Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, November 21, 2015

TỪ PHÁT HIỆN CỦA ANH CHÀNG CHĂN VỊT


    Còn hơn hai tháng nữa là đến mùa hoa tết, dạo vùng trồng hoa ở ngoại ô mà thấy nơi này hình như không có màn đêm. Đèn sáng vàng trên những chậu hoa cúc giống những ánh sao đêm. Thắc mắc thì được chủ vườn giải thích là chong đèn để hoa ra nhiều, đều và đẹp. Từ đó mình được nghe sự thật khá thú vị rằng người phát minh ra phương pháp chong đèn trên vườn cây Thanh Long là một “thằng chặn vịt” chứ không phải kỹ sư nông học nào cả. Chuyện là…

Có một anh chàng nọ chăn vịt ở miền Tây Nam Bộ, ban đêm anh ta sợ bị bắt trộm vịt nên phải chong đèn canh. Cái đèn được treo trên một cành cây Thanh Long. Một thời gian sau, anh ta thấy cây nơi mình treo đèn ra hoa và kết quả còn cây khác trong vườn thì không. Anh ta thấy lạ nên treo thử một số nơi khác và cứ treo ở đâu thì ở đó có trái ngon. Từ đó, anh phát hiện rằng Thanh Long chịu được ánh đèn điện. Dân cả xứ học tập anh và nay nó lan rộng ra cả khu vực nam miền Trung.

Cách đây một tháng, mình có dịp xuống đèo Phượng Hoàng rồi ngắm quang cảnh hai bên quốc lộ 1A từ Khánh Hòa đến tận thành phố Sài Gòn. Trời ơi, phải nói là thổn thức vì cái đẹp lỗng lẫy trong đêm của những vườn cây Thanh Long luôn á. Trời thương, mình không bị say xe nên trọn đêm không thể nào ngủ được bởi những vầng sáng xa tít khiến mình tò mò. Mình cứ có cảm tưởng rằng bọn côn trùng đang reo hò, nhảy múa quanh ánh đèn vàng dịu ấy.

Đi xem nhà nông làm vườn xong, ra chợ hết muốn cò kè bớt một thêm hai khi mua rau quả nữa. Giá mà người lái buôn kiếm lời vừa phải thôi để người trồng lẫn người dùng cùng sướng.
Bà Rịa - Vũng Tàu, 21/11/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Đỗ Hữu Tuấn
4 comments

Friday, November 20, 2015

DÃ QUỲ - CUỘC ĐỜI ĐẮNG NGẮT, AI HAY?


Những bông hoa Dã Quỳ đang soi bóng trên nước này được nghệ sĩ Xuân Trường chụp ở Tây Bắc chứ không phải Tây Nguyên. Dã Quỳ muôn đời vẫn thế, nó sống ven bờ sông, suối hoặc vực thẳm nơi núi non để giữ đất khỏi bị lở. Khi miền Bắc đón gió lạnh đầu mùa, miền Trung đón bão cuối mùa và miền Nam phảng phất ngọn gió chướng thì búp Dã Quỳ nhu nhú, hé nở như môi ai mỉm cười.

Không biết ở miền khác như thế nào chứ Dã Quỳ ở Tây Nguyên có thân phận nghiệt ngã quá. Nó nở vào thời điểm mà mưa Tây Nguyên trút nhưng cây cối vẫn chết dần chết mòn nhằm giữ bộ rễ khỏe cho một mùa khô sắp đến và có sức nảy mầm vào mùa mưa tiếp theo. Không gian chỉ có một mình Dã Quỳ khoe sắc. Vô tình, nó trở thành loài chứng kiến sự ly tan của cây cỏ, đất trời Tây Nguyên.

Phải chăng vì thế mà Dã Quỳ khóc hết nước mắt và tặng hết mùi hương cho thiên hạ để rồi bản thân nó nhìn khô khan và không có mùi gì đặc sắc cả.  Cánh hoa vàng đến nhức mắt, màu lá xanh bầm pha trắng nhợt nhạt. Cảm nhận của tôi với Dã Quỳ như thế, cho nên khi sưu tầm ảnh Dã Quỳ. Tôi ưu tiên sưu tầm ảnh chụp trong hoặc ngay sau cơn mưa và ảnh chụp ngược sáng. Tôi muốn dù sinh trưởng trong môi trường cô đơn như vậy nhưng Dã Quỳ vẫn bao dung che nắng, hứng mưa cho cõi nhân sinh.
***
Voọc Chà Vá Chân Nâu đang hái hoa tăng thầy cô đấy. Hi hi - Tác giả ảnh: Vũ Hoàng
Nhân ngày 20/11, học trò Tây Nguyên Xanh xin chúc quý thầy cô đang đọc bài viết này những lời tốt đẹp nhất ạ.
Bà Rịa - Vũng Tàu, 20/11/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, November 19, 2015

VU VƠ NHỚ QUY NHƠN


Có người gửi cho hai tấm ảnh này. Làm gì với bọn nó bây giờ, he he, chắc là gõ thành status thương nhớ Quy Nhơn vậy. Mình có bốn năm ở trọ trong ký túc xá của trường này và lê la ăn vặt cũng như ngắm biển ở công viên này (chúng nó đối diện nhau). Các trai rủ hẹn hò cũng bảo đến nơi đây mà đón. Lần đầu tiên dám mò mẫm vào thế giới mạng mẽo là ở quán internet ngay bên hông trường này. Tận năm hai đại học mới biết giao diện trang Google như nào. Cái blog Tây Nguyên Xanh (traước là Một Thoáng Hương Xưa) trên Yahoo, Hạt Vừng Lép trên Blogsot cũng như Facebook Em Gái Tây Nguyên được lập ngay trong ký túc xá. Hồi ấy ký dưới bài viết sến sẩm thí bà nội luôn á. Cái gì nhỉ? À, Người Con Gái Mang Hình Hài Loài Hoa Dã Quỳ. He he.

Bạn bè blog ở xa đến Quy Nhơn đều được mình hẹn gặp ở quán cà phê Xưa&Nay cách nơi này vài bước chân. Mình đã thâm nhập Quy Nhơn bằng cách cố tình đi ăn sớm hoặc cực kỳ muộn ở những quán cơm, nước giải khát nơi bùng binh Ngô Mây cách trường vài bước. Ăn xong thì tự dọn bát đĩa, ly tách của mình vài lần thì hỏi gì về thành phố, chủ quán nói tuốt luốt hết. He he. Có điều mình không dám khoe với người Quy Nhơn rằng mình là người Tây Nguyên vì sợ họ chặt chém do suy nghĩ dân cà phê, hồ tiêu…giàu. Mình nói dối mình sinh ra trên đất Nghệ An gió lào cát cháy, nhà nghèo, con đông, chỉ trông giá cả ở phố biển Quy Nhơn nhẹ nhàng cho dễ thở. He he. May mà nói được giọng Nghệ chứ không thì có mà bốc phét được.

Ra trường, về nhà rồi đâm nhớ biển. Thành ra có than mình yêu Quy Nhơn này nọ. Hậu quả là bạn đọc gần xa tốn dung lượng trong thẻ nhớ vì phải chụp ảnh Quy Nhơn để gửi cho Tây. Cái vui và đáng trân trọng đó là hễ ai ghé nơi này đểu thông báo cho mình biết. Có người về thăm quê, xe chạy qua siêu thị Metro Quy Nhơn thì gọi điện bảo Tây ơi, anh đang ở Quy Nhơn của em này. Ôi, cảm động thôi rồi.

Thực ra Quy Nhơn cũng như bất kể nơi nào trên đất nước này đều bị mình lợi dụng để giấu nỗi buồn, nỗi nhớ ai đó mà thôi. He he. Ơ kìa, đố ai dám nói thẳng tôi đang nhớ con này thằng nọ đấy, chồng/vợ hoặc người yêu đấm vỡ măt ngay. he he.
Bà Rịa - Vũng Tàu, 19/11/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

Wednesday, November 18, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 17: NGHỀ GIÁO HOẶC RẪY CÀ PHÊ, CÔ CHỌN ĐI!

     Đó là câu nói như la hét của những người chồng có vợ làm giáo viên ở Tây Nguyên vào những năm trước 2000. Không những nghề giáo mà cả hệ thống kế toán trong các trường học thời kỳ đó cũng bị hao hụt nhiều vì câu nói tương tự như thế. Những ngày này, các cô giáo còn khoảng sáu năm nữa về hưu đều thở dài tặc lưỡi rằng may mà vẫn cố bám trụ được đến bây giờ. Sáng đi trường, chiều đi rẫy, tối về soạn giáo án mà vẫn có đồng ra đồng vào nhờ lương, chỉ bám vào cà phê thì chật vật lắm. Đúng vậy, giáo viên mà lấy nông dân trồng cà phê, cao su, tiêu….thì cũng sướng chả khác bộ đội lấy giáo viên là mấy.

     Cô hàng xóm của tôi kể, cô ở ngoài Nghệ An vào đây học tại trường cao đẳng sư phạm Dak Lak rồi được phân về khu tập thể khi đất nước thực hiện đổi mới được mấy năm. Chưa khi nào đồng lương của nghề giáo bị khinh rẻ như thời kỳ ấy. Cô đi cái xe đạp vào điểm trường ở vùng khá xa quốc lộ. Những ngày đầu năm học, Tây Nguyên còn mưa rất nhiều. Người ta thấy cô lê lết dắt bộ chiếc xe đầy bùn và quần áo lấm lem mà không cho cô một ánh mắt thương hại thì thôi, ngược lại còn chỉ chỉ trỏ trỏ cười đùa. Một ký cà phê, tiêu, mủ cao su… ngày ấy đáng giá gần bằng lương hàng tháng của các cô rồi. Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm là câu nói kinh điển ở thời đại đó.
Cặp đôi hái cà phê Chè (Arabica) ở Lâm Đồng - Tác giả ảnh: Nguyễn Khánh Hoàng

Không rõ cô đã quen và yêu chú láng giềng trong hoàn cảnh nào, tôi chỉ thấy được rằng kinh tế gia đình cô vững nhất nhì xóm. Chồng của cô là công nhân trồng cà phê cho nông trường. Gạo, muối, xà bông tắm giặt, thức ăn, xăng xe chạy hằng ngày đều được trả bằng lương hàng tháng của cô. Còn cà phê ngoài rẫy và hồ tiêu có trong vườn được dùng để xây nhà, lo cho cha già mẹ ốm hai bên nội ngoại, mua sắm thiết bị học tập và chi phí học thêm ở trung tâm luyện thi đại học cho con. Khi con cái vào đại học, mẹ có lương khi nào thì chuyển tiền vào tài khoản của con khi ấy. Hai vợ chồng ở nhà trồng rau, nuôi gà để bớt phải đi chợ. Sau này, cả hai vợ chồng đều có lương hưu.

Cuộc sống như vậy có lẽ là hạnh phúc không gì bằng nhỉ? Nhưng thế hệ học sư phạm ra trường từ năm 2005 cho đến nay không mấy ai đủ cam đảm xây dựng hạnh phúc theo kiểu mẫu ấy nữa. Những cậu ấm cô chiêu như chúng tôi sinh trưởng trong gia đình chỉ có hai con. Mang tiếng bố mẹ làm nông nhưng bọn trẻ ở Tây Nguyên hầu như không phải đi làm rẫy. Quanh năm chỉ ăn, ngủ, chơi và học để đỗ đạt làm nghề sạch áo ráo tay. Chúng tôi không đủ tự tin sẽ chịu đựng được những mệt nhọc khi phụ giúp vợ/chồng của mình làm việc ngoài rẫy.

Mô hình gia đình có một người trồng cây nông sản, người còn lại là nhân viên trong cơ quan nhà nước dường như không được tôn thờ nữa. Thời thế đã khác…
Bà Rịa - Vũng Tàu, 18/11/2015
Tây Nguyên Xanh
Để xem các kỳ trước cùng seri này, các bạn bấm: Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4 , Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7 Kỳ 8, Kỳ 9, kỳ 10, Kỳ 11 , Kỳ 12, Kỳ 13, Kỳ 14, Kỳ 15 , Kỳ 16 
No comments

Tuesday, November 17, 2015

THU HOẠCH CÀ PHÊ Ở NICARAGUA




     Buôn Ma Thuột được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Nhưng đó là cà phê Vối (Robusta). Bên dưới là hình ảnh thu hoạch cà phê Chè (Arabica) ở thủ phủ cà phê Matagalpa của đất nước Nicaragua.  Cả Việt Nam và Nicaragua đều thu hoạch rầm rộ trong cùng một khoảng thời gian đó là từ tháng 12 cho đến tháng 1 năm sau. Ảnh được chụp bởi một cô giáo (cũng là một người yêu thám hiểm, viết văn và phát thanh viên) đang sinh sống và làm việc ở Nicaragua.

     Các bạn cũng biết là trên thị trường, cà phê Chè có giá cao hơn hẳn cà phê Vối. Và phương thức thu hoạch hai loại cà phê này cũng khác nhau. Nếu như người trồng cà phê Vối dùng lưới làm nông cụ thì người hái cà phê Chè lại chủ yếu là sọt. Nông dân trồng cà Chè ở tỉnh Lâm Đồng của Việt Nam chúng ta hái bằng rổ. Mình đã sưu tầm được ảnh, hôm nào đăng sau, he he.

Trong ảnh các bạn cũng thấy là người ta đan một cái như sọt hoặc gùi rồi gắn dây vào miệng sọt. Sau đó quàng dây móc qua gáy hoặc vai lưng để níu giữ sọt ngay trước bụng. Họ làm thế vì phải dùng một tay với cành cây, tay còn lại hái quả chín.  Sau khi hái xong, nông dân ở Nicaragua cũng bỏ vào máy xát vỏ tươi để phơi cà sọ cho nhanh khô như Việt Nam chúng ta.

Tạm thế đã nhé. Cuối tháng này các bạn sẽ được xem thu hoạch cà phê ở đất nước Ấn Độ. Tây đặt ảnh rồi. Chờ bạn Facebook bên ấy về thăm nhà nữa là xong. He he. Tây sẽ cố gắng sưu tầm ảnh thu hoạch cà phê của nhiều sắc tộc trên thế giới cho các bạn xem. Rảnh kinh hồn. Hã hã.
---

Để kiểm chứng thông tin Tây vừa mới viết, các bạn vào blog của cô Saravan nhé: https://saravannote.wordpress.com/2012/01/04/cutting-coffee/
No comments

Monday, November 16, 2015

GẶP BỌ XÍT BÊN ĐƯỜNG PHỐ

    Dân buôn bán ở thành phố thường hay cúng thí thực vào mồng 2 và 16 âm lịch hàng tháng. Có nơi cúng mặn có nơi cúng chay. Đa số là cúng chè xanh đánh (đỗ xanh xát vỏ, nấu nhừ rồi đánh mạnh cho sánh lại) hoặc nước đường có bỏ thêm bột sánh vào. Nếu người ta không ăn thì sẽ đổ chè vào các gốc cây. Và đây là bữa tiệc của lũ côn trùng như bọn tớ. Tớ là anh chàng bọ xít. Tớ đang hút cái chất ngòn ngọt có trong cái chén nhựa này thì một ả người lùn chủn chạy lại dí ống kính vào tớ. Tớ sợ ả ta bắt nạt nên bò loanh quanh. Tớ hỏi ả ta là nhìn cái gì mà dòm. Ả ta ngu thôi rồi, chả hiểu những lời tớ nói hay sao ấy. Nghe nói ả có cái tật thích bới rác tìm sâu bọ. Tớ quan ngại cho cuộc sống yên bình của bọn tớ quá. Tớ sợ là cái gì cũng bị ả ta tung hết lên Facebook.





Bà Rịa - Vũng Tàu, 16/11/2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Sunday, November 15, 2015

GIỜ TIỀN CHẠY

    Một năm, tiền chạy vào dịp tết. Một ngày, tiền chạy vào lúc bốn giờ…

    4h chiều, trong khi nhiều cơ quan đang rục rịch tan sở thì đó lại là múi giờ bắt đầu vận hành guồng quay tiền tệ trong giới chơi xổ số ở thành phố. Những chiếc xe đạp có gắn sọt đậu phộng (lạc) dựng chân chống chi chít hai bên cửa trung tâm xổ số kiến thiết. Những con người ngồi la liệt khắp hành lang, chờ đợi điều gì đó như rất đỗi quen thuộc. Sau đó là những con số được ghi chi chit, to nhỏ khác nhau trên các mảnh giấy hay quyển vở học trò bị gấp đôi. Họ tính tính toán toán thế nào đấy rồi tản đi. Lúc này, tiền mới thực sự…chạy.

     Những người được mệnh danh là côn đồ bắt đầu đi lấy “phơi” thuê cho những “bầu cái”. Các bọc đen chứa tiền được chuyển đi khắp nơi trong thành phố. Nơi ấy có một lực lượng khổng lồ sống ở phố quanh năm nhưng chả mấy khi đi làm. Cuộc sống của họ là đi chùa và cầu cơ đen đỏ. Có những tiếng cười sang sảng từ ngoài ngõ vào đến nhà khiến ai cũng hiểu nhà đó trúng đề. Nhưng tít tận nơi rìa phố thì nhiều gia đình bắt đầu lục đục từ đây. Ngày qua ngày, hình ảnh ấy lặp đi lặp lại ở nhiều nơi trên đất nước này.

Tác giả ảnh: Trần Bảo Hòa
     Người bán vé số xứ này nhiều vô kể và cũng rất khó khi viết về cuộc sống của họ. Họ sống nhờ số tiền “hoa hồng” chênh lệch giá vé và tiền do người trúng thưởng cho để xả ra làm phước, mong hôm sau lại trúng đậm. Buổi sáng họ lượn quanh các quán cà phê, trưa ăn cơm bụi và ẩn dật trong những chiếc võng ở quán cà phê sân vườn vùng ngoại ô. Giấc ngủ không hề miễn phí, dĩ nhiên! Cái quán cà phê vắng khách ấy vẫn cầm cự được qua nhiều năm là vì thế. Tối họ đem tiền cho ai đó trong gia đình để ngày mai người đó lo chuyện chợ búa và nấu nướng.

     Nhìn thấy những mảnh đời ấy, tự nhiên tôi muốn viết tuyển tập những mảnh đời cố bám phố. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã từng ví von rằng phố như cô vợ thảo hiền còn chốn thôn quê như cô bồ cũ. Người vợ tảo tần chăm chồng đến cỡ nào đi nữa thì anh chồng vẫn có nhiều lúc vương vấn mối tình thời trai trẻ. Sống giữa phố nhưng người ta vẫn chạnh lòng nhớ quê hương. Thương phố lắm, phố ơi!
---
   Trích tập tản văn Bám Phố. Đang gõ, bao giờ đủ bài và có xẻng thì xuất bản. vấn đề là viết như này thì có ai mua sách không nhỉ???
Bà Rịa - Vũng Tàu, 15/11/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments

TỪ NAY SẼ KHEN CHO CHÚNG NÓ CHẾT KHI CHƠI MẠNG XÃ HỘI

Sáng hôm ấy em đương bận chém gió với bọn bạn trên Facebook, tự dưng có đứa chạy vào hỏi chị ơi cho em hỏi là chủ tịch Nhũ Thị Lép có ở đây không.  Em cáu tiết, chỉ vào cái bảng tên trên bàn và hếch mặt lên, hỏi lại rằng anh tưởng cái ghế chủ tịch thành phố Thất Nghiệp này ai cũng muốn ngồi lắm à. Chỉ có tôi mới phải ngồi cái ghế này mãi thôi, sư anh, thiểu não nó vừa thôi.  Ghế chủ tịch ở bên thành phố Hữu Nghiệp thì ai cũng muốn ngồi để chụp choẹt tự sướng tung lên Facebook cho oai chứ cái ghế của tôi, người ta kiêng ghé đít anh ạ.
Nếu không muốn bị thiên hạ đồng hóa thì bạn phải có bản lĩnh - Tác giả ảnh: Quý Văn Lương
Hình như do em nặng lời quá hay sao mà thằng ấy bỏ về luôn. Thế quái nào trưa hôm ấy có cái status trên Facebook bảo “Mông xẹp, ngực lép, răng vâu, chuyên nói xấu thiên hạ. Hèn gì vẫn làm mãi cái chức chủ tịch thành phố Thất Nghiệp”. Á à, nó vỗ vào mặt em là đây chứ còn gì. Em cáu tiết quá, em ký quyết định phạt cái đứa đăng tút ấy 5 củ khoai luộc. Ở cái đất Thất Nghiệp này, củ khoai là mặt hàng  xa xỉ các cụ ạ. Những đứa like và comment cho cái tút ấy, em cũng bắt gánh khoai đến nộp phạt. Chúng nó mà không nạp khoai nhá. Mai này muốn cắt hộ khẩu sang thành phố Hữu Nghiệp thì đừng hòng em ký phê duyệt lý lịch trong sáng cho đâu. He he.

Cơ mà điều đó chứng tỏ là mạng xã hội không còn ảo nữa các cụ ạ. Người ta lấy mạng xã hội để luồn lách vào tâm can người khác. Hãi nhỉ? Thôi thì từ nay, em có sẽ theo phong trào khen cho chúng nó chết vậy. he he.
Bà Rịa - Vũng Tàu, 15/11/2015
Tây Nguyên Xanh
No comments