Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, March 3, 2018

XEM BÓI TÒI CHỒNG


   Làng bên có anh tên Sún. Từ bé anh đã hay gây xích mích, đánh nhau với trai làng nên có lần bị đánh sập mặt gãy răng cửa, thế là chết với cái tên Sún ấy. Bố anh được cả làng tôn xưng bằng thầy nhờ cái tài bắt ma giải hạn, phán tướng số nghe hay ho thôi rồi. Cả nhà anh và nhà những dì ghẻ của anh chả phải làm gì cũng có tiền ăn xài là nhờ khoản tiền cúng tế từ khách các nơi đổ về. Anh học dốt và hay phá phách là vì thế. Chả cần đọc sách cũng có tiền xài mái thoải cơ mà. Gái trong làng chẳng ai ưa anh. Nhưng anh tuyên bố là vợ anh phải đẹp và ngoan nhất làng

    Anh ngẩn ngơ yêu cô con gái của bà bán nước chè dưới gốc đa đầu làng. Bà bán nước lẫn cô gái khinh anh ra mặt. Anh nổi cáu, sẵn sáng đánh nhừ tử thằng nào dám bén mảng đến hàng rào nhà nàng và quán nước. Lâu ngày, gái đã đến thì phổng phao mà trai chả có mống nào đến tán. Mụ hàng xóm lại cứ chõ mõm vào nhà khuyên nên đưa con bé đi cậy Thầy (bố anh Sún) giúp đỡ xem có phải bị duyên âm không. Bà mẹ đâm lo nên nghe theo.

    Mụ hàng xóm nói đúng thế. Quả là nàng có dính duyên tình với người cõi âm thật. Thầy phán phải có cái lễ bắt ma cho thanh thoát cuộc đời mới có duyên với người trần thế được. Nhưng phải làm sao cho ma xuất hiện để bắt? Thầy bảo cái buồng kín sau điện thờ kia, lột hết quần áo ra. Và phải tuyệt đối thoải mái hưởng ứng từng động tác sờ mó của chàng trai phàm tục như thể yêu hắn lắm thì con ma kia mới vì ghen tuông mà xuất hiện được. Ở ngoài này thầy sẽ đọc chú bắt ba. Còn ai vào đây nữa, anh Sún là chàng trai phàm tục ấy.
  
    Anh khoan khoái, hoan hỷ sử dụng những mánh khóe, kỹ nghệ dâm dê từng thực hiện để thể hiện với nàng. Tất nhiên là nàng ban đầu sợ lắm nhưng rồi lại thinh thích và mê mẫm khi nào không hay. Khi sắp đến màn sút luân lưu bỗng thì có tiếng chuông báo hiệu hạ lễ. Tiếc thế chứ lị. Nàng nghĩ thế.

    Nàng về nhà với những ấn tượng sương sướng ấy. Mấy ngày sau, anh Sún ra tín hiệu nói có thích như hôm nọ không. Nàng gật đầu và lén bố mẹ theo anh Sún ra bãi ngô. Chả biết họ làm cái trò gì mà giờ cả làng đang hò nhau đi ăn cỗ cưới anh chị ấy. Nghe đâu bụng chị ấy cũng lùm lùm rồi. Đi xem bói tòi ra cả thằng chồng thật chứ đùa à. He he.

Thủ Dầu Một, 3/3/2018
Tây Nguyên Xanh


No comments

Friday, March 2, 2018

LOANH QUANH BÊN CÁI NHÀ XIA



   Cầm một tờ giấy. Bước lên ngai vàng. Bỗng một tiếng vang. Cơn mưa ập tới. Hoàng tử ra đời. Đó là một đoạn đồng dao mà Tây đã nghe dì ruột đọc ở quê ngoại Hưng Nguyên (Nghệ An). Nó miêu tả cái quá trình đi vệ sinh, thôi nói toạc ra là đi ỉa cho nó dân dã, từ khi đau bụng đến lúc gửi trọn tình yêu vào đất Nào phải như bây giờ, vào nhà vệ sinh (dân Nghệ Tĩnh gọi là nhà xia, miền Bắc là nhà xí, miền Nam là nhà cầu) đã có sẵn cuộn giấy mềm. Thuở còn chưa có cái gọi là xí ngồi xí xệp thì lúc rơi vào trạng thái “đi nhanh, về chậm”, lắm người vơ đại tờ giấy dùng để nhen lửa ở góc bếp hoặc xé vội cuốn vở học trò đã viết rồi phóng nhanh ra cuối vườn. Nơi ấy, có một cái hố, hai tấm gỗ bắc hai bên hai bên và thôi thì thối kinh lên được. Thế nên nó phải được ví với cái ngai vàng cho tâm lý bước lên nó hứng khởi tí.

   Lại có hai câu ví von về chiều cao mà Tây nhớ mãi, ấy là “cao như cái sào chọc cứt” và “cao như cây chuối đứng bên nhà xia”. Lại vẫn tại cái kiểu nhà xí nơi góc vườn ngày xưa mà hình thành nên mấy câu ấy. Hai tấm gỗ dùng đặt hai chân ấy cách nhau rộng quá thì dạng mỏi háng, mà hẹp quá thì đôi khi ị đùn troèn lên thành nhà xí. Phải dùng cây sào dài dài tí, đứng xa gạt xuống cho đỡ hôi. À, cây gì trồng bên nhà xí chả tươi tốt, huống hồ bụi chuối. Loài cây thường hay trồng ở góc vườn, tiện cho cho việc xe khuất tầm nhìn. Các cụ ví von sao mà thực tế thế nhỉ?

   Và, “quẹt khu vô nữa” là lối nói liên quan đến cái nhà xia mà Tây vẫn muốn lưu lại cho con cháu đọc. Người Nghệ Tĩnh khi đi ị, nếu có giấy thì người ta chùi đít còn không thì phải dùng que củi khô hoặc cành cây nhỏ để…quẹt đít. Cái đít được họ phát âm là cái khu. Người ta dùng cái thuật ngữ quẹt khu để từ chối những điều không thích và không coi trọng.

    Không đùa nhé, thanh niên Ấn Độ bây giờ có câu khẩu hiệu khi tán gái, ấy là yêu anh đi, nhà anh có chỗ đi vệ sinh kín đáo, sạch sẽ rồi. Ở Ấn Độ việc nam thanh nữ tú phải đi ị đồng thậm chí ngồi ngay bên đường ray xe lửa là chuyện thường ngày. Xây nhà vệ sinh khá tốn nên ít nhà có mà nó lại là nhu cầu bức thiết. Xây cái nhà cầu như này của người miền Tây, có lẽ dễ lấy vợ lắm đây. He he.

   À, Tây muốn hỏi dân Bình Trị Thiên là câu chửi “đồ ẻ trịn” có nghĩa là gì thế? Nó có phải là ám chỉ người bị tiêu chảy không?
Thủ Dầu Một, 2/3/2018
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Internet



No comments

Thursday, March 1, 2018

EM CÓ PHẢI LÀ CÔ GÁI CỦA THÁNG BA TÂY NGUYÊN?



    Đừng hoài nghi em như thế anh à. Anh bảo rằng em là người Tây Nguyên sao không biết hoa Pơ Lang là gì, cũng chưa một lần đứng dưới bóng Kơ Nia và em cả gan nói con chim Kơ Tia chính là con vẹt. Oan em, anh à! Em cất tiếng khóc chào đời vào một đêm mùa mưa Tây Nguyên. Khi em biết nhoẻn miệng cười với nắng thì cà phê và hồ tiêu đã phủ xanh những quả đồi và triền đất Tây Nguyên. Rừng lùi về ở một góc xa xôi nào đó. Những con thác đã được ngăn thành hồ thủy điện. Những con suối không còn chảy róc rách nữa bởi nó đã được khoét sâu và rộng hơn để làm hồ chứa nước tưới cây. Tất cả dành cho cây công nghiệp, Pơ Lang đỏ, Pơ Lang trắng, Kơ Nia, Bòn Bon, Tầm Vông…không có trong tuổi thơ của em, anh à.

   Tháng ba Tây Nguyên trong em chỉ có cảnh những chú ong ve vãn hoa cà phê. Cơn gió thổi ngược khiến các chú ong thợ ấy phải lách mình, nghiêng cánh khiến phấn hòa mật hoa bị đổ ra, rơi đầy lên những thứ trên đường bay. Rồi tháng ba cũng là tháng hàng xóm quay mật, mẹ đi mua những lít mật ong đầu tiên của năm. Nó ngọt và nó làm em say đứ đừ vì chưa ăn sáng đã mút sáp ong anh ạ.

    Anh à, em cũng muốn được một lần nắm tay anh, bẽn lẽn ngắm sắc đỏ hoa gạo quê anh, chính là hoa Pơ Lang quê em đó anh. Người ta yêu Tây Nguyên quê em quá nên cố gắng cãi rằng hoa Pơ Lang với hoa gạo có kích thước khác nhau. Em nghĩ đó là vì đất tốt hay xấu chứ không phải vì giống cây. Và, nếu bây giờ anh có hôn em dưới bóng Kơ Nia thì em cũng không biết mình đã có kỉ niệm ngọt ngào dưới cây có rễ dài nhất Việt Nam (gốc ở miền Nam uống nước nguồn miền Bắc). Còn anh muốn biết Kơ Tia ở Tây Nguyên nhiều như thế nào thì mời anh về quê em vào khoảng cuối tháng tư và đầu mùa trái cây anh nhé. Chúng thật là cái bọn “nói như két”. Chúng gọi nhau suốt ngày. Hãy hỏi người Tây Nguyên bản địa da ngăm xem có đúng Kơ tia là con vẹt không anh nhé.

   Em dỗi anh rồi. Tháng ba này em không ở nhà để đón anh về với bầu trời xanh Tây Nguyên. Em mặc kệ anh một mình với bụi đỏ mịt mùng được hất tung bởi luồng gió mùa khô. Liệu anh có thể tin em, một cô gái bỏ Tây Nguyên vì giấc mộng kim tiền? Hãy nói dối là anh tin em, được không?
 Thủ Dầu Một, 1/3/2018
Tây Nguyên Xanh

No comments

Wednesday, February 28, 2018

TƯỚI ĐUỔI


   Mồng 3 tết, trời bỗng dưng gửi một vài giọt mưa vào đất để chào đón tiết Vũ Thuỷ. Vấn đề là cây cà phê những ngày đỉnh điểm mùa khô (khoảng trước và sau tết Nguyên Đán) chả khác gì gái dâm đâu các cụ ạ. Cứ có nước là hứng khởi tươi xanh. Đã vậy mưa hôm đó lại còn lây rây như kiểu sờ lờ gái dâm. Thế là hoa cương lên, căng cứng ra, uy hiếp sẽ nở banh chành. Không đủ nước cho nó đủ mọng cánh thì có mà năm nay mất mùa như chơi. Khái niệm tưới đuổi được hình thành từ đây. Vâng, tưới đuổi cho kịp cung cấp nước vào thời khắc hoa phát dục.

   Chiều mồng ba tết nhà nhà xếp ống, sáng mồng bốn người người lũ lượt nổ xe công nông chạy ra rẫy tưới cà phê. Đã tưới đuổi thì không thể kiêng cữ chọn ngày đẹp để ra quân ra queo gì cả. Quý hồ có nước về mương ngay sát lô cà nhà mình là ngon rồi. Tất cả cùng phơi nắng và thức đêm để tưới cho kịp.

   Và tết, chả nhẽ hết nhanh một cách ráo hoánh như thế. Hàng xóm chưa đi thăm thì rủ nhau đến chúc vào tối mồng ba cho hết. Nhân thể nhờ vả kêu công đi trực máy, vác ống phụ giúp luôn. Bỗng dưng tối mồng 3 mới thực là buổi tối lắng đọng đáng nhớ của những cái tết mà mồng 4 phải kéo ống đi tưới cà phê. Chỉ một vài năm phải chịu cảnh tưới đuổi như này thôi.

    Một năm thường có 3 đợt tưới, các đợt cách nhau 20 ngày tương đương với sự kéo dài của ba đến bốn tháng mùa khô. Bao giờ có mưa đầu mùa thì dứt tưới. Mỗi một đợt là mỗi lần tập trung nhân lực và vật lực. Tưới nước là nhân tố quyết định then chốt cho sự sai trĩu quả nên ai cũng đau đáu, lo lắng vì nó. Và năm nay, Tây sẽ truyền tải hơi thở mùa tưới cà phê cho các bạn phương dược đồng hành cùng nhịp sống của người Tây Nguyên.
    ***
    Hình ảnh tưới cà phê ở lưng chừng đồi ven quốc lộ 14 đấy. Tây chụp bằng điện thoại nên không đẹp lắm. Lúc chụp có sương dày.
Thủ Dầu Một, 26/2/2018
Tây Nguyên Xanh
No comments