Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, January 6, 2017

VỚI ĐỒNG THÁP


Nói thật là, Tây thuộc giống gái lắm mồm (aka thích kể lể hành tung sự vụ) mà có cơ hội được cầm máy ảnh nên ừ thì nháy vài tấm cho nó có kỉ niệm hành trình.

 Cơ mà trong lúc đi chơi, sướng quá nên…rên trên Facebook. Hé hé. Biểu hiện cái sự rên ấy là Tây ấy là đi đến đâu cũng dùng Ipad chụp một tấm để check in. Nuôi Facebook xong rồi mới yên tâm cầm máy ảnh đi tìm cảm hứng săn ảnh nghệ thuật.

 Nhưng ảnh nghệ thuật mà đăng cùng một bài viết kiểu như ký sự thì nó hâm hâm thế nào ấy. Thật. Cái ảnh đẹp là cái ảnh làm đóng băng mọi lời giải thích.

 Thế nên mới đẻ thêm cái nhu cầu chụp ảnh thời sự cho hành trình. Và cái tấm ảnh người nông dân đang tỉa hoa trên ruộng này là đơn cử.

Ảnh được chụp ở thành phố Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp. Những vạt nắng cuối chiều cứ gắt lên làm má của người nông dân ngăm ngăm lại còn đỏ ửng nom như cái bánh mật già lửa. Hoa nở sớm quá nên người nông dân này tỉa sạch hoa vứt đi. Không rõ là họ làm vậy để hy vọng lứa hoa sau sẽ kịp bán trong dịp Tết hay sao nữa. Thực sự là thấy nặng lòng khi chứng kiến cảnh này lắm. Vứt đi nguồn thu nhập chính, ai chẳng xót chứ.

Chạy từ thành phố Sa Đéc qua huyện Lấp Vò thấy toàn chậu hoa cảnh hai bên đường. Đến lúc qua phà sang thành phố Cao Lãnh (tỉnh lỵ của Đồng Tháp) mới “tạm ngớt” hình ảnh hoa. Ơ, thế là cũng được nếm cảm giác ngồi trên xe máy qua phà đấy. He he. Cơ mà chắc sau này quay lại thì được chạy lên cầu nối Cao Lãnh với Lấp Vò rồi. Hai cột xương sống của cầu đã dựng xong. Dự là du lịch ở Đồng Tháp sẽ còn thuận tiện nhiều hơn nữa. Quốc lộ 30 mà được cải tạo rộng hơn tí nữa thì ối trời, Đồng Tháp năng động lắm luôn.

Thực sự là chỉ ăn và ngủ nơi này khoảng 12 tiếng đồng hồ nên có lẽ chưa hiểu gì về nó. Thế thôi, lần sau nhé. Lần này đi như thể lần sau không được đi nữa ấy. Tham lam địa điểm nên thiếu vốn từ dành cho những nơi đã đi qua.

Tây Ninh, 6/1/2017
Tây Nguyên Xanh
3 comments

Thursday, January 5, 2017

ĐÔI DÒNG CHO BẾN TRE


     Nói thật là ở đâu cua đồng có thể sống được thì ở đó có cây dừa. Thế nên đi dọc đất nước Việt Nam, chắc chắn các bạn thấy dừa ơi là dừa, chẳng phải chỉ nhõn Bến Tre mới có. Và kẹo dừa ấy mà, tỉnh nào cũng có người biết làm cả. Thế nhưng tại vì người Bến Tre giỏi quảng cáo sản phẩm quá nên cứ nhắc đến dừa là người ta nghĩ ngay đến dừa Bến Tre. Và thực sự, Bến Tre là một tỉnh xác định khá rõ tiềm lực nông nghiệp của mình. Họ dám sống chết vì cây dừa. Họ có kênh quảng cáo các sản phẩm từ dừa. Họ có các nhà vườn ươm cây dừa giống. Đến con Đuông (rệp Dừa) cũng trở thành “đặc sản” của xứ này. Họ có hẳn viện nghiên cứu cây dừa và cây họ dừa tại huyện Giồng Trôm. He he, ghé viện vào ngày lễ nên người ta đóng cửa, chẳng hỏi han được gì. Tuy nhiên cây dừa vẫn chưa làm cuộc sống của người dân khấm khá lên được nên thanh niên Bến Tre đổ về tỉnh Bình Dương làm công nhân ở các khu công nghiệp cực kỳ lớn. Các khu công nghiệp ở miền Đông Nam Bộ trả lương cao hơn miền Tây Nam Bộ ít nhất là 2 triệu đồng một tháng. Bến Tre và Trà Vinh không có quốc lộ 1A chạy qua nên bị coi là “tỉnh cùng” (cùng đường mới ghé hai nơi này làm việc và vui chơi). Cũng giống như Thái Bình của đồng bằng sông Hồng ấy. Nhưng Tây thì khác, Tây chọn Bến Tre là cái đích đầu tiên.

     Chuyến đi lần này, Tây bị vỡ kế hoạch. Là bởi vì nhòm trên bản đồ, thấy quảng đường dài miên man nhưng khi chạy xe thực tế mới biết các tỉnh ở miền Tây Nam Bộ không đến nỗi cách nhau cả 150 km như ở Tây Nguyên. Ban đầu Tây còn sợ ba ngày không thăm thú hết cái tỉnh Bến Tre cơ he he. Và Tây đã chọn biển Ba Tri là nơi phải đến cho bằng được bởi tò mò cuối nguồn các chi lưu của sông Mekong quá đi. Muốn ghé Ba Tri thì ắt phải chạy qua huyện Giồng Trôm. Mà Giồng Trôm là quê hương của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Cũng phải ghé khu tưởng niệm một tí cho phải phép bậc hậu sinh xứ Việt chứ. Những cống hiến của bà là đúng hay sai thì tùy vào đánh giá bối cảnh lịch sử. Không bàn! Có điều, Tây hơi lăn tăn thế này. Hình như khu tưởng niệm của các danh nhân ở xứ ta đều được quy hoạch kiến trúc giống nhau. Khu tưởng niệm của bà Ba Định với khu tưởng niệm của cụ Phạm Văn Đồng ở huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi giống nhau từ kiểu lát gạch ngoài sân cho đến cách sắp đặt cây cảnh. 

