Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, October 17, 2015

THÓI QUEN SỬ DỤNG CAO KHỈ, RƯỢU RẮN BẮT NGUỒN TỪ ĐÂU?

    Hai năm trở lại đây, do các loài ăn thịt bò sát bị sắn bắt quá mức cho nên Việt Nam bỗng dưng bùng nổ số lượng rắn xanh đuổi đỏ (còn gọi là rắn lục đuôi đỏ). Ban đêm, rắn thò đầu vào cửa sổ nhà dân để “chúc ngủ ngon”. Đâu đâu cũng có “phong trào” diệt rắn. Lượng rắn thu về, đáng lẽ được chôn lấp. Một số kẻ tự dưng dựng lên tác dụng y học của rắn xanh đuôi đỏ. Thế là chúng mặc sức dùng roi điện gí cho rắn ngất và gắp bỏ vào hũ rượu. Xong rồi rao bán kiếm lời. Các loài rắn khác, cũng bị tận diệt theo công thức ấy.

Ngày xưa, một số vua chúa và quan lại thường có sở thích bệnh hoạn, đó là thích thấy kẻ khác sợ hãi vì mình. Họ có thể đánh hoặc nhéo cho người hậu hạ khóc thét  van xin. Có một trò chơi kinh điển, đó là bắn cung tên hoặc ném phi tiêu vào trái đào hoặc táo đặt trên đỉnh đầu của người hầu. Đã có nhiều người chết vì trò chơi ấy. Giết người rồi thì ắt sợ bị báo thù. Thế hệ sau của vua chúa và quan lại đó lại chơi cách khác, chúng cũng có nhu cầu được nghe tiếng thét xé lòng để thể hiện mình gan lỳ nên chúng tàn nhẫn với những con khỉ.
Tác giả ảnh: Thái Hồng Kỳ
Những con khỉ bị chém đứt sọ và họ ăn tươi não của nó, pha máu uống chung với rượu. Sau đó con khỉ bị róc thịt để xào nấu thành các món ăn cho bọn chúng xơi. Ngày nay, vẫn có lắm kẻ thích giữ thói quen bệnh hoạn này. Phần xương còn lại, theo lẽ thường thì bị vứt đi. Nhưng có kẻ nảy ra ý ninh nhừ cho xương thành cao rồi đồn thổi nó có tác dụng bổ khớp để bán lấy tiền. Nông dân quanh năm lên rừng đốn củi, cúi mặt cày cấy nên hay bị đau lưng. Có bênh thì vái tứ phương. Nghe đồn cao khỉ và cao mèo có thể chữa được bệnh nên mua.

Dân mình có niềm tin khá là buồn cười. Đau ở bộ phân nào thì ăn những bộ phận tương ứng của các loài khác nhằm mong hết bệnh. Vì thế, bọn chuyên săn bắt thú rừng đồn thổi đủ kiểu hòng kiếm lời. Ai bị bệnh về da liễu, bọn săn bắt sẽ bảo mua da và vảy của con kỳ đà hoặc tê tê rồi về đốt lên, hòa với riệu để thoa lên da. Chúng lấy lý do rất củ chuối, đó là da của các loài ấy bóng lộn vì nhờ các tố chất này nọ có trong da và vảy.


Trong khi các nhà khoa học đang loay hoay tìm hiểu hoạt chất có trong mọi sinh vật thì lang băm đã có mặt khắp mọi ngõ ngách rồi. Chẳng biết có chữa được bệnh không nhưng người bệnh tốn tiền mua mà sinh vật cứ chết dần theo đơn vị giây của thời gian. Vậy, thú tính trong ai?
Buôn Ama Thuột, 17/10/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, October 15, 2015

GIANG HỒ MỘT THUỞ

Những năm cuối thập niên 70 và đầu 80 của thế kỷ 20, dòng người di cư đến Tây Nguyên khi ấy có ba dạng chính: nông dân ở vùng chiêm trũng đi làm kinh tế mới, giang hồ các xứ tìm nơi hùng cứ và công chức các miền khác nhận lệnh vào kiến thiết lại các thị xã. Hồi ấy, còn có nạn Phun Rô cho nên đường đến Tây Nguyên đã xa lại càng thêm xa. Bây giờ, từ thành phố Buôn Ma Thuột (Dak Lak) xuống thành phố Quy Nhơn (Bình Định), xe ô tô chạy khoảng 7 tiếng đồng hồ là tới. Đó là tài xế vừa chạy vừa tán gái á. Nếu chạy bạt mạng thì 5 tiếng thôi. Vậy mà thời kỳ còn Phun Rô ấy, đi hết…3 ngày. Xe đang chạy mà nghe báo động có Phun Rô bắn phá thì phải lánh vào nhà dân, hôm sau chay tiếp. Nói thẳng ra, an ninh của Tây Nguyên thời ấy: ai mạnh thì sống, ai vống thì ngoẻo.

Lại nói đến sự phân bố dân di cư khi ấy. Nông dân thì được sắp xếp sống ở những khu tập thể và được phân làm công nhân cho các nông trường cây công nghiệp ở sâu trong các huyện. Công chức các miền nhận lệnh về Tây Nguyên thì được phân vào làm ở trung tâm thị trấn của huyện hoặc thị xã của tỉnh. Dân giang hồ sống ở vùng giáp ranh giữa thị xã và huyện. Giang hồ tứ chiếng quy tụ về Tây Nguyên đa số núp dưới cái bóng kinh doanh. Thằng nào giành địa bàn mần ăn thì oánh chết bà nó ngay. Có một chàng thanh niên đất võ Bình Định lên Buôn Ma Thuột sống. Ở Dak Lak, người Bình Định chủ yếu sống ở vùng giáp ranh giữa thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Krong Pak. Tức là khu vực quanh chợ đầu mối Tân Hòa và khu du lịch buôn Ko Tam bây giờ. Lượng ve chai trên toàn thành phố được đổ về khu vực này để tiêu thụ. Dân ở đây giàu lên nhờ…rác. Khi có vốn dày thì họ mở cửa hàng bán xe nông nông cho dân trồng cà phê sống trên trục đường quốc lộ 26 lên mua.
Trên đường phố Kon Tum - Tác giả ảnh: Đình Dũng 
Anh chàng thanh niên ấy lên đây với hai bàn tay trắng. Đi nhặt và vay vốn của bà con đang sống ở đó để thu mua ve chai, bán lại cho các xưởng tái chế. Có bà lái buôn kia không muốn bị giành địa bàn. Bà ấy thuê một thằng cớm đến đánh giằn mặt anh chàng Bình Định kia. Đến nơi, thằng cớm thách rằng mày qua được ba chiêu của tao thì ở lại, nếu không thì chết với tao á con. Chàng trai đất Võ bảo được rồi, nếu tao đỡ được ba chiêu của mày thì mày cũng phải chịu ba chiêu của tao. Vậy là đánh!

Tất nhiên, con nhà võ chính tông đỡ được ba chiêu của thằng giang hồ vặt kia. Thằng kia cứ cậy mình to khỏe hơn nên đến đòi “xử đẹp” con người ta vậy thôi chớ có tài cán võ vạch gì đâu. Đến lượt, chàng trai kia trả đòn. Chiêu thứ nhất của anh chàng là tạt một nồi nước đang sôi vào người thằng cớm. Bà lái buôn kia phải đưa thẳng chã đi viện. Đêm đó, anh kia mang con dao vào tận bệnh viện, hỏi mày đủ sức tiếp chiêu thứ hai không. Thằng cớm lạy dài xin tha. Mặc dù cái tên Tr của mình, anh ấy nắn nót mãi mới ghi được nhưng nay tiền rung rính hầu bao. Các con đều là dân trí thức.

Anh chàng này lấy vợ mới vui. Giang hồ khét tiếng rồi mà. Ai muốn gả cho con gái cho thằng cu như thế chứ. Xung quanh đó, có một nàng xinh lắm. Trai quanh vùng thòm thèm miết nhưng đố thằng nào bén mảng trước cổng nhà nàng được năm giây đấy. Anh kia oánh thấy mẹ nó luôn. Đánh đau đến nỗi mong thấy mẹ để được dỗ dành á. Chàng cứ thế rung đùi ngồi xem tuổi xuân của nàng phai theo ngày tháng. Cuối cùng chàng cũng có được nàng. Cái biệt hiệu Tr Cà Giật có từ đó.

