Truyện ngắn
Sáng sớm nắng chưa kịp chiếu vào phòng ngủ
nhà bên ấy thì đã nghe chị Thủy vợ anh Hoàng to tiếng:
- Giờ này anh còn
ngủ nữa à. Người ta kêu công chở ra rẫy hái cà phê rồi kìa. Tôi là đàn bà con
gái lái xe công nông không được mới phải nhờ đến anh. Đàn ông đàn ang gì mà
sáng xỉn chiều say tối đi nhập cà phê khuya mới mò mặt về.
- Mới sớm ra làm
gì mà ngoa ngoắt quắt xước thế. Công ngoài chợ đầy. Có tiền mua tiên cũng được
nhá.
Không
biết anh Hoàng có làm gì chị Thủy hay không, chỉ nghe tiếng quát rõ to với giọng
đầy ngạo mạn và bực dọc của anh ấy. Lại nghe tiếng đáp của chị Thủy:
- Anh ra mà kêu. ở
xung quanh đội này hết công rồi.
Thế đấy, đó là câu chuyện thường nghe ở căn
nhà số 47, đội Toàn Thắng, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê
Phú Thuận.
Chả biết cái công ty Phú Thuận này thành lập từ
bao giờ. Nghe đâu đây là đồn điền cà phê có từ thời thuộc Pháp. Sau này đánh Mỹ
thì Mỹ nó tiếp quản đồn điền này. Sau giải phóng năm 1975 thì quốc hữu hóa hết
mọi thứ nên nó có cái tên công ty cà phê Phú Thuận. Mấy năm gần đây Nhà Nước lại
tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh nên lại đổi thành cái tên dài ngoằng
là : “công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê Phú Thuận”.
Nghe mới khôi hài và hoành tráng
làm sao. Tên thì đổi nhưng mọi chế độ và nghĩ vụ của công nhân vẫn thế. Mùa thu
hái cà phê năm nào cũng đóng năm mươi mốt phần trăm cho công ty. Còn lại là của
công nhân. Nhưng mà công ty khôn lắm. Đã quy ra sẵn tương ứng với năm mươi mốt
phần trăm thì bao nhiêu tấn cà phê quả tươi rồi. Dù trúng mùa hay mất mùa thì
công ty cũng lấy chừng ấy. Có lỗ thì lỗ phần bốn chin phần trăm của công nhân
mà thôi. Có Tết hay không có Tết thì hết một mùa cà là biết liền à. Ôi làm nông
“cực thấy mẹ” luôn. Chỉ có thương nhân là lời thôi.
Mùa cà đến rồi, tất bật đủ chuyện.
Sáng ra cũng chả cà phê cà pháo, đàn đúm với mấy đứa bạn được nữa. Tranh thủ ra
chợ, mua mấy thứ về chuẩn bị cơm trưa đem ra rẫy cho bố mẹ và những người hái
cà.
Chợ mùa cà cũng hối hả hẳn. Người
mua chỉ trả một vài giá rồi cũng lấy nhanh cho kịp về đi hái. Mới sáu giờ mà chợ
vắng teo hết cả. Đang ngó nghiêng đường sá để qua đường. Bỗng nghe tiếng xe
công nông chạy đến và dừng ở đằng sau. Có tiếng gọi:
- Hái cà không? Bao nhiêu một
công?
Có người đáp trả:
- Một trăm hai
- Mới đầu mùa, một trăm thôi. Chịu
thì lên xe tôi chở ra lô luôn. Tôi cần bốn công.
Không thấy nói gì nữa. Một lát
sau thấy chiếc xe nhả khói đen ngòm vào mặt tôi rồi ưởn lên dốc. Anh Hoàng chứ
ai. Nhìn cái lưng còng lúc lái xe công nông là biết ngay. Không lẫn đi đâu được.
Đầu mùa mà giá thuê nhân công đã là một trăm nghìn đồng một công rồi ư? Lúc tận
thu chắc hai trăm nghìn quá!
Vẫn vơ những chuyện linh tinh, xe
máy chạy đến trước cửa nhà khi nào không hay? Chạy ù vào cắm điện nấu một nồi
cơm sáu lon. Chốc nữa chin cơm, bới ra xô. Cắm thêm 5 lon lữa là đủ cơm chả tất
cả mọi người. Xào nấu đò ăn để đấy, đến mười một giờ thì đem tất cả ra rẫy.
Trời Tây Nguyên cuối thu đầu
đông, có áp thấp nhiệt đới ngoài khơi xa. Gió Tây Nam hoạt động mạnh. Trời mưa
suốt. Mưa chừng nào qua Noel mới nắng. Dân ở đây vẫn hay nói đùa rằng Chúa
sinh, mang nắng về cho dân cà phê phơi trái.
Đã đến giờ ăn. Trời mưa nên tất cả
vào “chòi cảnh vệ” để ăn, tránh mưa. Cái chòi ấy dùng để tối ra rẫy ngủ, canh
không cho bị hái trộm sản phẩm. Cái hồi cà phê gần năm mươi nghìn một ký. Dân tứ
sử đổ về ăn trộm cà đem bán, hết mùa thi đi lượm mót những quả rơi vãi cũng có
tiền triệu để xài.
Người hái nghỉ trưa, người đem
cơm tranh thủ đem chén đũa bẩn về nhà rửa và cày sân cà phê khi trời hửng nắng
kẻo nó bị đen nhân của hạt. Làm cái này một tý cái kia một tý. Thế mà cũng ngót
ngét một buổi chiều.
Trời chập tối, tiếng máy công nông
xình xịch đổ về đội Toàn Thắng. Người làm thả nhanh bạt lưới hái cà xuống rồi
xe lại xình xịch nhả khói, chạy theo lối mòn đến công ty giao nộp sản phẩm. Người
ở nhà dọn dẹp sạch sẽ chờ người đi nhập cà về cùng ăn cơm tối. Hôm nay gần chín
giờ tối mới thấy bố tôi về. Có lẽ hôm nay người nhập cà nhiều quá nên lâu.
- Bố ạ, hôm nay được mấy tạ hả bố?
Người nhập đông quá hay sao mà giờ bố mới về?
Tôi cất tiếng gọi, hỏi bâng quơ
như chỉ để chào bố. Bố trả lời một cách nặng nề, chán ngán:
- Được hơn một tấn, nhưng mưa nên
họ trừ khối lượng nước nhiều. Người nhập cũng chẳng đông đúc gì cả. Chỉ tại mấy
đứa nó hái cà xanh quá, họ bắt mình nhặt hết quả xanh. Giờ mới về đây. Kiếm cái
nghề sạch áo ráo tay mà làm thôi con ạ. Làm cà khổ quá con ơi.
Thương bố mà chả biết làm sao,
Nói nữa cũng chỉ làm bố thêm bận lòng. Mẹ nói như kiểu trách yêu:
- Sao anh không vào quán húp bát
cháo lòng rồi về cho đỡ mệt.
Bố gắt:
- Tao đâu phải cái thằng Hoàng. Tối
nào nhập cà xong cũng kéo bè kéo cánh ra quán bà Năm trước cửa công ty làm một
chầu rồi mới về. Sáng nào con vợ nó cũng cằn nhằn. Mẹ nó không nghe thấy à.
Rồi bố lại nhìn sang tôi với ánh
mắt dò xét:
- Liệu mà chọn thằng chồng cho nó
tử tế. Lấy như cái Thủy lấy thằng Hoàng thì chỉ có tàn phai má hồng. Ngày xưa
con Thủy nó đẹp như thế. Sau vài năm lấy chồng. ra đồng làm cà phê mà nhìn như
gái bốn mươi. Đấy! Cũng tại không có nghề ngỗng gì nên mới phải lấy chồng làm
nghề cà phê đấy. Mày muốn sướng thì lo mà học. Đỗ đại học, kiếm cái nghề rồi
tha hồ lấy chồng sạch áo ráo tay. Sướng cả đôi đường.
Nghe bố nói, tôi cũng chỉ biết chạnh
lòng, chạnh lòng đến mức tủi thân muốn khóc. Tôi rớt đại học một lần rồi. Năm
nay ôn thi tiếp, không biết sẽ ra sao. Dẫu biết bố nói thế là tốt cho mình
nhưng bố mẹ kỳ vọng vào tôi nhiều quá. Áp lực quá. Tôi muốn biết sức học của
tôi tới đâu và nghề nào là thực sự sạch áo ráo tay đúng nghĩa. Tôi muốn biết
con trai làm nghề sạch áo ráo tay có thật lòng với tôi không? Tôi muốn biết đủ
thứ. Tôi tham vọng quá….Tôi ngước lên bầu trời, nhìn bầu trời đêm mây mù xám xịt,
che lấp những vì sao. Nó đen ngòm như con đường bước vào ngưỡng cửa đại học của
tôi vậy.
Mặc cho tôi đang suy nghĩ, đồng hồ
vẫn cứ quay, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Nhà nhà bật tivi vừa ăn vừa xem phim ảnh,
người người rả rích kể về những chuyện đã qua. Ngoài đường rải rác vẫn nghe tiếng
xe công nông xập xình chạy ở đâu đó. Khi cả xóm tắt đèn đi ngủ thì cũng là lúc
những con chó gầm gừ sủa những người đàn ông trong xóm đi ra chòi cảnh vệ để
trông giữ cà phê. Ấy cũng là lúc kết thúc một ngày lao động của những người phụ
nữ. Cầu mong sáng mai thức dậy là một ngày bội thu.
Buôn Ma Thuột, 23/9/2012
Ái Châu
ăn vừng(không lép)
ReplyDeleteKhà khà. Vừng có ai nhắc đến lép hay không không nhể
Delete