệ vụ thu hoạch 2015 – 2016. Thôi xong, cái nơi mình sống sẽ lao nhao từ đây cho đến Tết Nguyên Đán. Đội ở đây là đội sản xuất được nông trường quy hoạch lại nơi ở của công nhân canh tác cà phê sau đổi mới 1986. Mỗi đội ngày nay có khoảng 100 nóc nhà và đã được xã lập thành một thôn. Thế nên đến nơi này, ai đi xa về người ta sẽ hỏi nhà của ông nọ ở đội kia, còn người lạ mới hỏi theo địa chỉ thôn xóm. Một số người còn hỏi theo cái địa chỉ trước đổi mới 1986 nữa cơ.

Là thế này, sau Thống Nhất, người ta thành lập các nông trường cà phê. Thời ấy cả nước sống theo chế độ bao cấp nên nông trường muốn tồn tại được thì phải chia thành đội Sản Xuất, độ Chăn Nuôi, đội Chế biến. đội Lò Gạch, đội Công Trình và một khu tập thể. Trong đó, đúng như tên gọi, đội Sản Xuất có công việc chính là đi chăm sóc cà phê cho nông trường, đội Chăn Nuôi cung cấp thịt heo và bò cho công nhân theo chế độ tem phiếu, đội Lò Gạch cung cấp gạch ngói, đội Công Trình gồm những người chuyên đi xây nhà, đội Chế Biến thì phụ trách phơi và xay cà phê khi công nhân thu hoạch về. Còn cái khu tập thể thì để dành cho những ai mới di cư vào ở chờ phân công tác hay sao ấy. Trạm xá và các trường học phục vụ riêng cho con em công nhân cũng được lập từ đó. Sau 1986, người ta phân lại nơi ở của công nhân nên tên cũ bị xóa và quy hoạch lại diện tích chuyên canh cà phê cho đến giờ. Khi cả nước tiến hành cổ phần hóa, nông trường được đổi tên thành công ty trách nhiệm hưu hạn một thành viên cà phê gì đó.
Trái cà phê chín trên cây vào đầu mùa - Tác giả ảnh: Chế Hồng Trung
Lại kể tiếp lý do phải họp dân phòng. Bất kể cái gì có thể mang lại cơm áo cho bạn thì cái ấy chắc chắn bị trộm cắp dưới mọi hình thức. Dân sợ mất trộm lại muốn giảm tối đa tiền thuê nhân công nên thường xuyên hái cà phê còn xanh non. Đem cà nhân xô đi xuất khẩu ra nước ngoài. Người ta chê như tát nước vào mặt. Vì vậy, mỗi một mùa cà phê hằng năm (kéo dài từ cuối năm này sang đầu năm sau). Các công ty phải tô chức lực lượng dân phòng thay phiên nhau gác về đêm ở các lô đất do đội quản lý. Ngoài ra còn có lực lượng dân phòng do công ty thuê ăn dầm ngủ dề ngoài rẫy trong suốt mùa thu hái để đi tuần cà ngày lẫn đêm chuyên bắt quả tang nạn hái cà phê còn xanh và bắt trộm. Kỹ như thế mà năm nào cũng có nhà than bị trộm. Thế mới tài!

Sau khi họp tổ dân phòng ở mỗi đơn vị xong. Lãnh đạo của công ty sẽ cùng với chính quyền ở xã, huyện lên tình ủy để họp Hội Nghị Liên Tịch Về Việc Bảo Vệ Sản Phẩm Cà Phê Và Tài Sản Xã Hội Chủ Nghĩa. Họp xong, người ta lấy biên bản của hội nghị này đọc đi đọc lại trên loa phát thanh của mỗi đội vào các buổi sáng. Nội dung biên bản gồm có quy định tỉ lệ xanh-chín trên bạt lưới khi hái, cấm chăn bò quanh khu vực lô cà phê và cấm trộm cắp và các hình thức xử phạt.

Hôm nay là ngày 22/9/2015, gõ vài dòng để xem mùa cà phê năm nay kéo dài bao lâu.