Nếu không sứt đầu mẻ trán, chắc người ấy không có ngày huy hoàng hôm nay. Chép lại những gì nghe lại để tự khuyên mình phấn chấn phát nào. Hôm qua tuyệt vọng, nước mắt chảy như vừa đánh rơi mối tình đầu nữa mới kinh chứ. Haizzz, mình thât là yếu đuối quá đi. Thua keo này ta bày keo khác vậy.
Buôn Ama Thuột, 15/10/2015
Tây Nguyên Xanh
3 comments

Sunday, October 11, 2015

TƯỜNG THUẬT MÙA THU HOẠCH CÀ PHÊ 2015 - Kỳ3: ĐỔI MÚI GIỜ SINH HOẠT CỦA HỘI NƯỚC CHÈ XANH

Còn nhớ, ngày bé tẹo, Ba nhủ mình xuống mời bác nọ lên nhà uống “nác chát”. Và sau đó thì mình cũng kịp hiểu nác chát trong tiếng Nghệ Tĩnh có nghĩa là nước chè xanh. Có lẽ vì lá chè tươi bị vò vát rồi ngâm trong nước nóng một thời gian cho ra thứ nước có vị chát nên được gọi là nác (nước) chát. Người Nghệ Tĩnh có một câu nói rất hay, ấy là “Ở mô có ló (lúa) thì ở đó có dân choa”. Đất Tây Nguyên màu mỡ như thế, không có người Nghệ Tĩnh mới lạ. He he. Vâng, cái đứa đang gõ bài viết này là một người sinh ra ở Tây Nguyên nhưng quê cha đất mẹ ở Nghệ An. Những người sống trong nền văn hóa ven bờ sông Lam, ai cũng biết hội nước chè xanh. Người ở vùng thôn quê Nghệ Tĩnh ghiền thứ nước này như kiểu dân trí thức ở thành phố thích uống cà phê mỗi sáng. Uống một mình cũng buồn nên họ có thói quen mời hàng xóm sang cùng uống và tỉ tê tâm sự. Hội nước chè xanh ra đời từ đó. Khi “cuốn chiếu vào Nam” làm kinh tế mới, họ đã đem trọn vẹn hồn quê vào đây.
Tác giả ảnh: Nguyễn Đắc Thảo
Ban đầu hội chỉ gồm những người Nghệ Tĩnh xa quê thôi nhưng do Tây Nguyên là nơi tứ phương hội tụ nên lâu dần có thêm nhiều người khác vùng văn hóa nữa. Bình thường hội họp vào khoảng sáu giờ sáng. Các cụ uống no nước nậy cái đến khoảng bảy giờ thì ai về nhà nấy. Hôm nay uống nhà này thì ngày mai đổi sang nhà khác. Các thành viên trong hội cứ thế luân phiên nhau. Nhưng mùa cà phê hằng năm, múi giờ sinh hoạt của hội được thay đổi.

 Những ngày đầu mùa như thế này, hội họp vào buổi trưa. Bởi vì tránh nắng nóng nên buổi sáng người ta đi hái cà phê từ sớm và buổi chiều đi hơi trễ một chút. Họ tranh thủ hội họp vào buổi trưa. Lịch họp hội bị chuyển vào buổi tối khi cả xóm ăn trưa và nghĩ luôn tại rẫy. Lúc ấy, đã phải thuê nhân công rồi. Nội dung trong các cuộc trà dư tửu hậu chỉ toàn tiên đoán sản lượng thu được trong mùa, khen cặp người hái thuê hôm nay ngon hay dở và từ đó giới thiệu hoặc xin số điên thoại của các cặp nhân công khác. Khi nào “chợ nhân công 2015” bắt đầu họp trên toàn Tây Nguyên, mình sẽ kể cho bạn biết vì sao người ta có nhiều số điện thoại của nhân công đến vậy.

Ngày xưa, người ta om chè trong cái ấm tích như ảnh bên trên và cái ủ ấm cũng tròn trịa như thế. Ở Tây Nguyên, những thành viên của hội phải đóng cái thùng gỗ có xốp bên trong để ủ được cái ấm to gấp đôi cái ấm đun nước thông dụng trong nhà các bạn. Họ phải căn lượng nước làm sao mà chỉ om một lần nhưng đủ cho khoảng mười hai khách, mỗi vị uống ít nhất hai ly và phải đủ cho chủ nhà có nước uống sau hai bữa cơm còn lại trong ngày. Có lẽ vì thói quen phải tích trữ thức ăn cho mùa mưa bão nên món gì có thể muối chua thì họ làm. Đồ muốn để được lâu thì phải ngâm nhiều muối. Do quen ăn mặn cho nên “đọi nác” của họ cũng phải đầy mới đã cơn khát được. Vì vậy, Cơm phải đầy bát, nước phải sắp tràn ly mới được cho là mến khách. Hôm nọ, Tây mải ngắm nhan sắc của anh chàng nọ nên rót nước tí nữa thì tràn uống đùi anh ấy. Phải lấy cái lý ấy để bào chữa đấy. he he.
Buôn Ama Thuột, 11/10/2015
Tây Nguyên Xanh
Để xem các kỳ trước, các bạn bấm: Kỳ 1,  Kỳ 2
2 comments