Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, May 27, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ1: ĐẤT VÀ VƯỜN CỦA NGƯỜI DI CƯ ĐẾN LÀM KINH TẾ MỚI

May 27, 2015

Share it Please
   Rất nhiều bạn đọc Facebook và Blog của Tây Nguyên Xanh hay hỏi khéo là nơi Tây sống vẫn còn heo hút như này như nọ hả. He he, cách đây mấy năm, hồi còn sinh viên, Tây lừa mấy thằng bạn rằng Tây cưỡi voi, lội suối để đi học mà chúng tin sái cổ đấy. Vì thế nên Tây hy vọng loạt bài Nông Thôn Tây Nguyên sẽ giúp các bạn phương xa có cái nhìn tổng thể về nơi Tây đang sống. Trong bài đầu tiên này tạm thời chưa nói đến anh em dân tộc thiểu số bản địa của Tây Nguyên nhé.
   Đến với nông thôn Tây Nguyên, các bạn dễ bắt gặp những hàng rào chằng thép bao quanh một khoảng vườn rộng gấp mấy lần so với vườn ở vùng chiễm trũng. Tức là các bạn bị ấn tượng bởi vườn hơn là cảnh nhà cửa chen chúc. Nếu đến nơi có công nhân canh tác cho công ty còn đỡ ngợp chứ mà đến thăm các thôn xã thuộc khu đất dân tự khai hoang thì di mỏi cả chân mới thấy được nhà hàng xóm.
    Ngoài đất rừng, ở Tây Nguyên hiện nay có bốn loại đất: Đất chuyên canh tác nông sản của công ty, đất liên kết, đất tự khai hoang và đất ở.
   Những ai là công nhân trồng nông sản cho công ty thì được cấp đất chuyên canh. Mai này về hưu, có quyền bán mảnh đất ấy nhưng phải bán cho một người cũng là công nhân của công ty. Ai canh tác trên đất ấy thì phải nạp sản lượng hằng năm cho công ty theo tỉ lệ quy định lúc ký hợp đồng.
   Đất liên kết là mảnh đất dưới sự quản lý của công ty nhưng chủ mảnh đất ấy không phải nạp nông sản cho công ty. Tuy nhiên chỉ được canh tác loại cây theo quy hoạch trên bản đồ nông sản Việt Nam. Ví dụ, đất liên kết với công ty cà phê thì tuyệt đối không được xen canh với nông sản khác để đảm bảo diện tích trồng cà phê của cả nước. Chủ đất có thể bán cho bất kỳ ai nhưng sẽ không ai được thay đổi loại cây trên mảnh đất ấy.
Nhà ngói ba gian Bắc bộ giữa đất trời Tây Nguyên - ảnh: Tuan Chu
   Sau năm 1975, cả nước ồ ạt đến Tây Nguyên để khai hoang tại những vùng rất xa đường quốc lộ. Nói trắng ra là đốt rừng làm rẫy. Họ dựng nhà ngay trên đấy. Tây quen gọi là sống theo mô hình nhà rẫy. Diện tích khoảng trên một hecta tính theo thước đo đồn điền cao su cũ. Tây nghe nói tuỳ vùng miền mà một hecta có thể to nhỏ khác nhau nên nói thế cho các bạn dễ hình dung. Đất khai hoang này thuộc huyện và xã quản lý nên họ có quyền mua bán và trao đổi với bất kỳ ai. Họ có thể trồng bất cứ cây kỳ mà họ muốn.
Cuối cùng là đất ở. Trước đây công nhân của các công ty nông sản được quy hoạch sống tại một đội rồi sau nâng lên thành thôn và trao cho xã phường quản lý. Những ai đến Tây Nguyên trước năm 1995 thì may ra còn có đất khá rộng để sau khi dựng nhà còn trồng được khoảng một trăm trụ tiêu hoặc sáu mươi cây cà phê hay là hai mươi cây điều. Chẳng ai trồng cao su trong vườn bé như thế cả. Một hecta rẫy trồng được khoảng một nghìn rưỡi cây cà phê đấy nhé. Nói thế để các bạn hình dung được giá trị hai thuật ngữ mô hình nhà rẫy và nhà vườn mà Tây dùng. Sau năm 1995, nếu không tiếp tục phá rừng thì quỹ đất phục vụ cho việc giãn dân các vùng miền về căn bản đã cạn nên người càng đến sau càng phải mất nhiều tiền mua một mảnh đất một mảnh đất ít có vườn.
Người ta bức tử rừng để làm nương rẫy ghê gớm quá nên lắm khi người ta ví Tây Nguyên như là cái sân sau của cả nước. Cả nước muốn vứt ai lên đó thì vứt. Mặc cho Tây Nguyên sẽ thành như thế nào.
Hình ảnh minh hoạ trong bài được tác giả Tuan Chu chụp lại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Huyện này do người Hà Nội vào Lâm Đồng làm kinh tế mới nên cái tên Lâm Hà mang ý nghĩa đó. Cái nhà ngói ba gian đậm nét Bắc bộ nép mình phía vườn cà phê đang nở hoa giữa mùa khô Tây Nguyên đấy.
Buôn Ama Thuột, 27/5/2015
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment