Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, February 24, 2018

20 NĂM MỘT GÙI ỔI


   Nhà cách thành phố Buôn Ama Thuột 20 km nhưng số lần được đi Phố cũng khoảng hai chục lần có lẻ tí thôi. Mỗi năm chỉ được một lần ghé. Hầu như là theo ba hoặc má đi mua bạt lưới vào đầu mùa cà phê, nhân thể kết hợp mua sách tham khảo ở nhà sách Giáo Dục hay Phan Chu Trinh gì đó. Nhà cách trạm xe buýt gần nhất 2 km đường rẫy nên có muốn lên Phố cũng không phải điều dễ dàng. Thành ra, đặt chân lên Buôn Ama Thuột luôn là điều gì đó thiêng thiêng vô vàn. Háo hức lắm. Mỗi lần đi là mỗi lần ngắm phố thật kỹ, tưởng chừng như muốn dừng lại mà sờ từng chút vào “mặt phố”. Và gùi ổi này, lạ kỳ thay, hai mươi năm nay nó vẫn đợi chờ ta mua.

     Gùi ổi ấy nằm ngay bên lề đại lộ Nguyễn Tất Thành trước khi rẽ sang quốc lộ 26 hướng về sân bay hai hay ba cái đèn xanh đèn đỏ gì đó. Lúc nào cũng có một hoặc hai a mí (mẹ) Ê Đê kiên nhẫn ngồi sau gùi truyền thống. Khi thì bán những chùm dâu da, chôm chôm khi thì xoài và phổ biến nhất là ổi.


     
    Các a mí ngày xưa mặc váy đen nhưng nay các mí mặc quần đen rồi. Có lẽ chụp vào thời điểm cận tết, Buôn Ama Thuột lạnh nên họ phải mặc quần chứ váy lạnh và bị gió lùa. Nói không phải tự hào chứ lũ người Kinh thích ngắm váy đen dài như kiểu “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” thuở nào thì phải chịu khó đi học quốc lộ 14 và 15 may ra mới gặp. Chợ Buôn Ama Thuột rất tự hào là vẫn có thể thấy những người phụ nữ Ê Đê mặc váy đen tuyền, vai đeo gùi ra sắm đồ. Đẹp vô cùng, hình ảnh đất đỏ quẩn theo từng bước chân hất váy. Chỉ muốn gối đầu lên đất, má áp lên đất quê nhà mà chụp bụi quê.


     Những tưởng khi đã lớn sẽ được lên Phố thường xuyên. Nào ngờ lập nghiệp phương xa. Mỗi năm ghé phố một lần là mừng lắm rồi. Năm nay đích thân chạy xe máy từ Sài Gòn về để chụp phố. Thấy gùi ổi vẫn ở đó, vẫn đợi vẫn chờ, chỉ có ta là phũ phàng, ham phú phụ gùi. Tạm biệt quê hương nhé, ta lại bỏ nhà đi hoang…
Buôn Ama Thuột, 24/2/2018
Tây Nguyên Xanh
No comments

Friday, February 23, 2018

CẢM THƯƠNG CỦ NGHỆ QUÊ NHÀ TÂY NGUYÊN


- Cô ơi, giá nghệ bữa ni răng nấy rứa?
- Bốn trăm đồng mà củ to đẹp mới lấy nha
- Guơ trời, năm ngoái tám nghìn một ký tê mà.

   Tây cùng mẹ đi chợ tết, nhân thể ghé vào vựa rau củ quả gần đó hỏi giá củ nghệ năm nay bao nhiêu để về bới lên đem đi bán chứ không mùa tưới đến rồi, dính nước trong đất thì nó thối mất. Mẹ Tây nói giọng Nghệ An nên chắc bạn đọc phương xa hơi choáng vì cái thuật ngữ “răng nấy”. Họ bảo bốn trăm đồng một ký (400đ/kg). Không tin vào tai mình, Tây hỏi lại và đáp án vẫn thế. Là bởi vì thời điểm này năm ngoái, giá củ nghệ ở Tây Nguyên là tám nghìn đồng một ký (8000đ/kg). Chả có gì phải xót cho mẹ của Tây và những người nông dân trồng nghệ khác đâu các bạn ạ. Do họ cả thôi, này nhé:

     Lấy nhà của Tây làm ví dụ. Bình thường, gừng và nghệ là hai loại củ vứt bên chậu nước thì tự nó nảy mầm và cũng ném đại ra mảnh đất nào đấy, gió tự xoays đất phủ lên, nó tự bén rễ và thành cây. Mùa mưa nó tươi tốt rồi đến thời điểm gần tết thì chết và rụi lá đến nỗi nhìn lên cái vườn không biết bụi nghệ, bụi gừng nó đã từng mọc ở đâu. Đó là thời điểm bới củ lên mà dùng. Và rồi những tưởng không có nữa nếu không gieo củ. Rất thú vị, cứ đến mùa mưa thì đúng chỗ ấy lại tự mọc lên một vài cây mới vì khi đào kiểu gì cũng có sót dây củ ở lại. Và cuối năm nhà nào nhà nấy có khoảng một tạ nghệ. Chỉ những ai cố tình vun trồng thì mới có nhiều hơn.

    Câu chuyện được mùa rớt giá sẽ chẳng sờ gáy mẹ của Tây và hàng xóm nếu họ không vì thấy nhà cuối xóm bán được 20 triệu nhờ hai luống nghệ trước nhà mà người người  đua nhau chặt đôi ba cây cà phê để dành đất trồng nghệ. Năm ngoái mẹ Tây bán một tạ, thu về tám trăm nghìn. Hứng khởi quá, trồng thêm mấy bụi, năm nay bới được hai tạ mà giá này, nếu bán thì chỉ được tám mươi nghìn cho hai tạ. Được mùa rớt giá là quy luật đương nhiên của thị trường. Tết này nhà nào nhà nấy dỗi thị trường, ứ thèm bán củ tươi nữa mà làm tinh nghệ

    Ôi thôi, một tạ tươi thì lọc được đâu 4 ký bột tinh mà nhọc quá các cụ ạ. Giá thuê xay một tạ tươi là 140 000đ. Sau khi vắt, lọc tinh dầu ngày ba lần, sau một tuần đến khi không có dầu nữa thì phơi dưới quạt và tránh nắng đâu như nửa tháng mới khô. Sau đó hàng xóm nhà Tây bán 400 000đ/kg bột tinh. Còn như nhà Tây, làm để gia đình uống với đắp mặt chơi thôi chứ chả bán buôn gì. Mật ong hoa cà phê, hàng xóm mới quay và bán 80 000đ/lít nên quất 5 lít đủ mỗi sáng pha nghệ với mật ong uống quanh năm. Tây kể giá gốc là để các bạn biết thôi chứ không để buôn bán gì. Đừng nhờ mua, chả ai bán giá đấy cho các bạn ở phố cả! Tây lại trở về cái sở thích ngao du với nông sản Việt Nam. Hy vọng năm mới sẽ được tiếp xúc với mùa thu hoạch nhiều loài cây mới.
Buôn Ama Thuột, 23/2/2018 (mồng 8 tết Mậu Tuất)

Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, February 22, 2018

TẾT SẼ NHƯ THẾ NÀO TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ TẠO LINH NGỌC TỪ XƯƠNG CỐT


     Cả năm chơi Facebook, trọn ngày vuốt điện thoại nên mấy ngày tết, Tây cố gắng sống thật một tí. Gần như 6 ngày đầu tiên của năm mới, Tây không đăng gì cả, không bấm like hay còm vào bất kể status của ai vì sợ những hành động ấy như một sự chèo kéo bạn bè vào thế giới ảo, bỏ rơi thế giới thật xung quanh họ. Mình chả tương tác gì, họ đăng tút lên, chả ai tương tác thì họ tự khắc buông điện thoại và ngắm con chơi, trả lời mấy câu hỏi vớ vẩn của chúng, giúp vợ đôi ba việc vặt ngày tết. Bây giờ Tây mới viết, vẫn là những câu chữ lượm lặt từ chiều 30 đến nay thôi.
1.
Ông anh nọ (đáng tuổi bố của Tây nhưng chơi phải cái đứa mất dạy, lẳng lơ như Tây nên bị Tây gọi bằng anh he he), lập nghiệp ở Cần Thơ nhưng có mẹ già ở ngoài Bắc. Qua Facebook, anh có kết bạn với một người đồng nghiệp đang sống ở Hà Nội. Đều như bắp, người bạn ảo (đã thành thật) này cũng lặn lội qua phà vượt sông ghé thăm mẹ của anh ấy vào những ngày cuối chạp hằng năm. Mỗi một cái tết xa quê, anh ấy lại được bạn cập nhật tình hình sức khỏe của mẹ và không khí xuân quê nhà đầy đủ. Đáng trân trọng tình bạn qua facebook này quá đỗi. Ấy là cái tình của những người đang sống với nhau. Còn khi đã quá vãng?



2. 
Tết là thời khắc người ta nói đến những luật tục trong vòng đời của con người. Con người vẫn hay đau đáu rằng tết thì không về thắp nhang cho mồ mả tổ tiên được. Năm nay, hóng được tin rằng Ngọc Ban ở Buôn Ma Thuột quê nhà đã được chính phủ Hàn Quốc tài trợ công nghệ máy móc để tạo linh ngọc xá lợi từ xương cốt người đã khuất. Hiện nay ở Dak Lak đã có xu hướng chết rồi thì con cháu thay vì dùng 70 triệu xây mộ thì đem xác về Nha Trang hỏa thiêu theo tỉ lệ cháy nhất định rồi đem xương về tịnh xá Ngọc Ban tạo viên xá lợi để thờ tại nhà, con cháu dễ đem đi phương xa tiện thời cúng. Có lẽ đây sẽ là giải pháp cho người Việt khi muốn thường xuyên hương hỏa lại vừa muốn vươn xa về miền đất hứa lập nghiệp.

3.
Đi chúc tết, nhà nào cũng bảo năm nay hết ba ngày tết mà hạt dưa chỉ tốn vài nắm đãi khách. Ai cũng nhận định rằng tết nhạt dần theo từng năm, ít đi chúc tụng nhau. Đàn ông thì sợ đến là bị mời bia, mỗi nhà mỗi lon như mọi năm, không chịu nổi. Đàn bà lại muốn ở nhà chơi với con cái. Tết nó về dược mấy ngày, có đứa mồng hai đã về lại nơi công tác rồi. Bây giờ, cứ được nghỉ vào khoảng thời gian nào, khi ấy là tết thôi. Còn trên mạng xã hội, tết dương lịch lỡ chúc mừng hăng hái quá nên tết cổ truyền cũng giảm nhiệt hẳn đi, chỉ rặt than vãn. Dù lâu nhưng chắc chắn sẽ chỉ ăn một tết nếu xuất hiện một tội đồ thiên cổ nào đó, dám cấm nghỉ tết âm, cho nghỉ tết dương lịch một tuần. Dân ghét nhưng cũng chẳng chống cự mạnh mẽ gì.
***

    Tây cũng như mọi người, vừa yêu lại vừa chán tết. Đành để tết tự thân nó vận động chuyển hóa một cách tự nhiên vậy.
Buôn Ama Thuột, 22/2/2018 (mồng 7 Tết Mậu Tuất)
Tây Nguyên Xanh
No comments