    Tây đang lơ ngơ chạy trên đường, bỗng có cái biển chỉ dẫn đường vào cây di sản Bạch Mai cổ thụ. Gớm! Ghé luôn he he. Xong rồi về đến đất Ba Tri thì cụ Đồ Chiểu sinh ra ở nơi ấy, chả nhẽ không viếng mộ ấy được một lần. Ơ kìa, một nhóm người nom “mặt xanh nanh vàng” hùng hùng hổ hổ chạy xe như xít-đờ-ca của phát xít ngày xưa thế mà cũng kính cẩn nghiêng mình trước mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu đấy. Thế mới biết, cái nơi này đáng được ghé đến nhường nào. Từ đó ra đến biển Ba Tri phải 12 km nữa. Tây ra hôn gió biển một phát rồi về thành phố Bến Tre ngủ.

    Thôi không đánh giá các thành phố của nước Việt nhé. Bởi ở đâu chẳng có bún bò Huế, bánh canh, hủ tiếu, bún riêu cua, chè bưởi… 

Nước Việt ta đã chung một mẫu số về cách bài trí phố thị rồi. Chỉ là túi tiền của dân mỗi nơi mỗi khác và giọng nói, cách cư xử có chút khác mà thôi.
Tây Ninh, 5/1/2017
Tây Nguyên Xanh


No comments

VỀ MIỀN GẠO TRẮNG NƯỚC TRONG


Du lịch ấy mà, theo Tây thì có hai kiểu, ấy là hưởng thụ các dịch vụ văn hóa và một loại có tên nửa Anh nửa Việt là du lịch chếch kin (check in). Hưởng thụ dịch vụ văn hóa phải có “thổ địa” dắt đi hoặc ít nhất là lôi bè cánh đi cùng thì mới ra câu chuyện được. Mà lần này Tây chỉ muốn đi một mình như là để tin rằng những cái tên trên bản đồ có thật. Được đi hết một con đường tỉnh lộ huyết mạch của mỗi tỉnh thành thành trên cả nước là ước mơ của Tây. Vậy nên là du lịch chếch kin


Chưa bao giờ đi “phượt” đơn giản như thời buổi này. Thật! Này nhé, chuẩn bị đến ngã ba ngã bảy thì đã có biển chỉ dẫn đích đến của các hướng. Còn những đường xương cá nhỏ lẻ thì hỏi bằng mồm cho nhanh. Vấn đề ăn ở lại càng chả phải lo. Nhà nghỉ với khách sạn nhan nhản đến nỗi người ta trêu nhau rằng dân Việt ta yếu, đi được một đoạn đã nghỉ he he. Vấn đề là thân gái đi một mình lòng vòng hơn 200 cây số bằng xe máy ở vùng đất lạ hoắc, kinh bỏ mịa.


Nói thật là Tây cũng sợ lắm. Nào là lỡ thuê phải cái nhà nghỉ của bọn chuyện bắt gái bán sang Cam Pốt, hoặc nửa đêm chỉ đơn giản là bị giết người cướp tài sản (dù rằng tài sản của mình chả có gì nhiều). Hoặc xui xui bị xe húc thà chết thì không nói làm gì, sống dở chết dở, thầy bu phải nuôi vật vờ cả đời thì có tội với đấng sinh thành chứ đùa à. Đắn đo lắm nhưng… Tây nghĩ nát rồi. Hôm nay Tây sợ thì mai Tây cũng sợ. Cả đời cứ sợ thì biết bao giờ tự do??? Thế là đi…

Hân hoan đến nỗi 4 giờ đã xuất phát từ Tây Ninh rồi. Vừa chạy xe vừa hát đi hát lại nhõn câu “ miền Tây ơi, vựa lúa miền Nam hai mùa mưa nắng”. Say sưa đến nỗi vượt đèn đỏ hai lần. Bị người đi đường chửi hai lần mới tỉnh ngộ. Đến cái lúc chạy nghiêm túc lắm lắm thì bị tuýt còi. Thế mới oái oăm. Lưới trời lồng lộng là đây! Ham hố chụp cảnh ven đường nên lớ ngớ thế nào, thả chìa khóa xe vào cốp rồi thản nhiên ấn đóng cốp sau khi lấy máy ảnh ngay trên cầu Rạch Miễu. Mém khóc! Vẫy đại một người đi đường kêu cứu. Thế là banh mạnh cái cốp hé ra cho mình luồn tay vào lấy chìa khóa. Cái cốp bị lệch chốt tí nhưng cơ bản vẫn khóa được bình thường.

Cố gắng đi sớm để mong về đến Bến Tre vẫn kịp chụp cảnh làm những cái bánh Phồng cuối cùng của ngày ở huyện Giồng Trôm nhưng không kịp. Cứ ngỡ mùa này gặp được gieo sạ lúa là may. Ai ngờ được gặp cảnh gặt lúa bằng tay. Về đồng bằng, thấy được tí rơm tí rạ, tí lúa gặt trên đồng, bình yên dễ sợ. Thế đã. He he. Mai kể tiếp.
Tây Ninh, 3/1/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments