Chở cà phê đi bán - ảnh: Trần Quốc Bảo |
Ở Dak Lak hiện nay thịnh hành các hình thức mua bán cà phê như sau:
Một là: Đem cà phê trực tiếp ra của hàng của tư thương để bán lấy tiền mặt. Bán với số lượng tùy nhu cầu người bán
Hai là: Vì một số chủ hộ cà phê có quá nhiều cà phê hạt nhân hoặc những chủ hộ có lý do gì đó mà không thể chứa cà phê ở trong kho của gia đình được thì họ tiến hành chở cà phê ra các đại lý thu mua cà phê để “ký gửi”.
“ Ký gửi” ở đây có nghĩa là gì? Nghĩa là anh gửi sản phẩm cà phê của anh vào kho của tôi. Tôi đem đi mua bán kiếm lời hay làm gì đó thì tùy tôi miễn là tôi vẫn ký cho anh một tờ giấy biên nhận rằng ngày tháng năm đó tôi có nhận của anh đó bao nhiêu kilogram cà phê dạng hạt nhân. Đến khi anh cần tiền, anh muốn bán cà phê thì anh ra đại lý của tôi bán cà phê, lấy tiền mặt theo giá cả thị trường tại thời điểm anh cần tiền chứ không phải thời điểm anh đem ký gửi cà phê. Anh ký gửi cho tôi thì gần như 99% anh phải bán hết số cà phê ấy cho tôi rồi. Hiếm ai lấy lại được cà phê nhân sau khi ký gửi, Đa số đều lấy tiền ở đại lý để chi tiêu dần dần hết.
Thế thì chính điều này mới nảy sinh ra nhiều vấn đề. Có những chủ gia đình một mùa có 11, 12 có người 15 tấn cà phê cũng có người gần 20 tấn cà phê. Không có một cái kho nào có thể chứa nhiều đến mức ấy được. Nên thường phải đi ký gửi cho đại lý khoảng 1 nửa trong số cà phê mình có. Chỉ đến khi cần mới bán số cà phê đã ký gửi về. Nếu mọi chuyện cứ êm thấm như thế thì không nói làm gì. Đằng này các chủ đại lý cà phê sau khi nhận ký gửi cà phê thì đem cà phê đi trao đổi mua bán trên thị trường. Có đôi lúc thực hiện hành vi đầu cơ tích trữ chờ giá lên cao mới xuất kho. Có những chủ thương lái vì thiếu thông tin nên bị lừa đảo. Mất hết số cà phê trong kho nhưng không thu được đủ số vốn ban đầu dẫn đến tình trạng vỡ nợ. Các chủ hộ gia đình đến lấy tiền không có, mà đòi lại số cà phê của mình thì trong kho đã trống rỗng. Cay đắng hơn cả vẫn là những người nông dân mất cà phê. Có bao nhiêu cà phê đem ký gửi hết. Đến khi nghe tin chủ đại lý vỡ nợ thì gia đình có người tự tử vì uất ức….Các bạn cứ thử tính đi. Một ký cà phê bây giờ khoảng 43 000VNĐ. 1 tấn là 43 triệu.cứ thế nhân lên. Họ xót tiền xót của. Trong khi để làm ra số cà phê ấy thì chi phí đầu tư cũng khoảng 1/3 tổng số cà phê ấy rồi. Phân bón theo đơn vị tấn, thuốc sâu phun theo đơn vị chục chai. Một mùa thu hái cà phê cũng tốn gần 20 triệu tiền thuê nhân công. Mọi vấn đề đều nhờ cà phê cả. Mất hết có nghĩa là mất chi phí đầu tư cho niên vụ tới. Đói lại hoàn đói. Ai đó lên Tây Nguyên vẫn nghe câu nói muôn thuở khi vay mượn đó là “đến mùa em trả”. Nghĩa là đến hết mùa cà sẽ trả đấy. Không có cà thì chịu chết.
Nhà tôi, có 1 hecta cà phê của công ty nhà nước. Đến mùa Ba tôi nộp 51% tổng sản phầm cho công ty còn lại một năm chỉ có mỗi 3 tấn cà thu về nên cũng ít bị ảnh hưởng vì chuyện này. Nói thế thôi chứ nhiều khi không được 3 tấn vì công ty mỗi năm bắt nộp 6 tấn 8 tạ 22 kg cà phê quả tươi. Với độ chín là 95% quả chin đỏ, chỉ cho phép 5% là quả vàng và quả xanh. Nên khi trả hết cho công ty đem về không bao nhiêu cả nên bị thiếu tiền nợ cho cả năm. Nếu có đủ thì chi phí đầu tư cho năm sau lại nợ tiếp. Cứ nợ xoay vòng thế…Nhiêu khê lắm, Không được giàu và sung sướng như những người trồng lúa vẫn nghĩ về dân cà phê đâu. Người ta bảo dân cà phê là giàu. Nhưng do họ so cà phê với giá lúa nên nghĩ vậy chứ so giá cà phê với giá sản phẩm lao động chất xám thì có là bao nhiêu đâu. Thế nên xin ai đó trên đất nước này hãy hiểu hơn về người trồng cà phê trước khi phán họ giàu.
Tây Nguyên Xanh gần như chưa viết bài nào về người Tây Nguyên nên hôm nayTây Nguyên Xanh muốn viết gì đó cho bạn bè đó đây hiểu về đời sống của người dân Tây Nguyên hơn Đây là nơi chuyên viết về những gì là đời thường là thật nhất về cuộc sống, những mảnh đời trên đất Tây Nguyên. Những sự kiện nóng bỏng trên Tây Nguyên mà trong phạm vi Tây Nguyên Xanh có thể chứng thực được để truyền tải đến các bạn. Còn có những ai đang sống trên Tây Nguyên đặc biệt là hai tỉnh Kon Tum và Lâm Đồng thì mình muốn hợp tác với các bạn để tìm hiểu về nghề làm lagim hay còn gọi là nghề trồng hoa ở Đà Lạt và muốn tìm hiểu đời sống của nhân dân ở Bắc Tây Nguyên. Các bạn ở vùng miền khác nếu có thông tin tình cảm gì dành cho Tây Nguyên thì xin hãy chia sẻ nhé. Địa chỉ email bientaynguyen@gmail.com
Buôn Ma Thuột, tối 30/6/2012
Tây Nguyên Xanh
Đây là một đề tài hay đó bạn, bạn ở đâu trên TN vậy?
ReplyDeleteMÌnh ở Dak Lak. Cảm ơn bạn đã khen nhé
Delete