Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, February 25, 2016

MÔT LẦN VỚI NÔNG TRƯỜNG CAO SU DẦU TIẾNG

Cao su mùa thay lá
    Không rành về tâm linh nhưng thực sự hôm nay mình hơi lợn cợn khi nhớ hình ảnh chú chó từ ngôi nhà nào đó bỗng xộc lại hít chân mình rồi ngoe nguẩy đuôi, nhảy vồ lên ngoạm yêu cái tay và đùa giỡn với mình như thể đón mừng chủ về nhà lúc mình vừa bước chân chạm đất thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương). Chẳng biết mình có duyên gì với cái đất này mà khi chưa biết những cái tên thị xã và huyện của tỉnh Bình Dương thì mình đã ấp ủ giấc mơ được về thăm nông trường cao su Dầu Tiếng. Thế là mình đã đến cái nơi không một bóng người quen ấy…
Hoa cao su
   Từ bến xe khách tỉnh Bình Dương, xuyên suốt tuyến xe buýt số 1 trên đại lộ Bình Dương, mình hỏi bác tài xế là từ thị xã Bến Cát, bắt tuyến nào để về Dầu Tiếng. Họ chỉ cho mình tuyến 11 của hơp tác xã vận tải thị xã Bến Cát. Ôi thần linh ơi, mình đã làm theo và đến bến xe trung tâm thị trấn Dầu Tiếng luôn. Dọc đường đi, hỡi ôi một trời cao su, loáng thoáng có vài luống sắn (củ mì), vài vạt cỏ voi cho bò ăn và đôi ba cái thửa đất trồng tràm. Đất xứ này trắng phớt đỏ như gò má thiếu nữ ửng hồng làm duyên ấy.
Chùm hoa cao su
    Khác với Tây Nguyên, cao su đối với người Dầu Tiếng là miếng cơm, manh áo nên gần như trong vườn nhà nào cũng có ít nhất hai chục cây cao su. Là mình đang phân biệt khái niệm vườn trên đất ở với rẫy (lô đất chuyên canh nông sản) nhé. Vườn của người làm cho nông trường cao su ở Tây Nguyên hầu như không có điều này. Vườn của người Tây Nguyên chủ yếu là cà phê, hồ tiêu hoặc cây ăn trái thôi. Cao su bao bọc thị trấn Dầu Tiếng luôn. Các bạn cứ hình dung là giữa hai cái rừng cao su có một lối đi rộng. Người ta chiếm hành lang đường bộ để xây nhà. Lâu dần nơi ấy được chọn làm trung tâm cho huyện Dầu Tiếng.
Trái cao su
    Về khi cao su Dầu Tiếng thay lá sắp hết và đang trổ bông đậu quả. Những thị xã có bóng dáng người nước ngoài đầu tư khu công nghiệp nhìn bề thế, hoành tráng bao nhiêu thì nơi đất chỉ dành cho nông lâm nghiệp nghèo bấy nhiêu.
Mùa này không cạo mủ
       Hơi ôi, Dầu Tiếng của tôi ơi…
Thị xã Bến Cát, 25/2/2016
Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, February 22, 2016

MỘT LẦN VỚI LỄ HỘI CHÙA BÀ Ở BÌNH DƯƠNG


    Chiều nay đi xem lễ hội rước chùa Bà ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Tự dưng tôi thèm được sống trong xã hội công nhận nơi diễn ra các nghi lễ của các tôn giáo là cơ sở kinh doanh tín ngưỡng. Tức, công nhận đi tu cũng là một nghề. Tôi muốn mỗi lần đi chùa, nhà thờ… là có sư thầy, đức cha… đón ngay tận cổng. Tôi phải bỏ một khoản tiền nho nhỏ (gọi là phí xem lễ) để được họ hướng dẫn làm đúng thủ tục của một nghi lễ nào đó. Nếu tôi không theo tôn giáo đó nhưng vẫn được chứng kiến hết nghi thức của tôn giáo ấy. Nghĩa là sư thầy, đức cha đóng vai trò là hướng dẫn viên du lịch chuyên trách mảng tôn giáo. Du lịch tín ngưỡng là được xem trọn vẹn nghi thức để hiểu và cao hơn nữa là xóa nhòa kỳ thị giữa các tôn giáo với nhau. Nếu khách đông quá thì chia lịch hành lễ và đương nhiên có sắp xếp từng ê kíp tế lễ theo múi giờ nhất định. Mỗi một nơi sinh hoạt tôn giáo thành lập một hợp tác xã - quy tụ các cơ sở sản xuất vật liệu chuyên dùng trong lễ lạc của tôn giáo ấy. Chỉ cần đưa ra một tờ tiền là tôi có mọi thứ cho phần lễ của tôi. Không có nạn chèo kéo khách mua đồ lễ nữa. Những đồ nào sau khi cúng có thể ăn được thì được phát cho các trung tâm bảo trợ xã hội. Mọi người trật tự chờ đến múi giờ nhất định để hành lễ. Đương nhiên, kinh doanh mà, nhà chùa, nhà thờ…cũng phải đóng thuế. Sư thầy, đức cha có thu nhập ổn định chứ không phải sống nhờ những đồng tiền tùy tâm. Cứ tùy tâm mãi như thế thì nạn buôn thần bán thánh không thể quản lý được. Lễ hội được bảo tồn nghi thức một cách trọn vẹn, lành mạnh. Mỗi một lễ hội được truyền hình trực tiếp phần hành lễ cho toàn dân xem.

    Khổ quá! Đố ai đi lễ hội về mà bảo ối trời ơi, thích ghê thích gớm đấy. Ai cũng mệt lử. Chiều nay tôi thấy người phụ nữ ôm trái dừa rồi lảm nhảm đọc kinh kệ cầu xin buôn bán phát đạt. Cô ấy chen lấn, mong được gần cái kiệu được cho là có Bà ở trong đó.

    Ai cũng cấm hoa và hương mong được đi sâu vào bên trong. Tôi thấy người ta mời mọc mua hương, cây Sống Đời có gắn hoa giả và cũng có mấy người nài nỉ mua chim để phóng sinh. Tôi thấy những anh bảo vệ đoàn rước khổ quá. Họ nắm tay nhau thật chặt và vòng trong thì roi điện gí điện kêu loẹt toẹt vào đám đông. 

   Bình thường, dân kinh doanh cúng trời đất, phát thí thực cho cô hồn vào ngày 2 và 16 hàng tháng. Nhưng hôm nay, vì có lễ rước Bà đi khắp phố nên hai ven đường đầu rẫy mâm cơm cúng. Những đoàn lân sư rồng nhào vào nồi hương, quẹt ngang ngọn nến rồi tiến thẳng vào từng nhà buôn múa cho đến khi được tặng tiền mới thôi. Và cuối cùng, tôi tin hết lễ rước chùa Bà là đến hội quét dọn đường phố của các nhân viên vê sinh đô thị.

   Kết luận, phải là thành phần đươc ưu tiên đặc biệt mới được xem các nghi thức lễ hội. Lễ hội của chung mà thành của riêng…
Thành phố Thủ Dầu Một, rằm tháng giêng năm Bính Thân 2016
Tây Nguyên Xanh
No comments

