Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, April 25, 2013

HỘI NƯỚC CHÈ

April 25, 2013

Share it Please

HỘI NƯỚC CHÈ XANH
   Ở Tây Nguyên, những người đồng hương gốc Nghệ Tĩnh (bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh) hay quây quần lại, ngồi bên ấm nước chè xanh để trao đổi tâm tình, chuyện làng chuyện nước, và chuyện nông vụ cùng nhau,
   Họ muốn ngồi với nhau để nói rặc ri giọng quê hương mà không sợ người khác quê nhại giọng. Họ nhớ quê hương xứ sở nơi họ sinh ra và lớn lên lắm. Cho nên mỗi khi có người về thăm quê thì lúc trở vào, chủ đề quê hương Nghệ Tĩnh luôn được bàn rôm rả. Vậy nên tôi hay nói vui rằng ngồi ở Tây Nguyên mà biết lúa Nam Đàn chin, gái Nghi Xuân đẹp và trai Hương Sơn giàu.

   Những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên như tôi thì thích hóng chuyện quê hương của các cô các chú lắm. Vì ai cũng có nguồn cội mà. Tò mò lắm. Thích nghe lắm.
Tác phẩm ảnh:  Trà Đạo.
Người chụp: Đạt Lê
   Thuở bi bô tập nói, tôi sống với người Quảng Nam cho nên giọng nói và thói quen sinh hoạt về cơ bản là giống hệt người xứ Quảng. Sau này khi chuyển nhà lên trên này thì sống với đa số ở người cùng một xã, một huyện với Ba cho nên nhờ hội nước chè xanh mà tôi biết giọng nói của nguồn cội và có thói quen sinh hoạt giống người xứ Nghệ. Chẳng hạn như tôi muốn biết hết những từ lóng, từ địa phương của Nghệ Tĩnh thì chỉ cần ngồi nghe và bắt chước ngữ điệu của họ thì nói được tiếng Nghệ.
    Những năm gần đây, những người con có gốc gác khác nhau nhưng đã hiểu thói quen sinh hoạt của nhau nên các hội nước chè xanh được mở rộng phạm vi quê hương. Ngoài người Nghệ Tĩnh ra thì còn có Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Trị, Quảng Bình, Huế. Hà Tây cũ. Việc mở rộng giao lưu như thế lại làm cho cuộc đàm đạo càng trở nên hấp dẫn.
    Có chú người Thái Bình kể rằng. Hồi chị gái của chú ấy mới lấy chồng Nghệ An. Chú đến thăm gia đình anh chị ấy. Anh rể vừa rót nước chè vừa hỏi như kiểu để chào hỏi:
       - Cụ có khỏe không?
       - Dạ, các cụ nhà em khỏe.
    Nghe xong cả hội ai cũng ôm bụng cười nghiêng ngả. Nghệ An gọi Cậu bằng Cụ. Ông anh rể nói tiếng Nghệ rặc ri nên em vợ lại nghĩ rằng anh đang hỏi sức khỏe cụ ông cụ bà nhà vợ. Đấy là một câu chuyện hoàn toàn có thật. Và hình như những câu chuyện tương tự như thế cũng rất phổ biến khi có sự kết hôn giữa những người khác quê hương trên Tây Nguyên.
    Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Cũng chỉ vì ngồi bên ấm chè xanh bàn chuyện làng chuyện nước chuyện quê hương mà có những cuộc cãi vã đáng sợ. Nào là hôm qua đứa con gái ông A nắm tay thằng con trai ông B, bà C sao dạo này béo tốt thế, Rồi thì nhà kia không biết chăm sóc hay sao mà cà phê nhìn khô héo, không ăn thua gì rồi. Một câu nói khơi mào kiểu những câu như vậy mà được nói ra thì lại có tá những luận điểm được phơi bày. Kết quả là chuyện bé mà xé thành to. Nói sai, hiểu sai sự thật. Người trong cuộc nghe tin có cuộc bàn tán này liền nhảy vào nhà người đưa chuyện để mà tru tréo chửi bới om sòm. Mất hết cả tình cảm láng giềng.
   Thế nên hội nước chè xanh vẫn còn nhưng không còn rôm rả và đông vui như ngày xưa nữa. Giá như không có những cảnh con sâu làm rầu nồi canh ấy thì có lẽ hội nước chè tồn tại nhân văn hơn rất là nhiều. Bởi lẽ nhờ hội nước chè mà trẻ con không mất gốc. Nhờ hội nước chè mà những kẻ khác quê hương hiểu về tập quán sinh hoạt của nhau. Ngày xưa miếng trầu là đầu câu chuyện thì ngày nay ở trên đất Tây Nguyên này, ly nước chè xanh là chất kết dính những câu chuyện không có đầu đuôi thành một chỉnh thể thống nhất. Hy vọng hội nước chè xanh sẽ vẫn giữ mãi màu xanh của bản sắc văn hóa quê hương.
Buôn Ma Thuột, 25/4/2013
Tây Nguyên Xanh- Vừng lép

2 comments:

  1. " Trưa nắng hè, râm ran gọi nhau chè xanh"
    Ở Tây Nguyên - BMT mà còn giử được nét truyền thống quê hương như thế này thật đáng quý. Mà điều đó cũng có nghĩa dân "chè xeng" ở vùng này hơi bị đông!!!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ngài uống nác chát ở đây rành nhiều luôn anh nà

      Delete