Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, March 20, 2024

CÁCH NUÔI NGẢI SĂN THÚ TỪ THỰC VẬT CỦA NGƯỜI H’RE

March 20, 2024

Share it Please
Trong quá trình nghiên cứu ảnh hưởng của yếu tố tâm linh trong hiện trạng bảo tồn các loài thực vật quý hiếm tại Việt Nam, những ngày qua, tôi tình cờ gặp được một người đã từng nuôi ngải Mớc theo văn hoá tâm linh của người H’re tại huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Nếu như ngải Mách là loại ngải dùng để mách bảo quá khứ (chứ không mách được chuyện tương lai và phải cúng bằng gà lông trắng) thì ngải Mớc của người H’re xưa giúp họ dự đoán tương lai có săn được nhiều thú rừng hay không và ngải này dùng hai loài cây khác nhau ứng với loại ngải Mớc giúp bắn chính xác và loại ngải Mớc giúp dụ thú rừng đi về phía mình để dễ săn. Ngải dụ thú tôi sẽ kể ở bài khác, bài này chỉ kể về ngải bắn chính xác.

Để thỉnh ngải về nhà mình, người ta phải đến nhà thầy cúng xin ngải với mục đích gì. Thầy cúng sẽ cầm một cái khăn trắng, buông lời khấn nguyện và dặn dò ngải từ nay hãy đi theo và giúp đỡ người này vì mục đích như đã xin. Sau đó thầy cúng đích thân quàng chiếc khăn này lên cổ và trao củ của một loài cây cho người chơi ngải. Người chơi ngải trở về nhà, không được thốt ra tiếng nói trong một ngày một đêm. Trong thời gian cấm khẩu, người đó phải tìm nơi thật sạch sẽ, không bao giờ có người khác được phép đến chỗ ấy để ươm củ của cây này lên. Đồng thời phải sau khi làm thành công chuyện đã cầu xin rồi thì mới được cất tiếng nói trở lại. Ví dụ xin ngải để về săn được thú rừng thì phải đi săn về rồi mới được mở miệng nói chuyện. Làm sai ý nguyện sẽ khiến ngải mất tác dụng ngay lập tức. Điều đặc biệt ở đây là cách nuôi ngải.

Người ta cho ngải ăn trong một cái ống tre treo đâu đó trong căn nhà. Thức ăn cho ngải là vài giọt máu của con thú vừa săn được, đọt lá non hoặc hoa của loài cây mà được trồng nơi bí mật kia. “Không bao giờ” tưới nước cho cây. Người ta chỉ ngó xem nếu cây ra lộc non thì biết sắp săn được nhiều thú. Mà nếu năm đó cây trổ bông thì ôi thôi cuộc sống sung túc lắm. Khi cây rụi gốc, không sống nữa thì đồng nghĩa ngải mất tác dụng. Vì vậy chơi ngải này rất tốn cây.



Tất nhiên rồi, vì tôn trọng ý nghĩa tối thượng của đức tin nên người chơi ngải không bao giờ nói tên cây cho tôi biết. Họ chỉ miêu tả rằng cây này lá trông khá giống lá của cây Thiên Niên Kiện (Homalomena occulta) nhưng nó có bẹ xung quanh củ như bẹ của cây cải, củ to to dài dài cỡ củ cải trắng luôn. Chiếu theo các dữ kiện này cùng với những dẫn liệu về vùng sinh sống của tộc người H’rê cũng như vùng phân bố của các loài cây thuộc chi Thiên Niên Kiện (Homalomena) của họ Ráy (Araceae). Tôi cho rằng cây dùng làm nuôi ngải đó là Thần Phục, hay chính là loài Thiên Niên Kiện Pi-e (Homalomena pierreana). Loài này được Engler công bố vào năm 1912. Lịch sử nghiên cứu loài này đều ghi chép rằng có phân bố ở nam miền trung nhưng nay gần như không còn trong tự nhiên nữa. Mãi đến năm 2018, các nhà nghiên cứu mới phát hiện vùng phân bố mới của nó ở tại đảo Phú Quốc. tỉnh Kiên Giang. Ngoài ý nghĩa về y học, việc trồng nhưng không được tưới nước vì yếu tố tâm linh khiến cây có tuổi thọ không cao, dẫn đến người dân đi nhổ trực tiếp từ rừng về quá nhiều. Có lẽ vì vậy mà loài này trở nên hiếm gặp trong tự nhiên.


Tài liệu tham khảo và nguồn ảnh:

- Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Số 39B, 2019

- Sách Cây Cỏ Việt Nam tập 3, trang 347, NXB Trẻ, 2000

- Tạp chí dược học quân sự số 1-2023

- Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 377.

Bến Cát, 20/03/2024
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment