Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Monday, January 11, 2016

MUỐI TÂY NINH



Mình khá là tò mò thái độ của người từng vùng miền đối với gạo, muối và lá chè. Tây Ninh cũng không giáp biển như Tây Nguyên nhưng thái độ của người Kinh ở Tây Ninh đối với hạt muối khác hẳn người Kinh ở Tây Nguyên. Muốn biết người Tây Nguyên trân trọng muối như thế nào thì chỉ có thể tìm đến các buôn làng của người dân tộc thiểu số bản địa. Người Tây Nguyên chủ yếu có gốc gác từ miền Trung và miền Bắc, chén (bát ăn cơm) nước mắm đặt chính giữa mâm đã là biểu trưng cho sự gắn kết của các thành viên trong gia đình rồi. Còn Tây Ninh thì… chẳng phải ngẫu nhiên mà muối tôm của xứ ấy được bày bán khắp các siêu thị trên cả nước.

Mình sống ở Tây Ninh một tháng và đã mắt tròn mắt dẹt khi thấy anh chị em công nhân móc trong túi quần ra hũ muối ớt rồi san sớt, mời mọc nhau ăn. Mấy cái bàn chùm hum lại xin muối rắc vào cơm. Cái nhà ăn của công ty không bao giờ có nước mắm, ai lạt thì chan xì dầu thôi. Với họ, nước mắm chỉ là thứ ăn chơi cho biết chứ không phải bắt buộc phải có hằng ngày. Thức ăn nấu lạt thì ai nấy tự rắc muối vào. Muối này không phải muối trắng trong hũ đâu nhé. Nó được chế biến khá công phu đấy.

Tây Ninh có hai loại muối, ấy là muối ớt dùng trong bữa cơm và muối tôm để ăn với bánh tráng. Muối được rang lên rồi mới trộn chung với bột ớt cùng các gia vị khác và cũng được rang trên chảo. Làm muối tôm là rệu rã hai tay nhất vì cái công đoạn giã tôm khô cho nhuyễn. Ngày nay thì đỡ rồi, có máy nghiền hết cả. Sau đấy người ta trộn tùm lum gia vị cùng muối thành ra cái thứ muối tôm ấy. Chỉ có một tháng sống ở đó nên hóng được đến đó thôi. He he.

Vùng văn hóa Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) cũng rất nổi tiếng với các loại muối như muối sả, muối vừng (mè)… nhưng chính dân Huế cũng rất thích ăn muối tôm của Tây Ninh. Ông chủ của mình hôm qua vừa sai đi siêu thị mua muối tôm về để ăn trái cóc. Đường phố Nha Trang chưa thuộc nên lòng vòng, tự dưng có hứng gõ bài này,
Nha Trang, tháng 1/2016
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Lê Bu
1 comment

QUẢNG BÌNH NGUÝT ĐỂU HÀ TĨNH CHỈ VÌ TÊN CỦA MỘT LOÀI VOỌC


Tây đang chát chit với trai đẹp, bỗng có tin nhắn viết Tây ơi, cái con Voọc đen thui mà mặt nó có hai vệt trắng từ khóe miệng vòng ra sau gáy bị gọi tên nhầm rồi. Nó là Voọc Quảng Bình chứ Hà Tĩnh cái gì. Giờ ai nghiên cứu về loài ấy phải mò về Tuyên Hóa quê anh, nghe em. He he. Tây dốt kiến thức về lịch sử tên gọi sinh vật nên chả biết xoa dịu cái sự tranh giành tên gọi như thế nào cả. Đành phải vỗ về anh ấy như này, rằng thì là có lẽ khi các chuyên gia phát hiện loài linh trưởng này lần đầu tiên ở vùng núi thuộc đất Hà Tĩnh nên các cụ đặt luôn tên trong danh pháp quốc tế là “Trachypithecus hatinhensis”, người Việt cũng gọi là Voọc Hà Tĩnh luôn. Cơ mà nhìn sơ sơ nó khá giống với con Voọc Đen Má Trắng nên còn được gọi là Voọc Gáy Trắng để phân biệt nữa.

Trai vẫn cay cú lắm. Trai bảo em gọi Voọc Quảng Bình đi rồi anh kể chuyện tình cảm giữa Voọc và người Quảng Bình cho mà nghe. He he, Tây là chuyên gia hóng hớt mà. Gọi ngay không cần suy nghĩ và đã có thông tin hay ho như sau: Cái loài Voọc đen nhẻm này gan lắm nhé. Nó thích mò về các làng bản để kiếm thức ăn. Đứng trên sào phơi quần áo ngắm mấy cái xu chiêng xu xịp mà ngỡ là thức ăn. Đến là tội, rừng càng ngày càng hẹp nên mới phải thế. Nó rất thích nghe nhạc. Hồi kháng chiến, dân quân tổ chức hát giữa rừng, chúng nó quây quần về nghe đấy nhé. Ngày nay hễ anh muốn gặp chúng nó phải mang theo diện thoại để phát nhạc ra, kích động sự tò mò của chúng. Có người còn kể là nằm nghe nhạc ngủ quên trong hang đá, voọc mò vào ăn cắp cái mũ đi chơi. He he. Chúng nó thân thiện lắm. Nhưng cái thân thiện này đã bị kẻ xấu lợi dụng rồi săn bắn. Thương lắm em ơi.

Tây giật cái tít hoành tráng như vậy là để câu like, tất nhiên! Cơ mà nói thế để thấy rằng câu chuyện tranh giành kia khiến chúng ta cười ra nước mắt. Voọc Gáy Trắng phân bố ở rừng giáp ranh hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Nếu chúng có môi trường thuận lợi để sinh sôi nảy nở thì có phải là tỉnh nào cũng có Voọc nhiều như tỉnh nào không. Khỏi giành nhau! Có thêm lượng khách về chụp ảnh sinh vật cũng là một cách tăng thu nhập cho ngành du lịch mà. Hệ lụy của ngành du lịch ở vùng núi thì các bạn biết rồi, nói ra thêm buồn. Nhưng cái gì đẹp thì vẫn phải mang đến cho cộng đồng cùng biết và bảo vệ. Tây không cần các bạn hô hào gì cả, chỉ cần mỗi lần ghé đất Quảng Bình và Hà Tĩnh, các bạn hỏi đường lên xem Voọc Đen Gáy Trắng đi như thế nào nhỉ. Có thể lúc đó các bạn chưa lên thăm Voọc được nhưng mỗi người trên cả nước góp một câu hỏi thì sẽ như một lời nhắc nhở dân hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh chung tay bảo vệ Voọc để thu hút ngành du lịch. 
Nha Trang, 11/1/2016
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Minh Phong
No comments