Buôn Ama Thuột, 22/9/2015
Tây Nguyên Xanh


1 comment

Monday, September 21, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 14: NHỮNG NGƯỜI THẦY KHÔNG CÓ LƯƠNG HƯU


Đó là những người thầy làm nên thời đại hoàng kim của dạy thêm và học thêm ở vùng nông thôn Tây Nguyên. Cái thời mà ý nghĩa của học thêm cực kỳ trong lành. Học trò muốn có thêm kiến thức nên đến xin thầy chỉ dạy kỹ hơn. Bố mẹ thương thầy nên xin đóng tiền để thầy có thể kéo dài thời gian buổi trò chuyện. Những người thầy dạy thêm của chúng tôi cũng được đào tạo ngành sư phạm hệ chính quy nhưng họ học trước năm 1975 và học ở những trường đại học phía Nam của cầu Hiền Lương. Muốn giữ lấy nghề thì phải vào Tây Nguyên mới mong có việc. Tây Nguyên hồi ấy hoang vu, vượn hú. Cả đàn heo rừng vào quậy phá lớp học (cách thành phố ngày nay khoảng 50 km), cô và trò ôm nhau khóc vì sợ. Ờ thì khi ấy, phải như thế nào đấy mới phải vào Tây Nguyên.

Nhưng khi đến Tây Nguyên, những trường ở gần quốc lộ, các thầy của chúng tôi không được nhận. Họ phải nhận ở những vùng sâu hơn nữa. Vợ con khi ấy đùm đề rồi mà giá một ký cà phê, một thùng mủ cao su khi ấy cao hơn cả tháng lương giáo viên. Làm nghề giáo đã nghèo, mong có được tí tôn trọng mà bị hắt hủi như vậy nữa. Các thầy bỏ nghề để chạy chợ hoặc làm thuê kiếm tiền nuôi con.

Cái nghề giáo lạ lắm. Không học thì thôi chớ lỡ học rồi thì kiểu gì cũng thèm cầm viên phấn. Các thầy mở lớp dạy thêm, luyện thi đại học tại nhà.  Nông dân ở Tây Nguyên dù nghèo đến mấy cũng cố cho con đi học thêm để đỗ đại học. Cứ đến tuổi thì bố mẹ đến nhà xin gửi con vào học. Các thầy nhận và chúng tôi đa số đều đỗ đại học từ những cái lò như thế.

Nhà của các thầy không gần đâu nhé. Bây giờ đường sá đã đổ bê tông nên đi sướng rồi chứ ngày xưa, vào những ngày mưa, thế hệ anh chị của chúng tôi phải gửi xe đạp ở nhà dân phía ngoài đường cái. Xong rồi cuốc bộ hai cây số đường vừa dốc vừa trơn vào nhà thầy. Học trò trong một huyện đều đổ về đó cả. Ngày nay, cái hàng xe ô tô đỗ trước ngõ nhà các thầy vào ngày 20/11 và dịp Tết hằng năm cũng dài lê thê như thế. Học trò các thế hệ đều có công ăn việc làm ở những công ty lớn nhờ đỗ vào các khối A và B do các thầy luyện thi mà.

Cay đắng nhất là người thầy dạy tiếng Anh của tôi. Thầy hiền lắm. Hiền thật chứ không phải hiền như trong lối viết văn mặc định khi tả thầy cô ở bậc phổ thông đâu. Trước năm 1975 thầy là giáo viên dạy tiếng Anh ở trường THPT Phan Chu Trinh (Đà Nẵng). Sau Thống Nhất, toàn bộ giáo viên dạy tiếng Anh trên toàn miền Nam buộc phải bỏ nghề hoặc chấp nhận chuyển sang những môn như giáo dục công dân hoặc kỹ thuật nông nghiệp, bởi cả nước khi ấy chỉ học tiếng Nga. Thầy tôi phải ngậm ngùi vào Tây Nguyên làm rẫy.

Khi thầy cô dạy tiếng Nga trên cả nước phải cấp tốc đi học bổ túc tiếng Anh trong 3 năm liền để thực hiện dạy tiếng Anh đại trà ở bậc phổ thông, thì thầy tôi cũng rục rịch soạn giáo án để mở lớp dạy thêm. Lớp đông lắm, lúc ít nhất là 50 cháu. Còn học phí thì bi hài lắm. Đa số phụ huynh xin các thầy cho khất đến cuối mùa thu hoạch sẽ trả. Ai thương thầy thì đúng hẹn, còn không, ông giáo cũng không thể vác mặt đi đòi nợ được. Ngại chết! Chả như một số người, nhắc khéo chuyện học phí, ai nợ thì ăn điểm thấp nghe con.

Cuối đời, các thầy không có lương hưu!
Buôn Ama Thuột, 21/9/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Phạm Minh Ngọc
Để xem các kỳ trước thì các bạn bấm vào Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4 , Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7 Kỳ 8, Kỳ 9, kỳ 10, Kỳ 11 , Kỳ 12Kỳ 13
No comments

Sunday, September 20, 2015

SÔNG VÀ LỄ CÚNG BẾN NƯỚC CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ Ở DAK LAK

     Đắk Lắk là một tỉnh của cao nguyên phía tây của Việt Nam, phía bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía đông giáp tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, phía nam giáp tỉnh Lâm Đồng, Dăk Nông, Bình Phước, phía tây giáp Cămpuchia. Tổng thể địa hình của Đắk Lắk nghiêng từ đông nam lên tây bắc, có độ phân hóa cao đã tạo nên một địa hình không bằng phẳng gồm các cao nguyên, xen lẫn núi cao và các vùng trũng, hệ thống sông ngòi tương đối dày. Xuyên suốt cả tỉnh và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của cả tỉnh là hệ thống sông Sê rê pôk bao gồm các nhánh sông Krông Buk, Krông Pak, Krông Bông, Krông Ana và Krông Knô. Phía tây bắc có sông Ea H'leo, sông này là một tiểu lưu vực của sông Sê rê pôk, nó nhập vào dòng Sê rê pôk trên đất Cămpuchia.

    Sông Sê rê pôk là phụ lưu cấp I của sông Mê Kông, chiều dài toàn bộ sông là 315 km, với diện tích lưu vực là 30.100 km2, trên địa phận của Đắk Lắk (khi chưa tách tỉnh Dak nông) diện tích lưu vực của dòng chính là 4.200 km2 với chiều dài sông là 125 km, đoạn này lòng sông tương đối dốc, chảy từ cao độ 400 m ở hợp lưu xuống cao độ 150 m ở biên giới Căm pu chia. 

    Sông Sê rê pôk do hai nhánh sông Krông Ana (sông cái) và Krông Knô (sông đực) hợp thành. Sông Krông Ana là hợp lưu của 3 con suối lớn là Krông Buk, Krông Pak, Krông Bông, sông có tổng diện tích lưu vực là 3,960 km2, chiều dài dòng chính là 215 km, vùng trung và hạ lưu của sông là vùng đất khá bằng phẳng, nhưng trũng thấp, thường xuyên bị ngập nước về mùa lũ. 

    Sông Krông Knô bắt nguồn từ dãy núi có đỉnh cao trên 2000m, có diện tích lưu vực là 3,920 km2 chiều dài dòng chính là 156 km. Sông này do hai nhánh suối chính là Krông Kma và Dăk Rmăng hợp thành. 

     Sông Ea H'leo bắt nguồn từ núi Ea Bar ở độ cao 720 m thuộc huyện Ea H'leo, sông có chiều dài 142 km, diện tích lưu vực sông là 3,080 km2, sông Ea H'leo có hai nhánh lớn là Ea H'leo và Ea Sup, nhánh Ea Sup tạo ra vùng bình nguyên Ea Sup bằng phẳng và rộng lớn trên vùng cao nguyên, nhánh sông Ea Sup có diện tích lưu vực là 994 km2, chiều dài là 104 km, nhánh sông Ea H'leo có diện tích lưu vực là 638 km2, chiều dài là 82 km. Ngoài ra còn có Sông Ba ở phía đông nhưng dòng chính không chảy qua Đắk Lắk mà chỉ có hai chi lưu ở thượng nguồn là sông Krông Hnăng và sông Hinh.
    
Suối Đá Bàn của huyện Ea H'leo (Dak Lak) - Tác giả ảnh: Người Hóng Hớt
    Với hệ thống sông suối dày đặc như trên, hàng năm Đắk Lắk nhận được khoảng 17,8 tỷ m3 nước”[Uỷ ban nhân dân tỉnh Đăk Lắk, Sử dụng tài nguyên đất và nước hợp lý làm cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đắk Lắk. NXB Nông nghiệp. Hà Nội.2003]. Một nguồn nước vô cùng phong phú, song không ai nghĩ rằng Đắk Lắk cũng đã từng hứng chịu những đợt hạn hán kéo dài gây mất mùa liên tiếp, vậy vấn đề cần bàn ở đây là gì? 

     Hệ thống sông nước là một yếu tố quan trọng trong đời sống của các cư dân nói chung và cư dân sống ở cao nguyên nói riêng, Nước là cả một sự khát khao của cư dân ở cao nguyên. Không phải ngẫu nhiên mà cái tên của tỉnh Đắk Lắk cũng là chỉ về nước, rồi tên của hầu như các huyện, và các buôn làng đều mang tên sông (Krông), suối (Ea) ví dụ như: Krông Bông, Krông Buk, Krông Pac, Krông Ana, Ea Sup, Ea H’leo…Ở Đắk Lắk hiện nay vẫn còn có một dòng họ mang tên dòng sông, đó là họ Buôn Krông. Dòng họ này, hàng trăm năm nay đều sống ở ven sông, ven hồ, ven các đầm lầy, các vùng trũng…
     
     Hạt nhân của xã hội Êđê truyền thống là buôn, quy mô của buôn gần như làng của người Việt. Người dân sống trong buôn mặc dù chưa có sự phân hóa giai cấp một cách rõ ràng nhưng cũng đã bắt đầu hình thành những lớp người như chủ đất (pô lăn), chủ bến nước(pô pin ea)[1], tù trưởng(mtao), thầy cúng, thầy bói, thầy phù thủy (pô riu yang, pô pa ghê, mjâo), người xử kiện (pô phat kdi), người ở (dik). Trước đây, người tìm ra nguồn nước thường là người đứng đầu buôn (khoa buôn), song trong thực tế khoa buôn có thể chỉ xuất hiện từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại Đắk Lắk. Chức vị này do một gia đình cố định trong buôn nắm giữ, và truyền theo dòng nữ, nhưng những người trực tiếp nắm chức vụ này không phải là người đàn bà mà là đàn ông, chồng của một trong số những người đàn bà của gia đình hay dòng họ đó. Tuy nhiên, người đàn ông này chỉ đơn giản là người thừa hành nhiệm vụ do người vợ ủy nhiệm. Một khi người vợ chết, gia đình nhà vợ không có người nối dòng thì người đàn ông phải trở lại nhà mình, không có quyền đòi hỏi tài sản gì, cũng như vai trò khoa pin ea cũngkhông còn nữa, gia đình người vợ sẽ tìm người thay thế. Người này có thể là chồng của các chị em trong gia đình.
    
    Nhiệm vụ của pô pin ea là quản lý điều hành các công việc chung của buôn làng, giữ gìn các phong tục tập quán cổ truyền và quan hệ, giao lưu với các buôn khác. Trước đây, người (dòng họ) giữ chức khoa pin ea thường kiêm luôn chức pô lăn thậm chí kiêm cả chức mtao.
     
     Nhà dài - bến nước - nhà mồ, đó là không gian sinh tồn của cư dân Tây Nguyên nói chung và cư dân Êđê nói riêng. Buôn nào cũng có một bến nước, cả buôn sống nhờ vào nguồn nước này, mỗi khi đi tìm đất để dựng buôn mới bao giờ người ta cũng tìm những khoảng đất cạnh nguồn nước mát, người tìm ra nguồn nước cho cả buôn sử dụng được dân làng rất kính trọng. Đôi khi, tên những người này được dân làng đặt thành tên buôn, ví dụ: buôn M’Duk, buôn M’Blơt,…Người Gia Rai ở huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Ajun Pa, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) còn truyền nhau câu chuyện về Vua Nước (Pơ tao Ia).
      Làng Vua Nước (Plei Pơ tao) ở xã Nhơn Hòa, cách trung tâm huyện Chư Sê khoảng 20 km, thuộc tỉnh Gia Lai. Truyền thuyết về Vua Nước kể rằng, Yang Ju H’măng và Yang Chứ giao chiến, Yang Ia đứng ra can thiệp, được Ngọc Hoàng tin cậy giao cho việc cai quản dân làng. Yang Ia ở tận trời cao, muốn cai quản tốt dân làng Yang Ia xin Ngọc Hoàng dựng một cấp trung gian nữa là Vua Nước (Pơ tao Ia) để cai quản thế gian. Vương miện đầu tiên được trao cho người Chăm, sau này là người Gia Rai thuộc dòng họ Rơ Chăm đã giành được vương miện, chính vì vậy, người Chăm đã nhiều lần đến đánh nhau để đòi lại vương miện
    Vua Nước là người đại diện trần gian liên hệ với thần linh ở cõi trần, vua được thần dân trong làng góp tiền làm nhà, thần dân tự nguyện sản xuất để nuôi vua. Vua chỉ làm mỗi việc là cầu trời cho mưa thuận gió hòa, người người khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Vợ vua được coi là hoàng hậu, con gái được coi là công chúa, con trai là hoàng tử.
 
    Cho đến năm 1955, dòng họ vua nước đã trải qua 7 đời vua, đó là Rơ Chăm Kép làm vua từ năm 1425 đến năm1496. Rơ Chăm Nhơn làm vua từ năm 1501 đến năm1571. Rơ Chăm Bring làm vua từ năm 1576 đến năm 1646. Rơ Chăm Dăi làm vua từ năm 1651 đến năm1719. Rơ Chăm Guh làm vua từ năm 1724 đến năm1795. Rơ Chăm Nhoach làm vua từ năm 1800 đến năm1870. Rơ Chăm Bo làm vua từ năm 1897 đến năm1955.
    
    Vua Nước đời thứ 7 mất, xác của ông được hỏa thiêu rất long trọng, giống như người Chăm Bà la môn ở vùng duyên hải Trung bộ. Người ta để xác Vua trên giàn lửa trong suốt lễ tang kéo dài 7 ngày, 7 đêm. Trong thời gian này, các làng làm trâu bò cúng tế. Sau 7 ngày, dân làng lấy tro chôn ngay dưới nhà mồ, và họ cũng thực hiện việc chia của cho vua. Nhà mồ của vua được xây dựng như nhà rông thu nhỏ trong một khu vực riêng, không cùng với khu nhà mồ của làng. Chỉ có vợ vua mới được chôn cất ở gần. Trong lễ tang, người ở các buôn xa, buôn gần đều đến dự, những người Gia Rai ở Plei Ku, Chư Prông, Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), những người Êđê, Gia Rai ở Buôn Ma Thuột, Ea H’leo, Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) đã đến rất đông. Hiện nay, Vua Nước đời thứ 7 còn lại một người con gái là Rơ Chăm H’ra Nhrung, chồng của cô là Kpă Măng cùng hai người giúp việc là ông Siu Pel và Kpă Khoai. Già làng của Plei Pơ tao là Kpă Tek. Tài sản của Vua Nước để lại là một thanh gươm thần cất dấu ở rừng thiêng chỉ có vua và người giúp việc được biết, còn hai quả chuông và quần áo của vua do con cháu dòng họ Rơ Chăm ở buôn Săm, huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) đang cất giữ. Muốn xem gươm phải cúng tế thần bằng một con heo. Hiện nay, con cháu Vua Nước là dòng họ Rơ Chăm ở buôn Săm, huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk).
    
