Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, March 10, 2018

SÀI GÒN MƯA THÁNG GIÊNG



    Tôi viết bài này dưới cơn mưa ở nơi cách Sài Gòn 40 km. Và tôi cũng hay tin Sài Gòn đã có mưa vào đêm hôm trước. Vầng, đó là cơn mưa giữa đất trời tháng giêng Nam Bộ. Nó không phải thứ mưa xuân lún phún từng hạt bay bay như miền Bắc thân yêu. Nó là những hạt to rơi trên mái tôn đủ át tiếng ca khúc Sài Gòn Mưa Tháng Giêng được phát ra từ máy tính của tôi. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha có nhiều bài nhưng tôi chỉ nghe nhõn bài này.

    Biết bài hát này lâu rồi, từ hồi năm 2011, thuở còn say đọc blog của nhạc sĩ Nguyễn Trong Tạo hồi ông cùng mấy ông khác cố vớt cái hệ thống blog vnweblogs. Ông giới thiệu bài này của nhac sĩ Nguyễn Thụy Kha, tôi nghe thử rồi vào kho lưu trữ của blog để tải về. Nhưng mãi 7 năm sau, tức là hôm nay tôi mới có thể viết bài cảm nhận này vì bây giờ mới hội tụ đủ ba yếu tố ấy là mưa, tháng giêng và Sài Gòn.

   Là bởi tôi muốn chứng thực xem có đúng “tháng giêng hoang lạnh giữa cao âm lặng thành phố lên đèn” vì mưa hay không. Nó có nỉ non như “là nước mắt ai thầm kín từ đâu rớt rơi về trái tim” không. Và tiếng mưa có phải  “là tiếng hát ai đẫm ướt canh vắng lướt không gian đi tìm và cứ thế buông hồn nhiên vào tháng giêng Sài Gòn.” không. Tôi là tôi chả tin mấy ông nhạc sĩ lắm đâu. Các gã ấy hay lừa tình lắm he he.

   Thì đây, chả biết gã nhạc sĩ phụ tình ai hay ai đã phụ tình lão mà trong bài hát, lão chợt ré lên thế này :”Em nơi phương xa vì sao nỡ làm giá buốt mến thương vừa vương. Tuôn mưa tuôn mưa, làm xao xác chiều đang xuống làn nắng cuối cùng. Không phai không phai, dáng hình ấy nét cười ấy mãi là nắng sáng. Thắp trong tâm hồn nhớ da diết người, tình vẫn trong ngần”. Kinh, nắng nóng mùa khô vào độ tháng giêng ngột ngạt chết đi được. Thế mà cơn mua ngắn ngủn trái mùa có thể dập tắt được bao thứ ấy thì có mà mưa thánh. Nhỉ? Nghệ thuật là phải nói quá lên thế, phỏng ạ?

   Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cũng có bài hát có giọng điệu kiểu đầm đầm mà réo rắt kiểu như bài hát này, ấy là Thành Phố Ngọn Gió Nam Nhâm. Nao ra Vinh, xem gió Nam Nhâm nó như nào mới viết được nhưng ai có điều kiện gặp hai lão ấy thì hỏi giùm tôi xem hai lão ấy có sáng tác cùng lúc trong bữa uống trà không thế he he.
***
     Một chút kỉ niệm với đêm mưa xuân Mậu Tuất giữa đất trời miền Đông Nam Bộ
10/3/2018
Tây Nguyên Xanh

No comments

CÁI KẾT NGỌT CHO HỢP ĐỒNG CHỜ CHỈ TIÊU BIÊN CHẾ



    Trong một tiệc cưới con của cô đồng nghiệp, khi chủ nhà đến bàn chúc rượu, anh nói cô cạn với con ly này nhé cô, ly cuối cùng trước lúc chia phôi mãi mãi. Chắc không còn dịp nào ngồi cùng mọi người nữa rồi cô ạ…

   Anh là một trong 600 (báo chí chỉ đưa tin 500) giáo viên nằm trong diện buộc thôi việc của huyện Krong Pak, tỉnh Dak Lak vào ngày 9/3/2018 vừa qua. Anh đã dạy được gần 10 năm nay. Mỗi một năm anh phải biếu hiệu trưởng 20 triệu để được gia hạn hợp đồng vào đầu năm học mới, ngày tết phải có thùng bia nhờ vả cô kế toán cân đối ngân sách để chi tiêu sao cho vẫn có lương cho nhân viên hơp đồng. Hợp đồng lao động của anh có cái tên miệng rất mỹ miều ấy là “Hợp Đồng Chờ Chỉ Tiêu Biên Chế”. Khởi đầu muốn có được kiểu hợp đồng này phải mất (tỉnh theo giá việc làm năm 2013):
- 120 triệu cho suất giáo viên tiểu học, mầm non, giáo viên dạy Văn, Sử, Địa, sinh, công dân, kỹ công và nông, thể dục bậc THCS,
- 150 triệu cho suất giáo viên Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh cho bậc THCS.
- 200 triệu cho suất giáo viên Văn, Sử, Địa, Thể dục cho bậc THPT.
- 230 triệu cho suất giáo viên Toán, Lý, Sinh, Hóa, Tiếng Anh bậc THPT.
- Một suất trong trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện là 180 triệu.

