Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, April 29, 2017

ẤN TƯỢNG ĐẦU TIÊN KHI VỀ VƯỜN QUỐC GIA MŨI CÀ MAU


   Các bạn đã có ai từng như tôi chưa nhỉ, xuất phát lúc 4h16 phút, một mình với một con đường vắng hoe, tối om, chạy xe máy  hơn 50km từ thị trấn Năm Căn để kịp đón bình minh ở cột mốc Mũi Cà Mau như tôi chưa nhỉ. Thế mà tôi đã đi. Trời tối và không khí se lạnh vì xuyên rừng ngập mặn. Tôi chỉ biết hai bên đường có cây thôi chứ không biết cây xa hay gần mé đường, lúc về mới biết rõ. Lạ lắm. Tôi không hè sợ hãi. Vừa đi vừa chờ xem rừng đáp trả gì khi xe của tôi thả tiếng ồn vào thinh không. Chẳng có gì ngoài tiếng một loài chim… Tiếng chim gọi bạn gọi bầy, nó mới ai oán làm sao. Nó nghe tha thiết, da diết lắm. Nó tạo cảm giác bồn chồn, cô đơn, và kích thích sự tò mò nữa. Đến cầu Rạch Tàu thì mặt trởi bắt đầu hé môi cười ở phía đông và tặng tôi những dải sáng xòe ra hình nan quạt. Tuyệt vời, tôi lấy điện thoại ghi lại luôn. Sau đó, tôi bắt đầu được thấy sơ sơ mặt mũi những con chim đã kêu kia. Nó là con chim Bói Cá Bồng Chanh.

   Vui hơn nữa đó là khi quành vào khu vực xã Đất Mũi, có đôi bạn chim Khách cứ nhảy vờn quanh cành cây hót líu lo. Ơ, cứ như chúng nó báo với dân là có tôi đến thăm đất mũi. Yêu quá đi. Nhưng khi lắp xong ống kính thì chúng bay mất. Có những khoảnh khắc mang cảm giác thiêng liêng lắm. Như kiểu trời chỉ cho xem, có thấy, cho cảm nhận chứ không cho lưu lại thì có cố chờ cũng không được gặp lại nữa. Những ai đã từng cầm máy ảnh, có lẽ biết điều này.


   Chúng nó, cái bọn Bồng Chanh ấy, thân thiện với nhà dân lắm. Chúng bắt được mồi nhé, chúng bay lên mái nhà dân tung mồi lên để đớp nuốt. Dân hình như coi nó chẳng quan trọng gì như thái độ của tôi với loài chim sẻ. Ừ, như thế cũng được. Cho dễ bảo tồn đa dạng sinh học. Cứ thế đã. Sẽ trở lại đất mũi với tư cách khác chứ không phải đi sờ nắn hình hài đất nước nũa.
Thành phố Rạch Giá, Kiên Giang, 29/4/2017
Tây Nguyên xanh
No comments

Friday, April 28, 2017

GẶP ĐIÊN ĐIỂN GIỮA ĐẤT TRỜI MIỀN TÂY


   Xưa, nghe bài cải lương tân cổ gì đó có đại ý anh chàng kia hồi mới biết rung động trái tim được người lớn sai bảo cùng nàng chèo ghe ra mé bờ hái bông Điên Điển về nấu canh. Nàng đang nhón hái, ngực nàng chạm vào những bông hoa, bỗng có con ong bầu lại đậu vào bông hoa. Chàng vội chộp lấy bông hoa để xua ong, chẳng may chạm vào vú nàng. Thế là e thẹn, nàng bỏ nàng về. Từ đó chẳng thèm nói chuyện nữa. Để cho chàng tương tư nàng đến già. Lời hát cứ xót xa cho một rung động đầu đời. Âm nhạc miền Tây Nam Bộ là vậy. Rất bạo dạn, đi thẳng vấn đề nhưng lại rất trang nhã. Say miền Tây ngay từ câu hát. Chết ấy chớ, sao họ khéo quảng bá hình ảnh quê hương quá à.



   Gã thợ nhạc Hà Phương lại còn biên mấy câu “Ăn bông Điên Điển, nghiêng mình nhớ đất quê, chồng xa em khó mà về…”. Cô Phi Nhung kia ngày nào cũng hát mấy câu này trên loa phát ra từ đầu đĩa cho mấy lão nông dân. Thiệt chớ, nghe bài này xong, buồn thúi ruột, không nỡ lấy chồng luôn á. Nhưng hay quá nên nghe riết, cái rồi bước đi không đặng nếu chưa lưu lại một vài tấm ảnh bông Điên Điển trên hành trình xuyên miền đất phù sa.
 
Quả Thanh Trà, đặc sản miền Tây

   Nhưng lạ lắm nhé, càng nghe bài hát này càng thấy hình như nhạc sĩ viết cho người xứ lạ trôi dạt về miền Tây chứ không phải cho người bỏ miền Tây đi lấy chồng ở xứ chim kêu vượn hú. Ngồi bài hát này giữa đất trời miền Tây Nam Bộ mà thấy nó như lời cảnh tỉnh, đừng có quá say miền đất này kẻo rồi có ngày nhìn bông Điên Điển nở, nghiêng mình nhớ Tây Nguyên. He he.
Thành phố Sóc Trăng, rạng sáng ngày 28/4/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, April 25, 2017

ĐÔI NHỜI VỚI LOGO APEC NĂM NAY

Tác giả ảnh: Trần Dũng

    Rằng thì là các cụ để ý kỹ sẽ thấy ảnh đại diện và ảnh bìa Facebook của Tây có liên quan đến nhau đấy. Ấy là sự phối màu trên màu trang phục truyền thống của người Ê Đê và màu lông của loài Voọc Chà Vá Chân Nâu. 
Tác giả ảnh: Quang Linh 

    Không những người Ê Đê mà hình như các dân tộc thiểu số sống trên dãy Trường Sơn (cái xương sống làm nên hình hài đất Việt) đều chuộng tông màu đen, đỏ nâu (như màu chân của loài Chà Vá Chân Nâu) và xanh lá cây. Cái loài Voọc này cũng hay, nó phân bố từ Nghệ An cho đến tít tận Đà Nẵng. Người dân đã thuận theo sự phối màu sẵn có của thiên nhiên vạn vật. Bụng của con Voọc lúc nào cũng tròn trịa gợi cảm giác no đủ. Ấy vậy mà… 
Logo Apec năm nay

     Có lẽ ban thiết kế Logo Apec năm nay đã cố vận dụng màu xanh biểu trưng biển cả,  tức biểu trưng cho thành phố ven biển và sâu xa hơn là tích hợp khao khát hòa giải tranh chấp biển Đông vào màu lông lưng của Voọc trong logo. Tuy nhiên cái mà những người yêu Voọc như Tây cần ấy là ai ai cũng biết hình dáng thật của Voọc Chà Vá Chân Nâu để khi người ta thấy nó bị xâm hại thì ngay lập tức bảo vệ, Đó là tiêu chí, là động thực thôi thúc những người yêu Voọc ở Đà Nẵng nói riêng và cộng đồng người yêu thiên nhiên Việt Nam nói chung mong muốn Voọc Chà Vá Chân Nâu được làm biểu tượng cho Apec lần này. Việc vẽ cách điệu quá mức khiến Tây và nhiều người yêu Voọc khác không nhận ra nó là con gì nữa thì người lạ làm sao biết. Hỡi ôi… Nếu Đà Nẵng không sửa lại thì bộ mặt của mình trái với tự nhiên rồi. Không thuận theo tự nhiên thì chị có bị diệt vong!

    Còn cái logo này là Tây nhờ anh bạn làm thiết kế đồ họa chỉnh sửa lại. Cái có con Voọc đang trên cành cây được tạo ra bởi bức vẽ của bạn Maria Boklach. Bạn này vẽ để kêu gọi bảo vệ đa dạng sinh học ở Campuchia. 

   Và ngay trên dòng này được lấy từ trang http://www.redbubble.com.  Trang này là sân chơi của các bạn yêu thiết kế.  Hình như họ vẽ để thiết kế mẫu áo thun. Tất nhiên cái móc xong quanh là lấy từ bản của Đà Nẵng. Tây nhờ người bạn chuyên về thiết kế đồ họa sửa cho đấy. Chỉ là bản chế để trêu Đà Nẵng tí thôi. Chủ yếu để minh họa bài viết nói lên tâm tư của mình. Chê nhưng mà vẫn đưa ra lời khuyên chứ không chỉ nhõn trù dập nhá he he. Nhiếp ảnh gia ở Đà Nẵng không thiếu những khoảnh khắc xuất thần về loài này đâu. Hãy tổ chức thu thập ảnh, có thưởng để có được ảnh làm logo ấn tượng. Tây tin Đà Nẵng. Thế thôi.
Tây Ninh, 25/4/2017
Tây Nguyên Xanh

2 comments