Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, January 1, 2016

KIẾN TRÚC NHÀ CỬA Ở TÂY NGUYÊN


   Nếu không ở Tây Nguyên thì chắc ít bạn biết về hình ảnh nhà dân lọt thỏm trong rẫy nhỉ? Dưới đây là nhà được chụp từ cổng và sân nhìn từ cửa chính của một gia đình canh tác cà phê đang sinh sống ở tỉnh Dak Lak. Ngôi nhà trong ảnh là mẫu kiến trúc cực kỳ phổ biến ở Tây Nguyên. Có lợi thế về diện tích và đa số dân đi kinh tế mới nên số lượng thành viên trong gia đình ít, nhu cầu phòng ốc không nhiều,vì vậy  nhà ở Tây Nguyên chủ yếu là nhà cấp bốn như trong ảnh. Đây là mẫu nhà được xây sau năm 2000. Những năm 1996 đến 1999, người ta chuộng nhà đổ mái bằng hoặc đổ mê lợp tôn và tường được ốp gạch men trắng, lan can trên nóc được ốp gạch men đỏ nâu hoặc xanh nước biển. Khi nào có ảnh thì Tây sẽ đăng cho các bạn xem mẫu nhà ấy. Từ sau năm 2000, người ta chuộng nhà mái Thái và thay vì dùng gạch men ốp tường như thời kỳ trước đó thì người ta tít xi măng cho mịn. Nhà có mái nhọn và đỏ tươi như ở Thái Lan. Về cửa thì ban đầu là gỗ nhưng sau này là sơn màu giả gỗ. Trong nhà luôn luôn có một phòng để chứa nông sản khô nên phía hông thường dôi ra một phòng nhỏ nối với gian bếp hoặc với không gian chuyên dùng đun nấu bằng củi.

   Tây Nguyên là nơi tứ phương hội tụ nên văn hóa tín ngưỡng được pha trộn rõ rệt. Cái có lý của miền này được người kia áp dụng rất tự nhiên. Nó thể hiện ngay trong căn nhà. Ngày nay, hầu như ai cũng chọn “phòng lồi” (sát bên hông phòng khách và có cửa bên tường phòng khách) để làm nơi thời cúng tổ tiên. Trước đây, khi mới đến, người xứ Quảng thờ cúng trên gác lửng (gác xép), người từ Huế trở ra lập bàn thờ ngay phòng khách. Nay người Quảng thấy rằng Tây Nguyên không có bão lũ như ở quê nhà nên không cần xây gác tránh lụt nữa. Người từ Huế trở ra vùng Bắc Bộ cũng thấy nên dành riêng một nơi thờ cúng cho trang nghiêm như người Quảng chứ trong phòng khách nhiều khi va phải các tướng ngồi khiếm nhã cũng kỳ kỳ làm sao á. Tất cả những ý niệm đó đã hình thành kiến trúc hạ tầng mới trong cộng đồng người di cư.
Cà phê quả tươi vừa mới hái về
Nhà ở Tây Nguyên chủ yếu là hai mặt tiền hoặc một mặt thì phải là mái Thái. Nhà dạng ống chỉ gặp ở vùng đất mới được quy hoạch lại trên quốc lộ thôi. Có một thời, trao lưu xây tầng theo kiểu biệt thự thịnh hành lắm nhưng rồi tự thân nó lụi tàn vì thời gian đã chứng minh sự lãng phí khi con cái đi làm ăn xa, bố mẹ nhà ở trong căn nhà thênh thang quá. Riêng cái khoản lau nhà đã đủ rút kinh nghiệm cho người xây sau rồi.
Cà phê nhân thô sau khi xát vỏ
Ở nông thôn, nhà thường có vườn hoặc cái vườn chính là nguồn thu nhập chính thì gọi đó là rẫy. Nhìn từ hiên nhà ra sân, thường thấy cây ăn trái và cây công nghiệp (chủ yếu là cà phê và hồ tiêu). Không ai trồng cây cao su trong vườn cả. Có cây thì ắt có chim về làm tổ. Sáng sớm chim hót quanh vườn các bạn ạ. Chủ yếu là chim sẻ (có nơi gọi là chim rặt rặt). Tây Nguyên trong văn của Tây là thế đấy!
Tây Ninh, 1/1/2016
Lời: Tây Nguyên Xanh
Tác giả ảnh (chủ nhân của căn nhà): Sấm Đêm
No comments

Sunday, December 27, 2015

BÁNH TRÁNG TÂY NINH

Bốn năm ở Quy Nhơn, mình đã từng bị ám ảnh bởi tình yêu bánh tráng (bánh đa) của người hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Về Tây Ninh sống, mình còn thấy lạ lùng hơn nữa. Người Tây Ninh ăn bánh tráng như kiểu chúng ta thích cắn hạt dưa, hạt dẻ hoặc hướng dương trong ba ngày Tết ấy. Cứ buồn buồn là kiếm bánh tráng chấm muối tôm ăn luôn. Tuần đầu tiên nhận việc, cấp trên chuyển mình xuống tuyến dưới làm chung với anh em đi ca rồi mới vào văn phòng chính. Đến là thương cho anh em đi ca, họ ngại mình mách lẻo với sếp tổng kho nên lén lút ăn bánh tráng. Bánh tráng này mỏng còn hơn loại chúng ta dùng nhúng nước để cuốn với rau và thịt luộc. Nó mỏng đến nỗi cứ bỏ vào miệng là mềm ra ngay ấy. Khi một cái gì đó được sử dụng ở mức độ bằng mọi giá phải có thì các bạn hình dung ra tình yêu của người Tây Ninh với bánh tráng như thế nào rồi đấy.

Ruộng Tây Ninh không được màu mỡ cho lắm nên hạt gạo làm ra chỉ đủ nấu cơm thôi chứ ít khi dùng làm bánh. Thế mạnh của Tây Ninh là củ mỳ (sắn) nên đi đâu cũng gặp bánh tráng mỳ. Tây Ninh có thương hiệu bánh tráng phơi sương Trảng Bảng cực kỳ nổi tiếng. Tây Ninh quanh năm có sương khá dày vào ban đêm. Bánh tráng sau khi phơi khô thì được nướng rồi đem đi phơi sương. Cái tấm liếp đựng bánh ấy được thường được đặt trên luống rau vừa được tưới lúc chập tối để bánh hấp hơi nước đều hai mặt. Bánh tráng này dùng để cuốn rau.
Chái bếp quê - tác giả ảnh: Lê Duy
Tuy nhiên, có một loại bánh tráng phơi sương nữa nhưng mà không trải qua giai đoạn nướng. Hôm vừa rồi, đồng nghiệp chở mình vào thị trấn Gò Dầu ăn bánh tráng chấm sốt me. Nghe tên, ban đầu mình nghĩ nó sẽ cuốn với cái gì đó rồi chấm sốt me cơ. Ai dè không phải, nó đơn giản chỉ là bánh tráng sau khi phơi khô thì đem đi phơi sương cho nó mềm ra và cứ thế chấm với nước sốt me chứ chả ăn cùng thứ gì nữa hết. Ấy vậy mà ghiền đó nha. Do bánh tráng đang ở độ khô giòn được phơi sương nên các lỗ khí trong bánh bị nhíu lại, bánh bền chặt hơn. Trong lúc ăn, nước bọt tiết ra hòa quyện với cái sự dai dai, mềm mềm kết hợp vị bùi của lạc đâm nhỏ, vị chua của nước sốt me chín, cứ phải gọi là ngồi xỏ rễ ở quán luôn.

Chưa hết, khắp các tạp hóa ở Tây Ninh đều bán la liệt bánh tráng đỏ choe đỏ choét hoặc có chấm đỏ. Ấy là bánh tráng ớt và bánh tráng tôm. Những loại bánh tráng này không ai nhúng nước bao giờ cả, Cứ thế nhai bỏm bẽm thôi. Tây Ninh là xứ trồng ớt nên dân tình khá chuộng loại quả có vị cay này. Người ta hòa vào bột một nắm muối ớt rồi tráng bánh lên. Nhà có điều kiện thì rắc tôm khô giã nhỏ lên bánh vừa mới tráng rồi đem đi phơi.


Các loại bánh tráng mè (bánh đa vừng) bằng bột gạo ở Tây Ninh cũng có nhưng nghe chừng không dân dã như bánh bột mì. Còn nhiều loại và cách ăn bánh tráng khác nữa. Tây cứ viết đại khái thế đã. Để Tây sống lâu lâu ở đây rồi hóng được gì lại biên tiếp cho các bạn hiểu về Tây Ninh hơn chút. Tạm thế đã, hôm sau biên về văn hóa dùng muối của người Tây Ninh. 
Tây Ninh, 27/12/2015
Tây Nguyên Xanh
3 comments