TRƯỚC KHI MUỐN BỎ TẾT THÌ PHẢI HẾT SỢ MA

    Cứ đến nửa cuối tháng chạp và đến hết tháng giêng, cư dân mạng lại bàn chuyện bỏ tết giống như người Nhật Bản. Việt Nam ta không thể tư dưng mà bỏ tết như người Nhật được. Chúng ta phải xây dựng điều kiện đủ cái đã. Những trận động đất liên miên đã làm thay đổi tư duy của người Nhật rồi. Hôm nay họ sống nhưng biết ngày mai thần thánh có thể cứu họ khỏi thiên tai hay không. Cho nên về mặt tín ngưỡng, họ đã không quá tin vào thần thánh. Họ quan niệm rằng sống là phải sướng nên ngay đời sống tình dục của họ cũng khiến nhiều dân tộc khác ở châu Á ngưỡng mộ. Điều kiện đất đai khiến họ phải sống gấp nhưng họ hay ở chỗ là gấp có tính toán chứ không liều mạng chờ may rủi. Dân tộc Việt có thể chuyển lịch ăn tết và lễ hội có thể vẫn giữ đươc bản sắc nếu người ta chỉ thích đến với lễ hội với tinh thần “du lịch tín ngưỡng”. Có mấy cái dấu hiệu cho thấy rằng người Việt hoàn toàn có thể làm được vậy.
Tác giả ảnh: Shikhei Goh
    Một là, dân đã chán tết nhưng không dám bỏ tết vì sợ những điều mơ hồ.

    Hai là, giáo phái mới hình thành liên tục. Cho thấy rằng dân tình đang chán đạo cũ và muốn tìm ra hướng đi mới. Định hướng lại một chút, ta sẽ đạt được mục đích. Xã hội Việt Nam ta, ai có thể vào nhà người khác để thay đổi vị trí bát nhang (lư hương) thì người đó làm chủ thế cờ. Và ai được dân thờ thì người đó là lãnh tụ. Vì vậy, thầy bói nhiều vô kể. Sách viết về tướng số, phong thủy bán chạy hơn sách văn học.

   Ba là, những năm gần đây nạn đào trộm một phần hài cốt xảy ra rải rác. Ngày xưa, mộ người chết vì sét đánh thường được canh giữ mấy tháng đầu để không bị đào trộm về làm thuốc này nọ. Nay chết bình thường cũng bị trộm. Trước tết, báo Dân Việt có đăng một vụ đấy. Đây là dấu hiệu của việc càng ngày con người ta càng bất chấp tất cả để được sống và đương nhiên là sống thì phải sướng mới ưng. Nếu Việt Nam chúng ta thành lập trung tâm nghiên cứu các phế phẩm y học từ tử thi để nó bổ trợ cho trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người thì hay biết bao. Chúng ta cứ mạnh dạn soi tử thi dưới ánh sáng khoa học. Thử xem dùng tia lửa điện đánh vào xương cốt thì có cho ra một chế phẩm nào đó giúp ức chế các tế bào gây bệnh hay không, các bộ xương cốt của người cùng dòng tộc có tỏa ra các bức xạ có bước song gần nhau không… Vấn đề là lấy tử thi đâu mà thí nghiệm. Sẽ có thêm rất nhiều người hiến thân cho khoa học nếu chúng ta đưa tác hại của hình thức địa táng vào chương trình giáo dục môi trường và giảng về ý nghĩa của viêc nghiên cứu chế phẩm y học từ tử thi. Có thể chúng ta không nghiên cứu ra gì hết nhưng khi con người dám đụng chạm vào tử thi nhiều hơn thì sẽ bớt sợ ma, bớt tin vào thần thánh hơn.

   Về mặt pháp luật, nên có quy định công dân từ 30 tuổi trở lên phải đến cơ quan chức năng đăng ký hình thức mai táng sau khi chết. Sau này, khi gia đình người đó đến làm giấy báo tử, cán bộ giở sổ ra xem và nhắc gia đình phải làm theo di nguyện của người quá cố. Để đảm bảo giảm tỉ lệ địa táng gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, chúng ta phải dạy thật kỹ về môi trường ở bậc phổ thông. 30 là độ tuổi đã khá chín về mặt nhận thức. Lúc ấy họ cũng biết nên làm gì sau khi thoát xác.

   Cái chết là nguồn gốc của mọi nỗi sợ. Dám nhìn thẳng vào cái chết thì hết hoang mang!
Thị xã Bến Cát, 22/2/2016
Tây Nguyên Xanh
No comments