Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, October 31, 2015

NGỒI TRÊN MOÓC XE VÀ ĂN QUẢ CÀ PHÊ

Tác giả ảnh: Dinh Dung Dakha
     Hình ảnh này sao giống mình của ngày xưa quá. Thứ bảy và chủ nhật không phải đi học ở trường thì lắm hôm lẽo đẽo theo Ba Má ra lô hái cà phê. Đến chiều về, ngồi trên moóc xe công nông, hai chị em lựa những trái nào chín nhất trong bao rồi ăn.. Bóc vỏ đỏ ra và mút lớp cơm mỏng dính bao quanh hạt. Cái lớp này khi khô trở thành lớp vỏ lụa. Lâu lâu ngứa răng, cắn một nhát vào hạt. Huhu, đắng nghét, phun ra bây bả xung quanh. Ba Má thấy thế, mắng từa lưa. Họ nâng niu, nhặt nhạnh từng hạt một để rồi bọn mình phun cho đã mồm. Ôi tuổi thơ, chả cần nghĩ đến hậu quả. Thích là nhích!

     Lý do những đứa trẻ con như mình thích ra lô hái cà phê với Ba Má chỉ đơn giản là vì thích ăn cơm giữa chốn bốn bề gió mát. Vậy chứ nếu viết bài tập làm văn thì kiểu gì cũng kể lể em tuốt quả như nào, thấy mồ hôi rơi trên gò má của cha mẹ, em thương họ lắm. He he. Ờ thì phải biết nói láo từ thời mầm chồi lá thì may qua mới mong qua ải môn văn. Viết đúng sự thật, ăn ngỗng ngay. Cơ mà cả nhà quây quần ăn nơi bụi có thể vào chén cơm bất cứ lúc nào, thế mà ngon, mà ngọt, mà nhớ nhau suốt đời.

     Cả ngày Ba Má hái cà. Bọn mình được giao nhiệm vụ lượm những trái rơi vải trong quá trình hái bị lăn văng ra ngoài lưới hoặc bị rụng do mưa gió. Người lớn thích trêu trẻ con nên nhiều chú bác hàng xóm khi hái đổi công với nhà mình cố tình vãi một nắm cà trong lưới ra rồi kêu bọn mình lại lượm. Bọn mình mừng rơn. Càng có nhiều quả, càng được khen mà. Lâu lâu mới có một vài lần như thế. Nhưng nhớ mãi…
Bà Rịa Vũng Tàu - 31/10/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, October 27, 2015

TÊN GỌI CÚC QUỲ VÀ DÃ QUỲ CỦA MỘT LOÀI HOA TRÊN QUÊ HƯƠNG TÔI

Hoa Dã Quỳ ở Dak Lak - Tác giả ảnh: Chế Hồng Trung
     Kể từ bài viết này, mình sẽ cho các bạn biết cảm xúc thật của người nông dân đối với loài hoa mà giới văn chương nghệ thuật thích là Dã Qùy. Trong tiếng Hán, Dã có nghĩa là nơi hoang vắng, Quỳ là chỉ chung cho những loài hoa thuộc họ Cúc.  Nghe nói có một nhà thơ nọ bị hút hồn bởi con đường ngập tràn hoa vàng, hoa nhìn thoáng qua thì giống hoa hướng dương. Tên tiếng Hán của hoa hướng dương là Quỳ Hoa (葵花). Tiếng Việt chúng ta có đến 80% là âm Hán Việt. Các bạn đừng í ới cái vụ dùng từ ngoại lai này. Thế là trong một bài thơ, nọ cụ gọi loài ấy là Dã Quỳ để chỉ loài hoa nở nơi vùng hoang vắng. Cái tên Dã Quỳ ra đời từ đó. Chẳng biết đúng hay không nhưng mình nghe bì bõm vậy.

     Tuy nhiên, lý do tên Dã Quỳ được giới trí thức dùng nhiều có lẽ là bởi vì chữ Dã được phát âm ở thanh ngã. Thanh ngã là thanh kiêu sa nhất trong tiếng Việt của chúng ta. Bất kể từ nào có mang thanh ngã đều gợi sự luyến láy của lưỡi và bồng bềnh trong cảm xúc. Thanh ngã khó phát âm nhất và có nhiều dị biệt nhất trong tiếng Việt.  Biết phối hợp thanh âm trong viết và nói cũng là nghệ thuật mà.

     Còn nông dân ở Tây Nguyên gọi nó là Cúc Quỳ. Chắc tại hình dáng nó vừa giống hoa cúc lại hao hao hướng dương. He he. Tây biết đâu được đấy. Tìm hiểu lịch sử tên gọi trong tiếng Việt là cả một công trình nghiên cứu vĩ đại chứ đùa. He he. Chữ nó không ra nữa rồi, gõ tạm đến đây đã 
Bà Rịa Vũng Tàu, 27/10/2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Sunday, October 25, 2015

ĂN TÔ CHÁO LƯƠN XỨ NGHỆ TRÊN ĐẤT BÀ RỊA VŨNG TÀU

     Ngày bé, mình và em trai hay bị chảy máu cam ở mũi khi đi ngoài trời nắng. Thế là Ba Má mua lươn về nấu cháo và ép ăn. Chẳng phải nói xấu Ba Má chứ họ nấu….dở quá, cứ tanh tanh như nào ấy. Rồi mấy lần Ba dắt hai chị em về Nghệ An chơi và cũng nhờ o ruột của nấu cháo lươn cho bọn mình. O đầu nấu không tanh nhưng mà hương vị chẳng có gì đăc sắc. Có lẽ đặc sản cháo lươn xứ Nghệ sẽ chẳng có kí ức hay ho trong mình nếu không có đêm nay, mình đã được ăn tô cháo lươn do người Nghệ Tĩnh nấu trên đất Bà Rịa Vũng Tàu. Trời ơi, mọi lời khen có lẽ là thừa.

Một tô cháo có dăm miếng lươn thái sợi, đôi ba lát ớt xanh, một chút nước chanh, một nhúm giá đỗ và quyện tất cả với lá mùi tàu (ngò gai). Ôi cha là, ô mê ly! Giá đỗ bình thường đã có vị tanh rất nhẹ nên không thể nhai cùng với cá và ngại nhai chung với thịt. Thế mà nhai thật kỹ cùng với lươn lại chẳng có vị tanh nào cả. Cháo được nuốt trôi đến đâu, cảm giác ấm nóng của ớt lan tỏa đến đó. Ăn xong tô cháo mà cái bụng vẫn ấm áp trên đường lái xe về nhà. Cảm ơn người Nghệ xa quê nhé, Ngon lắm!
Tắm trâu trên sông Lam - Tác giả ảnh: Phạm Quốc Đàn
Tìm trên đất năm tỉnh Tây Nguyên, có lẽ khó gặp nhất vẫn là người đến từ hai huyện Thanh Chương và Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An. Ấy vậy mà trên đất Bà Rịa Vũng Tàu thì nhiều lắm. Người hai huyện ấy vào đây chủ yếu làm ở lĩnh vực khai thác dầu khí, làm thương nghiệp thời chế độ bao cấp và còn có cả những tay buôn…chất ma túy. Mẹ mình là người Hưng Nguyên. Mẹ nói ngày xưa khi biết mẹ vào Tây Nguyên lấy con trai huyện Nam Đàn (cũng Nghệ An nốt) thì dân làng xí miệng, bảo chẳng lấy ai lại đi lấy dân thuần nông. Thanh Chương và Hưng Nguyên là hai huyện nổi tiếng với nghề đi bè buôn gỗ chặt từ rừng ở Hà Tĩnh rồi xuôi sông La và Lam về bán. Sau này có nhiều mối giao thương bên kia biên giới nữa nên hai huyện này trở thành tụ điểm cung cấp thuốc phiện… cho cả nước. Vũng Tàu xưa nay nổi danh về du lịch biển nên….he he, hơi nhiều thành phần ấy. Là chỉ trích những người buôn bán hàng cấm thôi chứ người lương thiện tha hương đi tìm miếng cơm manh áo ở nơi khách thì thương bao giờ cho hết. He he, phải vớt thêm câu này kẻo Tây bị người hai huyện nớ tẩy chay.

Đấy, có một tô cháo trên đất khách mà biên ra lắm chứ thế không biết. he he.
Bà Rịa Vũng Tàu, 25/10/2015
Tây Nguyên Xanh

2 comments