Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, November 4, 2017

MÙA CÀ PHÊ 2017- Kỳ 3: CÀ CƯỜI, NGƯỜI MẾU


Cà cười là hiện tượng quả cà phê chín mọng, bị nứt hở ra một đường dọc thân quả trông giống cái miệng nhoẻn cười. Nỗi sợ hãi trong những ngày mưa của nông dân Tây Nguyên đấy. Gọi về Dak Lak, Ba Má nói cúp điện từ sáng đến giờ. Mưa gió giật, chiều nay Ba mới ra lô xem có cành muồng nào gãy đổ vào cây cà phê không? Nó mà trúng cây nào thì cây ấy bị rụng nhiều lắm. Cà rụng xuống, hút no nước, úng lên, nứt ra, nảy mẩm hết, nếu không nảy mầm thì cuối mùa đi quét mót lại cũng cực vì nó nát vỏ hết.



    Cây cà phê giống như người đàn bà đẹp mà yếu đuối vậy. Nó là loại cây tạo ra loại quả làm thế giới điên đảo mê say nhưng nó mỏng manh lắm. Nó không chịu được những luồng gió mạnh của đất trời Tây Nguyên, nó sợ những hạt sương muối li ti bám vào nên cái rẫy cà phê nào cũng có những hàng muồng được trồng theo hình dáng đan xen như lạt cột giữ gìn dáng hình bánh chưng ngày tết. Để rồi mùa ảnh hưởng của gió bão, cà phê phải nhận những đòn oan từ những cành cây ngày nắng vẫn thường chắn gió, ngăn bức xạ nhiệt cho nó.


Ngày bão về, trời mưa dầm dề. Cà phơi trên sân phải được vun thành luống và được phủ bạt lên. Chờ bão tan, cà phê thấm ướt mấy ngày, nóng hôi hổi từ tâm đống nóng ra, mốc trắng vỏ, đen xì hết nhân.

 Khách hàng chỉ ưa những hạt màu xanh ngọc chứ nào có ưa hạt nhân đen xì. Nông dân sợ, sợ cà cười lắm người ơi. Cà cười người mếu




    Những bức ảnh này là cây điều trồng xen trong vườn cà phê bị gãy chứ không phải muồng. Cơ mà nó nhìn vào cái tư thế gãy của cây này các bạn sẽ dễ hình dung kiểu gãy của muồng vì chúng cũng từa tựa như thế. Hình ảnh được Tây cập nhật từ nông trường 716, huyện Eakar, huyện Cư M’gar của tỉnh Dak Lak và Huyện Lâm Hà của Lâm Đồng. Cảm ơn nhóm Facebook của Hội Nông Dân Cà Phê Việt Nam. Ảnh đã cập nhật tình hình bão trên toàn Tây Nguyên.
Tây Ninh, 4/11/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments

Friday, November 3, 2017

NÓ KHÓC


   Nó khóc, khóc như một đứa trẻ của loài người cần mẹ. Nó bị nuôi nhốt trong lồng quá lâu. Chân tay không vững vàng như những con Voọc cùng lứa được bám vào lòng mẹ từ bé khác. Nhưng nó phải lớn, phải biết trèo, biết kiếm thức ăn và biết tránh rắn và biết lẩn trốn khỏi mũi tên hòn đạn của thợ săn.

    Nó khóc, phải thôi. Mẹ nó, bố nó, cả đàn của nó bị bắn chết. Bọn Voọc, cái lũ “ngu” ấy sao không mạnh ai nấy chạy như lũ người nhỉ? Khi một con bị thương, cả đán xúm lại bưng bế, nắm tay chân vắt vẻo làm cầu cho đồng loại bế bạn bị thương qua nơi nguy hiểm. Để rồi chết chùm, chết hết, chết luôn cơ hội bảo tồn. Thợ săn, lục trong đống Voọc chết ấy, thấy có con non đang bám mẹ. Ồ, làm thịt thì chả bổ béo gì mà nuôi thì ôi thôi, lũ chỉ ăn lá, khó nuôi chết được. Bán! Rao bán lên mạng nào

   Yêu động vật, nên chứ, đáng quý lắm chứ. Một người nọ đã nghĩ như thế nên muốn cứu mang một con khỉ vàng, Để sớm trưa có thể vuốt ve như chó, như mèo. Năm, mười triệu không đáng là gì cả. Thấy trên mạng rao bán, mua luôn! May mà cảnh sát môi trường kịp ngăn chặn cái tình yêu mang mầm tuyệt chủng đa đạng sinh học ấy. Hãy yêu nhưng đừng mong sở hữu động vật hoang dã các bạn ạ.

    Là bởi vì một phút yêu thiếu suy nghĩ ấy khiến hàng tỉ đồng được chi ra mỗi năm để bảo tồn động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Đó là chi phí xe cộ ăn ở cho nhân viên đi tiếp nhận động vật, thuê nhân công chăm sóc, mua trang thiết bị thú y, sắt thép gỗ đóng cũi chuồng…Mà cái gì của rừng thì rừng nuôi chứ người nuôi, chết lúc nào không hay dù rằng hằng ngày vẫn có kiểm tra sức khỏe. Các bạn ạ. Nếu thấy những sinh vật có dạng như này bị nuôi nhốt ở đâu hãy báo về 1800 1522 hoặc gọi vào số 0937741042, người đẹp Tây Nguyên Xanh luôn nghe mọi lúc mọi nơi, à trừ lúc ò í e mí bồ.
 Tây Ninh, 3/11/2017
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp vườn quốc gia Cúc Phương
No comments

Tuesday, October 31, 2017

SƯỚNG NHƯ ĐI TRÊN CẦU XUYÊN MIỀN CỬU LONG

Cầu Rạch Miễu
    “Bậu qua phà Rạch Miễu ơ hờ, em lẽo đẽo theo sau…” Rồi thì là “Ai qua Tiền Giang xuống phà Mỹ Thuận…” Là cô Phi Nhung ca như thế. Nghe bùi ngùi thôi rồi. Còn cô Tuyết Nhung thì phi con Nozza thần thánh của Yamaha qua cầu Rạch Miễu và Mỹ Thuận với cảm xúc lâng lâng chứ phà đâu có nữa. Cô Phi Nhung ba láp he he. Cô Tuyết Nhung ấy í mà, mỗi lần qua cái cầu đẹp đẹp nào là ư như rằng nhớ đôi câu hát ấy hoặc mấy câu thơ “Anh đứng trên cầu đợi em. Đợi một ngày đất lạ thành quen. Đợi một đời em quen thành lạ” của Vũ Quần Phương thi sĩ. Công nhận về đồng bằng sông Cửu Long mà không lượn lờ cầu thì phí cụ nó một phần ba cuộc đời. Sướng như cảm giác đi cầu dù hệ tiêu hóa khá tốt he he.

Cầu Cần Thơ
   Có đứng bên bờ con sông Cổ Chiên ngóng đò mới biết cảm giác chạy qua cây cầu Cổ Chiên nó sung sướng đến cỡ nào. Người ta làm hẳn một trạm thu phí luôn chứ đùa à. Chứng tỏ nó quan trọng lắm lắm. Cây cầu cùng với hương lộ số 1 đã giúp cho thành phố Trà Vinh bớt heo hút. Sẽ nói về cái ảm đạm của “tỉnh cùng” Trà Vinh sau.
 
Làng hoa Sa Đéc
      Có thử xuyên miền sông nước bằng đường mòn (một bên là đường, một bên là sông) mới hiểu cảm giác người ta mong ngóng hai cây cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống khánh thành như thế nào. Ấy là chưa kể nỗi thèm khát của nhân dân thành phố Long Xuyên cần những cây cầu thay thế các bến phà An Hòa, Ô Môi, Mỹ Hòa Hưng, Sơn Đốt. Khi ấy, các cù lao có thêm khách, khi ấy Long Xuyên sẽ long lanh cộng thêm Châu Đốc hấp dẫn nữa, An Giang sẽ có bộ mặt như thế nào này nhỉ? Khó tả quá, những cây cầu như viền quần nội y của các cô gái miền Tây, sếch xi quá, hấp dẫn quá Giàng ơi…
 
Cổng vào chùa ở Trà Vinh
      Có phượt quốc lộ 63 mới hiểu được cảm giác thích thú khi máu thay đổi áp suất do vừa dập dềnh lên xuống cây cầu Cái Lớn lại ỏn ẻn lăn bánh lên xuống cây cầu Cái Bé.  Hai cây cầu nom rất đáng yêu, nó cứ thoai thoải như cầu vượt ở phố thị Sài Gòn.
 
Một sáng thành phố Cần Thơ
      Có về với phố Cần Thơ mới thấy cầu Cần Thơ sao xa phố quá vậy. Thèm nhìn thấy một cây cầu lung linh nối đôi bờ giữa phố thị Cần Thơ. Chắc là ám ảnh cái lung linh của cầu Trường Tiền ở Huế và những cây cầu của phố thị Đà thành.
 
Khách sạn Ninh Kiều về đêm
      Và có đi bộ trên cây cầu vòng quanh bờ biển đất mũi Cà Mau, ta nhớ lại cảm xúc khi bước ra những cây cầu dọc đất nước để đến dược nơi này. Yêu lắm những cây cầu Việt Nam!

Chùa ở Trà Vinh

Chùa ở Trà Vinh
      
Khuôn viên chùa ở Trà Vinh 

Tây Ninh, 31/10/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, October 30, 2017

TỰ NHIÊN NHƯ HẠNH PHÚC LÀ HIỂN NHIÊN


“Anh ơi, em nhờ anh chụp cho chúng em một bộ ảnh ngoại cảnh thể hiện tình yêu của người đồng tình với”.  Anh thợ ảnh đứng hình ba giây trước lời đề nghị này. Quá bất ngờ, quả là một diễm phúc. Mấy ai trong nghề chụp ảnh cưới được hân hạnh chụp cho một cặp tình nhân đồng tính thật sự. Anh hơi lo vì chưa biết lấy bối cảnh làm sao. Vẫn còn đó trong anh những e ngại vì định kiến tình yêu đồng tính, nhưng đã nảy nở trong anh một con người hiện đại, mở rộng quan điểm cùng xã hội đối mặt với thực tế người đồng tính cũng cần được chụp ảnh cưới như bao nhiêu cặp đôi khác. Anh đồng ý để rồi trong một chiều cuối tuần lướt Facebook, tôi được biết bộ ảnh này và đã có hai cuộc chát ngắn với anh cùng với nhân vật trong ảnh.


Họ, một cặp đôi đến từ Sơn La và Phú Thọ. Vào một chiều mưa trong bệnh viện u buồn, Cố Hải (nick facebook của một trong hai nhân vật trong ảnh) thấy có người bấm xin kết bạn Facebook. Đồng ý luôn. Người đồng tính có cái linh cảm hay lắm. Chỉ cần liếc mắt qua một đám đông thì biết ngay ai cùng “pha” với mình. Cố Hải đã có bạn tình nhờ cái linh cảm ấy thông qua Facebook. 

Sinh ra một đứa con gái mang hình hài một gã đàn ông là một nỗi đau tột cùng của bố mẹ. Họ bị ngăn cấm. Họ bị lôi đi bệnh viện, họ bị cho là mắc chứng bệnh ái nam ái nữ bất chợt thôi, họ bị giới thiệu cho những cô tóc dài ngực căng đẩy. Bố mẹ họ hy vọng các cô có thể lôi kéo tình đàn ông về với họ nhiều hơn. Không! Trái tim họ đã trao gửi cho nhau mất rồi. Họ chứng minh mình đang có một thứ hạnh phúc thực sự chứ không phải là di chứng của bệnh hoạn bẩm sinh. Bố mẹ không cản nữa…


Chính phó nháy Trung Mộc cũng không nghĩ là buổi chụp ảnh thành công đến thế. Chỉ một vài cú bấm mà được một loạt ảnh ra tấm ra món. Có lẽ bởi vì hai bạn quá yêu nhau và yêu cả thảo nguyên Mộc Châu (Sơn La). 

Họ diễn một cách tự nhiên như hạnh phúc là hiển nhiên họ đáng được có vậy. Tôi viết những dòng này không phải là để cổ xúy cho bất kỳ quan điểm này. Tôi cho các bạn biết đang có một cặp đôi sống thật với cảm xúc của mình như thế. Té ra họ rất sướng, dám sống đúng bản chất con người mình. Đời dễ được mấy ai…
Tây Ninh, 30/10/2017
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Trung Mộc

No comments

MÙA CÀ PHÊ 2017 - Kỳ 2. KIẾN CÓ THỂ TẠO RA CON NGƯỜI

   Tây Ninh trời đổi gió, nắng vàng và khô hanh, se se lạnh như mùa tết. Ngồi ngắm kiến vuốt râu qua ống kính macro của điện thoại chợt nhớ hình như Tây Nguyên quê nhà đang xịt thuốc diệt kiến để mấy hôm nữa bước vào mùa đỡ phải ám ảnh bởi những vết cắn sung mủ. Dẫu biết rằng không nên tận diệt loài nào cả nhưng chỉ mong hai tháng mùa thu hoạch đừng có bị kiến kẻo nó có thể làm nữ nhi có…bầu. Có câu chuyện như thế này


   Hái cà phê người ta thường phân cặp hái cà phê, ưu tiên một nam một nữ để đàn ông phụ kéo lưới còn đàn bà gói ghém lưới khéo hơn. Đôi bên đang chưa có mảnh tình vắt vai. Thế quái nào một bạn kiến mò mẫm bò qua khe áo vào hôn lên đôi gò bồng đảo của nàng. Rằng thì là nàng phanh hết ra bắt cho bằng được. Lúc ấy chủ rẫy về nhà chuẩn bị cơm trưa để đem ra đồng cho nhân công ăn. Giữa cái rừng cà phê bạt ngàn như thế, gió thổi vi vu vi vu, áo mở hở ra bao nhiêu là nõn nường, tình trong thì như đã tội gì mặt ngoài phải e thẹn. Triển luôn, bầu luôn, lãnh xong hai tháng tiền hái thuê không quên gửi lời mời đám cưới he he. Kiến có thể sinh ra con người chứ đùa à hã hã. Thế nên sợ kiến Tây Nguyên lắm.

Kiến ở lô cà phê thường có hai loại, kiến đen và kiến vàng. Kiến vàng có lẽ là loài kiến sạch nhất vì nó làm tổ bằng cách cuốn lá cà phê lại rồi dùng tơ kết dính chứ không có một chút đất nào. Người dân tộc Ê Đê thường đi săn những tổ tiến này, họ gom củi cà phê đun sôi ngay tại bìa rẫy rồi cắt và thả nhanh tổ tiến vào nồi nước. Nước ấy có vị chua chua thanh thanh. Người Tây Nam Bộ có món “bò kiến” còn người Tây Nguyên có món “muối kiến”. Loài kiến khiến bố mẹ của Tây sợ hãi nhất là cái bọn kiến đen, nhỏ và đít thì nhọn hoắt, bóng loáng, nó mà chích cho một phát thì sưng mủ ngay tại vùng da đó. Rất kinh hoàng. Trong một đêm, xác một con thỏ con chỉ còn trơ lại bộ khung xương trắng tinh. Kiến Tây Nguyên đấy!


Những ngày này, lựa hôm trời thật nắng, người nông dân thường trộn thịt mỡ heo xay nhuyễn với thuốc diệt kiến. Kiến bu vào rồi bị rớt lộp bộp, thế nhưng không lừa chúng mãi được. Đâu rồi cũng vào đó, bớt được mấy hôm xong lại đông đúc lúc mùa cà. Có nhà phun thuốc hẳn hoi nhưng cũng không thành công. Mấy tay muốn thuốc bảo vệ thực vật toàn tung tin đồn vườn nhà tớ điệt được thế này thế kia chỉ sau ba lần cách nhau khoảng thời gian này nọ. Thành công vào mắt ấy. Chỉ có doanh thu của họ thì viên vãn thôi. Nói chung là cố gắng làm cho lượng kiến giảm bớt chứ không diệt được kiến. May mà kiến khôn chứ không lại phải đưa nó vào danh sách bảo tồn thì thậm nguy. Tận diệt loài nào cũng không tốt vì mỗi loài là một mắt xích trong chuỗi thức ăn của tự nhiên. Chuỗi thức ăn là gì thì mời Gúc, nhóe!
Tây Ninh, 30/10/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, October 29, 2017

NHỊP SỐNG Ở RỪNG - TUẦN 43 NĂM 2017


1. Tây hay hóng trang của nhiếp ảnh gia Burrard Lucas – “thánh bẫy camera” săn ảnh động vật hoang dã. Lòng nghĩ bao giờ các vườn quốc gia của Việt Nam cũng chụp lén được sinh vật như thế. Rất bất ngờ, hôm qua Fanpage chính thức của vườn quốc gia Vũ Quang (https://www.facebook.com/V%C6%B0%E1%BB%9Dn-Qu%E1%BB%91c-Gia-V%C5%A9-Quang-1969705099984257/ ) đã đăng hai cái ảnh được cho là chụp bằng bẫy camera. Ấy là hai mẹ con nhà voi đi ăn đêm. Có thể ảnh còn mờ ảo nhưng cũng là niềm vui đối với Tây vì cứ nơi nào thấy được voi thì mừng cho nơi ấy. Nghe đồn ở đây có một gia đình nhà voi này có…3 con.

2. Trên Facebook vẫn không hiếm những hình ảnh rao bán mỏ chim Cao Cát như thế này. Có cách nào ngăn chặn các Facebook đăng tin buôn bán động vật hoang dã không nhỉ? Chúng đăng như trêu ngươi, đăng như muốn đứa nào là tàu ngầm chuyên bắt tội phạm buôn bán động vật hoang dã thì lộ ra Hàng tuần thậm chí là hằng ngày Tây vẫn nhận những ảnh của các bạn Facebook gửi về nhờ báo cho trung tâm giáo dục thiên nhiên ENV để xử lý như thế này.


3. Chết vì bị chó nhà vây hãm do kiếm ăn trong nương rẫy của con người là một minh chứng cho việc lấn rừng làm nương rẫy gây mất môi trường kiếm ăn của động vật hoang dã. Một con nai đã bị chết như thế trong tuần vừa qua.

 

4. Tê tê và sóc bay, mấy ai yêu rừng có thể chụp được hai loài này đâu. Là bởi vì cái nạn như trong ảnh. Săn dữ dằn quá, săn xong còn chụp ảnh khoe chiến công. Sóc bay quý hiếm như thế nào thì mời hỏi thăm bác Gu Gồ nhóe. Tê tê thì khỏi nói rồi, giới nghệ sĩ còn có cái hiệu ứng cắn móng tay để biểu trưng cho hoạt động bảo tồn vảy tê tê nữa kìa.


5. Tin chết chóc nhiều rồi. Xõa với cái đẹp với rừng nhé. Các bạn Hà Nội bớt ước ao vào Tây Nguyên săn ảnh hoa Dã Quỳ đi. Ở vườn quốc gia Ba Vì “quỷ già’ vàng khắp nơi rồi kìa. Nghe đồn vườn này còn làm hẳn một cái bản đồ chỉ dẫn nơi nào có hoa cho mà chẹc kin nữa. Sướng thấy mồ rồi còn gì hĩ hĩ.
Tây Ninh, 29/10/2017
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh lấy từ nhiều nguồn

No comments