Nguồn ảnh: internet |
Đấy là quán bún lúp xúp, lọt thỏm
bên đường Lê Lai. Bọn sinh viên đại học Quy Nhơn chúng tôi thường quen gọi là
quán bún Lê Lai. Hình như nó có bảng hiệu nhưng chúng tôi chẳng để ý bao giờ. Cứ
bước ngần ấy bước chân, rẻ ngần ấy lối rồi nhìn thấy bảng hiệu nhà khách T102,
đối diện nhà khách chính là quán đó. Mà con đường Lê Lai ngắn lắm, chỉ khoảng bốn
mươi hai bước chân của người con gái đang thẩn thờ nhớ người yêu là đi hết đường
Quán do một đôi vợ chồng xấp xỉ
năm mươi lăm tuổi làm chủ. Nhìn họ rất hạnh phúc. Cứ khách gọi cô ơi cho con một
tô bún hoặc tô phở. Thì người vợ lúi húi chuẩn bị đồ ăn còn người chồng lấy rau
và bưng tô bún ta cho khách. Lắm hôm tôi nghe tiếng ông chồng gắt gỏng, người vợ
nói lùm xùm nhưng rồi đâu lại vào đấy. Có lẽ do đông khách quá, nhiều việc quá
nên dễ nổi nóng. Quy mô quán nhỏ nhưng lượng khách thì lớn. Nhiều hôm giỏi lắm
tôi mới có được chỗ ngồi và lại nhẫn nại lắm mới chờ được tô bún mà ăn.
Vào quán ấy tôi thường ăn bún
riêu, vì đơn giản nó rẻ. Có bảy nghìn đồng một tô. Hôm nào mới nhận tiền bố mẹ
gửi hoặc là dịp Quốc Lễ thì tôi ăn sang hơn. Gọi luôn một tô phở bò mười lăm
nghìn. Sáng mai lên xe về quê ăn tết hoặc nghỉ hè thì tối hôm nay tôi thường
hay ăn tô bún đắt nhất quán rồi chúc sức khỏe cô chú mới ra về. Có lần tôi thèm
ăn tô phở bò nhưng tiền chỉ đủ ăn bún riêu vì để dành ngày mai đi xe nên vào
quán nói với cô chủ rằng: “cô ơi, tình hình rất là tình hình, ngày mai con về
quê, tiền nói tròn túi mất tiêu rồi. Nhưng mà cái mỏ lại thèm ăn phở bò. Hihi”.
Thế là tối đó tôi vẫn được ăn phở bò rất nhiều thịt nhưng cô chỉ lấy tiền của một
tô bún riêu. Nói chung là tôi được cô chú chủ quán cưng lắm.
Được cưng có lẽ vì mỗi lần đến
quán là trêu ghẹo cô chú. Lúc nào cũng đòi ăn rau gấp đôi người ta vậy mà cô vẫn
cho tôi thêm một miếng huyết bò so với người khác. Ăn hết thì tự dọn bát đĩa ra
chậu và cô hôm thì hét toáng lên “hôm nay con ăn quỵt, mai con ăn tiếp rồi trả
nốt”. Những hôm như thế thường là lúc tôi mới rút tiền, Ăn có một tô bún mà bắt
người ta thối tờ một trăm nghìn. Cứ thấy tội tội nên thôi hôm nay ăn tiếp rồi
trả. Cô chú cũng chỉ cười và mắng yêu “ghét ghê dzậy á”
Hỏi ra mới biết, chú chủ quán là
người gốc Nghệ An. Nhưng vì lý do nào đó mà gia đình di cư vào Nam và lập nghiệp
tại đất hứa Quy Nhơn này. Lớn lên chú gặp cô và lấy nhau. Hồi người ta chưa làm
công viên Thiếu Nhi, cô chú buổi sáng bán bánh mì ở phía bên kia con đường An
Dương Vương cho sinh viên. Nhưng vì công viên án ngữ ngay vị trí đó nên không
còn buôn bán được. Từ đó có quán bún Lê Lai như bây giờ. Gia đình cô chú tôn thờ
đức Mẹ và đức Chúa. Có lẽ họ là một trong những con người sống tốt đời đẹp đạo
mà tôi đã từng tiếp xúc.
Bốn năm sống ở Quy Nhơn, tôi thấy
người Quy Nhơn rất dễ gần, Chỉ cần chịu khó ngồi hóng hớt những câu chuyện của
họ, rồi hiểu họ thì xin gì họ cũng cho và nhờ gì họ cũng làm. Còn nhiều những
người bán hàng như cô chú chủ quán bún Lê Lai mà tôi quen nữa. Nhưng một hai lời
không kể hết được. Từ từ rồi tôi sẽ kể, kể cho hết để bớt nhớ Quy Nhơn.
*******************
Buôn Ma Thuột-28/6/2013-Tây Nguyên Xanh
Tô Bún riêu cua dành cho sinh viên, lúc nào, thời nào và ở đâu cũng ngon, cũng hấp dẫn hết Tây Nguyên Xanh à. Ai đã qua thời et vê đều hiểu như thế cả, chỉ riêng TNX nói, viết đưục điều này và viết rất hay, hấp dẫn... thắm đượm tình người.
ReplyDeleteEm cảm ơn anh đã đồng cảm nhé
DeleteChuyện đâu có chuyện lạ đời
ReplyDeleteĂn bún bằng Mỏ...duy chỉ có một người Buôn Mê...Hê hê hê...
(“cô ơi, tình hình rất là tình hình, ngày mai con về quê, tiền nói tròn túi mất tiêu rồi. Nhưng mà cái mỏ lại thèm ăn phở bò. Hihi”)
hehe. thế mà được việc phết đấy bác Nho ạ. hihi
Delete