Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, December 14, 2017

ANH CÓ YÊU EM ĐƯỢC NHƯ THẾ?


      Không biết em còn muốn về quê anh nữa hay thôi? Anh hỏi câu sao nhói tim em đến thế. Vẫn biết Trà Vinh là tỉnh cùng, tỉnh cụt, tỉnh trái nẻo nhưng muốn chứ, Trà Vinh quê anh quá đỗi lạ lùng trong mắt em. Ngày em về, một mình, trên hành trình tự mình lái xe trên tất cả quốc lộ của Việt Nam, em đã tận mắt thấy cảnh sống của người dân ở tất cả các tỉnh lỵ của miền Tây Nam Bộ. Em không khỏi nặng lòng với thành phố Trà Vinh quê anh. Trời ơi, thành phố không có cớ để phát triển. Những nhà khách, khách sạn “nổi tiếng” nhất đều bị bao phủ toàn cỏ cây. Heo hút quá, một nhúm Trà Vinh. Thành phố xanh mát mà buồn rười rượi, nước trái dừa lửa không làm thỏa cơn khát đổi đời của người quê anh. Để rồi họ lên với thành đô Sài Gòn, đất thủ Bình Dương hoặc làm dâu xa xứ.
   
    Này anh, anh có yêu em được như người đàn ông nọ em thấy trên đường phố Trà Vinh không? Em còn nhớ cái chiều em ngồi uống nước dừa một mình bên vệ đường, em thấy một gã đàn ông vừa chạy nhấn ga không ổn định vừa chửi vợ qua điện thoại, cái gì mà đậu má mày thế này thế này nọ. Khi ấy em nghĩ người đàn bà kia hạnh phúc thế. Cô ấy có người đàn ông yêu mình đến độ bất chấp an toàn tính mạng khi lái xe, anh ta toàn tâm cãi vã với cô ấy. Cuộc đời này, hãi nhất là sự hời hợt anh ạ. Có người toàn tâm toàn ý chỉ giành thời gian để cãi nhau với mình, cãi cho rõ ngọn ngành để hiểu nhau hơn hoặc tan hoang một cách không hề hối hận cho cả đôi bên. Anh yêu em được như thế không, anh hỡi?


    Đừng yêu em vì lấy cớ lên thăm Tây Nguyên quê em do muốn ngắm hoa Dã Quỳ nở để rồi khi hoa tàn, anh không ngó ngàng chi em nữa. Em sẽ về quê anh lần nữa nhưng về thăm thú nhà máy nhiệt điện Duyên Hải và biển quê anh và để sau này có cái mà so sánh với tỉnh Thái Bình, một tỉnh có thân phận giống quê anh ở đồng bằng Bắc Bộ.
Bình Dương, 14/12/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments

Tuesday, December 12, 2017

MỚI HAY SẮP HẾT NĂM RỒI


    Cuối năm, thôi thì kính thưa các đối tác tặng lịch cho nhau. Đâu đó người ta than tháng này anh không được nghỉ cả thứ bảy và chủ nhật nữa ấy, bận lắm. Rất lạ, cái phòng của mình không có dấu hiệu gì của việc lo báo cáo báo chồn. Mỗi ngày vẫn đón đối tác, nhận mẫu nguyên liệu và đối chiếu tham số với bản đồ họa đã thiết kế, trình trưởng đại diện nhãn hãng ký chấp thuận rồi về. Đều như vắt chanh, không có gì để gọi là cập rập. Bỗng đùng một cái, ghé phòng thí nghiệm nhờ test hàng, thấy các bạn ấy làm cây thông Noel và mô hình đêm chúa sinh. Ngó qua cửa sổ thấy các anh công nhân đang vặt lá mít để biến nó thành…cây thông thần thánh. Và cả sếp, cô nàng hơn mình 8 tám tuổi ấy bỗng chìa một cái túi có ịn dòng chữ chúc mừng năm mới, bảo mày lấy cuốn lịch trong ấy mà bỏ lên bàn, cuốn sổ kia thì xi ba chao, tùy mày.

    Làm gì với cuốn sổ ấy bây giờ? Phải như ngày xưa, cái thời còn đi học. Lại chả chộp ngay rồi đi sưu tầm đôi dòng tự bạch của chúng bạn. Cơ mà chắc không phí giấy thế đâu, đi sưu tập chẳng qua là để quan tâm xem cái dòng ghi tên bạn trai với cả bạn gái và sở thích thôi. Đứa nào cũng ghi không có bạn trai, bạn gái và đều thích ăn món mẹ nấu cả. Tộ xư bỏn, hụt hẫng cho cái sự tò mò dễ sợ. Hay là dùng nó để viết nhật ký nhỉ? Ti dụ như trưa nay thấy chị kìa lòn tay nhét nhét tiền vào cái khe áo giữa đôi gò bồng đảo, làm cho anh kia mải nhìn đến nỗi húp canh  tràn ra cả cổ áo. Thôi, nhớn rồi, dành thời gian chát chít câu giai chứ ai lại biên vớ vẩn trên giấy làm gì, nhỉ? Chắc là dùng nó để ghi chép họp hành sau khi cuốn cũ hết. Có thế thôi cũng rông dài con chữ.

   Nhắc đến rông dài mới nhớ hôm nay mới thực sự biết ý nghĩa của việc bấm nút enter trong viết email. Hết một câu lại enter xuống dòng, ấy vậy mà nhìn mãn nhãn ghê cơ. Cái thư nó dài một cách hợp lý và ngắn cũng vừa ý khi màn hình cần thu nhỏ một phần. Cơn cớ gì lâu nay mình không như thế mà cứ cố viết cho nó thành đoạn văn để rồi người ta phải ngại khi đọc email nhỉ? Một sự tiết kiệm số dòng email vô tình người đọc thõng thượt lướt thư. Là mình cảm thấy thế khi chứng kiến sếp cứ bấm nút enter sau mỗi dấu chấm của mình lúc cô ấy duyệt email trước khi mình gửi nó sang Mỹ.


  Thôi ngủ sớm cho nó trẻ lâu tí, giời ơi, 19 ngày nữa là bị ghi tuổi to to hơn tí rồi huhu.
Bình Dương, 12/12/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, December 10, 2017

HỘI CHỢ NHÂN CÔNG TÂY NGUYÊN

    Nó là cái chợ, ô hợp, không mua bán gì, chỉ rặt cò kè bớt một thêm hai giá sức lao động của con người. Vâng, chợ người, chợ nhân công hái cà phê!
***
    Sáng sớm Y’Săm Bya dậy từ khi mờ đất. Anh ăn cơm rồi châm dầu vào cái xe công nông đang đậu ngoài sân. Thằng Y’Thiên Mlô nghe tiếng ama nổ xe to nên cũng dậy đánh răng và ăn cơm để đi học. Chị H’ Biên Mlô trèo lên cái moóc xe công nông theo chồng chạy ra phía đầu buôn làng, nơi có rất nhiều người đang chờ họ ở đó. Tất cả họ, đâu khoảng 20 người cùng ngồi trên chiếc xe ấy để đến ngã ba cách buôn khoảng 10 km. Ở đó, cũng đang có nhiều người chờ họ, nhưng chờ để thuê sức lao động của họ

***
   Mỗi sáng, khi nhà Y’Săm và nhiều gia đình Ê Đê khác bật đèn, cũng là lúc chị Huyền My thức dậy. Người đàn bà ngoài 35 tuổi ấy chuẩn bị cái giỏ để chạy đi chợ mua thức ăn cho cả ngày khi trời còn mờ đất để lúc trở về, chị còn kịp lo đồ ăn sáng và chở con đi học. Còn chồng chị, anh Trọng Nhân cũng chỉ được “ngủ nướng” đến…5h30 là phải dậy nổ xe công nông. Anh cũng phải đi chợ trước khi ra rẫy nhưng chợ này là chợ nhân công. Anh ra đầu ngã ba ngã năm hoặc bất kể nơi nào có người tụ tập đông đúc để nhanh tay chọn được đôi ba cặp nhân công về phụ hái cà với hai vợ chồng anh. Anh mà đi muộn thì người ta thuê hết mất. Anh và nhiều chủ rẫy khác không phải lười nên thuê nhân công mà do làm không kịp, không xuể nên phải thuê thêm người giúp. Anh Nhân đón người xong thì chạy thẳng ra rẫy. Chị Huyền My ướp nhanh tô thịt, cắm nồi cơm to thừ lứ rồi quơ vội hai cái bánh mỳ thả vào giỏ rồi chở con đi học xong thì phóng xe thẳng ra rẫy cho chồng ăn sáng và bắt đầu một ngày hái cà phê.
***
    Mùa cà phê năm nào cũng thế, hai cảnh tượng tôi kể trên cùng diễn ra trong khoảng hai tháng cuối năm thôi nhưng nó ám ảnh chúng tôi lắm lắm. Hai tháng quyết định đời sống cho một năm tiếp theo nên nó như vắt kiệt sức lực của bất kể những ai lấy cây cà phê làm cần câu cơm. Cái chợ nhân công ấy nó chỉ là đám đông ô hợp, chỉ họp đâu khoảng sáu chục phiên nhưng nó cũng có cái nét đặc trưng của miền đất Tây Nguyên. Cái chợ ấy còn có cả người Kinh đi bán sức lao động của mình nữa nhưng nay ít rồi các bạn ạ. Họ tìm về các khu công nghiệp để làm công nhân hoặc đi xuất khẩu lao động với mức thu nhập ổn định hơn là chỉ trông vào hai tháng mùa cà phê nhu thuở xưa. Thành ra chỉ còn người dân tộc thiểu số là còn chung lưng đấu cật với nông dân trồng cà phê trong những ngày này. Cà phê xứ Việt sẽ là của ai sẽ là một dấu chấm hỏi lớn. Tôi sẽ nêu vấn đề ở bài khác.

 Bình Dương, 10/12/2017
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Y Dương Bya 
No comments