Mình thuộc dạng đáng lẽ là rớt đại học nhưng nhờ được sinh
trên đất Tây Nguyên nên được cộng 1,5 điểm khi thi tuyển vào đại học. Nói thật
là mình đã rợn tóc gáy, đứng trân người khi biết điểm chuẩn của trường đại học
Quy Nhơn, mình phải dùng hết 1,5 điểm khu vực 1 mới đỗ. Cảm giác cứ như chết đuối
vớ được cọc. Quả là may cho một đứa không ôn môn Vật Lý như mình. Mới đầu nhập
học, mình cứ nghĩ rằng chắc có lẽ mình sẽ bị coi thường lắm. Nhưng thực ra các
bạn thuộc diện cử tuyển (tỉnh cử đi học) mới bị phân biệt đối xử.
Tác giả ảnh: Nguyễn Đắc Thảo |
Mình sẽ chẳng biết đến diện cử tuyển này nếu như các bạn nữ sinh viên cử tuyển không co cụm lại, cùng ngủ
trên một tấm phản lớn ở góc phòng hồi học quân sự. Cần nói thêm là gần như duy
nhất chỉ có khóa mình bị (có thể là được) trường đại học Quy Nhơn cho đi học
quân sự ngay sau nhập học. Các khóa khác học vào hè năm thứ nhất. Bọn mình chưa
biết mặt bạn đồng môn đã phải lên cái xe theo biển số được thông báo trước. Cứ
thế lên và cứ thế mò mẫm, ai hô ngành này về tiểu đội kia thì lẽo đẽo xách ba
lô theo hướng ‘cái mồm” ấy. Trong thời gian học, mình không xin phép “đi tranh
thủ” như nhiều bạn khác nên cuối tuần hay mon men hỏi han tâm tình các bạn cử
tuyển. He he, mình tò mò lắm. Theo hơi nồi chõ mà mình hóng được thì các bạn
này đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Họ được tỉnh cử đi học để về công
tác ở sâu trong các vùng có đồng bào mình. Ở phương diện này mình thấy chính
sách cử tuyển là đúng vì dù muốn dù không, người dân tộc thiểu số vẫn tin “cái
bụng” người cùng sắc tộc với mình hơn người Kinh. Vì một vài lý do tế nhị nào
đó mà lực học của các bạn đồng bào thường kém hơn người Kinh ở các cấp học. Thế
nên sinh viên diện cử tuyển là cần thiết cho mỗi một tỉnh thành có dân tộc thiểu
số. Các bạn được đi học “dự bị đại học” trước một năm rồi mới chính thức vào lớp
bọn mình. Hình như học dự bị nghĩa là bổ sung kiến thức cơ sở trước khi vào học
các môn đại cương ở bậc đại học.
Các bạn ấy học để có kiến thực thiết yếu nhất của một ngành
nghề nào đó. Khi trở về địa phương, họ còn được dìu dắt chỉ bảo thêm bởi những
người (có thể là người Kinh hoặc đồng bào) có kinh nghiệm. Nói cho nhanh hiểu
là thực hiện mô hình “Kinh kẹp Tộc”. Xin lỗi, mình không có ý miệt thị khi sử dụng
thuật ngữ “Tộc” một cách đơn lẻ. Xin các bạn đồng bào thứ tha. Việc cử người đi
học ở các cơ sở đào tạo chuyên ngành là một việc mang ý nghĩa an ninh tư tưởng
đối với một đất nước đa sắc tộc như Việt Nam ta. Thế nhưng có nhiều cán bộ cấp
to to của các tỉnh lợi dụng chính sách nhạy cảm này mà cài cắm con em họ vào
thay vì chọn những người đồng bào sáng dạ nhưng lực học chưa đủ điểm đậu (số điểm
thiếu không lớn lắm) vào chính cái ngành tình cần. Rồi thì có những chuyện như
cha mẹ phải “tróc da trày vảy” cho con được đi học theo diện cử tuyển. Nhưng
thà cái sự tróc da ấy mà hợp với ý con cái thì còn đỡ. Đằng này có nhiều trường
hợp con cái không thích, bố mẹ vẫn nài nỉ con đi.
Lớp mình có một chị, chị ấy đang học cao đẳng sư phạm Văn
thì bố mẹ thuyết phục đi học ngành Hóa. Thấy chị ấy ì ạch, vô cảm với khối kiến
thức Hóa Học mà thương. Cuối cùng chị ấy chấp nhận rớt xuống khóa sau để làm lại
từ đầu. Lại có bạn nọ (cũng lớp mình luôn) đang được tỉnh cử đi học ngành Hóa,
bỗng bạn ấy lại được tỉnh cử đi học ngành cảnh cát môi trường. He he. Nay bạn ấy
có quyền tuýt còi mình chứ chẳng chơi. Lúc nghe giảng, lắm khi cả lớp vẫn nghe
được những câu nói “khinh ra mặt” của thầy cô đối với sinh viên diện cử tuyển.
Một số người vừa học không nổi lại kèm theo thấy nhục nhã nên đã phải bỏ học và
tất nhiên là tha hương luôn, không dám về với gia đình nữa. Đời các bạn rẽ sang
một hướng mới...
Nói vậy chứ không phải học cử tuyển là dốt hoàn toàn và đạo
đức nghề nghiệp sau này kém đâu. Các bạn cứ hình dung cuộc thi đại học như là một
nút thắt của dải lụa ấy. Ai trèo qua khỏi
cái nút thắt ấy thì đoạn lụa mới này về căn bản là giống đoạn cũ nhưng nó sạch hay nhớp, nhăn nheo hay phẳng lì
là tùy vào người trèo. Mạng xã hội đang xôn xao chuyện cử tuyển ở đại học Y Dược
Cần Thơ. Có vài người thở dài bảo thảo nào mà y đức của bác sĩ hiện nay thấp đến
thế. Ôi, các bạn đừng than nữa, thực ra chúng ta có mắt sáng nhưng thực ra
chúng ta là người khiếm thị. Bằng chứng là chúng ta luôn luôn phải mò mẫm đi
tìm lòng tốt.
Buôn Ama Thuột, 23/9/2014
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment