Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, December 29, 2017

GIỌNG NGƯỜI TÂY NGUYÊN


     Đăng quả ảnh biển Quy Nhơn chụp từ hồi tháng 7, báo hại ông anh đang làm công trình ở Bình Định í ới gọi cô đương ở đâu, anh phi trâu tới rước. Thật chứ, lâu lâu muốn chứng tỏ ta đây là đứa được đi đây đi đó nhiều cũng khó mà. Hã hã. Em đương phởn phờ hong quạt cho khô các cái vì sự nóng của miền Nam đơi nài, đi đâu mà đi. Vấn đề là anh ấy bảo cô có thôi cái giọng Bắc ấy đi được không, người Tây Nguyên nói giọng Nam cơ mà. Tôi lạ đếch gì cái quê hương nhà cô nữa. Thôi chết rồi, anh này tưởng Tây nhại giọng Hà Nội của anh ấy. Và có lẽ cái anh này mê giọng pha của người Tây Nguyên thật rồi. Tút này Tây sẽ nói về cái giọng pha ấy.
    
     Giọng pha của người Tây Nguyên chắc chắn không thể sánh ngang hàng với độ trong trẻo của giọng Gia Kiệm ở miền Đông Nam Bộ hay giọng Huế pha Quảng của những đứa trẻ ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) được. Giọng pha của người Tây Nguyên nói chung là khá chua và nhão. Thật lòng mà nói là như thế. Bọn mình đa số là gốc Bắc cho nên cái sự tò mò giọng miền Nam luôn có trong máu của mỗi người. Nhưng cứ phải giọng Sài Gòn mới sành điệu. Và bọn mình đã loay hoay…

     Ban đầu, bọn mình xem phim, thấy mấy nhân vật nào nói giọng miền nam có đoạn luyến láy nghe ưng cái bụng thì rủ nhau hôm sau nói na ná như thế hết. Thay vì hỏi nhau “thật không vậy?” thì đổi thành “thiệc hông dzạ”, “với” thì đổi thành “dzí” nhưng tuyệt nhiên không đứa nào dám đổi hoàn toàn bộ thanh âm ngữ điệu cho thành giọng Nam vì ít nhiều còn sợ ông bà, bố mẹ mắng mày học cái giọng đó ở đâu vậy. Những thế hệ sau, bố mẹ đa số đã sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên rồi nên ít khắt khe chấn chỉnh giọng con cái hơn nên cái độ pha của giọng nói nhiều hơn. Vì bọn mình không sinh ra trong môi trường “bản ngữ” của giọng Nam Bộ cho nên ít nhiều không điều tiết được thanh âm, khiến giọng cứng mà có phần chùng xuống. Học lỏm giọng nói có trong kí ức của người Tây Nguyên các bạn ạ. Hỏi họ mà xem.

     Bản thân người viết bài này thì xin nói thẳng thế này. Tây tò mò giọng Việt lắm. Tây nói được cả 3 giọng Nghệ An, miền Nam và Miền Bắc nhưng có lẽ Tây kiểm soát tốt hơi thở của mình hơn khi nói giọng Bắc và tiện lợi cho môi trường giao tiếp trong công việc nên Tây chọn giọng Bắc thôi. Tây không đánh giá ai lai căng giọng nói bao giờ nhưng cũng không thích đem cái giọng xứ lạ để nói chuyện với cha mẹ mình. Ngoài xã hội ta là một lao động phổ thông. Phổ thông từ mức lương đến cả giọng nói nhưng về với gia đình, ta lại là con người run rẩy thổn thức gọi cha mẹ bằng giọng nói quê nhà. Thế thôi.
    
Bình Dương, 29/12/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, December 28, 2017

ĐƯỢM TÌNH GIỮA NHỮNG SÀO LÁ BUÔNG


    Khi bước giữa những sào phơi lá này, Tây chỉ muốn khỏa thân và e ấp nép vào những phiến lá mỏng manh này rồi nửa kín nửa hở căng ngực ưởn người chớp mắt làm nũng trước ống kính máy ảnh. Thật đấy! Có lẽ vì biết nó là lá Buông chuyên dùng làm nón ở Việt Nam nhưng là nguyên liệu làm giấy chép kinh Phật của người Khmer. Những phiến lá trắng xanh mỏng manh cứ ngời lên màu nắng. Nắng Bình Phước mùa này thì ôi thôi là vàng hươm. Trời xanh thẳm. Mây trắng và mỏng như bông lau. Đất lại đỏ như son nữa chứ. Gợi cảm lắm luôn. Chẳng ngờ những cây số cuối cùng của quốc lộ 13 lại khiến Tây dào dạt cảm xúc như thế.

   Cái làng này cách cửa khẩu quốc Hoa Lư đâu khoảng một cây số. Làng không làm nón mà chỉ phơi nguyên liệu làm nón. Đâu khoảng 20 năm về trước, khi rừng Tánh Linh (Bình Thuận) chính thức cạn kiệt lá Buông các thương nhân buôn nón và thủ công mỹ nghệ Bình Định, Bình Thuận đã mướn người lên đây ăn ở để hằng ngày phơi lá Buông sau khi thu mua từ bên Campuchia về. Lá tươi về được tước ra để lấy phiến lá chẻ ra làm vành nón còn lá thì để lợp cái khung để thành cái nón duyên dáng. Lá phơi hai nắng thì khô và được tập kết lại theo xe về các xứ. Tây hỏi giá một ký lá bao nhiêu. Bà con ở đây bảo không biết đâu con ơi, cô chú chỉ làm mướn cho người ta thôi. Ông chủ tự đi gom chớ cô chú có bán cho ai đâu mà biết.

    Còn bên kia cửa khẩu, người Campuchia từ lâu coi đây như là thứ giấy quý để chép kinh Phật. Người ta dùng một mũi kim mài nhọn. “Viết” xong chữ thì người ta lấy bồ hóng trộn với dầu xoa lên chữ, chùi cho mặt lá sạch sẽ, để chữ nổi lên. Người Campuchia coi đây là loại giấy thiêng nên trước khi chọn cây nào đó để chặt lá làm sách thì trước đó, họ đã cúng xin thần cây rồi.

    Rừng Tánh Linh, Bình Thuận của chúng ta trước đây cũng có nhiều cây Buông. Cây thọ ngang tuổi người, ra hoa một lần rồi chết. Xưa người ta dùng sóng lá để vót chông, làm ná. Lấy lá chằm thành tấm vách nhà. Rừng buông của ta không còn nữa, ta phải sang tận biên giới để mua. Ôi rừng...
Bình Dương, 27/12/2017
Tây Nguyên Xanh

No comments

Tuesday, December 26, 2017

ĐƠN XIN NHẬP NGŨ


     Thế đéo nào, sáng nay cái ủy ban nhân dân tỉnh Nhàn Cư (trụ sở tại thành phố Thất Nghiệp) đông nghìn nghịt người đến xin chữ ký của em duyệt lý lịch trong sạch để kẹp vào đơn xin nhập ngũ thế. Ồ, em là nữ chủ tịch, một minh tinh của tỉnh nhà chứ đùa đâu he he. Gió thổi buổi bão hôn bờ cứ thông thống, em vừa phải túm cái váy lại cho gió khỏi tốc lên, vừa phải lật từng tờ đơn, vất vả vãi. Trong đống giấy có cái đơn như này:

     “Với tình hình đất nước rối ren trên mặt trận phòng chống thế lực phanh phui những vụ tham nhũng trên in tẹc nét. Tôi là Lý Thị Mông Dẹt xin tình nguyện gia nhập lực lượng được thành lập theo chỉ thị 47 của bộ quốc phòng. Với biệt tài ăn như hạm, chém gió như tinh, khả năng chụp hình tự sướng thì ôi thôi đẹp ngây đẹp ngất. Vì vậy tôi có đủ khả năng để dụ dỗ quân địch vào trạng thái mê mệt, tê liệt cả ngòi bút và tất nhiên cái ấy của tôi luôn hồng để chuyên giải cứu đất nước trong tình hình khẩn cấp.”. Đọc đến đây, em liền hỏi con Mông Dẹt ấy rằng ơ thế không sợ nó thâm mất à. Quân địch có ít người đâu. Con Dẹt bảo em không sợ chị ạ, bọn to còi thường liệt dương. Á đù, em lại thích thú đọc tiếp:

    “Tôi nguyện dốc hết lòng cho nước nhà. Tôi sẽ sử dụng laptop và cái D-com 3G do quân đội ta sản xuất ra để viết và tung lên Facebook những đòn chí mạng khiến quân địch không kịp trở tay bởi những luận điệu sắc bén của mình. Dư luận sẽ tin nước nhà không còn tham nhũng. Lò của cụ Tổng đốt lên chỉ để giúp dân ấm áp qua mùa đông giá lạnh mà thôi. Tôi nguyện hằng ngày biên một tút để trang của mình không bị mốc, như thế thì mới có nhiều tương tác hơn. Tôi sẽ siêng đi like dạo và còm xun xoe các kiểu để lấy lòng quần chúng nhân dân đang cực kỳ thiện chiến. Chỉ cần mỗi một bài tôi đăng lên, tổ chức chuyển khoản cho tôi 3 triệu đồng là được.”. Lại phải ngừng đọc để chửi mày rảnh hả, lương bổng quân đội đéo đâu ra mà nuôi một đứa cả ngày chỉ biên tút như mày. Một tháng cung cho mày những 90 triệu á. Đệt mợ mơ hão à. Nó rơm rớm nước mắt bảo chị ơi, xin ký duyệt lý lịch cho em đi. Em đường cùng rồi, ế việc lắm rồi.

    Em đéo biết có nên ký không nữa, các cụ ợ. Bởi ký cho một đứa thì mất toi cơ hội rớt chức chủ tịch tỉnh Nhàn Cư để được tham gia lực lượng vừa hồng vừa chuyên kia. Ô, thôi thì cứ ngâm đơn đấy. Nhũng nhiễu quần chúng nhân dân chán rồi tự khắc cơ hội thuộc về tay em nhể? Em tài đến thế là cùng. Hã hã.
Bình Dương, 26/12/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments

Monday, December 25, 2017

VỀ VỚI NGƯỜI S’TIÊNG NHÓM BÙ DEK Ở THỦ PHỦ VÀNG TRẮNG


   
    Khi Tây giương cái điện thoại ra chụp tấm ảnh này có người cụ già S’Tiêng mắng Tây rằng không có chuyện làm hay sao mà suốt ngày đi quay phim chụp hình vậy. Thái độ gay gắt lắm nhé, cứ như Tây là lười biếng lắm. Ấm ức quá nên giải thích khí thế rằng hôm nay con được nghỉ chủ nhật mà bà. Cụ vẫn khó chịu lắm í. Các bạn ạ, cụ ấy có đủ tư cách và độ siêng để Tây phải nể và đáng phải học sự chăm chỉ đấy. Không phân biệt chủ nhật hay thứ hai, chỉ có ngày khỏe hoặc ngày ốm, hằng ngày cụ và nhiều cụ già xấp xỉ 70 tuổi khác khác xấp xỉ 70 chục, đi bộ cả 5 cây số len lỏi các rừng cây cao su để nhặt những cục mủ khô vì những giọt mủ tươi rơi xuống hòa quyện với đất. Đi ròng rã từ sáng sớm đến khoảng 2h chiều chỉ nhặt được khoảng hai đến ba ký mủ khô và thương lái chỉ mua cho cụ với giá bốn nghìn đồng một ký. Tức là trung bình các cụ mỗi ngày thu về khoảng mười nghìn. Tây nhẩm tính như vậy giữa kinh đô vàng trắng Bình Phước.

    Sẽ chẳng ngoa nếu Tây ví von Bình Phước như là thủ phủ, kinh đô hay vương quốc cao su mà một thời được tôn xưng vàng trắng. Bởi, với xu thế chán cao su (và cà phê nữa) chuyển sang mặn mà với hồ tiêu, hiện nay diện tích cây cao su ở Tây Nguyên đang hẹp đi từng ngày. Với khí hậu quá lạnh vào mùa đông, cao su Tây Bắc và cả vùng núi Quảng Trị, Huế, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi còn không sánh được với Tây Nguyên nữa chứ nói gì đến cao su ở Đông Nam Bộ (chiếm 80% diện tích cao su của cà nước). Mà trong miền Đông Nam Bộ thì về căn bản Bình Dương đã xóa bỏ ¾ điện tích đất trồng cao su, học tập Hàn Quốc một thời nhịn ăn nhịn mặc để làm đường rộng nhằm thu hút đầu tư xây dựng khu công nghiệp, đưa các huyện đồng loạt lên thị xã với mục tiêu tiến lên đô thị thông minh rồi. Đồng Nai cũng đã ưu tiên công nghiệp nặng hơn 20 năm. Tây Ninh đang có trào lưu bỏ lúa và cao su để trồng nhãn, cây ăn quả khác. Vì vậy, hiện nay về cơ bản, Bình Phước đang là thủ phủ cao su của cà nước. Và người S’tiêng sẽ là chủ nhân tương lai của cao su Bình Phước. Bởi lẽ:

    Lâu nay người đồng bào thiểu số trên cả nước gần như không sở hữu đất canh tác mà chủ yếu là người Kinh. Người S’Tiêng ở Bình Phước cũng vậy. Họ gần như chỉ là người làm thuê cho người Kinh thôi. Nhưng giới trẻ người Kinh đang muốn làm công nhân ở khu công nghiệp và xuất khẩu lao động sang nước ngoài thôi nên sớm hay muộn gì thì cán bộ quy hoạch cây công nghiệp Việt Nam phải làm thân với đồng bào dân tộc thiểu số bản địa thôi chứ còn ai chịu bám đất trồng cây nữa đâu.

    Hãy để họ có cơi hội tự chủ kinh tế để họ tự khát có bảo tồn văn hóa truyền thống của họ!
Bình Phước, 25/12/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments

Sunday, December 24, 2017

ỘT LẦN CÙNG GIÁO DÂN ĐÓN GIÁNG SINH Ở MIỀN BIÊN ẢI


    Như một cái duyên lạ lùng quá đỗi, nguyên một tối hôm qua tôi không ngủ được nên 3 giờ sáng cưỡi xe máy chạy một mạch men trọn quốc lộ 13 về cửa khẩu Hoa Lư để đón bình minh ở đó. Hai tay tê cứng, răng va vào nhau cầm cập, chợt ấm khi vừa đến giáo xứ Phú Lương, là đúng 5 giờ sáng, thì tiếng chuông nhà thờ vang lên báo hiệu buổi lễ sớm nhất trong ngày đã đến. Ôi tiếng chuông vọng giữa thinh không, thức tỉnh non sông bốn cõi.

   Thiêng liêng quá, tôi hòa vào dòng người trong sắc áo dài thuyền thống bước vào lễ đường. Nhưng trước khi bước vào lễ đường, các con chiên của Chúa tất thảy đều đứng khoanh tay thành kính nhẩm đọc một bài kinh nào đó trước cái hang biểu trưng nơi chúa sinh. Điều thú vị của hôm nay, ấy là tại giáo xứ Phú Lương đức cha đã cho dựng chuồng có nuôi mấy con bò ở trong, rồi chuồng có nuôi ngỗng quây bên cạnh một cái chuồng có dê và tượng đức mẹ cùng phụ tá được đặt trên đống rơm ngay trên chuồng dê. Hết sức sinh động chứ không giống bất cứ nơi nào tôi đã thấy.

    Tôi theo đạo Phật nhưng không hề e ngại tôn kính mọi đấng Lòng Lành mà người khác đang tôn thờ. Tôi thích nhìn cái cách người ta trao gửi niềm tin của mình vào đấng Lòng Lành của họ cho nên dù đó là Cao Đài, Hòa Hảo, Islam, Thiên Chúa hay bất cứ đạo nào tôi đều muốn có mặt trong ngày lễ trọng của họ. Tôi thích vào nhà thờ của Thiên Chúa giáo vì thích nghe giàn hợp xướng của họ và thích cái giọng “bắc 54” cực kỳ ấm áp mà trong trẻo của các cha xứ. Có lẽ chỉ duy nhất miền Đông Nam Bộ mới có cha xứ nói giọng tôi thích đến thế. Nó là thứ âm tanh rặt Bắc nhưng lại được thổi hơi nhả chữ một cách nhẹ nhàng như âm vực miền Nam. Tôi tập mãi không được. Có lẽ chỉ có bối cảnh lịch sử mới có thể tạo ra đặc sản giọng nói ấy.

    Giữa chung chiêng chốn biên thùy, cha xứ mời mọi người cùng đọc kinh cầu nguyện cho đất nước yên vui thái hòa nghe mới cảm động làm sao. Giàn đồng ca xướng lên lúc trầm lúc bổng. Chúa sẽ phù hộ cho sự chân thành của các bạn. Mừng Giáng Sinh nhé. Đại lễ này được tạo ra bởi trí tuệ của nhân loại. Hãy thụ hưởng, đừng e ngại, đừng kỳ thị tôn giáo nữa. Hỡi loài người tiến bộ!
Bình Phước - Bình Dương, 24/12/2017
Tây Nguyên Xanh
No comments