Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, December 19, 2015

CON MẰN HĂN

       Con Mằn Hăn trong tiếng Nghệ Tĩnh nghĩa là con Dĩn của đồng bào sống trên dãy Trường Sơn và cũng chính là con ruồi Giấm mà chúng ta đã được học trong các phép lai tính trạng của Mendel. Đa số chúng ta chỉ biết cái con đen thui to uỳnh chết trong chai nước Numbet One của Tân Hiệp Phát là Ruồi còn con to hơn và đầu có vẻ xanh hơn thì gọi là Lằng thôi nhỉ. He he, Tây cũng thế. Nói thật với nhau đi, chắc chắn nhiều bạn giải ầm ầm bài tập di truyền học về ruồi giấm nhưng mấy ai biết hình dáng thật của nó. Đúng không? Thâm chí nó đậu ngay trước mặt còn không biết ấy chứ. Các bạn cãi chứ gì? Này nhé, nếu vứt vỏ trái cây ở nơi nào đó, có mấy con bé xíu xìu xiu, dài khoảng 2 milimet thôi, nó bay lờ đờ mà nhanh nhảu. Các bạn gọi nó là con gì? He he, rủ nhau tắc tị cho mà coi. Ruồi giấm đấy! Vì ham trái cây nên còn có tên gọi là ruồi Trái Cây. Dân Bình Định còn gọi nó bằng tên khác nữa cơ. Ngại lắm, Tây ứ dám nói đâu. Các bạn tự tìm hiểu đi. He he. Và bên dưới là ảnh phóng đại của nó qua ống kính máy ảnh.
Tác giả ảnh: Bùi Trọng Hiếu
      Ở Tây Nguyên, con này nhiều lắm. Chỉ cần các bạn đặt chân lên lớp lá khô dưới gốc cà phê, bỗng vù môt phát, những con Mằn Hăn này sẽ bay loạn xạ. Chúng thích đậu trên lớp lá khô mục dưới gốc cây cà phê lắm. Nó là kẻ thù khiến các bà các mẹ nhiều vùng miền ngại ra đồng vào những ngày …”đèn đỏ”. Chẳng biết có phải do muỗi cùng bu vào hay không mà mỗi lúc bị chích ở mông thì Mằn Hăn bị tình nghi là thù phạm. Mùa khô ít thấy Mằn Hăn chứ mùa mưa thì ôi thôi, nhều vô số kể. Phần vì khí hậu ẩm ướt lại cũng vì vỏ trái cây vứt đầy đường nên vậy.

       Nãy hỏi con bé cùng phòng, rằng Tây Ninh quê em gọi là con gì. Nó bảo con Bồ Hóng. Thật không hở các bố các mẹ đương vật vờ ở miền Nam yêu dấu?  
   Tây Ninh, 19/12/2015
Tây Nguyên Xanh
4 comments

Sunday, December 13, 2015

VIỀN RẪY CÀ PHÊ

Tây mới gọi điện về nhà và bạn bè ở quê. Ai cũng bảo còn khoảng ba ngày nữa là kết thúc mùa cà 2015. Nghĩa là đang trong giai đoạn tận thu (được phép tuốt sạch quả trên cây không phân biệt tỉ lệ xanh-chín).  Cà phê do nông trường quản lý mà hái xong thì có nghĩa nông dân trên cả khu vực Tây Nguyên cũng đã hết mùa trước đó.  Các bạn uống cà phê ít nhất một lần trong đời rồi nhưng không phải ai cũng biết hình ảnh ven rẫy cà phê nhỉ? Đây, nó đây! Chỉ một góc ảnh đơn sơ này thôi nhưng Tây sẽ chỉ có các bạn thấy được nhiều thứ hay ho.
Tác giả ảnh: Anh Nguyen
Bức ảnh này được chụp vào khoảng giữa hai cây muồng chắn gió. Cây muồng được trồng quanh bìa và theo hàng ở giữa nữa nên cái rẫy bị chia ra nhiều ô vuông nhỏ, trong ô vuông là những cây cà phê. Về nhà dân, lâu lâu các bạn vẫn nghe người ta nói cuốc cỏ xong ở ô này ô kia là vì thế đó. Ngoài chắn gió thì muồng còn có tác dụng ngăn cản sự hình thành sương muối do bức xạ nhiệt từ dưới mặt đất lên. Vào mùa mưa, nông dân phải đi chặt tỉa bớt cành nên phát sinh ra mùa củi muồng. Chính những cây muồng này đã dụ dỗ hàng tỷ những con bướm Chanh Di Cư đến Tây Nguyên vào cuối mùa khô hằng năm. Một hình ảnh vô cùng tuyệt vời các bạn ạ.

Cảnh tượng ông chở cháu đi ra rẫy thế này sao mà khó lẫn lộn với các vùng miền nông sản khác thế. Nhìn là biết dân Tây Nguyên rồi. Bây giờ chẳng mấy ai đi xe đạp ra rẫy nữa, ai cũng đi xe máy hết. Nhưng xe cũng phải cà tàng cà tong, xập xà xập xệ, xấu tệ lắm rồi mới “được” tuyển đi rẫy. Xe dùng đi chơi thường là hoành tráng và thời thượng hơn. Đất đỏ Bazan mà, ngồi đất một chút là cái đít đỏ kè đỏ kẹt rồi à. Thế nên quần áo lao động dù có giặt kỹ cỡ nào cũng bàng bạc, phơn phớt nâu cam úa.

Nhìn cái rẫy cà phê bụi bặm các bạn nhỉ? Nom thế thôi chứ chắc chắn có nhiều người đang đọc bài viết này muốn được chạm tay vào cái bụi ấy lắm. Bởi họ sinh ra trên nền đất ấy, nhau thai của họ nằm dưới đất ấy, bao trận đòn và những tràng cười giòn tan cũng diễn ra trong không gian bụi bặm ấy. Và có thể đơn giản chỉ là cái người đọc đó đã từng đến với Tây Nguyên, nhắc thì nhớ. Vậy thôi!
Tây Ninh, 13/12/2015
Tây Nguyên Xanh
2 comments