Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, February 2, 2017

ĐÔI NHỜI GÓP Ý CHO CÁC NHÀ QUY HOẠCH DU LỊCH CỦA TỈNH NHÀ

    Bỏ mẹ rồi, Mường Thanh sờ gáy Buôn Ma Thuột rồi các cụ ợ. Nếu như khách sạn Sài Gòn Ban Mê nằm ngay nút giao thông đầu não của tỉnh Dak Lak thì Mường Thanh Buôn Ma Thuột ở ngay yết hầu của tỉnh nhà em luôn. Vị trí không thể đẹp hơn các cụ ạ. Ngay nút giao giữa quốc lộ 26 (đường đi Nha Trang và phi trường Buôn Ma Thuột) và đường 14 (Đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên). Trước khi xây dựng hai bến xe phía Bắc và Nam Buôn Ma Thuột thì cái vị trí ấy là bến xe cũ của tỉnh Dak Lak. Mười mấy năm em thấy khu đất cứ quây tôn rào chắn xung quanh. Bùm phát! Siêu thị Coop Mark khai trương. Trước đây dân Dak Lak nói lên Phố sắm đồ thì chỉ có mò vào trung tâm Bitis là oai. Cái rồi hôm 15/1/2017 trống lân nổ đùng đùng khai trương Mường Thanh Luxury Buôn Ma Thuột. Tự dưng em thấy nó hợp lý các cụ ạ. Nở cả ruột khi thấy không ai khác mà đó là Mường Thanh. À, chắc dạo này phải lòng zai Tây Bắc nên ưu ái những gì liên quan đến chàng. He he.
Nguồn ảnh: muongthanh.com

    Mường Thanh đã đầu tư nghĩa là Buôn Ma Thuột đang dần trở thành kinh đô du lịch. Nhưng có vẻ như Buôn Ma Thuột của em đang phát triển uể oải theo kiểu Trung Ương không đầu tư cho tôi thì tôi để cho bọn nước ngoài nó chiếm đóng “nóc nhà Đông Dương”. Thế là Trung Ương sợ, thế là Trung Ương rót. Và rót thì phải qua cái phễu. Mõm phễu to nhưng đít phễu nhỏ kinh lên được. Thế là Buôn Ma Thuột không đói nhưng giàu thì ‘đéo” phải. Vậy thì Buôn Ma Thuột phải tự lực cánh sinh thôi. Tự lực kiểu gì đây?

    San phẳng ngay hệ thống tòa nhà các sở ban ngành đầu não của tỉnh Dak Lak đi. Tất cả tập trung vào một tòa nhà như kiểu tập trung của Trái Bắp ở Đà Nẵng và ổ mỳ bị gặm một miếng ở Sài Gòn ấy. Nhưng tất nhiên, phong cách kiến trúc phải khác. Tại sao không xây một cái nhà rông nhiều tầng to uỳnh oàng, dát dính xung quanh. Chóp tòa nhà là tách cà phê hay là chùm hoa hoặc cụm quả cà phê gì đó. Tiền sảnh có hai chú voi bằng thủy tinh hoặc bằng xi măng đứng đón chào khách.  Đêm về đen đủ màu sáng lên. Du lịch là gì? Du lịch là Check In và tiêu tiền.

    Sài Gòn có voi đâu, thế mà hằng năm nó hốt bạc nhờ các đoàn khách đến chụp tự sướng có hậu cảnh là tòa nhà có dáng như Ổ Mỳ ấy. Bitexco phải hem nhể? Đà Nẵng có cái đếch gì đâu? Dân toàn cắt đất “ba lá” để bán cho người nơi khác đến đầu tư. Nhưng Đà Nẵng sử dụng tiềm năng con người để thu hút du lịch. Họ tự biến nơi họ sống văn minh vượt trội khiến cho cả nước tin rằng Đà Nẵng là nơi đáng sống. Thế là họ hồ hởi về Đà Nẵng trong lễ, tết. Mà đến thì họ cũng chỉ chụp hình với những biểu trưng của thành phố rồi về chứ mấy. Quan trọng là họ chơi thì họ sẽ đói. Mà đói thì sẽ ăn. Mà ăn thì…he he tiêu tiền. Vâng, mục tiêu sau cùng của du lịch là…hốt tiền thiên hạ. Cãi à, oánh mõm không thương tiếc nhá! Vậy tại sao Buôn Ma Thuột cứ mãi ăn hiếp con voi để thu hút du lịch nhỉ?
       Cả năm lấy búa gõ đầu voi, lấy vật nhọn chọt vào da nó để ép nó tập luyện mua vui cho khách du lịch. Thế rồi đến mùa xuân, bắt đầu bắt voi chạy đua để lập hội đua voi. Voi đau, voi buồn, voi đếch đẻ được. Trong rừng voi bị lâm tặc bắn chết đoàng đoàng. Mong mỏi bảo tồn voi nhờ đàn voi nhà mà nghe chừng không ổn. Giờ nhá, đưa hết voi nhà về trung tâm bảo tồn voi ở Yok Don ngay và luôn. Khách đến cho ngắm nó trong khu bán hoang dã thôi. Cưỡi cưỡi cái gì. Ngồi lên để chụp ảnh chứ mấy. Chết mòn con voi của rừng xanh mất.

     Khu du lịch Buôn Ko Tam cách ngã sáu Buôn Ma Thuột 9 km đấy. Nó mới nổi nhưng quy hoạch đẹp, khách du lịch nườm nượp. Buôn Ma Thuột nên quy hoạch lại cơ sở hạ tầng chứ mang tiếng đô thị loại 1 thế thôi mà dân ăn cơm chấm nước mắm.
Buôn Ma Thuột, 2//2/2017
Tây Nguyên Xanh



2 comments

Wednesday, February 1, 2017

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 22. CHĂN BÒ VÀ SỐNG NHỜ PHÂN BÒ


    Ờ thì chăn bò ở đâu chẳng có nhưng em cứ tớn lên tự hào hình ảnh chăn bò trên mảnh đất Tây Nguyên quê em là đẹp nhất…trong mắt em. He he. Hình ảnh em chụp hôm mồng 3 tết đấy. Rằng thì là các anh bỏ ngay cái tưởng tượng người Tây Nguyên (bản địa nhé, bọn người Kinh sinh ra ở Tây Nguyên như em thì không chấp) quanh năm mặc váy áo truyền thống, đeo gùi đi chăn bò nhá. Không phải họ không giữ truyền thống, chỉ vì vải thổ cẩm dệt và may rất công phu, giặt cũng lâu khô nữa nên họ chỉ dùng để tham dự lễ hội thôi. Và cái gùi cũng thế. Ngày xưa người ta đi chăn bò là phải mang cái gùi đan bằng mây, tre và đế gỗ để đựng đồ ăn trong cả ngày chăn bò và nhất là có giá đỡ bó củi kiếm được lúc chiều về. Nhưng nay bà con đã đỡ vất vả hơn nhờ có xe công nông và xe máy. Vào mùa chặt tỉa cây cà phê và muồng đen, họ chỉ cần đánh xe công nông ra bìa lô mà hốt về. Tha hồ! Vậy nên cái gùi được chế từ bao tải như trong ảnh lại tỏ ra tiện lợi hơn rất nhiều.

     Và thành phần chăn dắt bò thường là người già và trẻ nhỏ. Còn bò ở đâu mà có thì có thể là thừa kế từ đời cụ kỵ hoặc là sính lễ của đằng gái đem đến khi “bắt chồng”. Bắt ở đây không phải là kéo bè đảng đến cưỡng chế con trai nhà người ta như cái tục bắt vợ ở miền núi phía bắc nhá. Nhà gái đến thưa trình đàng hoàng, hai bên thuận tình mới “bắt”. Thường thì sính lễ phải có đôi ba con bò sống. Và nhà trai sẽ nuôi đến khi nó đẻ con thì trả bò mẹ cho nhà gái hoặc giữ lại nuôi tiếp, tùy theo cái sự thông cảm kinh tế giữa các gia đình. Rồi thì là những nhà có con gái cũng lo sốt vó kiếm bò mà nuôi để lớn lên có mà đi bắt chồng. Thế nên đôi lúc vẫn thấy các cô gái tuổi đương xuân đi chăn bò. Hiếm gặp con trai tuổi trưởng thành đi chăn bò lắm.

     Người Kinh kiếm được khẳm tiền nhờ…phân bò đấy nhé. Có người đến tận chuồng đẻ mua nhưng nay có phong trào lẽo đẽo theo đít bò để….hốt cờ ứt. Một ngày kiếm được ba bốn trăm ngàn đấy. Đừng đùa! Tết đến cứ chúc nhau rằng năm nay hốt được nhiều cờ ứt để sung túc đủ đầy. Người trồng cây công nghiệp ở toàn khu vực Tây Nguyên năm nào chẳng đổ phân bò. Thương lái đổ phân, trộn bùn rồi thêm rơm vào cho bò giẫm ít hôm. Bán theo thể tính khối thùng xe ô tô, lời ngọng luôn! Sơ sơ thế, em tranh thủ đi chụp ảnh quê nhà rồi về lại biên tiếp nhé he he.

Buôn Ama Thuột, 1/2/2017
Tây Nguyên Xanh
3 comments

Sunday, January 29, 2017

VIẾT SAU RẶNG MUỒNG QUÊ HƯƠNG


1.
    Năm Đinh Dậu nhuận hai tháng sáu nên cuối năm Bính Thân thời tiết mưa kéo dài như kiểu để mùa khô đến muộn hơn cho khớp với chu kỳ thời gian mới. Mưa đến tận giao thừa mới ngớt nên nông sản không kịp khô giòn. Nông sản chưa khô thì dân chẳng có tâm trí dọn nhà gì cả. Vì thế, cái Tết này thấy rõ sự qua loa, không chờ đón, Tết đến như cái lẽ thường niên thế thôi chứ ít ai sắm tết, trang trí này nọ. Lạ lắm, năm nay người ta ít ra đường hơn năm ngoái. Làng xóm ít chúc nhau hơn. Nể quá, thân quá mới ghé chứ chẳng có hứng rủ nhau đi cả đoàn chúc nhà này sang nhà khác cho đến hết xóm mới thôi. Cũng có thể là vì năm nay người ta sợ phải….uống bia. Cứ mỗi nhà ép mỗi lon, phát khiếp.

    Rượu thường gắn với nhà nông nên nay người ta coi cái sự có bia lon để tiếp khách là một cách thể hiện oai. Ban đầu thì chỉ mua két bia chai thôi, xong rồi lấy bia lon để thể hiện tết này khấm khá hơn tết năm ngoái. Tiếp nữa là thương hiệu bia và số lượng thùng. Cuối cùng là những hệ lụy do rượu bia gây ra khó kiểm soát quá nên…sợ. 

    Cái sợ ở đây lại rơi vào hai nhẽ, một là sợ Tết Cổ Truyền và ngược lại cái nhẽ thứ hai là sợ mất Tết Cổ Truyền. Vì sắm sanh tốn kém mà chất lượng cuộc sống ngày Tết cũng chẳng khác ngày thường cho lắm, chỉ là nhậu nhẹt nhiều hơn nên chán và sợ Tết. Tuy nhiên người ta có thể sẽ khóc như một đứa trẻ con nếu không được về ăn Tết hoặc vì lý do gì đó mà không còn Tết nữa. Người ta hoàn toàn có thể chi ra năm mươi nghìn để mua một đòn bánh Tét về ăn đến ớn thì thôi nhưng cái họ thèm là không khí ngồi trông nồi bánh bên gia đình trong tiết trời giao thời.

    Sau rặng muồng, cà phê vẫn đang lớn nhưng chưa biết số phận của nó trong tương lai ra sao. Bởi chủ nhân của nó chưa biết tương lai họ ra sao…
    2.

    Tối hôm qua khi vớt bánh, tự dưng Ba gọi to rằng Út ơi, dậy mà ăn cái bánh của con này. Cái giọng điệu lạ lắm, cứ như Ba đang gọi ký ức của chính mình chứ không phải gọi thằng em trai của tôi. Chính xác là Ba đang hoài niệm những cái tết còn được sống quây quần bên ông nội. Và cái tiếng gọi út ơi ấy là ngày xưa ông nội tôi gọi chú út chứ không phải gọi Ba tôi. Bởi Ba là con thứ nên không được cái đặc ân ấy…
     Nếu như Hưng Nguyên quê Má của tôi gói bánh chưng thì Nam Đàn quê Ba tôi lại chỉ gói bánh Tét. Cái đòn bánh sau cùng thường nhỏ và ngắn hơn nên được ưu tiên cho con út. Tôi sinh ra trong gia đình chỉ có hai chị em và hoàn cảnh không như hoàn cảnh bảy anh chị em như Ba tôi và thời cuộc cũng khác nhau nên tôi cũng không thể hình dung hết được cái cảm giác háo hức chờ đợi cha mẹ vớt bánh ngày tết của Ba và mong có được tấm vải gấm hoa may áo mới của mình Má như thế nào. Nhưng tôi biết là Ba đang nhớ, rất nhớ cái thuở cái Tết xưa như thế.

     Cái Tết ngày nay không nặng nề về cái ăn như ngày xưa nữa nhưng dường như cái khao khát đoàn viên để gọi tên nhau vẫn còn nguyên giá trị.
Buôn Ma Thuột, Xuân Đinh Dậu 2017
Tây Nguyên Xanh
No comments