Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Tuesday, April 3, 2018

NHỮNG ĐỨA TRẺ Ở KHU CÔNG NGHIỆP



    Có thể chúng sinh ra ở một vùng quê nào đó rồi theo cha mẹ đến cái khu công nghiệp này sống. Chúng lớn lên trong những căn phòng trọ 30  mét vuông. Và tại cái nơi chật chội ấy, những túng thiếu, những cãi vã đã diễn ra triền miên. Chúng chứng kiến hết. Chúng không có phòng riêng để mặc kệ chuyện người lớn. Mọi trăn trở của người lớn, chúng đều biết chỉ là hiểu hay không mà thôi. Ngay cả lúc môi cha chạm vào ngực mẹ, nửa đêm vô tình tỉnh giấc, chúng cũng hé mắt thấy…
  
    Một buổi chiều như bao nhiều khác, tôi đi ngắm nắng đỏ vàng vắt vẻo trên tóc của những đứa trẻ cùng cha thả diều, ngắm giọt mồ hôi lăn dài trên má của những anh công nhân chơi bóng đá sau giờ tan ca, ngắm sự đon đả của những người đàn bà bán hàng rong nơi bãi đất trống. Bãi ấy hoang là bởi chủ của nó đang chờ giá đất cao thì bán cho kẻ đầu cơ đất khác chứ nó nào có được hoang như cái triền đê nơi con trẻ ở miền thôn dã hay thả diều. Đất ở đây phân lô bán hết rồi…

    Tôi hỏi một người cha đang cùng con trai thả diều rằng anh không có hộ khẩu thường trú ở đây thì làm sao cho con học đi học. Anh bảo chỉ cần chủ trọ làm cái giấy đăng ký tạm trú thì tụi nhỏ được đi học hết em. Giờ tôi mới hiểu sao có một thời nơi này tuyển giáo viên nhiều đến thế. Cứ 70 triệu lót tay thì có cái chân đứng trên bục giảng ở tỉnh này. Hồi ấy, so với các tỉnh miền núi, giá việc làm nhà nước ở đây như thế là mềm lắm rồi. Chứng tỏ nó dễ xin. Nguồn lao động các tỉnh đồ về, trẻ em “đông như quân Nguyên” nên trường học mọc lên như nấm.

   Khi xin đất xây dựng khu công nghiệp, hình như các chủ đầu tư đều vẽ ra viễn cảnh sẽ biến nơi ấy thành thị xã nên đi dọc đất nước mình, nơi nào đất trống, không có cây trồng mà được xưng danh thị xã thì ư như nơi ấy có khu công nghiệp.  Chả biết 50 năm nữa, khi hợp đồng thuê đất khu công nghiệp kết thúc, con cháu của những đứa trẻ này đã được ở nhà lầu, đi xe hơi giữa lòng thị xã này chưa, hay vẫn loay hoay trong cái phòng 30 mét vuông…
 Bến Cát, 3/4/2018
Tây Nguyên Xanh

No comments