Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, January 29, 2015

ĐI BÁN CÀ PHÊ

January 29, 2015

Share it Please
Tác giả ảnh: Andy Le
   Trước khi các bác phẩy tay, í ới em ơi cho anh cho chị một tách cà phê thì nông dân chúng em có bán Cà rồi các bác mới có thể Phê với thức uống đen tuyền huyễn hoặc ấy nhá. (hã hã) Cơ mà nếu các bác không nghiện cà phê sáng thì nông dân chúng em cạp đất mà ăn, nhỉ? Thôi thì ba đấm cũng bằng một cái đạp, chúng ta giống nhau cả thôi, chỉ có thương gia là giàu, nhỉ? Mấy nay giá cà phê nhân xô Robusta (cà vối) mới nhích lên 40500đ/kg (thương nhân chỉ mua có thế thôi) mà dân tình tuồn nhau đi bán ít tạ cà phê để trả nợ cuối năm và sắm sanh chút đỉnh cho tết. Nơi em sống, từ thời thuộc Pháp đã chỉ trồng cây cà phê vối rồi. Vị của nó hơi chua so với Arabica (cà chè) nên giá rẻ hơn. Để Tây miêu tả quy trình đi bán cà cho các bác hình dung một chút về con đường cà phê đến làn môi của các bác nhé.
   Ngày xưa thì dân tự chở cà đi bán, nay già yếu sọm sẹm hết rồi, lại sẵn điện thoại trong tay ai cũng có nên a lô hỏi giá cà hôm nay bao nhiêu, đầu dây bên kia nói gì đó, bên này ưng bụng thì bảo chốt giá ấy với mấy tạ mấy tấn đấy, chút nữa ra lấy tiền. Nếu kho rỗng thì thương nhân đến chở cà luôn, còn không thì ra năm thủng thẳng mới lấy. Nhưng dân lại muốn họ khuân đi cho nhanh chứ để trong nhà mưa gió mối mọt các thứ, sợ bị hao. Nói chung là thế nào cũng có cái cảnh lính lác đi khuân vác về cho chủ tiệm. Người bán lẽo đẽo theo sau xe ô tô hoặc công nông để kiểm soát xem cà có bị rơi rớt trên đường đi không.
   Đến điểm thu mua, lính lại vác cà lên bàn cân điện tử cho chủ. Sau khi có số lượng rồi. Lão chủ tiện cầm cái vừa cứng vừa nhọn vừa to lại vừa dài của lão ấy thọc sâu vào bao, ngoáy ngoáy, rung rung, lắc lắc để hứng cà phê nhân. Sau đó đổ vào một cái cốc có dung tích của một kilogam cà phê nhân đạt chuẩn về chất lượng để đo độ ẩm. Nói thật nhá, lúc đi bán, kinh nhất, tởm lợm nhất là hành vi trừ độ và tạp chất của bọn con buôn. Chúng ép dân ra bã sau khi cho cà vào máy đo độ. Chẳng ai biết kiểm tra độ chuẩn của máy vì dân không thể mua được máy này. Nó đắt kinh hồn. Cái máy ấy được dính chặt với sợi xích nặng hơn nó rất nhiều, cái phòng có nó được bao bọc bởi hàng rào kẽm gai và hai chú chó hung dữ canh gác. Dân buôn gian lận và o ép người bán được là nhờ cái cân đo dộ ấy đấy. Đo xong độ rồi thì ngó xem có tạp chất không. Thường tạp chất là những đoạn cành cà phê dài 0.5 cm và đường kính 2mm. Trong quá trình phơi và xay khó tránh những cành cây nhỏ này. Mới đầu, nông dân cũng chịu khó sàng sảy lắm nhưng ghét bọn thương nhân, dù cà có sạch đến đâu thì nó cũng trừ tạp chất và độ ẩm nên tăng được ký nào nhờ tạp chất thì tăng.
   Tính đến hết năm 2014, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột chỉ mới được bảo hộ ở bốn quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chúng ta làm chưa tốt công đoạn “chỉ dẫn địa lý” cho mặt hàng cà phê nói riêng và thương hiệu nông sản Việt Nam nói chung nên vẫn còn mệt mỏi với bài toán thương hiệu. Đó là chưa nói đến các doanh nghiệp đầu tư cho nông sản Việt Nam chủ yếu có cổ phần của người nước ngoài cho nên chúng ta có đất để canh tác nhưng giá cả nông sản bị thương nhân nước ngoài thống trị. Ta xuất khẩu sang thị trường dễ dãi để cho nó cướp thương hiệu của mình luôn. Báo hại chúng ta phải lấy chính số tiền thu về nhờ xuất khẩu đó đi hầu tòa án quốc tế xin bảo hộ thương hiệu của chính mình. Buồn thay!
Buôn Ama Thuột, 29/1/2015
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment