Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, November 10, 2017

MÙA CÀ PHÊ 2017- Kỳ 5. GIỮ ẤM NGÀY MƯA

Nó không phải là hình ảnh quảng cáo cho hãng phân bón nào cả. Nó là ảnh minh chứng cho cái sự đã có một ngày (và có rất nhiều ngày khác nữa) họ, những người nông dân phải dùng cách này để giữ ấm khi hái cà phê trong mưa. Các bạn ạ, ngày mai là thứ bảy, ngày mà các bạn ở thành phố có một buổi sáng thư thái bên tách cà phê ở góc quán xinh nào đó, Tây muốn gửi đến các bạn những hình ảnh và câu viết  chân thực nhất về những gì đang diễn ra ở những rẫy cà phê trên đất Tây Nguyên quê hương Tây.

Áo mưa là lựa chọn đầu tiên khi các bạn phải ra khỏi nhà nhưng bố mẹ của Tây và hàng trăm nông dân cà phê khác không muốn chọn vì nó sẽ bị rách ngay từ lần kéo lưới đầu tiên. Cây cà phê giao tán với nhau, cành khô xen lẫn cành tươi, khi kéo lưới cà phê để hứng quả thì áo mưa bị cành cây níu và thâm đủng. Nông dân đành phải dùng bao phân hóa học cho đỡ tốn và cũng vì nó cứng hơn các loại áo mưa thông thường.

Hái cà phê trong mưa lạnh lắm người ơi. Xin nói thêm rằng bao phân bón có nhiều tác dụng với người Tây Nguyên lắm. Trẻ con lấy ruột nilon để cắt ra là diều thả trong những hè. Người lớn lên cái bao bên ngoài đựng nông sản. Tuy nhiên đa số là đựng nông sản thô thôi chứ nếu thành phẩm cuối cùng để bán cho thương lái thì thường được đựng trong bao khác, loại bao các bạn hay nhìn thấy trên tivi trong các bản tin xuất khẩu cà phê, sắn, hồ tiêu, điều ấy.


Loại bao phân bón này được ưa chuộng đem đi đựng cà phê ngoài rẫy vì khi bao đầy, không cần dùng dây cột, có thể dùng hai cành cây xoắn lại rồi cài vào khe hở mà không sợ nó rách. Kỳ sau Tây sẽ đăng ảnh chi tiết về ảnh bao đựng cà phê ngay tại rẫy. Cảm ơn hội nông dân cà phê trên toàn khu vực Tây Nguyên cung cấp những hình ảnh mang tính thời sự này nhé. Cảm ơn các bạn, những nông dân trẻ tuổi của quê nhà.
Tây Ninh, 10/11/2017
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Vũ Đức Anh
No comments

Monday, November 6, 2017

MÙA CÀ PHÊ 2017- Kỳ 4: CÀ PHÊ CHẾ BIẾN ƯỚT


Toàn thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) hôm nay đang cúp nước vì nhà máy nước không thể xử lý nước sạch được. Theo như tin nhắn của công ty cấp nước gửi đến người dân thì nguyên nhân “lại là” do ô nhiễm của nước của các công ty cà phê thải ra từ đầu nguồn. Để hai từ lại là ấy trong ngoặc kép vì đây không phải lần đầu tiên. Theo thống kê, mùa cà phê năm 2015 dân Sơn La bị cúp nước khoảng 20 lần, Chỉ trong tháng 10 của năm 2016 nước bị cúp 7 lần. Tất cả đều do nước thải xử lý cà phê theo “công nghệ chế biến ướt”.



Nói công nghệ cho nó sang thế chứ chẳng qua là vì mùa thu hoạch cà phê năm nào cũng trúng vào mùa bão ghé bờ miền Trung. Bão ghé ở đâu không biết nhưng chắc chắn cả nước mưa. Tây Bắc và Tây Nguyên phải sử dụng đến biện pháp xay cà phê quả tươi tách ra làm hai hạt nhân còn dính vỏ lụa (tạm gọi là cà phê thóc). Sau đó dùng nước súc rửa nhớt và sấy hoặc phơi nắng loại cà phê thóc này nhanh khô hơn. Mỗi ngày một nông trường trung bình thu về một trăm tấn mà mỗi tấn tốn từ hai đến bốn mét khối nước súc rửa rồi thải ra hồ nước tự nhiên thì ôi thôi, nhà máy xử lý nước nào lo xuể.



Loại nước thải này nó hôi kinh khủng, hôi long trời lở đất ấy. Bởi thế cảnh sát môi trường về làm việc với công ty cà phê ở quê nhà Tây miết. Mấy năm gần đây cái mương sau nhà Tây mởi bớt hôi vì công ty không xả nước thải ra các kênh mương thủy lợi nữa mà chạy thẳng về cái hố xử lý riêng của công ty. Hy vọng các công ty ở Sơn La cũng như thế, dân đỡ khổ.  Chứ ủ quái đâu. Cái công nghệ chế biến ướt của nước ngoài đưa ra một thứ cà phê hảo hạng lắm, tốn thời gian ngâm và lên men lắm. Việt Nam ta nhân toàn bị đen vì úng nước lâu thì có.




Mấy ảnh trên là quy trình xay cà phê tươi theo ‘dây chuyền công nghệ chế biến ướt kiểu Việt Nam “ theo quy mô hộ gia đình. Nhà của Tây cũng có một cái. 

Hình ảnh này Tây chả nhớ sưu tầm từ Facebook của ai nữa. Tác hại của lưu ảnh trên điện thoại là không thể chú thích tác giả khi lưu ảnh. Cảm ơn người chụp nhé.
Tây Ninh, 6/11/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, November 5, 2017

NHỊP SỐNG Ở RỪNG - TUẦN 44 NĂM 2017


1. Đầu năm bờ biển Cửa Đại có dấu hiệu được bồi, nụ cười của người bảo tồn sinh cảnh nở chưa trọn môi thì vụt tắt bởi ngày 2/11/2017 vừa qua toàn bộ 4,3 hecta trong tổng số 4,8 hecta rừng phòng hộ nơi đây đã bị trôi hết ra biển vì sạt lở cát. Kinh hoàng. Những gốc cây phi lao còn nguyên từ bộ rễ đến ngọn nằm ngổn ngang bờ biển, cứ như chúng ta nhổ cỏ mọc sau một đêm mưa vậy. Hình ảnh được chụp bởi bạn Bùi Thị Thu Hiền. Cát của các con sông không rõ đã đi đâu hết mà để cửa biển thiếu cát đến thế này???? Đi hỏi cát tặc chắc có câu trả lời chứ nhà quản lý đều có họ hàng với hến hết.



2. Hình ảnh dưới đây chụp ở vịnh Cam Ranh, vịnh đẹp trứ danh, vịnh chiến lược quốc phòng mang tính trọng yếu của Việt Nam trong một ngày bình thường trước bão khá lâu nhé. Rác thải nhiều đến mức nhiếp ảnh gia Trần An phải buông câu trên facebook một câu mỉa mai rằng biển trời quê ta, đẹp như gấm hoa. Thảm họa Furmosa Hà Tĩnh được nhiều người nêu lên như một minh chứng bản thân mình có quan tâm đến môi trường đất Việt, còn rác thì liệu cho bao nhiêu người trong đó phân loại rác khô, rác rau củ quả riêng ra trước khi vứt? Hay các bạn cứ nhét chung rồi vứt đại, làm khó cho người lao công? Hãy bắt đầu bảo vệ môi trường bằng cách phân loại rác thải hằng ngày các bạn ạ. Không cần hô hào gì cao siêu cả. Ok?



3. Có 12 con chim diều hâu và 1 con đại bàng đã được một cộng tác viên của trung tâm giáo dục thiên nhiên ENV phát hiện và được cứu thành công bởi lực lượng cảnh sát môi trường. Chuyện xảy ra trên đường Trường Chinh, thành phố HCM. Con đường này xưa nay là điểm đen buôn bán động vật hoang dã của thành phố. Chuyện xảy ra hôm thứ 3 tuần này nhưng mãi chưa thấy CIA của Tây cung cấp ảnh nên đành lấy ảnh đại bàng của núi Sơn Trà (Đà Nẵng) của tác giả ảnh Ha Hoang minh họa vậy.



4. Ba cái tin đầu tiên nghe có vẻ sấm sét nhẩy? Thôi chúng ta cùng mượt mà ngắm đôi chim Cao Cát tình tứ trong rừng nhé. Ảnh cho anh bạn “thích rừng hơn vợ” Lam Jiang chụp. Thằng  cha này, Tây gặp một lần rồi. hâm lắm. Cứ có tiền là mua ống kính rồi cuối tuần lượn lờ ở các cánh rừng của miền Đông Nam bộ. Hố hố, hâm nhẩy? Để tiền ấy đi nhỡi gái có phải sướng ông người hơn không? khà khà



5. Tây yêu Voọc, cơ mà phải chà vá chân nâu mới yêu chứ bọn đen đen, lem luốc vàng hoe trên đầu ở đảo Cát Bà thì thèm vào mà yêu. Cơ mà nó quý hiếm quá, còn chưa đến một trăm con. Thấy cả thể giới khao khát muốn ngắm nó nên Tây cũng yêu cho nó có phong trào he he. Thì cũng tương ảnh lên cho bạn bè cùng ngắm. Cụ Nguyễn Huy Cầm chụp được.
Tây Ninh, 5/11/2017
Tây Nguyên Xanh

No comments