    Đưa trước 100 triệu, khi nhận quyết định thì giao đủ. Khi nhận quyết định ai cũng nở mày nở mặt bởi cái hợp đồng có nghĩa là không năm nay thì năm sau, hễ có chỉ tiêu biên chế thì chỉ cần thêm khoảng 50 triệu nữa thì sẽ được là biên chế mãi mãi chứ cái bọn chỉ là hợp đồng suông, không nằm trong chỉ tiêu biên chế thì không bằng. Hồi ấy ai muốn quen môi trường sư phạm ở huyện Krong Pak thì phải biết cái thuật ngữ “chạy ông L”. Nay ông L chuyển việc khác, những hợp đồng ông đã ký bị cắt sạch. 600 bạn ôm nhau trong ngày hôm qua 9/3.

   Tôi đã có 3 năm ở nhà để khao khát cái hợp đồng như thế. Không xin được vào ngày ấy có thể là cái may của hôm nay. Bởi tôi chỉ thích làm cho doanh nghiệp nước ngoài. Xưa vì nhỏ con nên bố mẹ tôi mói không tin người ta mướn người nhỏ con như tôi. Dẫu biết rằng thợ may, thợ ảnh, chủ quán ăn… phải mất khoảng ít nhất 100 triêu để làm vốn đầu tư cửa hàng. Cái tiền xin việc ấy âu cũng là một dạng dầu tư như bao nghề khác thôi. Chỉ là ghét cái sự rao giảng rằng hệ thống giáo dục luôn trong sạch. Tây Nguyên xa xôi heo hút, ai thèm đâm đơn lên trên ấy dạy. Nghĩa là cứ học sư phạm ra thì nếu không xin được ở đồng bằng là lên Tây Nguyên mà hốt việc. Mỡ đấy mà húp!
Bình Dương, 10/3/2018
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, March 8, 2018

CHO VỪA LÒNG EM



     Ngày hôn lễ, tại nhà thờ, Đức Cha hỏi con có đồng ý lấy người con gái mà sau khoảng hai chục năm nữa cô ấy sẽ trở nên sồ sề, những to toan sẽ khiến cô ấy cáu bẩn với con và nhất là chuyện chăn gối sẽ là nỗi ngán ngẩm không? Hắn mỉm cười (thầm nghĩ cha xứ này hài hước quá), nói đồng ý.

    Mười lăm năm sau, hắn đã là bố của hai đứa con. Một ngày nọ, các con đang tuổi học vày học vò, đi học thêm học bớt các kiểu cho đủ kiến thức cho những kỳ thi quyết định. Chúng ăn xong là buông đũa đó, leo lên bàn học nên một tay vợ hắn dọn dẹp hết. Có một ngày, hắn thấy cái chậu đầy bát đĩa, tưởng vợ vắng nhà nên hắn rửa cho gọn chỗ. Hắn cẩn thận lắm mà thế quái nào vẫn bị rơi cái bát trong vô thức. Vợ hắn bỗng từ trong nhà thò đầu ra. Thế là hắn bị chửi, trời đất thánh thần ơi, tôi có sai có khiến ông rửa bát đâu mà ông làm bể cái bát to của tôi rồi. Của một đống bạc đấy trời ơi. Nhà thì đã nghèo còn vụng như này thì lấy gì mà bỏ vào mồm trời ơi. Chả nhẽ đánh vợ. Nàng ta lại chả bù lu bù loa cho xóm giềng nghe ấy à, chán, hắn bỏ đi uống rượu với bạn bè.

    Có hôm đi phố mua mấy thứ nông cụ. Tiện thể thấy cái nồi vừa dày vừa to lại vừa rẻ. Hắn mua một cái về hí hửng khoe vợ ngay. Vợ hắn nghe thấy giá tiền thì mặt xanh nanh vàng chửi ông là cái đồ phá gia chi tử, muốn mua cái gì trong nhà này đều phải hỏi tôi chứ mua ba cái thứ tào lao này mà làm gì. Hãy tưởng tượng cảm giác muốn giúp ai đó nhưng giúp xong thì bị té tát, bạn sẽ hiểu tâm trạng của hắn lúc đó. Lại chả nhẽ đánh vợ cho thiên hạ bu vào xem. Lại say…

   Hôm nay ngày tám tháng ba, những kẻ ăn trắng mặc trơn rủ nhau mua hoa hồng tặng vợ. Hắn cũng muốn thể hiện nhưng thôi, chả dại mua làm gì. Hắn biết tính vợ. Nàng ta cắc ca cắc củm giành dụm lắm. Thế rồi hắn nói với vợ rằng mẹ chúng nó à, hôm nay thiên hạ vợ chồng con cái rủ nhau đi giã ngoại, ăn uống các thứ. Con cái nhà mình không được thế, cũng tội chúng. Hay mẹ đi mua ít lòng heo về bố đổ dồi cho cả nhà mình ăn nhé. Vợ hắn tỏ vẻ khó hiểu lắm, vừa như cảm động lại vừa lạ lạ làm sao ấy.

   Nàng ta đi chợ về. Chồng rửa lòng, vợ rang lạc thái rau. Chồng nhồi mọi thứ rồi đem luộc. Dồi vừa chín, hai vợ chồng chụm hai cái đầu lại vừa thổi vừa ăn thử xem có ngon không. Rồi họ nhoẻn miệng cười, cứ như thể cái thời mới cưới. Con cái đi học về, thấy mâm cơm thịnh soạn, nghe chúng vỡ òa với cái từ oa và khen cơm nhìn ngon thế sướng trong lòng.

  Tối về, con giải bài tập. Bố mẹ giải tỏa những hờ hững đang vướng trong nhau…Hết ngày!
Thủ Dầu Một, 8/3/2018
Tây Nguyên Xanh
No comments