Nguồn ảnh từ FB Hoàng Trọng Muôn |
HOÀNG TRỌNG MUÔN
Truyền thuyết kể lại rằng, vào thế kỷ thứ 3, dưới sự trị vì của Hoàng đế Claudius đệ Nhị, đế chế La Mã tham gia nhiều cuộc chinh phạt đẫm máu khắp nơi khiến cho người dân kêu ca, oán thán. Claudius bạo chúa muốn quân đội của mình phải thật hùng mạnh, nhất là khi mà người chết trên chiến trường ngày một nhiều, nhưng việc bắt thanh niên gia nhập quân đội để bổ sung và tăng cường lực lượng lại rất khó khăn. Claudius cho rằng, lí do chính của việc này là do họ không muốn rời xa gia đình và xa vợ. Vì vậy, tên bạo chúa đã ban ra một sắc lệnh nghiêm cấm tất cả những người trẻ tuổi ở thành La Mã lập gia đình vì gia đình, những người vợ và người yêu sẽ làm cho người đàn ông mềm lòng, thiếu dũng khí để gia nhập quân đội và hôn nhân cũng làm cho các chiến binh mất đi lòng hăng hái, sự dũng cảm nên cũng không muốn hi sinh cho Tổ quốc. Điều này làm cho những người yêu nhau vô cùng đau khổ. Thấu hiểu điều đó, Valentine, một vị linh mục tốt bụng thành Roma đã bí mật tổ chức đám cưới cho những đôi trai gái yêu nhau theo đúng nghi thức của nhà thờ. Chuyện đến tai tên bạo chúa Claudius khiến hắn vô cùng tức giận, cho bắt giam Valentine. Tuy nhiên, Claudius biết Valentine rất được lòng dân chúng nên tạo cơ hội cho ông hối cải việc làm của mình và có đức tin với các vị thần La Mã thì sẽ được tha tội chết. Valentine đã khảng khái từ chối nên phải chấp nhận một cái chết cực kỳ bi thảm. Claudius cho người kéo lê Valentine khắp thành, đến quảng trường cho người ném đá tới tấp vào ông, sau đó dùng gậy đánh cho đến lúc sắp chết thì chặt đầu. Đó là ngày 14 tháng 2 vào khoảng năm 270 sau Công nguyên.Trong lúc bị giam trong ngục, cô con gái người cai ngục bị mù đã ngưỡng mộ Valentine từ lâu, nay thường xuyên đến thăm và đem lòng yêu ông. Ông thấy mình thật ấm áp và hạnh phúc khi được một cô gái trẻ đẹp yêu thương, chăm sóc. Bằng tình yêu và niềm tin mãnh liệt của mình, ông đã chữa lành đôi mắt cho người yêu. Trước khi ra pháp trường, Valentine đã gửi lại cho cô gái một lá thư với dòng chữ ngắn ngủi: “From your Valentine” (Valentine của em). Cô đã khóc và ghi thêm vào cạnh đó dòng chữ: “Be my Valentine”, một câu nói mà sau này được nhiều người sử dụng. Câu nói đó có thể hiểu, cô đã coi Valentine như người của mình, một người yêu vĩnh cửu. Người ta đã hiểu câu này theo nhiều cách khác nhau như: “Anh yêu em”, “Em yêu anh”, “Tình yêu của em”… Thời Trung cổ, Valentine đã được coi như một vị anh hùng, một vị Thánh ở Anh và Pháp.
Vào thời gian ông bị hành quyết, người dân thành La Mã cũng đang tổ chức lễ hội truyền thống Lufercalia để tưởng nhớ một vị thần La Mã. Trong lễ hội này, những chàng trai sẽ rút thăm để chọn cho mình một cô gái. Trò bắt thăm ngẫu nhiên đầy may rủi đó sẽ mang lại hạnh phúc lứa đôi cho mọi người. Đó là một niềm tin được truyền lại qua nhiều thế hệ. Khi Valentine qua đời, người dân thành Roma đã lấy ngày mất của ông là 14 tháng 2 để tổ chức lễ hội tình yêu, vừa thay thế cho lễ hội Lufercalia, vừa để tưởng nhớ đến người đã dũng cảm giúp họ có được gia đình hạnh phúc. Từ đó, ngày 14-2 là ngày của Thánh Valentine, ngày Lễ Tình yêu.
Trong ngày Valentine, những người đang yêu và đang đi tìm người yêu thường tự tay làm một tấm thiệp hình trái tim để tặng cho người bạn tình của mình, trong đó thường ghi một bài thơ hoặc mấy câu thơ tình rất hay, hoặc là lời tỏ tình dễ thương mà mình rất muốn nói ra nhưng không thể diễn đạt thành lời. Từ năm 1800, đã có những cửa hàng chuyên làm thiệp Valentine để bán. Bây giờ người ta còn phát triển thêm nhiều dịch vụ tình yêu nữa như du lịch, ca nhạc, đi ăn uống, các dịch vụ của ngành bưu chính… Nhưng đơn giản và mang ý nghĩa truyền thống hơn cả thì chỉ cần một bông hoa hồng và một thanh kẹo sôcôla là ngày Valentine đã đậm đà hương sắc tình yêu.
HOÀNG TRỌNG MUÔN
(In trong Nơi nào cũng có tình yêu – NXB Thanh Niên, 2006)
HOÀNG TRỌNG MUÔN
(In trong Nơi nào cũng có tình yêu – NXB Thanh Niên, 2006)
Nguồn bài tại Hoàng Trọng Muôn Facebook
0 comments:
Post a Comment