Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, August 11, 2016

NỘI TẠNG

Tác giả ảnh: Vũ Ngọc Tuấn
   Năm 2008 ra Huế thi đại học, ghé thăm ông mệ nhưng vợ chồng cô chú đon đả mời cơm, sắp xếp chỗ ở. Cô là dâu của một nghệ nhân đúc đồng. Đại gia đình sống bên bờ sông Hương, cuối một cái kiệt ven đường Bùi Thị Xuân, phường Đúc. Ba chồng của cô nhận hợp đồng đúc chuông, tượng khắp cả nước. Chồng cô là thợ làm nguội (khắc lại đường nét tượng sau đúc) rồi tiến tới nối nghiệp ba. Cô hiền dịu và giỏi dang đúng kiểu vượng phu ích tử. Những tưởng cảm nhận của mình đối với cô chỉ có thể. Nào ngờ…

   Huế là nơi để trở về. Năm nào học trò ở các tỉnh trên cả nước cũng thay nhau ra thăm thầy vào rằm tháng giêng hoặc rằm tháng bảy, nhưng tuyệt nhiên không một ai nhận ra điều gì khác lạ. Năm ngoái, tất thảy lặng người khi biết tin vợ chồng cô đã ly hôn trên giấy tờ hai năm rồi. Vậy mà mọi hoạt động trong gia đình vẫn bình thường. Khách đến cô vẫn đi chợ, cười nói như không có chuyện gì. Chỉ khi thấy con dâu về thăm nhà ngoại mãi chưa lên, còn con trai thì tối ngày say xỉn, người nghệ nhân ấy mới biết sự thật. Cô bị bệnh hiểm nghèo, phải ghép nội tạng mới khá hơn. Nhưng cô nghĩ rằng lấy nội tạng của người khác phép vào mình thì khác nào mình dùng tiền mua một mạng sống của kẻ khác. Dù người em ruột muốn bán mảnh đất mặt tiền ở Đà Nẵng trị giá một tỉ cho chị gái chữa bệnh, cô cũng từ chối. Ba mạ chồng của cô chỉ biết ôm cô khóc, nói răng mi dại rứa. Có chuyện chi thì nói với ông mệ chớ, ít ra ông mệ cũng chia tài sản cho mi. Cô cũng khóc, nói khi tê con tay không về nhà ở với ba mạ thì chừ cũng không lấy chi đi hết. Cô chỉ nhờ ông mệ chăm sóc con cái nếu nếu lỡ chồng cô có đi bước nữa. Nhưng hình như người chồng ấy bất lực, không biết cách nào cứu vợ nên uống say mềm cho bớt đau khổ. Tim đâu nữa mà dành cho ai khác.

   Nay cô vẫn còn sống nhưng không biết còn bao lâu nữa. Cả xã hội đang nơm nớp sợ hãi nạn buôn bán nội tạng. Càng nghĩ về cô, càng thấy cô vĩ đại.
Sài Gòn, 11/8/2016
Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, August 8, 2016

TỰ VÀO NHÀ NGƯỜI TRỒNG ĐỂ MUA CÀ PHÊ SẠCH?


    Bỗng một ngày các bạn nhổ toẹt vào mặt ông bán cà phê hàng sáng và chửi ông là cái đồ bán cà phê trộn bắp cháy, tôi đếch thèm uống nữa. Tôi tự đến nhà người trồng cà phê mua hạt về rang lên rồi tự xay uống. Hã hã, các bạn có hình dung được vẻ mặt ông bán hàng khi ấy không? Ông ấy không những chả giận dỗi mà còn ngồi rung đùi, mặt vênh râu cáo bảo tao vừa thách, vừa thương lại vừa cho tiền chúng mày mua được luôn. Hắn đúng đấy. Tây đố các bạn mò vào nhà dân mà mua được, trừ khi được tặng. Chấm, xuống dòng để kể lý do phát nào.

    Nông dân trồng cà phê chủ yếu uống nước lá chè tươi vò nát hoặc trà móc câu từ miền Bắc đưa vào bán. Hiếm ai uống cà phê. Vậy nên không có chuyện cà phê được bảo quản trong sập hoặc bồ như lúa. Nó được đóng thành bao. Mỗi bao nặng khoảng 70kg. Các bao được đặt nằm ngang và xếp chồng như gạch xây nhà. Khi nào bán, người ta gọi điện cho đại lý thu mua kêu nhân viên đến tận nhà bốc vác. Người ta bán với số lượng lớn, ít nhất là cả bao chứ chả ai bán lắt nhắt vài ký,

   Giả dụ nhé, các bạn đến hỏi và người ta đồng ý bán 10 kg nhé. Họ sẽ mặc kệ các bạn tự leo lên dãy bao cao và nâng một bao lên, tự lấy và tự cột lại. Nặng lòi mắt các bạn luôn. Bởi những người ghiền ca phê đa số là lao động trí óc, 70kg vất vả với các bạn rồi. Các bạn thuê người đến mở bao giùm thì chủ nhà không chịu bán vì ý đồ của họ là trêu các gã thư sinh thôi. Hehe.
  (Đón đọc kỳ 2: Chuyện tặng cà phê)
Sài Gòn, tháng 8/2016
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Nguyễn Xuân Tuyên
3 comments

HOA NHÀU VÀ BƯỚM HÌNH KHIÊN


    Hình như hoa Nhàu (Morinda citrifolia) đóng vai trò như kiểu “quốc hoa” đặc trưng cho mùi hương chớm thu của huyện Hóc Môn (Tp HCM) hay sao ấy. Ở nội thành, muốn trồng hoa có mùi thơm để đặc trưng cho thành phố chẳng phải cắm rễ cây vào hai lỗ mũi he he. Đành phải ra ngoại thành thử xem cái xứ ven sông này có thực sự nhạt hương đến thế không. 
Bướm Hình Khiên
    Đi bộ suốt dọc đường Bùi Công Trừng (chạy dọc theo sông và cách bờ sông Sài Gòn 1,5km) mình bị quyến rũ bởi mùi hương hoa này. Và để ý thấy nhà ai cũng trồng một cây. 
Bướm Đuôi Chim
     Hỏi ra mới biết người dân lấy quả Nhàu (họ phát âm là Nhào) ướp với đường cho lên men thành rượu rồi uống mỗi khi đau nhức xương khớp, phụ nữ kinh nguyệt không đều, ăn uống khó tiêu. 
Bướm Hình Khiên
    Ban đầu không biết mùi hương phát ra từ đâu. Nhưng may là những con bướm Đuôi Chim (Graphium agamemnon) và bướm Hình Khiên (Parthenos sylvia) to đùng khiến mình chú ý. Chúng nó gần như chi đậu hút mật hoa của cây Nhàu. 

    Cúi xuống hít thử thì đúng rồi, cái mùi từa tựa hương trầm và đồng điệu với hương nhài lại có kiểu lan tỏa như mùi của hoa cà phê quê mình. Nó cũng thuộc họ Cà Phê nên lá giống cây cà phê quá chừng. 


    Gió mạnh quá, bướm Đuôi Chim chỉ đậu có một hoặc hai giây lại bay. Ảnh chụp nó bị nhòe. Chỉ có bướm Hình Khiên đậu lâu hơn một tí do mình tìm được cây mọc bên bờ tường.
Sài Gòn, 8/8/2016
Tây Nguyên Xanh
1 comment