Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Monday, April 25, 2016

CÁ HẤP TRONG BỮA ĂN NGÀY THU HÁI CÀ PHÊ

Tác giả ảnh: Trần Bảo Hòa
Bộ ảnh hấp cá biển ở mam miền Trung của ba tác giả Hà Xẻo Mây, Nguyễn Văn Hà và Trần Bảo Hòa này khiến mình cứ chợn rợn nhớ những bữa cơm trong mùa cà phê. Nó ám ảnh kinh khủng. Ngày xưa, khi mẹ đi chợ về, bọn mình mò trong giỏ mà thấy bọc gì cưng cứng mùi tanh tanh là xì môi bảo lại cá hấp nữa à. Khổ! Mùa cà phê nhà nhà phải thuê nhân công hái quả chứ chẳng riêng nhà mình. Măng khô, cá hấp, thịt ba chỉ, bí chanh, cà pháo và dưa muối là những thứ tiêu thụ chủ yếu trong bữa ăn.
Tác giả ảnh: Nguyễn Văn Hà
Bọn mình sống ở Tây Nguyên nên muốn ăn cá tươi thì chỉ có thể mua cá sông hoặc nuôi ở hồ thôi. Cá biển đa số là hấp hoặc phơi khô rồi. Mình ngu kiến thức phân loại sinh vật nên chẳng biết con cá gì đâu. Cứ quen gọi là cá hấp nứt lưng bởi con nào con nấy đều có vết xẻ dọc ở lưng. Mua về, mẹ chiên cho nó vàng lên rồi đổ mắm ớt vào kho. Ăn ngon phết! Nhưng mà ăn trong suốt ba tháng mùa cà thì Yang ôi, ai chịu nổi. Thế mà mẹ vẫn kiên nhẫn đổi cách thức chế. Mẹ róc xương cá sau khi chiên rồi thả vào nồi canh bí chanh. Ăn lạ miệng, lại húp sột soạt nghe “ngon tai” lắm.
Tác giả ảnh: Hà Xẻo Mây
Ấy thế mà xuống ở ký túc xá của trường đại học Quy Nhơn (Bình Định) bốn năm. Chứng kiến dân biển Phú Yên ăn cá. Mình không tin nổi. Chị cùng phòng mình ngày nào cũng phải ăn cá biển chứ không là người thấy nôn nao khó chịu. Chị ấy nấu cá tanh lắm. Chả chiên chiếc gì cả. Cứ thế rửa sạch con cá hấp rồi đổ nước vào nấu sôi lên. Ăn như canh. Mình nom gườm gườm nhưng nhìn chị ấy ăn một cách ngon lành, mới hay, mình chả yêu cá bằng dân biển. Họ ăn với hương vị thuần túy nhất của cá. Cá là phải tanh một chút mới bùi mới ngọt. Chứ cứ chiên khử mùi đến khô khốc trong vạc dầu thì mình ăn xác của vật có hình thù là cá thôi.
Tác giả ảnh: Trần Bảo Hòa
Chuyện gì sẽ xảy ra khi biển không còn mùi tanh của cá?
Thị xã Bến Cát, 25/4/2016
Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, April 24, 2016

MỘT THỜI VỚI CHANH DÂY

Vườn cây chanh dây - Tác giả ảnh: Phạm Thành Sang
      Quê nhà lại rộ lên phong trào chặt cà phê trồng chanh dây để nhập cho “bạn vàng”. Tưởng phong trào này chết như cá miền Trung rồi chớ, ai dè vẫn còn ngọ nguậy mạnh lắm. Nó khởi sắc sau khi phong trào trồng cây thuốc phiện bị dập tắt. Còn nhớ, hồi những năm quanh 2004, Tây Nguyên rộ lên phong trào trồng cần sa. Hài lắm nhé, địa điểm trồng không phải ở vùng biên giới xa xôi như miền núi phía Bắc đâu. Dân Tây Nguyên trồng cách trung tâm thành phố của các tỉnh khoảng 20 km thôi. Dân tình cứ nghe nói đến phải dẹp bỏ cây cần sa chứ không ai biết hình thù cây ấy như thế nào. Vậy là bọn đầu nậu cung cấp giống cho một vài người trồng. Dân lặng lẽ chặt cà trồng cần sa. Hàng xóm tò mò hỏi cây gì đấy thì bảo là cây cà chua cao sản. Được cái dân mình có tính ghen ăn tức ở, thấy thằng này sắp giàu to mà chẳng bày chỗ mua giống về trồng nên lên chính quyền báo có cây lạ ở địa phương. Công an xuống lập biên bản và nhổ sạch vườn luôn. Ối trời, xóm mình cách Buôn Ama Thuột 18 km, rồi chỗ cách 15 km có hai vạt vườn cũng được dẹp. Bên Gia Lai một mớ. Dak Nông cũng dính.


     Nhưng Dak Nông sau đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất nhanh. Phong trào trồng cây chanh dây khởi sự từ Dak Nông. Chanh dây có hai loại chín vàng và chín tím. Ở Tây Nguyên chủ yếu trồng loại chanh chín có vỏ màu tím. Nó thơm và hồi mới trồng giá khá ổn nên đâu đâu cũng rủ nhau trồng. Nhà mình không mua bán gì nhưng cũng xin một cây con nảy mẩm từ hạt rụng lâu ngày trong vườn nhà bà con về trồng. Chẳng thèm làm giàn luôn. Nó cứ bám lấy tán cây cà phê rồi mò ra khắp một góc vườn. Tất nhiên, một khi nhà nhà cùng trồng thì giá rớt thảm hại mới hợp lẽ bán buôn. Xử lý chưa xong vụ chanh dây, bọn buôn bán cây giống đã hô hào tính năng của cây Mắc Ca (Macadamia). Dân Tây Nguyên và nhiều miền núi của các cùng khác mắc “cạn” luôn chứ không “ca” nổi. Người trồng bơ và sầu riêng đang chờ sáu năm nữa chặt cây đấy. Nhiều khi đứng giữa cái vườn trống, ngẩn ngơ hỏi trồng cây gì bây giờ?
Thị xã Bến Cát, 24/4/2016
Tây Nguyên Xanh
No comments