Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Monday, April 6, 2015

NHỚ ANH BÁN SÁCH CŨ BÊN LỀ ĐƯỜNG AN DƯƠNG VƯƠNG

April 06, 2015

Share it Please
Tác giả ảnh: Hoàng Thái
   Đọc cái bài kêu cứu cho hiệu sách cũ đã tồn tại 30 năm ở thành phố Hồ Chí Minh, tự dưng nhớ anh chàng bán sách cũ ngay bên vỉa hè đường An Dương Vương (Quy Nhơn) ghê gớm. Cả thành phố Quy Nhơn có hiệu sách cũ của gia định gốc Hoa to uỳnh oàng ở đường Tăng Bạt Hổ nhưng sinh viên vẫn ưa mua sách của anh này hơn. Cái tiệm sách của anh “bề thế “ lắm. Anh ấy trải tấm nilon mà ngày xưa khi trời mưa người ta cột ngang cổ, đội nón và đi khòm để mưa ướt lưng nhưng ít ướt ngực ấy. Giống tấm che mưa của bà già trong bài hát Bà Còng Đi Chợ Trời mưa ấy. Nói thế để các bạn hình dung được diện tích của tấm trải. Anh bán sách đặt những cuốn đang “hót hòn họt” theo thị hiếu của sinh viên lên tấm nilon. Anh chàng nói giọng Bình Định hay Phú Yên gì đấy để chào hàng. Thấy ai mà neo ánh mắt hơi lâu vô quầy hàng của anh thì thôi chớ, anh ấy mời mọc đến nỗi tai của khách nghe còn tay thì thò tay vào túi quần móc ví để trả tiền sách. Ơ, đừng tưởng giọng xứ Nẫu khó nghe nha, ngọt lắm luôn.

   Giờ hành chính chẳng mấy khi thấy cái bản mặt của anh ấy đâu. Cỡ mười giờ sáng, anh chàng chạy cái xe đạp bóng loáng đến. Phía sau xe chở một thùng sách, ở giỏ trước cũng có một bọc nilon sách. Anh ấy bày biện xong thì sinh viên bắt đầu lác đác từ cổng trường đi ra. Có đứa đi mua cơm trưa, cũng có đứa đi học về do hôm đó chỉ có bốn tiết. Đến giờ tan tầm thì quầy sách đông hẳn. Anh ấy bán cho đến khoảng mười hai giờ trưa là dọn hàng về. Sắp đến giờ tan sở buổi chiều lại thấy cái dáng gầy tong teo ấy cúi lọm cọm giới thiệu sách với khách ở vị tri cũ.

   Anh ấy chủ yếu cung cấp những cuốn sách cho các sinh viên khoa Văn. Nhất là cuốn Hán Việt Tự Điển của Triều Chửu lúc nào cũng có người hỏi. Sinh viên khoa Văn không thoát môn Hán Nôm mà. Sách của anh ấy thường rẻ hơn giá bìa nhưng nom mới kít. Mua rồi mới biết sách in lậu. Sách in lậu ở đây có thể là sách phô-tô-cóp-pi có màu, có thể là sách được đánh máy lại từ nguyên bản nên hay gặp lỗi chính tả, hoặc là sách của nhà xuất bản đàng hoàng, giấy rất tốt, câu chữ được biên tập công phu nhưng là sách trốn thuế. Chắc khi in, người ta in dôi ra vài trăm cuốn nhưng cơ quan chức năng không biết. Tất nhiên anh ấy cũng bán cả sách cũ rích. Chủ yếu là do các anh chị khóa trên bán cho hàng đồng nát. Rồi đầu nậu sắp xếp và bán lại cho anh ấy. Những cuốn này đa số thuộc chương trình đại cương của các ngành.

   Bốn năm mình ăn cơm hộp nên hay gặp anh ấy là điều đương nhiên. Có hôm đường đông, mình mải mê chen lấn nên chân suýt nữa giẫm lên sách của anh ấy. Nói như người Bình Định là lúc ấy sợ ãnh kình nên giả bộ hỏi han anh có cuốn này hông cuốn kia hông. Hình như lúc sắp ra trường, mình có nhờ anh ấy tìm cuốn từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh nhưng xe chạy đến quê nhà rồi mới nhớ vụ đó. Chắc anh ấy cú mình lắm....

   Khi gõ cái này, tự dưng mình nghĩ nếu như loài người chỉ dùng sách mới nói riêng và chỉ tôn sùng với mới nói chung thì sao nhỉ? Nếu vậy thì chắc thế gian này là một bãi rác khổng lồ. Thấy báo đăng hình ảnh sinh viên lũ lượt đến mua sách ủng hộ ông chủ hiệu sách cũ. Chẳng lẽ cả cộng đồng yêu sách như thế lại không giúp được ông chủ hiệu sách Bách Hợp (quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) có mặt bằng mới để thuê? Nói thì nói vậy thôi, mình hoắng mồm cũng chẳng được gì. Nhỡ đâu đây là chiêu trò câu khách của nhà sách thì sao. Sợ lắm, cái bẫy truyền thông!
Buôn Ama Thuột, 6/5/2015
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment