Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, April 27, 2018

CHUYẾN THĂM LỊCH SỬ HĨ HĨ


     Sẽ là chuyến thăm lịch sử nếu tối nay anh lên xe và sáng mai bước chân qua cổng nhà em, các trai ạ. Lần đầu tiên sau gần 30 năm, cuộc căng thẳng sợ con gái ế chồng sẽ được lắng xuống để nhường cho những cuộc hội đàm hỏi thăm anh bao nhiêu tuổi, yêu em được bao lâu rồi. Cuộc chiến đấu chống những lời xỉa xói của hàng xóm khiến bố mẹ em vô cùng hao tiền của và sức lực. Bố mẹ em phải mua đồ ăn ngon để vỗ béo em. Bố mẹ phải lo bảo vệ em để em luôn tươi trẻ. Thực sự cuộc chiến “chống lầy” cho em vô cùng cam go và khốc liệt, các trai ạ. Có những lúc em tưởng chừng mình không thể thở được khi nhìn thấy trai đẹp chưa vợ bước tới. Tim em cứ loạn nhịp lên. Nó nhảy múa hoan ca khiến trong đầu em nghĩ hay là mình hôn đàm dấu chủ quyền một phát trên môi anh kia đi nhỉ.

   Các trai ạ, em đang nghĩ cái loa phóng thanh phát ra từ mõm của những mụ hàng xóm sẽ cập nhật đầy đủ tin tức cho cả làng biết anh có bao nhiêu sợi râu trên cằm và bước chân nào qua cổng. Em muốn ôm hôn anh ngay giữa ngã sáu Buôn Ma Thuột – trái tim của tỉnh nhà Dak Lak. Chắc người ta cũng sẽ nói về điều ấy. Ối ồi ôi, cái sự thoát ế của em là một sự kiện mang tầm quan trọng vượt thời đại. Bởi lẽ, chứa gái chưa chồng trong nhà như chứa bom nổ chậm. Cần phải tháo ngòi nổ ra kẻo quả bom này có mức độ tàn sát cực kỳ khủng khiếp. Nó làm đôi môi của láng giềng mấp máy liên tục vì đồn thổi. Thật kinh hoàng.

   Vậy nên em đánh giá cao tinh thần trách nhiệm vì trái tim và cộng đồng của anh nào tối nay lên xe về cùng em. Yêu em thì về Buôn Ma Thuột hừ hà, hự hà hừ he he.
Buôn Ama Thuột, 27/4/2018
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Trần Dũng
No comments

Thursday, April 26, 2018

CÀ PHÊ GIẢ HAY PHÂN BÒ GIẢ?


   Mấy nay Tây trở nên ba phải, con năm cũng ừ mà con tư cũng gật khi xem các bài báo khác nhau về vụ cà phê pin ở Dak Nông. Tây đã từng biên về nó, đăng rồi, hốt like rồi, chả nỡ xóa đi he he. Nhưng bụng nghĩ có khi nào mình đang hùa theo cái phong trào ác ý nào không? Hay ít nhất mình cũng đang “giúp” xã hội bất an thêm. Là bởi Tây đang nghĩ về những cơn mưa đầu mùa vừa mới rơi hôm qua hay hôm trước đây thôi. Sau mưa đầu mùa sẽ là mùa trồng trỉa, ủ phân bò để bón cho cà phê, tiêu, điều… Bã cà phê, bụi tiêu và vỏ trấu cà được nhuộm đen bằng ruột pin để nhào bùn, trộn với phân bò thật cho nó…thum thủm đúng mùi rồi bán cho nông dân. Tất nhiên là làm giả cái gì cũng đáng ghét. Nhưng phân bò giả đỡ tởm lợm hơn gán cho người ta cái mục đích làm cà phê giả bằng pin. Chắc họ không ác đến mức ấy. Thời điểm này họ bị bắt quả tang bởi người ta ráo riết săn lùng nguyên liệu giả để kịp thời vụ bán cho mùa mưa đến. Hãy nghĩ theo chiều hướng ấy cho đỡ sợ các con nghiện cà phê sáng ạ.

    Tây chả biết bò ở đâu mà ỉa ra lắm cứt tươi roi rói thế. Đến mùa mưa, nhà nhà đổ xô đi mua phân bò bón cho cà phê. Một hecta nhẽ phải một ô tô to chà bá mới đủ. Mà tiêu chí chọn phân là phải còn hơi nhão một tí, có đôi cọng rơm để tin nó lấy từ trong chuồng bò. Gớm, các cụ nông dân cà phê cứ nhấn nhá độ ướt của phân bò để chứng minh phân nhà mình mua là tốt. Vậy nguồn phân ở đâu ra?

    Hỏi ngu nhỉ? Từ đít con bò chứ đâu. Vấn đề là bao nhiêu cái đít và năng suất hoạt động của đít như nào mới là quan trọng. Bò chủ yếu được người ở buôn làng dân tộc thiểu số nuôi. Bởi họ coi bò là nguồn sống và dùng trong lễ ma chay cưới hỏi, sính lễ cũng được quy ra tiền tậu bò đấy. Và hằng ngày có người già và trẻ em dắt bò đi chăn ở những lô cao su và bìa rẫy cà phê. Bò gặm cỏ và vô tư oánh rắm xong ỉa pèn pẹt trên đường. Người Kinh siêng năng đi hốt về bỏ trong bao rồi chờ đến cuối mùa khô bán. Cũng kiếm được khá lắm đấy. Đừng đùa.

    Nhưng nguồn cung có lẽ khó đủ cho nguồn cầu vì phân để lâu có cũng hóa bùn một phần nhờ các bạn kiến với cả bọ xít nhể? Đến mùa, người ta huy động phân từ các miền trên cả nước. Cơ mà, khả năng phải độn bùn các kiểu chứ không thì làm sao đủ. Là biên thế để chứng minh cái khả năng vụ bắt quả tang vừa rồi là nguyên liệu sản xuất phân bò thôi. Tây trả dép các cụ này, đừng hóng nữa. Về với vợ mí chồng các cụ đi hĩ hĩ.

Bến Cát, 26/4/2018
Lời: Tây Nguyên Xanh
Nguồn ảnh: Arul Coffee
No comments

Monday, April 23, 2018

MỘT TÍ CHO ĐỨC TIN


     Mùa hè năm 2016, có một lần mình xuống trạm xe buýt ở đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh. Khi vừa bước xuống thì có hai cô bé nhỏ nhắn như mình, trẻ, tác phong nom giống sinh viên bước lại nhỏ nhẹ xin làm quen và hỏi mình có tin về thiên đàng không? Xong rồi hai cô bé lần lượt nói về sự sống và cái chết. Các cô cố giải thích cho luận điệu ‘chết nghĩa là trở về” chứ không phải mất đi. Con người sinh ra là do Chúa giao nhiệm vụ, sau khi làm xong thì trở về thiên đàng. Các bạn ấy còn dùng ipad mở một đoạn clip họ thuyết giảng về vũ trụ, về ai đang chờ mình ở thiên đàng…Sau đó hai cô bé hỏi mình có gặp gỡ lần nữa để tìm hiểu sâu hơn không thì cho các bạn ấy số điện thoại, mình cả nể nên chỉ cho cái địa chỉ email. Hình như thấy mình không mấy mặn mà nên chả thấy có thư từ gì. Chuyện chỉ có vậy nên mình cũng chả có ấn tượng gì nhiều nếu như không có cái sự vụ hội thánh Đức Chúa Trời đang được phanh phui ở Hải Phòng và được đăng rộng rãi trên báo chí gần đây. Mình nghĩ hai cô bé ấy chắc thuộc cái hội thánh kia và đang âm thầm quy mộ tín đồ cho chi nhánh miền nam.

    Có gia đình nọ, nhà có hai căn phòng. Phòng bên trái thờ Phật, bên phải thờ Chúa và Đức Mẹ. Đêm chồng gõ mõ bên này, vợ đọc kinh thánh bên kia. Đúng nghĩa “amen mặc thiếp, khói hương mặc chàng”. Đôi vợ chồng ấy sống với nhau được cả đời vì tôn trọng đức tin của nhau. Lại có gia đình nọ ở thị xã Tây Ninh, chồng theo trường phái phật giáo Nam Tông (không thờ Phật Quan Âm Bồ Tát và trong bát hương cắm 4 cây nhang ở thành bố góc vuông và cây thứ 5 cắm ở giữa) nhưng vì yêu vợ nên chấp nhận học giáo lý hôn nhân, thi lấy bằng để kết hôn và sau này cũng theo đạo thiên chúa nhưng lạ là anh đặt tượng chúa sau bát nhang, anh thắp hương khi cầu nguyện đức chúa trời. Nghĩa là anh vẫn giữ niềm tin rằng chỉ có khói hương mới làm cầu nối liên kết đến các đấng tối cao.

    Kể những câu chuyện có thật ấy ra để thấy rằng các giáo phái muốn tồn tại lâu bền thì luôn phải tôn trọng những giá trị cũ. Song song cùng tồn tại chứ muốn bá chủ bằng cách xúi giục phá bỏ những thứ đã ngấm sâu vào tầng tầng lớp lớp văn hóa lối sống của người dân thì cơ bản là khó có đất chiêu mộ tín đồ ổn định. Nói ra không phải để thể hiện mình này nọ chứ mình khá tò mò về các tôn giáo. Về Tây Ninh, có những buổi chiều lang thang ở điện thờ phật mẫu của đạo Cao Đài, nghe họ kể về cái chùa Gò Kén nơi Phật của họ mượn đó làm nơi phát tích giáo phái. Hay mình cũng từng ngồi trong thánh đường trung tâm của đạo Islam ngay giữa lòng quận 1 để nghe tu sĩ giải thích vì sao đạo này lại có cái tên quen thuộc ấy là Hồi giáo. Rảnh rỗi mình vẫn vào nhà thờ chụp ảnh, chùa chiền các nơi. Thậm chí mình đã ngủ nhiều lần trong căn nhà của một gia đình bỏ đạo Cao Đài mà quyết tâm theo đạo Tin Lành. Hằng đêm họ đành đàn và hát thánh ca cho Chúa nghe. Tất cả có một niềm tin tuyệt đối vào đấng tối cao của họ.

    Có bạn Facebook đã đăng câu viết thế này “một đất nước không có đức tin là một đất nước không bình yên”. Mình không hoàn toàn đồng ý nhưng rất đồng cảm tinh thần người viết.
Bến Cát, 23/4/2018
Tây Nguyên Xanh
Bản quyền ảnh thuộc Microsoft
No comments