    Sự thiêng của Vua Nước là một yếu tố quan trọng để các thành viên trong cộng đồng không dám xúc phạm thần linh, không dám phá hoại, làm ô nhiễm nguồn nước, hay nói một cách khác họ không dám huỷ hoại môi trường nơi họ và cộng đồng dân tộc mình đang sinh sống.
    Buôn Ako Êmông và buôn Ea Khít của xã Ea Bhôk, huyện Krông Ana có một dòng suối tên gọi Ea Khít, dòng suối này có đặc điểm cứ mỗi một đoạn lại có một mạch nước ngầm phun lên, mạch nước đầu tiên của dòng suối được bà con sử dụng làm bến nước của cả mấy buôn xung quanh đó, những mạch ngầm tiếp theo được bà con sử dụng làm chỗ tắm của phụ nữ, và chỗ tắm của đàn ông... không phải ngẫu nhiên mà cũng chính nơi này người dân vẫn còn truyền nhau câu chuyện về vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng đã dựng một căn nhà để trú tạm trên đường đi xuống nghỉ ngơi săn bắn ở huyện Lắk. Ngôi biệt điện nằm cách bến nước của buôn Ea Khit không xa, và ngay bên cạnh dòng nước ngầm đến nay vẫn còn dấu vết của trạm bơm nước thời Bảo Đại.
    Bến nước, được coi là khu vực thiêng, dân làng không ai dám xúc phạm nguồn nước, làm ô uế nguồn nước. Ai vi phạm thần sẽ nổi giận và người đó sẽ bị luật tục của cộng đồng phán xử. Từ xa xưa, người Êđê thường kể cho con cháu của họ nghe về bến nước của người nhà trời trong các sử thi: “ Con à, cha muốn dặn con, khi con đi chặt đọt mây, bắp chuối với người ta, nếu người ta đi Đầm Chuối, Thác Mây, đi khu rừng hò hẹn của Y Tang, Y But nơi có bến tắm Nhà Trời thì con đừng đi, con nhé ! Bến nước này, dưới có cầu đồng, trên bắc máng bằng vàng, chiều chiều chị em nàng H’ Bia Kjuh thường xuống tắm đấy, con ạ”[ [1] Nguyễn Hữu Thấu, Sử thi Êđ ê Khan Đăm Săn và Khan Đăm Kteh Mlan, Nxb ch ính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003. Trang 127 ] Tại sao người ta lại khuyên con không đến bến nước? Vì sự linh thiêng? Hay là sự khuyên bảo con cháu không phá rừng đầu nguồn, một kiểu truyền dạy những tri thức sơ đẳng về bảo vệ không gian sinh tồn của cộng đồng chăng? Ở một trang khác, sử thi lại mượn lời nhân vật Đăm Par Kvây ca ngợi : “ Sao mà đẹp đến thế cái bến nước của người ta này! Cầu bằng đồng, máng bằng vàng. Các tù trưởng nhà giàu làm sao mà có được một bến nước như vậy. Quả là đẹp thật, cái vùng Đầm Chuối, Thác Mây, cái khu rừng hò hẹn của Y Tang, Y But, cái bến nước của Nhà Trời với những tảng đá phẳng lỳ, với rừng kơ chil ê răng đầy hương thơm ngào ngạt này!”[ đã dẫn, Trang 129] Bến nước này đã được huyền thoại hóa hết sức đẹp, lời của người xưa lại khuyên con cháu phải biết giữ gìn không được phá hoại. Theo lời dạy của ông bà tổ tiên, ngàn đời nay, hàng năm buôn nào cũng tổ chức cúng bến nước.
    Người Tây Nguyên thường hứng nước từ các khe đá bên sườn núi hay từ các dòng suối nhỏ ở các ngọn núi. Để dẫn nước được từ các khe suối về bến nước của buôn làng, họ đã dùng những ống cây lồ ô chẻ đôi nối thành những máng nước dài.
 
    Ở những buôn lớn và giàu có thì bến nước thường có nhiều máng dẫn về, thông thường là 7 máng, những buôn nhỏ thì số máng ít hơn. Đây là khu vực thiêng, dân làng không ai dám xúc phạm, làm ô uế nguồn nước. Ai vi phạm thần (yang) sẽ nổi giận, và người đó sẽ bị luật tục của cộng đồng xử phạt. Trong luật tục của người Êđê, điều 163, chương VIII CÁC TRỌNG TỘI quy định xử phạt những kẻ bỏ thuốc độc, trồng ngải, rắp tâm làm sập các máng nước ở nguồn nước chung, giết hại cả làng phải được đưa ra xử trước mọi người trong cộng đồng buôn làng.
     Vì được làm bằng những cây lồ ô nên những ống dẫn nước này chỉ chịu đựng được trong một thời gian nhiều nhất là một năm, năm sau họ phải thay những ống dẫn nước mới. Mỗi lần thay ống dẫn nước mới, buôn làng lại tổ chức lễ cúng bến nước, lễ cúng này do khoa pin ea chủ trì. Thông thường họ tổ chức cúng bến nước vào khoảng cuối năm cũ, đầu năm mới sau khi thu hoạch lúa xong. Trước lễ cúng mấy ngày, khoa pin ea nhắc nhở dân làng dọn dẹp sạch đường đi trong buôn, đường xuống bến nước, sửa sang lại bến nước, máng nước, bài tắm…Nơi dân làng thường lấy nước được khơi cho rộng hơn và thoáng hơn để làm lễ cúng (ngă yang) ở ngay bến nước. Trong những ngày này, dân trong buôn đi lấy nước không mang gùi mà chỉ xách bằng tay, mọi người trong buôn làng đều vui mừng, mong chờ ngày lễ của cả cộng đồng. Trong hàng loạt lễ cúng của người Êđê, đây là lễ cúng lớn chung cho cả buôn. Trước đây, mỗi một hộ gia đình góp lễ bằng bất cứ thứ gì có như: gạo, rượu, heo, gà; lễ thường kéo dài 3 ngày. Hiện nay, trước lễ Chủ bến nước đã tổ chức họp toàn thể buôn làng cùng nhau thống nhất góp mỗi hộ gia đình 5.000 – 10.000 đồng và 3 lon gạo, lễ chỉ diễn ra có 1 ngày.
    Để chuẩn bị cho buổi lễ, ngay từ sáng sớm dân làng tụ họp tại nhà của chủ bến nước (pô pin ea), người chủ bến nước phân công mỗi người một việc. Những thanh niên khoẻ mạnh, người thì bẻ lá bỏ vào chín ché rượu; người thì chuẩn bị các nồi đồng đựng nước để ngay bên cạnh; người thì mổ heo, chuẩn bị cho vật tế lễ. Các thiếu nữ và người già thì lo việc bếp núc, chủ bến nước đã chọn trong 5 cô gái của buôn, mặc trang phục truyền thống tháp tùng thầy cúng đi xuống bến nước và 3 thanh niên mang theo cung tên, giáo mác và đồ cúng, không ai trong buôn được đi cùng với đoàn người.
    Sau khi thầy cúng bày biện đồ cúng gần máng nước, ba chàng trai ngồi, 5 cô gái đứng sau lưng thầy cúng nghiêm trang nghe thầy cúng khấn: “Hôm nay, buôn …làm lễ cúng bến nước, mời thần trời, thần đất, thần núi, thần sông, thần bên đông, thần bên tây về đây cùng hưởng lễ vật với dân buôn chúng tôi và phù hộ cho buôn chúng tôi hưởng mưa thuận gió hòa, dòng nước trong mát trong lành, mùa màng tươi tốt, tất cả già trẻ trong buôn đều khỏe mạnh…”. Sau khi cúng ở bến nước xong, thầy cúng còn làm lễ cúng ở một gốc cây cổ thụ to nhất, lâu năm nhất ở khu vực bến nước mong muốn thần cây linh thiêng bảo vệ cho nguồn nước không bao giờ khô cạn, mãi mãi trong lành. Sau đó, thầy cúng và đoàn người về làm tiếp lễ cúng thần đất, cúng ông bà tổ tiên, cúng sức khỏe cho chủ bến nước…kết thúc lễ cúng mọi người tham dự uống rượu cần, ăn thịt heo nướng, đánh chiêng, múa hát suốt đêm. Hôm sau, chủ bến nước lại chuẩn bị lễ vật để thầy cúng tiếp tục cúng ở đầu buôn và cuối buôn cầu cho dân làng khoẻ mạnh, buôn làng giàu có…

(Bài viết được trích từ Bảo tồn các lễ cúng bến nước góp phần bảo vệ môi trường nước sạch ở nông thôn Đắk Lắk hiện nay  của Lương Thanh Sơn)
No comments