Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, April 27, 2023

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 37: Ô NHỤC CHO CÁI GỌI LÀ ĐẶC SẢN TÔM RỪNG

April 27, 2023

Share it Please

    Đôi khi các bạn biết tôi quê ở Tây Nguyên nên hay hỏi quê tôi có đặc sản gì để khi ghé thăm, bạn mua về. Câu trả lời kinh điển của tôi luôn là Tây Nguyên không có gì là đặc sản ngoài thú rừng bị săn bắt và những món ăn có nguồn gốc tự nhiên bị thổi phồng giá trị. Trong Nhân Chủng Học, khi đánh giá văn minh của một tộc người, yếu tố Ẩm Thực Côn Trùng (Entomophagy) luôn bị soi xét rất kỹ. Một tộc người chỉ có thể được công nhận là văn minh nếu nguồn thực phẩm của họ là những thứ tự trồng được và nuôi được chứ không còn phụ thuộc vào tự nhiên sẵn có. Còn tộc người nào đã tự chủ được nguồn thức ăn rồi mà còn ăn các loài côn trùng không tự nuôi được như một kiểu ăn chơi sang chảnh thì lại càng khiếm khuyết về văn minh. Món ăn được xào nấu từ con nhộng trong ảnh là một hệ quả của sự khiếm khuyết trong ý thức hệ của người Kinh ở Việt Nam.

    Con trong ảnh là nhộng của loài bướm Chanh Di Cư (tên khoa học: Catopsilia pomona). Loài bướm này nổi tiếng bay thành đàn rất đẹp ở nông thôn Tây Nguyên trong những ngày giữa tháng ba cho đến giữa tháng tư hằng năm. Bởi vì người Tây Nguyên thường trồng cây muồng để chắn gió trong các rẫy cà phê. Lá của cây muồng là nguồn thức ăn cho con sâu của loài bướm này. Ngày xưa, chỉ có người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên với đi bắt sâu và nhộng của con này về ăn. Thế nhưng những năm gần đây, người Kinh trên khắp cả nước biết người đồng bào ăn những thứ này. Ban đầu họ tỏ ý ghê tởm rồi chuyển sang tò mò và ăn thử. Dẫn đến bây giờ con nhộng này bị cho là Tôm Rừng Tây Nguyên. Tởm cho cái gọi là lăng xê quảng cáo chưa? Những ngày này, Facebook ngập tràn hình ảnh những cái nong (nia, mẹt) chứa đầy sâu đi bắt về, chờ đến tối nó hoá nhộng là gom bỏ vào ngăn đông tủ lạnh rồi chuyển thùng xốp xuống bán cho dân Sài Gòn với giá hai trăm nghìn một ký.

    Tôi đã từng nói trước đây rồi. Tôi không kỳ thị việc ăn côn trùng của người dân tộc bản địa. Nhưng mà người Kinh, giống người tự cho là văn minh hơn mà cũng hùa theo ăn hết phần của chim chóc thế này thì nó cũng rất…kinh. Những đàn chim Kơ Tia (con vẹt) bay về đậu xanh rì những rặng cây lấy sâu đâu mà ăn? Rồi nó còn bay về mãi nữa không? Thử tưởng tượng đất mà vắng tiếng chim thì sởn gai ốc cỡ nào. Đó là chưa kể bên Thái Lan, các nhà khoa học đã tính được công thức nhiệt độ môi trường giảm bao nhiêu mỗi năm thông qua việc đếm mật độ trứng của loài Bướm Chanh Di Cư rồi đấy nhé. Bạn người Kinh nào cảm thấy tự ái thì vui lòng đừng ăn và khuyên bạn bè mình đừng ăn. Thế cho nó khỏi nhục chứ vào hùa chửi tôi vơ đũa cả nắm là tôi block đấy!
Bình Dương, 27/04/2023
Tây Nguyên Xanh

1 comments: