Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, June 21, 2017

CHUYỆN PHÂN BÓN Ở QUÊ NHÀ TÂY NGUYÊN - Kỳ 1: NHU CẦU TRONG DÂN

(Chuyện phân bón giả làm nóng nghị trường quốc hội, là người sinh ra ở nơi tiêu thụ nhiều phân bón nhất nhì cả nước và cũng lớn lên trong môi trường nông nông nghiệp nên mình kể cái seri này để cho bạn bè gần xa biết từng con đường phân bón về tay người nông dân ở Tây Nguyên)
1. NHU CẦU TRONG DÂN
      Mình còn nhớ, mùa cà phê năm 1997 mẹ mình đang xoay tiền thuê nhân công hái cà phê để trả nợ cho cái nhà đang xây thì đột nhiên loa phát thanh  thông báo công ty bán 49% đất cho công nhân, yêu cầu công nhân phải khẩn trương đi nộp tiền để làm giấy tờ. Thế là từ đó, mỗi một mùa cà phê, nhà mình mình đóng 51% tổng sản lượng cho công ty còn lại là của nhà mình. Và, tất nhiên, công ty cũng chỉ hỗ trợ 51% chi phí phân bón thôi. Nhưng công ty chẳng bao giờ phát tiền mà toàn phát bằng phân bón, chủ yếu phát vào mùa mưa thôi. Khoảng 8 năm trước, công ty mới khoán thẳng, giao hết cho dân tự lo chi phí chăm sóc, tất nhiên sản lượng nộp ít hơn.

      Mỗi một năm, có 6 đợt phân chính, ba đợt tưới của mùa khô đều có bón phân chuyên dùng cho mùa khô. Mùa mưa cũng bón 3 đợt. Và  trong năm có ít nhất một lần phun thuốc vi sinh hấp thụ qua lá để giữ quả chắc khỏe, bớt rụng vì mưa gió. Cứ hai năm lại phải có bón phân bò theo đúng quy định của công ty. Mỗi năm kho chứa phân trong nhà mình và trong nhà hàng xóm khác tính theo đơn vị tấn chứ không phải tạ.

       Phân bón mùa khô thì chủ yếu là NPK. Sáng sớm mỗi đợt tưới, mẹ xách bên hông từng thúng phân rải dưới gốc cây, còn bố thì rải ống nhôm ra khắp rẫy, còn bọn con nít như mình có nhiệm vụ canh đầu và cuối đường ống để chống trộm. Tuổi thơ những đứa trẻ sinh ra ở vùng nông thôn Tây Nguyên đã chứng kiến biết bao nhiêu mùa như thế.

       Còn mùa mưa, bọn mình lại chứng kiến bố mẹ cùng hàng xóm vừa cười vừa trêu nhau trong khi trộn phân ure và kali. Đống phân to như đống cát mới đổ từ xe ben xuống. Hai thứ phân đỏ và trắng ấy lẫn vào nhau và lại được đổ đầy bao, đưa ra lô rải cho kịp cơn mưa chiều. Tối ấy mà không thấy mưa thì…


      Hoạt cảnh nghẹt thở mong mưa ấy, đón đọc ở kỳ sau.
Tây Nguyên, 21/6/2017
Tây Nguyên Xanh
2 comments

Tuesday, June 20, 2017

THEO NÀNG VỀ DINH

Quen nhau trên một chuyến tàu. Hồi ấy, chàng đón tàu thống nhất từ Sài Gòn về Nghệ An còn nàng lên tàu ở từ Nha Trang về Hà Tĩnh. Chàng làm cảnh sát hình sự ở Sài Gòn còn nàng làm trong phòng giáo dục một huyện ở Dak Lak. Trong mấy ngày đi tàu, chàng tán thế nào mà nàng cho chàng địa chỉ nhà và nơi công tác. Nhưng nàng ra giá, chừng nào anh chuyển công tác từ Sài Gòn về Dak Lak rồi hẵng liên lạc với em, nếu không thì đến đây thôi anh nhé. Chẳng gặp làm gì, xa xôi!

Ấy thế mà chàng chịu bỏ phố, để lên núi sống đói khổ. Những năm 80 của thế kỷ nước, đói chung chứ nào riêng nơi đâu nhưng Tây Nguyên vẫn là nơi hoang vu, cô quạnh và rừng thiêng nước độc. Chàng nhé, sinh ra ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), cái huyện ấy đàn bà gần như ít phải làm ruộng, chồng đi bè buôn gỗ và buôn các thứ  từ miền ngược bên lào về Việt Nam, con cái được sống trong điều kiện ăn học hơn các huyện thuần nông khác nên bây giờ người Hưng Nguyên chủ yếu làm cán bộ ở các thành phố lớn hoặc kinh doanh ở nơi có tầm du lịch như Sài Gòn, Rạch Giá (Kiên Giang), Hải Phòng, Vũng Tàu, Hà Nội chứ ở Tây Nguyên chủ yếu là dân thuần nông làm ruộng di cư vào như Nam Đàn,… Huyện Hưng Nguyên có thuốc phiện nhiều cũng từ cái sự đi bè ấy mà ra. Kể như thế là để cho người đọc hình dung được cái cuộc sống nhẹ nhàng của chàng từ thuở thiếu thời cho đến khi đi làm ở Sài Gòn. Tiếng sét tình yêu phải đánh mạnh lắm thì chàng mới bỏ lơ được tất cả mà lên Tây Nguyên sống.

Về nhà ra mắt bố vợ tương lai giữa cái rét mùa tết run cầm cập xứ Nghệ. Rét như thế mà chàng vã cả mồ hôi, lắp ba bắp bắp, hay bàn tay xoa xuýt lấy hết can đảm xin bố cho phép được cưới nàng. Thế rồi hai bạn công chức thuở bao cấp ấy sáng đi làm cơ quan, chiều tranh thủ đi vỡ đất trồng ngô khoai sắn nuôi con lợn con gà. Và thấy được cảnh con cháu thuần nông cơ cực quá. Đôi vợ chồng ấy đã dìu dắt các cháu con cô con cậu vào Dak Lak nuôi ăn học ở trong nhà. Lần lượt từng người học sơ cấp kế toán hoặc trung cấp sự phạm gì đó và Tây Nguyên khi ấy thiếu người trầm trọng nên cứ sinh viên “ra lò” là nhận hết. Trong cái đám cháu ấy, chỉ có mẹ tôi là con của hàng xóm. Thương mẹ tôi mồ côi cha từ nhỏ nên trong một lần người vợ về thăm quê chồng đã đưa mẹ tôi vào. Có lẽ nhờ ở có phước mà nay con cái của họ cũng gặp thời mà thành đạt cả.

Nhưng hôm nay, ngay lúc này, tại bệnh viện Chợ Rẫy, đôi vợ chồng ấy đang dành cho nhau những giờ phút cuối cùng trước khi người chồng ra đi mãi mãi vì một cái hạch gì đó, người viết bài này không rõ nữa. Giờ mà rút ống thở oxi thì…

Tình cảm vợ chồng chưa bao giờ thiêng liêng đến thế!
Tây Ninh, tháng 6/2017
Tây Nguyên Xanh

No comments