Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, November 7, 2015

TỘT CÙNG CỦA SỰ RẺ RÚNG

 

    Có bạn Facebook Sáu Hào đã hai lần comment trên hai bài viết về hoa Dã Quỳ của Tây, hỏi rằng có phải dân Tây Nguyên tối kỵ tặng hoa Dã Quỳ cho người khác không. Trong một lần công cán rong chơi ở Tây Nguyên, cô hướng dẫn viên du lịch dặn đi dặn lại lão ấy là đừng có mà tặng cho ai đấy nhé. Hã hã, đến nước này thì Tây khui cái sự thật phũ phàng này ra vậy. Vầng, thực ra Dã Quỳ đang chịu sự rẻ rúng ở mức độ tột cùng trong lòng (không phải tất cả) dân Tây Nguyên. Có một câu chuyện có thật thế này.

     Ở Tây Nguyên , các trường học thường có cả học sinh người Kinh lẫn dân tộc thiểu số bản địa. Ngày xưa Tây cũng ngồi chung bàn với các bạn Ê Đê đấy. Vào ngày 20/11 hằng năm, ngày mà toàn dân mang hoa tặng thầy cô giáo, các bạn người dân tộc thiểu số nhà nghèo nên thường hái hoa Dã Quỳ đem đi tặng thầy cô thay vì hoa hồng hay hoa ly như người Kinh. Sau ngày ấy, tập thể giáo viên ngồi lại hỏi nhau rằng quà năm nay các thầy các cô có gì. Có người bỉu môi bảo úi xời, lại là sổ ghi chép, khung ảnh với dầu gội đầu thôi, may phước, năm nay không bị tặng hoa Dã Quỳ. Đó là chuyện có thật, Tây chặng phịa làm gì. Dã Quỳ chỉ được giới nhiếp ảnh và viết văn trân trọng thôi. Người bình thường rẻ rúng lắm. Thậm chí một số nơi, hễ thấy quỳ mọc ở đâu thì nhổ gốc ngay. Nông dân không cần Dã Quỳ làm hàng rào và phân xanh nữa. Họ đã có phân hóa học rồi.

Thế nhưng với những người yêu mảnh đất Tây Nguyên thì thôi rồi, thấy Dã Quỳ là nao lòng. Mình có một ông thầy. Lão ấy dạy ở dưới đại học Quy Nhơn ấy. Năm nào cũng lên Tây Nguyên dạy ở các trung tâm giáo dục thường xuyên.  Có năm lên đúng mùa hoa Quỳ nở, có năm không. Cách đây một hay hai năm gì đó, lão ấy được tặng lẳng hoa toàn Dã Quỳ nhân ngày 20/11. Hã hã, lão đăng lên Facebook khoe ầm ầm. Bình thường nhá, tặng chữ thư pháp Hán Nôm thì lão nhận chứ thứ khác, coi chừng bị lão đá đít. Hĩ hĩ. Không thể lý giải vì lão ấy yêu hoa này như thế.

Dã Quỳ là thứ hoa đẹp khi đứng ở đằng xa chứ lại gần nom khô khan thí mẹ. he he. Đã thế, chả thơm tho gì cả. Thôi thì cũng khoan dung cho những ai ghét loài hoa này. 
Bà Rịa - Vũng Tàu, 7/11/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Thanh Thúy
No comments

Thursday, November 5, 2015

TÁC DỤNG TRONG Y HỌC VÀ NÔNG HỌC CỦA DÃ QUỲ

       Dã Quỳ là thứ hoa chẳng có mùi thơm gì cả, thậm chí ngửi kỹ còn nghe mùi hăng hắc nữa cơ. Nhưng nếu các bạn thả hoa cùng với lá Dã Quỳ vào nồi nước sôi, mùi hương tỏa rất tuyệt vời. Nó không thơm nhưng luôn gợi cảm giác ngọt ở miệng khi ngửi. Tây rất thích tắm nước lá hoa Dã Quỳ. Mũi người chẳng ngửi được mùi hoa Dã Quỳ nhưng ong bướm lại khoái đậu vào loài hoa ấy đấy. Từ khu vực Mỹ La Tinh, loài Hướng Dương Mexico (Mexican sunflower) này du nhập vào các châu lục khác với mục đích đầu tiên là làm cảnh để rồi có vô vàn cái tên khác nhau, Y học cổ truyền của các nước Mỹ La Tinh ghi nhận Dã Quỳ có tác dụng chữa bong gân, gãy xương và làm mờ các vết bầm tím. Sau này người ta kết hợp với y học Trung Hoa để ghi nhận thêm các tác dụng chữa chứng vàng da do viêm gan. Ngày nay, y học hiện đại đã chứng minh được Dã Quỳ có thêm các công dụng như chữa táo bón, đau dạ dày, chứng khó tiêu, rát cổ, kháng sốt rét, viêm gan.
Dã Quỳ ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - Tác giả ảnh: Nguyễn Quốc Hùng
      Dã Quỳ gần như xanh tốt quanh năm, không hề bị loài sâu nào ăn lá vì… có độc. Qua các phân tích sinh hóa bằng phương pháp sắc ký, người ta thấy rằng trong lá Dã Quỳ có hai chất Sesquiterpene lactones và Diterpenoids.  Đây là hai chất độc đối với sâu bọ. Cho nên từ những năm cuối của thế kỷ 20, người ta đã bào chế ra thuốc trừ sâu từ lá của Dã Quỳ. Thế quái nào, năm 2011 báo Lâm Đồng đưa tin 3 đứa học sinh  chuyên toán ở trường trung học phổ thông chuyên Thăng Long (Đà Lạt) bào chế thành công thuốc trừ sâu từ lá Dã Quỳ. Ba đứa này giã nhuyễn lá cây này rồi ép lấy nước. Sau đó phun lên lá cây khác rồi cho sâu ăn hoặc phun trực tiếp lên con sâu thì kết quả sâu đều chết như nhau. He he, chịu khó gõ cái tên khoa học “Tithonia diversifolia (Hemley) A.Gray” thì ra vô vàn những công trình nghiên cứu liên quan đến Dã Quỳ cùng tài liệu được trích dẫn. Thế đấy, chúng được tôn vinh vì chúng chịu khó tra google . He he.

      Không chỉ ở Việt Nam, Dã Quỳ đang bị nông dân trên khắp thế giới ghét bỏ vì nó khỏe khoắn quá. Nó lấn đất của cây nông sản. Người ta chặt cây ấy để làm phân xanh. Thấy đất có chôn xác lá Quỳ hình như tốt lên nên các nhà tư bản đã đem Dã Quỳ đến các nước thuộc địa để phục vụ cho việc…ngắm và lúc ngắm chán thì làm phân xanh cho cây cối trong đồn điền. Dã Quỳ có ở rất nhiều nơi trên đất nước ta (cả đất liền và huyện đảo), nhưng ở Tây Nguyên nổi tiếng nhất cũng bởi người Pháp đã đem cây này trồng ở Tây Nguyên từ khi đặt chân đến. Hơn nữa, Dã Quỳ sinh trưởng tốt nhất trong khoảng nhiệt độ từ 15 đến 31 độ C nên có lẽ ở Tây Nguyên.  hoa  đẹp hơn cả.
Bà Rịa Vũng Tàu , 5/11/2015
Tây Nguyên Xanh
***
Bài viết sử dụng thông tin từ các tài liệu sau:
    1) Chemical constituents of essential oils from the leaves
of Tithonia diversifolia, Houttuynia cordata and Asarum
glabrum grown in Vietnam; Do Ngoc Dai, Tran Dinh Thang, AbdulRazaq Ogunmoye, Olanrewaju Isola Eresanya, Isiaka Ajani Ogunwande;  American Journal of Essential Oils and Natural Products 2015; 2(4): 17-21
     2) Extraction and Characterization of Essential Oils from
Tithonia diversifolia (Hemsl.) A. Gray;
Chukwuka K.S, Ojo O. M ; American Journal of Essential Oils and Natural Products 2014; 1 (4): 1 -5
     3) Pesticidal Plant Leaflet Tithonia diversifolia (Hemley) A.Gray; J. Kandungu, P. Anjarwalla, L. Mwaura, D. A. Ofori, R. Jamnadass, P. C. Stevenson and P. Smith
     4) Anti-malarial and repellent activities of Tithonia
diversifolia (Hemsl.) leaf extracts;
Oyewole I. O, Ibidapo, C. A, Moronkola, D. O, Oduola, A. O, Adeoye G. O, Anyasor G. N and Obansa J. A ; Journal of Medicinal Plants Research Vol. 2(8), pp. 1 71 -1 75, August, 2008

     5) Constituents from Tithonia diversifolia. Stereochemical
Revision of 2α-Hydroxytirotundin Abraham García and Guillermo Delgado; Journal of the Mexican Chemical Society , 2006, 50(4), 180-183 
No comments

Wednesday, November 4, 2015

THẦY ƠI! EM ĐANG…. ẤY


Đó là câu nói mang tính chất kinh điển của bọn học sinh, sinh viên nữ trong tiết thể dục vào những ngày “đèn đỏ”. Sau màn khởi động các khớp xong, thầy hay bắt cả lớp chạy một vòng quanh sân. Rất nhiều buổi, chúng ta thường thấy có vài ba cô nữ sinh đứng bên cạnh thầy mà không chạy nhảy gì cả. Thầy tò mò hỏi vì sao, các cô ấy cúi mặt xuống nhìn đất, nói lí nhí rằng thầy ơi em đang…ấy. Cái trình giải mã của thầy cũng nhạy bén lắm. Hiểu ngay vấn đề. Thôi thì ngày xưa thầy đi học cũng được dạy dỗ là liền gái vào những ngày đỏ đít nên ít vận động mạnh kẻo…các hãng Kotex, Diana với cả Thạch Thảo hoan ca. Thầy vội vàng lạnh tanh nét mặt và quay đi thật nhanh để trò khỏi thấy má ửng hồng vì ngại.


Đất nước ta rất bênh vực cho liền gái. Chính sách nhiều thôi rồi. Mới đây các cụ đã cho phép liền gái được nghỉ 30 phút trong giờ chính vào những ngày “đèn đỏ”. Ồ, tuyệt đấy chứ nhỉ? Vấn đề mà các đấng mày râu muốn đưa ra, đó là làm sao kiểm chứng được cô nào đang…ấy. Việt Nam ta có truyền thống lách luật và khôn lỏi. Các cụ sợ là phải. he he. Chả nhẽ cứ nhòm vào mông, thấy có chấm đỏ mới cho nghỉ? Đau đầu phết! Nhưng nói đi thì phải nói lại, cái chính sách này nhân đạo lắm các bố ạ.


Nốt mồm, Tây kể cho các bố biết cái sự đau bụng kinh nhé. Ái chà, lưng đau lắm lắm. Hôm ấy thằng bồ mà không biết dỗ dành thì còn lâu các nàng mới đến chỗ hẹn. Bạn của Tây nhá, có đứa đau bụng kinh chỉ kém đau ruột thừa một tẹo thôi. Cái mặt nó tái xanh, lăn lê bò toải đủ trò. Trong lúc đau bụng, nó sẵn sàng uống bất cứ thứ gì có thể làm giảm cơn đau. Đa số là phải uống rượu trắng cho máu loãng ra. Những hôm ngày đầu tiên ấy, bạn phải nghỉ học và nằm trong phòng. Đấy, nếu đi làm thì khó mà được nghỉ như thế lắm. 30 phút cũng đủ cho thuốc có tác dụng tạm thời để có sức làm tiếp rồi đấy nhỉ?


Chính sách gì từ Trung Ương ra cũng hợp tình hợp lý lắm. Nhưng khi xuống cơ sở lại bị thi hành một cách méo mó. Kết quả không như ý, người ta đổ lỗi vòng quanh, cuối cùng dân lôi đầu ông Nhà Nước ra chửi. Vì đâu nên nỗi?
Phơi cá cơm ở Cửa Lấp, Bà Rịa - Vũng Tàu
Bà Rịa - Vũng Tàu, 4/11/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Phạm Văn Tùng
No comments

Tuesday, November 3, 2015

TẢN MẠN VỀ SỰ CÚP ĐIỆN TRONG NGÀY NẮNG NÓNG

Tác giả ảnh" Tiến Luyến
     Cách đây mấy tháng, bạn Minh Ngọc Cao Nguyên có viết cái tút với nội dung cực ngắn, hình như là “Giá mà lâu lâu có những ngày cúp điện để không bị cuốn vào internet”. Nhớ mang máng thế, không rõ lắm. Mình like ngay vì mức độ nghiện Facebook của mình lúc đó và hiện nay là chỉ mong cả hệ thống bị triệt tiêu chứ mình không bỏ chơi được. Hôm nay mình đã có một ngày cúp điện. He he, toàn thành phố cai Facebook chứ không riêng mình. Đứng ở góc phố, nghe dân tình than nóng và chửi bậy cũng có cái thú.

     Trong cuốn Hà Nội Là Hà Nội, tác giả Nguyễn Trương Quý viết về cái sự than nóng rất hay. Anh ấy viết rằng năm nào cũng thế, cái nóng ở Hà Nội cũng loanh quanh chừng ấy độ nhưng con người cứ cảm tưởng năm nay nóng hơn năm ngoái. Không nhớ  rõ câu văn nhưng cái ý ấy thì nhớ mãi. Nó có giá trị ở mọi thời đại. Anh ấy muốn chứng mình con người ngày càng mất kiên nhẫn. Con người càng tìm cách chống lại thiên nhiên thì càng thấy mệt nhoài. Số năng lượng dùng để than nóng quá, chết mất thôi khi cúp điện cũng đủ tốn kém rồi đấy nhỉ?

     Mình có làn da “lười ra mồ hôi”. Thế nên lâu lâu phải tắm bằng nước muối và  dính nước mưa lần nào thì kiểu gì cũng phải kiếm quất vắt với nước mật ong để uống. Mình thích đứng trước gió trời nhưng gió phà từ quạt điện thì tránh triệt để. Mình hãi quạt điện kinh khủng. Thế nên dù phải chịu cái nắng gần 38 độ ở Nghệ An hay 35 độ ở Quy Nhơn thì mình vẫn để chảy mồ hôi chứ không quạt. Lâu dần quen thời tiết, cũng chẳng ra mồ hôi nhiều như hồi mới đến. Hôm nay ngồi trong phòng, nghe thiên hạ hét toáng lên không có điện thì làm sao có quạt cho tui ngủ đây trời ơi. Mình tự hỏi, trời nóng đến thế sao?

     Ở vùng nông thôn thì thế nào nhỉ? À, cúp điện nghĩa là được ăn cơm cháy chấm nước mắm ớt, xong uống ly nước lọc. Má ơi, thèm dữ!
Bà Rịa - Vũng Tàu, 3/11/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, November 2, 2015

NỖI SỢ TRONG ĐÊM

Tác giả ảnh: Nguyễn Bảng
    Mình đang ở một mình trong căn phòng khá xa trung tâm. Phía sau là bãi trống. Buổi tối thường xuyên có tiếng như chân người bước rón rén trên tôn. Hồi ở nhà, mình đã từng nghe âm thanh này trên mái tôn rồi nên không bất ngờ lắm. Chẳng biết là chuột hay chim Rặt Rặt (chim Sẻ) có rượt đuổi gì không mà cứ lình chình trên tôn. Lâu lâu nghe tiếng két nhưng ai dùng sức kéo tôn lên rồi thả xuống khiến tôn nghiến vào đinh ấy. Bực vãi! Lại nhớ con bé cùng phòng hồi năm tư kể chuyện nó ở trong căn phòng trọ được nghe đồn là đã có người ngoẻo.

     Nó kể ban đêm nằm ngủ thường nghe tiếng chân dậm thình thình trên gác lửng (gác xép, gác hai). Nó ở một mình nên đương nhiên chẳng thể có ai đi đứng trên đó rồi. Đã thế người quanh đó đồn là rằm với mồng một chủ trọ hay mang đồ đến cúng phòng. Nghi nghi phòng đã có chuyện gì đó. Nghe sợ khiếp! Nhưng có không sợ, nó quyết tìm cho ra nguyên nhân có âm thanh lạ đó. Nó ngồi chầu chực nơi cầu thang, ghé tai nghe xem âm thanh được lan truyền từ đâu. Lần mò một hồi, té ra nó có liên quan đến nhà hàng xóm. Nhà hàng xóm có con cháu nghịch ngợm, hay chạy nhảy. Thanh đà của phòng trọ có gắn chung với tường nhà đó. Thế là hết sợ ma. Há há.

     Nói không phải mê tín, sáng hôm qua mình cũng tự tay cắt hai vỏ chai nước ra làm lư hương. Cũng ra lấy cát đổ vào và gắn một cái trong nhà, cái ngoài cửa. Rồi thì cũng thắp nhang rồi. Hồi ở nhà, một ngày thắp nhang trên bàn thờ hai lần sáng và tối, xuống đây cũng thấy thiếu thiếu, có mùi hương trong phòng cũng ấm ấm. Nhìn làn hương tỏa cũng thấy vô ưu hẳn. 
Bà Rịa - Vũng Tàu, 2/11/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, November 1, 2015

HAI GIA ĐÌNH


     Mở cửa phòng ra, tôi nghe câu chửi đậu má mày nha, từ sáng giờ mày kiếm chuyện với tao hoài à. Đó là tiếng nói phát ta từ môi của người phụ nữ hơn tôi một tuổi. Chị là người Nam Định. Chị vẫn giữ lối nói nhầm lẫn R với Z và có pha cách nói của người Nam Bộ nữa, thành ra cái câu “Chị zô đây mấy năm zồi em ạ” của chị nghe chặt lưỡi. Chị lấy chồng được hai năm. Chị gầy nhom y hệt những tên hút xì ke (ma túy). Anh chồng có cái giọng nhẹ như cân nặng của anh. Anh nhỏ nhẻ cãi nhau với vợ và trước sau gì cũng anh nói với em thế nọ thế kia. Tuyệt đối không bao giờ xưng mày tao. Tôi ăn chung bữa cơm với hai vợ chồng chị một bữa cơm. Nhìn bữa cơm, tôi phần nào hiểu sao hai vợ chồng suốt ngày cãi nhau và suy dinh dưỡng giống mốt người mẫu châu Âu mười lăm năm đầu thế kỷ 21.

     Tôi đang đứng ngắm tư thế ngủ vô ưu trên xe đẩy của đứa trẻ (con của anh chị) thì bỗng đâu có tiếng xe lao tới, phanh kít ở sau lưng. Rồi tiếng chạy ra cuối dãy nhà và tiếp nữa là âm thanh của người đang nôn. Chắc anh ta quá chén. Anh bước liêu xiêu, tay uể oải mở khóa cửa, ập vào phòng là nằm ngay xuống sàn nhà. Không phải ngất mà chỉ là kiệt sức thôi. Sáng sáng anh đi gom cua ghẹ chết ở khắp nơi trong thành phố rồi đem ra bán rẻ cho người khác. Vợ thứ nhất không chịu nổi những món nợ to nhỏ khác nhau do thói bài bạc của anh nên theo người khác rồi. Người vợ thứ hai thì cũng chẳng thấy về thăm anh nữa. Hình như anh đang thèm giọng đàn bà mắng anh vì tội nhậu say bét nhè. Anh thèm được sợ vợ như bao người đàn ông khác. Còn được người ta mắng là còn được quan tâm mà.

     Hai gia đình, hai hoàn cảnh giống nhau nhiều thứ về kinh tế nhưng tình cảm thì khác nhau. Một bên cãi cho đỡ thấy nghèo khi yên lặng. Một bên lại cãi để mà tách xa nhau mãi mãi. Họ đang chung cái vách…
***
Đây là bộ ảnh quá trình xây tổ và tán con cái của chim Rồng Rộc Vàng 










Đêm tha hương, 1/11/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Nguyễn Anh Thế
No comments