Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, July 22, 2017

NỒI ĐÒNG CỦA NGƯỜI H'RE


Chắc các cụ đang ăn sáng uống cà phê nhỉ? Tây hầu các cụ chuyện cái nồi của người H're hòng kiếm đôi like nuôi đời sống ảo, hã hã. Rằng thì là đây là cái nồi truyền thống của người H're. Nồi được đúc bằng đồng. Nó nặng bà cố luôn. Nhà nào cũng có hai ba cái. Nồi chả có nắp. Cơ mà chị hướng dẫn viên người H're của Tây cứ bảo là cơm nấu bằng nồi này ngon lắm. Tây hỏi ngu rằng thế cơm chín kiểu gì khi không có nắp. Các "bếp trưởng" của các căn nhà nơi đây bảo ngày xưa chặt tàu lá chuối úp lên. Nay dùng nắp của nồi mua dưới xuôi lên. 

   Hai chi tiết điêu khắc của nồi khiến Tây ấn tượng ấy là những chấm xếp theo hình con mắt người thì nồi nào cũng có. Cứ như miêu tả các sự đói khổ, chăm chăm đôi mắt nhìn vào nồi cơm, mong cho đủ đầy hay sao ấy. Và các chấm ngang, rất lạ, có nồi chỉ có một chấm, có nồi ba chấm. Không biết có sự phân cấp nồi hay không nữa. Hỏi người ở đây thì không ai biết. 

    Ghé một gia đình khi chị chủ đang nhọn mông thổi lửa. Bên lề ruộng bậc thang giữa thung lũng, bỗng ngoằn ngoèo khói lam bay lên. Bình yên gì đâu...
           Tây Ninh, 22/7/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments

Wednesday, July 19, 2017

CÁI CHÒI ĐỰNG LÚA CỦA NGƯỜI H'RE


Tây rất ngẫn, nếu không muốn nói là tầm hiểu biết quá tệ các bạn ạ. Hồi bé, Tây cứ ngỡ các dân tộc thiểu số sống trên núi thì chỉ săn bắt thú rừng, hái lượm quả rừng đem xuống xuôi đổi lấy gạo của người Kinh. Sau này về các buôn của người Ê Đê và các dân tộc khác mới biết không phải thế.  Hoàn cảnh xô đẩy, có thể là bị đuổi đánh, bất mãn chế độ đương thời hoặc đất đai quá cằn cỗi mà tổ tiên của các dân tộc thiểu số băng rừng, trèo núi hoặc chèo thuyền vượt biển sống biệt tích trên triền núi cao. Họ, những người dân tộc thiểu số, hơn ai hết yêu vô cùng những hạt lúa. Hạt lúa được gieo bên sườn núi cheo leo, Mưa gió, bão lũ rửa trôi hết đất, họ lấy đá kè, chèn hứng đất ven lưng đồi tạo thành ruộng bậc thang.  Khó khăn cực nhọc mới có hạt gạo có nên dân tộc nào cũng có lễ cúng cơm mới.  Người H’re ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cũng vậy.



Về nơi đây, trên đường đi bộ đến làng Rêu, Tây được ngắm thung lũng Gò Nẻ (xã Ba Điền) và đó là lần đầu tiên Tây được đặt chân lên ruộng bậc thang.  Nó ngắn thôi, thấp thôi nhưng cũng đủ thỏa cái sự tò mò của em gái Tây Nguyên này rồi. Mai này ra Tây Bắc, Đông Bắc chắc chảy nước mắt vì không chịu nổi cái đẹp, cái hung vĩ của ruộng bậc thang ngút ngàn quá. Lại nói về người H’Re, tây đang mải mê ngắm ruộng của họ thì bỗng nổi lên một vài cái chòi mái ngói nhỏ xinh giữa ruộng. Quái! Nhà sàn gì mà bé thế kia? Tây bụng nghĩ thế. Cô bạn người H’re đi cùng như hiểu ý, bảo cái chòi đựng lúa đấy. Người H’re không để lúa trong nhà vì sợ chật nhà và con chuột phá phách. Lại thắc mắc nữa là vì sao họ không có cài ổ khóa. Bạn kia nói rằng cái xe máy chúng ta để tít trên định dốc kia có để đến ba ngày nữa cũng không ai lấy đâu bạn ạ. Người H’re xưa nay chưa bao giờ trộm cắp đồ của nhau. Lúa được để trong chòi dạng cái nhà sàn ngay mé ruộng. Rơm cũng thế, cũng được nhét trong chòi riêng luôn.



Cái tiêu đề của bài này ghi là “cái chòi đựng lúa” là bởi vì kích thước chòi chỉ bằng một nửa cái sập gỗ đựng lúa của người Kinh thôi. Nếu dùng từ ‘chứa lúa” thì người ta cứ tưởng nó phải to như căn chòi canh, chứa được cả người vác các bao lúa đi vào. Hĩ hĩ. Người H’re sống thuần nông lắm. Trông đàn trâu họ chăn ven đường mà nao lòng…
    Tây Ninh, 19/7/2017

Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, July 17, 2017

CÁI NHÀ CHỨA CỦI CỦA NGƯỜI H'RE

   
  Năm năm rồi mới trở lại Ba Tơ nhưng đây là lần đầu tiên đến xã Ba Điền, xã nghèo nhất và xa nhất của huyện này. Núi liền núi, mây trắng phủ đỉnh nhẹ nhàng trôi.
   
  Ngồi sau xe của phó chủ tịch xã này. Cách đây sáu năm, anh về nhận công tác theo chương trình bổ nhiệm 600 phó chủ tịch xã nghèo nhất cả nước. Anh cũng học trường đại học Quy Nhơn nhưng hơn tôi hai khóa. Trên con đường đầy đá dài gần 20 km, lầy lội sau mưa, vừa lách đá anh vừa kể rằng mọi việc đến với anh rất đơn giản. Anh chỉ thấy nó hơi xa chứ chẳng có gì để gọi là sợ hãi nơi này cả. Nhà bố mẹ anh ở thành phố Quảng Ngãi. Bố mẹ cho nhà cho cửa nhưng anh vẫn thích về nơi...khỉ ho cò gáy này công tác. Cán bộ nơi này đa số toàn người trẻ. Hy vọng sức trẻ sẽ giúp nơi này có nhiều con đường rải nhựa hơn cho dân bớt khổ.

   Đây là cái nhà chứa củi của người H’re ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Phải nói là Tây có nhiều cảm xúc khi tận mắt thâm nhập vào cộng đồng dân tộc ít người này. Tây có cảm tưởng rằng họ trân trọng sản vật từ rừng, từ đồng ruộng lắm luôn. Cái gì họ cũng làm nhà sàn kích thước nhỏ để chứa chúng. Cái nhà be bé thôi. Kích thước trông như cái chuồng gà của người Kinh ấy. Rơm, lúa, củi, ba thứ ấy đều được chứa trong ba cái nhà sàn riêng. Kiến trúc nhà sàn chứa nông sản cũng khá giống căn nhà họ ở. Riêng nhà chứa thóc thì kín nhất để tránh mưa tạt và tránh chuột.

   Cái nhà sàn này chứa chủ yếu là củi tràm, củi keo vì rừng nơi đây đa số được trồng keo và tràm. Thanh củi của họ dài lắm nhé, bằng nửa cái đòn gánh của người Kinh đấy. Những ngày này, khắp huyện Ba Tơ đang đổ đất vào bao nilon nhỏ xíu để ươm cây keo con. Mỗi cây keo con được bán với giá năm trăm đồng. Thương lái thu mua để bán cho nông dân ở tỉnh Kon Tum và các huyện miền núi khác của tình Quảng Ngãi.

   Nhà chứa củi thường để ở cái góc sân mà người ta hay nhóm lửa đun nấu. Ở đây người ta thích chọn một góc sân, rồi nhóm bếp nấu cơm trong cái nồi đồng truyền thống. Nồi ấy khá to nên kê gạch làm bếp nấu ngoài trời cho tiện.
Tây Ninh, 17.7.2017
Tây Nguyên Xanh
No comments