Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, April 24, 2024

ĂN MIẾNG THƠM GIỮA ĐÔI DÒNG CÁI LỚN VÀ CÁI BÉ

    Đứng trước nhà thờ chánh toà thành phố Cà Mau sau chặng đường từ đất mũi trở về, mình tự hỏi giờ đi lại đường cũ hay tìm con nước của miền Tây. Thế là chọn rẽ trái vào đường bên hông nhà thờ để xuôi quốc lộ 63 đến thành phố Rạch Giá. Một con đường mà bên này là nhà dân và bên kia là sông. Đi chậm rãi và ngắm người địa phương tương tác với sông. Lâu lâu dừng lại quán ven đường để mà nghe dân than thở thậm chí vợ chồng cãi nhau, để mà thấm chút phong sương bụi đường nơi xứ lạ, để mà hiểu cái giá của sự tự do là cô đơn. Độc hành là vậy.


    Dứa, ôi bạt ngàn trái Thơm, người ta đang hái Khóm giữa đoạn đường nối hai cầu bắc qua sông Cái Lớn và sông Cái Bé. Chao ơi là tiếng Việt, có một thứ trái ngoại lai cùng một hình thù như thế, vậy mà mỗi miền một cách gọi khác nhau. Thú vị là khóm cũng là một đơn vị hành chính của khu dân cư. Phải chăng vì nhà ở san sát chùm chụm như mắt trái khóm chăng? Nắng tháng tư khô quắt. Ngồi dưới bóng mát cây tràm, ăn miếng thơm, hớp ngụm nước và nghĩ về phù sa, về những chiếc túi đan từ sợi lá Thơm.

   Rời đi mà lòng nuối, không biết bao giờ mới có thể trở lại với tư cách chụp ảnh trọn quy trình từ hái lá đến tách sợi và đan thành đồ thủ công mỹ nghệ hoặc trọn quy trình đóng hộp đưa Thơm ra biển lớn.

Kể lại kỷ niệm tháng tư năm 2017
Thành phố Bến Cát, 24/04/2024
Tây Nguyên Xanh

No comments

Wednesday, March 20, 2024

CÁCH NUÔI NGẢI SĂN THÚ TỪ THỰC VẬT CỦA NGƯỜI H’RE

Trong quá trình nghiên cứu ảnh hưởng của yếu tố tâm linh trong hiện trạng bảo tồn các loài thực vật quý hiếm tại Việt Nam, những ngày qua, tôi tình cờ gặp được một người đã từng nuôi ngải Mớc theo văn hoá tâm linh của người H’re tại huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Nếu như ngải Mách là loại ngải dùng để mách bảo quá khứ (chứ không mách được chuyện tương lai và phải cúng bằng gà lông trắng) thì ngải Mớc của người H’re xưa giúp họ dự đoán tương lai có săn được nhiều thú rừng hay không và ngải này dùng hai loài cây khác nhau ứng với loại ngải Mớc giúp bắn chính xác và loại ngải Mớc giúp dụ thú rừng đi về phía mình để dễ săn. Ngải dụ thú tôi sẽ kể ở bài khác, bài này chỉ kể về ngải bắn chính xác.

Để thỉnh ngải về nhà mình, người ta phải đến nhà thầy cúng xin ngải với mục đích gì. Thầy cúng sẽ cầm một cái khăn trắng, buông lời khấn nguyện và dặn dò ngải từ nay hãy đi theo và giúp đỡ người này vì mục đích như đã xin. Sau đó thầy cúng đích thân quàng chiếc khăn này lên cổ và trao củ của một loài cây cho người chơi ngải. Người chơi ngải trở về nhà, không được thốt ra tiếng nói trong một ngày một đêm. Trong thời gian cấm khẩu, người đó phải tìm nơi thật sạch sẽ, không bao giờ có người khác được phép đến chỗ ấy để ươm củ của cây này lên. Đồng thời phải sau khi làm thành công chuyện đã cầu xin rồi thì mới được cất tiếng nói trở lại. Ví dụ xin ngải để về săn được thú rừng thì phải đi săn về rồi mới được mở miệng nói chuyện. Làm sai ý nguyện sẽ khiến ngải mất tác dụng ngay lập tức. Điều đặc biệt ở đây là cách nuôi ngải.

Người ta cho ngải ăn trong một cái ống tre treo đâu đó trong căn nhà. Thức ăn cho ngải là vài giọt máu của con thú vừa săn được, đọt lá non hoặc hoa của loài cây mà được trồng nơi bí mật kia. “Không bao giờ” tưới nước cho cây. Người ta chỉ ngó xem nếu cây ra lộc non thì biết sắp săn được nhiều thú. Mà nếu năm đó cây trổ bông thì ôi thôi cuộc sống sung túc lắm. Khi cây rụi gốc, không sống nữa thì đồng nghĩa ngải mất tác dụng. Vì vậy chơi ngải này rất tốn cây.



Tất nhiên rồi, vì tôn trọng ý nghĩa tối thượng của đức tin nên người chơi ngải không bao giờ nói tên cây cho tôi biết. Họ chỉ miêu tả rằng cây này lá trông khá giống lá của cây Thiên Niên Kiện (Homalomena occulta) nhưng nó có bẹ xung quanh củ như bẹ của cây cải, củ to to dài dài cỡ củ cải trắng luôn. Chiếu theo các dữ kiện này cùng với những dẫn liệu về vùng sinh sống của tộc người H’rê cũng như vùng phân bố của các loài cây thuộc chi Thiên Niên Kiện (Homalomena) của họ Ráy (Araceae). Tôi cho rằng cây dùng làm nuôi ngải đó là Thần Phục, hay chính là loài Thiên Niên Kiện Pi-e (Homalomena pierreana). Loài này được Engler công bố vào năm 1912. Lịch sử nghiên cứu loài này đều ghi chép rằng có phân bố ở nam miền trung nhưng nay gần như không còn trong tự nhiên nữa. Mãi đến năm 2018, các nhà nghiên cứu mới phát hiện vùng phân bố mới của nó ở tại đảo Phú Quốc. tỉnh Kiên Giang. Ngoài ý nghĩa về y học, việc trồng nhưng không được tưới nước vì yếu tố tâm linh khiến cây có tuổi thọ không cao, dẫn đến người dân đi nhổ trực tiếp từ rừng về quá nhiều. Có lẽ vì vậy mà loài này trở nên hiếm gặp trong tự nhiên.


Tài liệu tham khảo và nguồn ảnh:

- Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Số 39B, 2019

- Sách Cây Cỏ Việt Nam tập 3, trang 347, NXB Trẻ, 2000

- Tạp chí dược học quân sự số 1-2023

- Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 377.

Bến Cát, 20/03/2024
Tây Nguyên Xanh
No comments

Friday, January 12, 2024

TRUYỀN THUYẾT NỮ THẦN LÚA GẠO DEWI SRI CỦA INDONESIA

Nguồn ảnh: Earthstoriez
 
    Trong tiếng Anh, từ vựng “paddy” có nguồn gốc từ âm ‘padi” của người sống trên đảo Bali. Trong tiếng Indonesia, “padi” là từ dùng để chỉ cây lúa còn ở trên cánh đồng. “Gabah” là hạt lúa mới được tuốt ra khỏi cành. “Beras” là hạt thóc phơi khô. Và “Nasi” tương đương với từ “cơm” trong tiếng Việt. Nhân chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Indonesia, tôi dịch lại truyền thuyết nữ thần lúa gạo Dewi Sri được tôn thờ ở đảo Bali và Java.

   Chuyện kể rằng vua Sri Mahapunggung của xứ Mendang Kamulan công bố hoàng tử Sedana mất tích. Đột nhiên, sứ thần của vua Pulagra đến từ xứ Mendang Kumuwung đến xin cầu hôn công chúa Dewi Sri. Cô công chúa này chỉ chấp nhận kết hôn với người nào mà có hình dáng giống như anh trai Sedana. Dewi Sri đã chạy trốn khỏi cung điện nên đã bị quân của vua Pulagra truy bắt.

Cô đã chạy đến xứ Mendang Tamtu, nơi mà Ki Buyut Wangkeng và vợ đang gặt lúa. Khi Dewi Sri lại gần cối gỗ chuyên dùng giã gạo, họ đã mời cô vào nhà. Đó là một căn nhà sạch sẽ ngăn nắp. Lúc này quân truy đuổi chạy đến và có cuộc ẩu đả sau đó, nhân lúc này Dewi Sri chạy trốn xa hơn và bị một người tên là Kaladru đuổi theo. Cùng lúc này, Batara Guru biết hoàn cảnh của cô công chúa đáng thương này. Ông ấy đã cho cô biết rằng anh trai Sedana của chô đang ở đâu trong rừng Mendang Agung. Và anh em họ đã đoàn tụ sau khi Sedana đánh bại Kaladru. Sau đó, Sri và Sedana quyết định dựng chòi sống trong rừng. Hoàng tử Sedana được tặng những hạt giống và cây con. Hai anh em Sri và Sedana bị hối thúc kết hôn nhưng họ từ chối nên bị tách nhau ra. Trong lúc đang ngủ, thần linh đã biến Sedana thành con chim nhạn, còn Dewi Sri bị biến thành con rắn nước “ular sawah”. loài rắn thường sống ở ruộng lúa.

    Khi vua Sri Mahapunggung nghe tin những đứa con của mình không chịu trở về, ông thở dài, than rằng “Ôi Sri, con sẽ phải lột xác như một con rắn. Ôi Sedana, con sẽ phải làm tổ ở xứ lạ như một con chim nhạn”. Đúng như lời nguyền, chuyện này thành hiện thực. Khi tỉnh dậy, Sri và Sedana sợ hãi lẫn nhau và ly biệt. Sri ẩn nấp trong cánh đồng lúa. Chủ ruộng đã bắt được và nhốt cô trong bồ lúa của mình. Cô đã hiện lên trong giấc mơ của người nông dân và khuyên ông làm thế nào bảo vệ đứa con chưa sinh của mình khỏi hiểm nguy. Thế là từ đó họ tôn thờ Dewi Sri thành nữ thần lúa gạo.

Bình Dương, 12/01/2024
Tây Nguyên Xanh

No comments

Monday, July 24, 2023

LỊCH SỬ SỬ DỤNG DANH TỪ ‘HOÁ THẠCH’



    Khi nghiên cứu lịch sử trái đất, chắc chắn ít nhiều chúng ta bắt gặp thuật ngữ “Hoá Thạch” trong tài liệu tiếng Việt. Hẳn rồi, nó là từ Hán Việt, bắt nguồn từ hai chữ 化石. Vậy người Trung Quốc đầu tiên sử dụng hai chữ Hoá Thạch này là ai và viết trong cuốn sách nào? Và yếu tố chính trị nào khiến nó bị dùng sai cho đến ngày nay?

    Ấy là, Thẩm Quát (沈括) sinh năm 1029 và mất 1093, đã đề cập đến hoá thạch của măng tre (竹笋化石) và hoá thạch của sò Xà Thận (蛇蜃化石) trong Dị Sự (异事) của cuốn 21 thuộc bộ sách Mộng Khê Bút Đàm (梦溪笔谈). Theo như hai đề mục này thì thuật ngữ Hoá Thạch không phải là từ mà là tổ hợp kết cấu động từ tân ngữ, nghĩa là biến đổi thành đá.

    Hai chữ Hoá Thạch vẫn được dùng với nghĩa biến thành đá cho đến cuối thế kỷ 19 thì xuất hiện danh từ rất thường dùng để gọi tên các hoá thạch đó là Cương Thạch (僵石) trong các sách nổi tiếng thời đó như Địa Học Thiển Thích (地学浅释), Tây Học Quan Kiện (西学关键) hay Liệt Quốc Du Ký – Khang Hữu Vy Di Cảo(列国游记——康有为遗稿) . Trong đó từ Cương có nghĩa là chết khô và Thạch là hòn đá. Nghĩa là hòn đá hình thành từ sinh vật chết khô. Cương Thạch được dùng rất nghiêm ngặt, không hề lẫn lỗn thay thế cho thuật ngữ Hoá Thạch.

    Sự kiện Nhật chiếm Trung Quốc và người Nhật đã mượn sai hai chữ Hoá Thạch để bổ sung vào hệ thống chữ Kanji của mình cùng với sức mạnh chính trị của người Nhật ở thế kỷ 20 khiến cho các tài liệu khoa học ở Trung Quốc và sau này Việt Nam dịch lại cũng sử dụng hai từ Hoá Thạch làm danh từ cho đến ngày nay.

***

Nguồn tư liệu:

1. Giới thực vật trong các giai đoạn địa chất tỉnh Liêu Ninh( 辽宁地质历史时期的植物界 ) của Trịnh Thiếu Lâm (郑少林) và Trương Võ (张 武)

2. Hoá Thạch khảo nguyên (“化石”考源) của Hoàng Hà Thanh (黄河清)

Bình Dương, 24/07/2023
Tây Nguyên Xanh
No comments

Thursday, May 4, 2023

CỎ KUSHA TRONG PHẬT GIÁO VÀ ẤN ĐỘ GIÁO

Nguồn ảnh: Flowers In Israel

     Đây là loài cỏ mà sa môn Gotama (Cồ Đàm) dùng làm đệm ngồi thiền dưới cây bồ đề trong đêm chính thức đắc đạo, trở thành đức Phật Sākyamuni (Thích Ca Mâu Ni). Ngài được chú bé Sotthiya Svastika (Cát Tường) trao cho bó cỏ này ở bên đường. Trong văn tự Sankrit cổ, cỏ này có tên là Kusha (tiếng Hán dịch là 吉祥草 Cát Tường Thảo). Ngày nay người Ấn Độ gọi nó là cỏ Halfa. Tên khoa học của nó là Desmostachya bipinnata (L).

    Trong thần thoại của đạo Hindu (Ấn Độ giáo), người ta miêu tả rằng cỏ Kusha xuất hiện sau cú khuấy động biển vũ trụ Samudra Manthan. Khi thần thánh và quỷ dữ sẵn sàng khuấy động biển vũ trụ, không có ai bảo vệ chân núi Madhara. Thần Vishu hoá thành một con rùa và bò đến bảo vệ. Trong suốt cuộc khuấy động, rùa đã mọc lông để quét sạch bờ biển. Những sợi lông này sau đó đã hoá thành cỏ Kusha.

    Cỏ này mà được rơi vãi vài giọt mật thánh Amrita (một kiểu như nước Cam Lộ trong Phật Giáo vậy) thì nó tăng khả năng chữa bệnh. Trong kinh Srimad Bhagavad Gita (kinh này ghi lại cuộc đối thoại giữa Krishna và Arjuna), thần Krishna nói trong chương 6 rằng: “Để thực hành phương pháp thiền Dhyan yoga, ngươi phải ngồi an tịnh trên đệm toạ. Đệm toạ này được tạo ra bằng cách lấy cỏ Kusha nhét bên trong một lớp da nai đã thuộc và được bọc vải mỏng.”

    Hẳn rồi, cỏ Kusha cũng là một cây thuốc trong hệ thống tri thức Ayurvedic (y học cổ truyền Ấn Độ). Khoa học đã chứng minh cỏ này có thể hấp thụ 60% bức xạ nhiệt. Thành phần hoá học có trong cỏ này thì nhiều nhưng gần đây đáng quan tâm nhất là hoạt chất “Xanthene 2,6-dihydroxy-7-methoxy-3H-xanthen-3-one” được cho là có khả năng ức chế tế bào ung thư ruột kết.

***

Nguồn tư liệu:

1. Trang 59, sách Sự Tích Đức Phật Thích Ca, tác giả Minh Thiện và Diệu Xuân, phiên bản 2017

2. Bài báo: Novel Sacrificial Medicinal Repositories: Halfa grass, Desmostachya bipinnata (L.) and Cogon grass, Imperata cylindrica (L.) của Vitthalrao Bhimasha Khyade, Shubhangi Shankar Pawar và Jiwan Pandurang Sarwade , đăng trên tạp chí World Scientific News (WSN 100 (2018) 35-50)

3. Bài báo: Grasses and their Varieties in Indian Literature, tác giả KG Sheshadri, đăng trên Asian Agri-History Vol. 17, No. 4, 2013 (325–334)

4. Bài viết Kusha Grass trên trang mạng khandro.net

5. Từ điển Phật Học Pali – Anh – Hán online

Bình Dương, 04/05/2023
Tây Nguyên Xanh


1 comment

Thursday, April 27, 2023

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 37: Ô NHỤC CHO CÁI GỌI LÀ ĐẶC SẢN TÔM RỪNG


    Đôi khi các bạn biết tôi quê ở Tây Nguyên nên hay hỏi quê tôi có đặc sản gì để khi ghé thăm, bạn mua về. Câu trả lời kinh điển của tôi luôn là Tây Nguyên không có gì là đặc sản ngoài thú rừng bị săn bắt và những món ăn có nguồn gốc tự nhiên bị thổi phồng giá trị. Trong Nhân Chủng Học, khi đánh giá văn minh của một tộc người, yếu tố Ẩm Thực Côn Trùng (Entomophagy) luôn bị soi xét rất kỹ. Một tộc người chỉ có thể được công nhận là văn minh nếu nguồn thực phẩm của họ là những thứ tự trồng được và nuôi được chứ không còn phụ thuộc vào tự nhiên sẵn có. Còn tộc người nào đã tự chủ được nguồn thức ăn rồi mà còn ăn các loài côn trùng không tự nuôi được như một kiểu ăn chơi sang chảnh thì lại càng khiếm khuyết về văn minh. Món ăn được xào nấu từ con nhộng trong ảnh là một hệ quả của sự khiếm khuyết trong ý thức hệ của người Kinh ở Việt Nam.

    Con trong ảnh là nhộng của loài bướm Chanh Di Cư (tên khoa học: Catopsilia pomona). Loài bướm này nổi tiếng bay thành đàn rất đẹp ở nông thôn Tây Nguyên trong những ngày giữa tháng ba cho đến giữa tháng tư hằng năm. Bởi vì người Tây Nguyên thường trồng cây muồng để chắn gió trong các rẫy cà phê. Lá của cây muồng là nguồn thức ăn cho con sâu của loài bướm này. Ngày xưa, chỉ có người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên với đi bắt sâu và nhộng của con này về ăn. Thế nhưng những năm gần đây, người Kinh trên khắp cả nước biết người đồng bào ăn những thứ này. Ban đầu họ tỏ ý ghê tởm rồi chuyển sang tò mò và ăn thử. Dẫn đến bây giờ con nhộng này bị cho là Tôm Rừng Tây Nguyên. Tởm cho cái gọi là lăng xê quảng cáo chưa? Những ngày này, Facebook ngập tràn hình ảnh những cái nong (nia, mẹt) chứa đầy sâu đi bắt về, chờ đến tối nó hoá nhộng là gom bỏ vào ngăn đông tủ lạnh rồi chuyển thùng xốp xuống bán cho dân Sài Gòn với giá hai trăm nghìn một ký.

    Tôi đã từng nói trước đây rồi. Tôi không kỳ thị việc ăn côn trùng của người dân tộc bản địa. Nhưng mà người Kinh, giống người tự cho là văn minh hơn mà cũng hùa theo ăn hết phần của chim chóc thế này thì nó cũng rất…kinh. Những đàn chim Kơ Tia (con vẹt) bay về đậu xanh rì những rặng cây lấy sâu đâu mà ăn? Rồi nó còn bay về mãi nữa không? Thử tưởng tượng đất mà vắng tiếng chim thì sởn gai ốc cỡ nào. Đó là chưa kể bên Thái Lan, các nhà khoa học đã tính được công thức nhiệt độ môi trường giảm bao nhiêu mỗi năm thông qua việc đếm mật độ trứng của loài Bướm Chanh Di Cư rồi đấy nhé. Bạn người Kinh nào cảm thấy tự ái thì vui lòng đừng ăn và khuyên bạn bè mình đừng ăn. Thế cho nó khỏi nhục chứ vào hùa chửi tôi vơ đũa cả nắm là tôi block đấy!
Bình Dương, 27/04/2023
Tây Nguyên Xanh
1 comment

Saturday, April 15, 2023

NHỮNG ỨNG DỤNG CỦA CÔN TRÙNG HỌC PHÁP Y TRONG ĐIỀU TRA HÌNH SỰ

Tác giả ảnh: Đặng Thanh Tình

   Côn trùng học pháp y (Forensic entomoligy) là một bộ môn khoa học có vai trò quan trọng trong việc đi tìm những bí ẩn của tử thi. Ý nghĩa quan trọng nhất của nó là xác định thời gian tử vong của nạn nhân. Tiếp đó là xác định vết thương gây án, hung thủ có quay lại hiện trường hay không, xác định đúng hiện trường gây án và trước khi chết, nạn nhân có sử dụng chất kích thích hay không.

     Khi một người hoặc động vật chết đi, chỉ trong vòng vài phút sau sẽ có những con côn trùng thuộc bộ Ruồi (Diptera) đến đẻ trứng. Những con ruồi tuy đã trưởng thành về vóc dáng nhưng cơ quan sinh dục ngoài của chúng vẫn chưa hoàn thiện. Hoa quả thối có thể là nguồn thức ăn nuôi sống chúng hằng ngày nhưng phải có protein trên xác thối thì chúng mới có thể đẻ trứng được. Và các con dòi ấu trùng của nó chỉ có thể sinh trưởng trong môi trường xác thối cho nên những con ruồi phải tìm mọi cách kiếm những cái xác tươi nhất có thể để duy trì nòi giống.

     Những con ruồi ưu tiên xâm lấn vào những vết thương hở để hút máu đầu tiên. Nếu trước khi chết, nạn nhân không hề bị trầy xước ngoài da thì những con ruồi sẽ xâm lấn vào khoé hốc mắt, lỗ mũi, miệng. Những nơi này màng da mỏng nên dễ dâm vòi vào hơn lớp da dày chỗ khác. Khi tiếp cận một đám ấu trùng nào đó, các bác sĩ pháp y sẽ cố gắng xác định con nào có tuổi đời già nhất để xác định thời gian tử vong tối thiểu. Bởi vì các loài ruồi chỉ hoạt động vào ban ngày cho nên nếu nạn nhân chết vào ban đêm thì phải đến trời sáng hôm sau mới có ruồi đến đẻ trứng, cho nên thời gian tử xong chỉ là con số gần nhất có thể.

    Nếu nạn nhân trước khi chết đã từng dùng thuốc kích thích, ví dụ Coain. Máu của nạn nhân có chứa các chất này sẽ khiến các ấu trùng của ruồi phát triển với kích thước đột biến. Bởi vậy dựa vào kích thước của ấu trùng, các bác sĩ pháp y có thể biết nạn nhân có sử dụng thuốc gì không.

    Khi nạn nhân tử vong ở hiện trường gây án rồi sau đó lại bị hung thủ di chuyển đến hiện trường mới. Hoặc vì lý do tâm lý mà các hung thủ thường quay lại hiện trường gây án, sự tác động vật lý đến thi thể cũng khiến sự xáo trộn các mối cân bằng của hệ côn trùng đang sống trong tử thi. Với sự khảo sát sự đa dạng chủng loại, tuổi đời của ấu trùng mà các chuyên gia côn trùng học có thể biết được có bao nhiêu kiểu môi trường mà tử thi đã trải qua.

***

Nội dung được lược dịch từ Trang 172 đến trang 199, giáo trình khoa học hình sự: Forensic Science, An Introduction to Scientific and Investigative Techniques tái bản lần thứ 4 của Stuart H.James, Jon J.Nordby & Suzanne Bell
Bình Dương, 15/04/2023
Biên dịch viên: Tây Nguyên Xanh

1 comment

Tuesday, April 11, 2023

VẬN DỤNG KIẾN THỨC TẬP TÍNH CON RUỒI TRONG PHÁ ÁN HÌNH SỰ THỜI PHONG KIẾN

   Trong lịch sử ngành khoa học hình sự thời phong kiến Trung Quốc có án lệ nổi tiếng nhất liên quan đến con ruồi (苍蝇). Quan pháp y trứ danh thời Nam Tống tên là Tống Từ (宋慈) đã ghi chép tỉ mỉ trong cuốn sách Tẩy Oan Tập Lục (洗冤集录) rằng:

Tác giả ảnh: Đặng Thanh Tình

     Có một người bị sát hại. Thi thể bị vứt ven đường. Ban đầu quan phủ nghi ngờ người này bị bọn cướp hãm hại nhưng qua quá trình khám nghiệm, phát hiện tài sản vẫn còn trên thi thể. Toàn thi thể có hơn 10 vết thương do cái liềm cắt lúa gây ra. Quan phụ trách trinh sát nói rằng nếu người này bị cướp sát hại thì tài sản phải mất chứ. Huống hồ có rất nhiều vết thương. Chắc chắn hung thủ có thâm thù đại hận gì với nạn nhân. Ông liền hỏi vợ của nạn nhân rằng chồng của cô đã từng gây thù chuốc oán với ai. Người vợ đáp rằng chồng mình bản tính nhân hậu, chưa từng làm phật lòng ai. Chỉ là dạo gần đây có người cùng thôn đến mượn tiền nhưng chồng cô không cho. Người đến này đã từng nói lời độc ác. Quan liền ra lệnh toàn bộ dân trong thôn đem liềm cắt lúa của họ gom lại để trình kiểm. Nếu nhà nào không giao nộp thì kẻ ấy là sát nhân, bắt ngay tại trận luôn. Thời điểm ấy đang là mùa hè oi ả, quan viên đặt toàn bộ liềm đặt trên đất. Trong đám liềm ấy có một cái bị ruồi tập trung bu lên. Quan ngay lập tức hỏi liềm này của ai. Có người nhận là liềm của mình. Người này chính là sát nhân nhưng một mực không nhận tội. Quan nói liềm của cả làng không ai bị ruồi bu cả, chỉ có liềm của ngươi còn mùi tanh máu còn vương lại nên ruồi đánh hơi được. Còn cãi à? Mọi người xem xử án đều á khẩu thán phục. Kẻ sát nhân cũng chỉ biết cúi đầu nhận tội. Từ án lệ này cho thấy thời nhà Tống, quan pháp y đã có nghiên cứu về côn trùng học. Con ruồi rất nhạy cảm với mùi của tanh máu động vật.

    Vụ án thứ hai cũng nhờ ruồi mà phá được án. Ấy là ở triều đại nhà Thanh, học giả Hồ Văn Bính (胡文炳) đã kể trong sách Chiết Ngục Quy Giám Bổ (折狱龟鉴补) về một vụ án liên quan đến ruồi như sau:

    Một thương nhân bị kẻ cướp sát hại. Điều tra tỉ mỉ rất lâu vẫn không tìm ra hung thủ. Quan huyện ra lệnh ép các quan bổ dịch (người phụ trách điều tra) phải bắt thủ phạm về quy án trong thời gian sớm nhất. Các quan bổ dịch đành phải phải tập trung tư liệu nhờ một vị quan bổ dịch đã nghỉ hưu đến giúp. Ngày nọ, cựu bổ dịch ngồi bên sông uống trà. Ông trông thấy có con thuyền chèo đến. Ông nói sát nhân ở trên con thuyền kia kìa. Quả nhiên sau thời gian thẩm tra thì người đó nhận tội. Quan huyện và các quan bổ dịch không biết cựu bổ dịch phá án bằng cách nào. Hỏi ra mới hay cựu bổ dịch ấy nhìn thấy đuôi con thuyền có treo cái chăn (mền) lụa với giặt. Trên khăn có rất nhiều con ruồi xanh bám lên. Đối với vải lụa, khi đem đi giặt chỉ có thể làm mất vết máu nhưng mùi tanh máu vẫn còn lưu lại. Chăn sạch này lừa được mắt người nhưng không lừa được những con ruồi. Chăn lụa vốn là vật cho người đắp lên, mặt trên nó không mười phần thì cũng có đến tám chín phần là thấm máu người. Huống hồ, chủ thuyền kia còn có tiền, lúc giặt chăn kiểu gì cũng gấp mặt chăn. Mà nếu nguyên cả chăn đều ngâm trong nước giặt thì chắc chắn nó đã thấm đều máu của nạn nhân.

***
   Trích dịch từ bài báo 古代笔记中的“名侦探苍蝇” của 呼延云 trên báo điện tử thepaper.cn
Bình Dương 14/04/2023
Phiên dịch viên: Tây Nguyên Xanh

1 comment

Monday, March 27, 2023

THỬ TÌM HIỂU CÁCH BÀO CHẾ NƯỚC SIRO TRÁI CÂY THỜI ĐỨC PHẬT CÒN TẠI THẾ



    Trong phần mở đầu bộ kinh Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Dược Sự (tiếng Pali là Mūlasarvāstivāda Vinayapiṭaka) của Phật giáo do pháp sư Tam Tạng, thời nhà Đường (Trung Quốc) biên dịch, đức Phật đã nêu tám loại nước uống giúp chữa bệnh sốt vàng da như sau:

1. Chiêu Giả Tương (招者漿): Đây là nước siro của quả lê Điên Chuỳ, tên khoa học là Pyrus bretschneideri

2. Mao Giả Tương (毛者漿): Đây là nước siro của hỗn hợp quả chuối hột và bột của hạt hồ tiêu. Tên khoa học của cây chuối này là Musa basjoo

3. Cô Lạc Ca Tương (孤洛迦漿): Tiếng Pali là Kurakā. Đây là nước siro của quả nhũ hương, tên khoa học của cây là Boswellia thurifera.

4. A Thuyết Tha Tương (阿說他漿): Tiếng Pali là Aśvattha. Đây là nước siro của quả sung có tên khoa học của cây là Ficus religiosa

5. Ô Ô Đàm Bạt La Tương(烏曇跋羅): Tiếng Pali là Udumbara. Đây là nước siro của quả sung có tên khoa học là Ficus glomerata.

6. Bát Lỗ Sái Tương (鉢魯灑漿): Tiếng Pali là Parūṣa. Đây là nước siro của quả Bời Lời (Cò Ke) Á Âu. Tên khoa học của cây là Grewia asiatica.

7. Miệt Lật Truỵ Tương (篾栗墜漿): Tiếng Pali là Mṛdvikā. Đây là nước siro nho Raisin

8. Khát Thọ La Tương(渴樹羅漿): Tiếng Pali là Kharjura. Đây là nước siro của quả chà là. Tên khoa học của cây là Phoenix dactylifera

    Vậy nước Tương mà bây giờ chúng ta hiểu nước Siro ấy thời đức Phật còn tại thế, ở bên Ấn Độ người ta đã bào chế như thế nào? Thông qua một bài báo nghiên cứu về loại nước uống Tam Lặc Tương (三勒漿) du nhập vào Trung Quốc bằng con đường Tơ Lụa thời nhà Đường trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử của đại học Bắc Kinh. Tam Lặc Tương ấy là một loại siro của hỗn hợp ba loại quả Ha Lê Lặc (诃梨勒tiếng Pali là harītakī, quả Chiêu Liêu có tên khoa học Terminalia chebula Retz), Tỳ Lê Lặc (毗梨勒, quả Bàng Hôi có tên khoa học Terminalia bellirica) và Am Ma Lặc (庵摩勒, tiếng Pali là āmalaka. quả me rừng có tên khoa học Phyllanthus emblica). Ngày ấy, người nhà Đường: “giã dập chứ không giã nhuyễn các loại quả này. Sau đó đổ một đấu Bạch Mật (白蜜Loại mật ong màu trắng tạo ra do ong ăn mật hoa cây Dương Hoè (Robinia pseudoacacia)), hai đấu nước Tân Cấp Thuỷ (新汲水một loại dầu ngọt hút lên từ lòng đất, thành phần hoá học chủ yếu là hợp chất Edetate disodium C10H14N2Na2O8). Sau đó đảo đều, bịt kín hũ. Ba bốn ngày sau mở ra đảo lẫn nữa. Lại bịt kín hũ đến 30 ngày sau nó sẽ có hương vị ngọt. Người uống sẽ bị say, bụng tiêu hoá tốt, bụng hết đầy hơi. Nếu đợi tám tháng sau mới thực sự ngon.” Như vậy qua cách làm được miêu tả trong sách Tứ Thời Đoản Yếu (四时纂要) viết từ thời nhà Đường này thì chúng ta có thể hình dung cách làm nước siro trái cây của người Ấn Độ xưa.

----

Tổng hợp kiến thức và trích dịch từ các file PDF tài liệu:

1. Kinh phật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Dược Sự hai phiên bản tiếng Trung và tiếng Việt.

2. Chuyên đề nghiên cứu法出波斯” :“三勒浆”源流考 của 陈明 trên tạp chí 歷史研究 số 335, xuất bản ngày 25/02/2012 của Trung Quốc.

3. Từ điển Phật học phiên bản Trung – Anh và các sách cây thuốc của Ấn Độ và Trung Quốc hai phiên bản tiếng Anh và Trung Quốc. Và các nghiên cứu về kinh Mūlasarvāstivāda Vinayapiṭaka trên tạp chí Journal of Indian and Buddhist Studies khác

***
Bình Dương, 2703/2023

Biên dịch: Tây Nguyên Xanh
1 comment

Thursday, March 23, 2023

CON ONG MẬT TRONG KINH QUR’AN CỦA ĐẠO ISLAM (HỒI GIÁO)

Tác giả ảnh: Phan Thức


     Kính mừng đại lễ tháng Ramadan (năm nay là 23/03/2023-20/04/2023) của các bạn theo đạo Islam. Đặc biệt gửi lời thương mến đến cộng đồng người Chăm ở bốn tình thành đó là An Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận và thành phố Hồ Chí Minh. Tôi có một lời hứa tham gia bữa cơm xả chay cùng anh em đạo hữu tại thánh đường nhưng 7 năm rồi chưa thực hiện được. Áy náy lắm thay. Hôm nay nhân đọc cuốn Thiên Kinh Qur’an bản Việt ngữ để tìm những câu viết về loài ong mật. Xin chép lại như một sự trân trọng đến đức Allah, “Đấng rất mực độ lượng, Đấng rất mực khoan dung” của các bạn:

    “67.- Và (một bài học) từ trái Chà Là và trái Nho mà các người ép ra chất rượu và có được một loại lương thực tốt. Quả thật, trong sự việc đó là một dấu hiệu cho một đám người thông hiểu.

     68.- Và Rabb (Allah) của Ngươi (Muhammad) đã mặc khải cho ong mật rằng: “Hãy xây tổ (làm nhà) trên núi, và trên cây và trên những vật mà họ (nhân loại) đã dựng lên.

     69.- “Và hãy ăn (hút mật) từ mỗi loại trái cây, rồi hãy đi theo các con đường thành thuộc của Rabb của ngươi”; từ trong bụng của chúng tiết ra một loại chất uống có nhiều mầu sắc khác biệt; trong đó chứa một dược liệu chữa bệnh cho nhân loại. Chắc chắn, trong sự việc đó là một dấu hiệu cho một đám người biết ngẫm nghĩ.”

***
     Trích điều 67, 68, 69 của Surah 16. An-Nahl (Ong Mât) trong cuốn Thiên Kinh Qur’an do Hassan Bin Abdul Karim chuyển ngữ tiếng Việt với sự hiệu đính của Sheikh Abdul Halim Ahmad Nguyễn và Sheikh Muhammad Afandi b. Muhamad Yusof
Bình Dương, 23/03/2023
Tây Nguyên Xanh

1 comment

Sunday, March 19, 2023

CÂY CHUỐI TRONG PHÉP THUẬT BÙA NGẢI

Tác giả ảnh: Diego Oliveira


     Có một người anh mê trà tâm sự với tôi rằng rất ngại nhận cây do người khác tặng vì sợ bị bỏ bùa. Chủ đề này có vẻ hấp dẫn, nhân thể tôi đọc tuyển tập những loài cây dùng làm bùa ngải của nhà nghiên cứu và thực hành tâm linh Scott Cunningham (1956-1993). Tôi sẽ lược dịch những loài thực vật có trồng ở Việt Nam và đã từng được dùng làm bùa ngải ở một số nơi trên thế giới.

      Để hiểu được nội dung này, các bạn phải biết rằng mỗi một loài cây đều có giới tính riêng, thuộc một hành tinh và nhân tố khí chất riêng. Giới tính thì có hai loại, hẳn rồi, đó là đực và cái. Còn hệ hành tinh trong văn hoá tâm linh thực vật là Mặt Trời, Mặt Trăng, Sao Thuỷ, Sao Hoả, Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thổ. Các nhân tố khí chất trong tâm linh thực vật gồm: Đất, Khí, Lửa, Nước.

      Với cây chuối, cụ thể là giống chuối mà người Nghệ Tĩnh chúng tôi gọi là chuối cau. Ở quê tôi, người ta chỉ cúng loại chuối này. Nó có tên khoa học là Musa sapientum. Cây này có giới tính là cái, thuộc hành tinh Sao Kim và khí chất là nước. Vị thần của chuối là Kanaloa. Chuối là biểu trưng cho năng lượng sinh sôi, quyền thế và của cải. Trong lễ tế thần ở đảo Hawaii và Tahiti, một thân cây chuối đôi khi được dùng như hiện thân của con người. Sau khi giải mã hình xăm Kapu ở Hawaii năm 1819, người ta biết rằng chuối là một trong những thức ăn bị cấm đối với phụ nữ đang phải chịu những cơn đau của không thể cứu chữa được. 

       Ngày nay chuối vẫn được dùng làm bùa ngải trong phép thuật Voodoo của cộng đồng người da đen tại Mỹ. Hoa chuối được coi là lưỡng tính (ái nam ái nữ). Vì chuối là biểu trưng cho sinh sôi cho nên nó được dùng trong các bùa chữa chứng giảm ham muốn tình dục. Và có lẽ vì ý nghĩa này mà nếu một cô dâu nếu được hành lễ kết hôn dưới một cây chuối thì sẽ không thể có hạnh phúc. Lá, hoa và quả chuối được dùng trong các loại bùa mưu cầu tài sản. Vì vậy khi ăn chuối, người ta bẻ trái chuối từ nhánh chứ không bao giờ dùng dao để cắt.

Bình Dương, 19/03/2023
Tây Nguyên Xanh

1 comment