Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Tuesday, February 19, 2013

CÂY NÊU NGÀY TẾT

February 19, 2013

Share it Please
HOÀNG TRỌNG MUÔN
   Ngày trước, ở nông thôn, tết đến, nhà nào cũng trồng một cây nêu ở trước cổng và mọi người trồng cây nêu ở những nơi thờ tự của cộng đồng như đình, đền, chùa của làng xã. Tục trồng cây nêu có từ rất lâu đời, chưa ai biết chính xác là có từ bao giờ nhưng đã ăn sâu vào tâm thức các thế hệ người Việt Nam như một biểu tượng thiêng liêng của ngày Tết Nguyên đán.
  Theo định lệ, vào ngày 30 tháng Chạp (nếu tháng thiếu thì ngày 29), người ta trồng cây nêu và vào ngày 7 tháng Giêng (mồng 7 tết Nguyên đán) thì làm lễ Khai hạ và hạ cây nêu xuống. 

   Cây nêu là một cây tre tươi để nguyên cả ngọn. Nhiều khi người ta còn cầu kỳ đào cả gốc tre để cây không bị héo úa trong suốt mấy ngày đầu năm cho khỏi bị giông. Trên ngọn tre, người ta treo túm lá dứa hoặc lá đa, mấy chiếc khánh, mấy con cá nhỏ bằng đất nung, mấy chiếc đèn bằng giấy xếp, mấy hộp vàng mã và túm lông gà. Sát phía trên cùng của ngọn tre, người ta gắn một vòng tròn làm bằng tre hoặc nứa quấn giấy đỏ. Dưới gốc cây nêu hướng mặt ra phía trước, người ta vẽ lên đó hình cung tên bằng vôi trắng. Cây nêu phải cao vượt hẳn lên trên khỏi nhà cửa và các cây cối xung quanh.

  Trước kia, người Việt cổ không treo nhiều thứ lên cây nêu như thế. Theo quan niệm triết học của người Việt cổ thì cây nêu là “cây vũ trụ” thể hiện âm dương giao hoà và mang tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước. Gốc tre chôn xuống đất, ngọn vươn lên cao, trên cùng ngọn cây là vòng tròn đỏ mang ý nghĩa âm dương giao đãi, vũ trụ (không gian và thời gian) hợp nhất. Những đốt tre biểu tượng cho tiết nhịp thời gian, đốt cây tre tươi (đang sống) là thời gian đang vận động. Sở dĩ người ta chọn cây tre chứ không phải là cây nào khác vì cây tre gắn bó chặt chẽ suốt cả cuộc đời của nhiều thế hệ người nông dân, được sử dụng để làm mọi thứ nông cụ như cán cuốc, chuôi liềm… cũng như các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày. Các đồ vật treo trên cây tre thể hiện tín ngưỡng phồn thực, một tín ngưỡng dân gian phổ biến của cư dân nông nghiệp, mang ước mong về sự sinh sôi nảy nở của con người. Từ túm lá đa (đa mang ý nghĩa là nhiều), con cá, lông gà (biểu hiện của chim thần giúp con người mọi điều tốt đẹp), đều mang ý nghĩa gửi gắm mong muốn may mắn và thành đạt. Thời gian dựng cây nêu vào những ngày cuối cùng của năm, là thời điểm cuối đông (tết là mùa xuân vì quan niệm sang xuân là sang năm mới, chứ không tính cụ thể theo tiết lập xuân), chuẩn bị sang xuân, khi trời chuyển từ không khí lạnh lẽo, ảm đạm dần sang ấm áp và cây cối bắt đầu đâm chồi, nảy lộc, ánh mặt trời yếu ớt của mùa đông sẽ được thay thế bằng ánh nắng mùa xuân. Đó là cảm thức về thời tiết vào thời điểm chuẩn bị giao mùa vì theo triết học về thế giới quan thì khi âm suy dương thịnh (âm đến cực độ thì sinh dương: “âm cực dương sinh”), cây nêu biểu tượng cho âm suy dương thịnh.
  Quan điểm phổ biến nhất giải thích về tục lệ trồng cây nêu bắt nguồn từ một truyền thuyết trong giáo lí đạo Phật. Chuyện kể rằng: Ngày xưa, lâu lắm rồi, không ai còn nhớ rõ vào thời điểm cụ thể nào, ác quỷ chiếm hết cả đất đai, mọi thứ của con người. Con người sức yếu, thân cô thế cô phải ăn nhờ ở đậu và làm rẽ ruộng cho quỷ. Mỗi vụ, quỷ lại bắt con người phải nộp số hoa màu tăng gấp đôi. Cuối cùng, chúng bắt con người nộp ngọn còn cho gốc các cây trồng mà con người làm ra. Vì thế, năm ấy, sau vụ gặt, con người chỉ còn có gốc rạ và đã lâm vào nạn đói thê thảm, còn bọn quỷ reo cười đắc thắng.
  Phật từ phương Tây xa xôi, xót thương con người chịu khổ đã tới giúp, chỉ bảo cho con người cách trồng khoai thay cho trồng lúa. Mùa thu hoạch năm ấy, lũ quỷ chỉ nhận được toàn lá và dây khoai lang mà tức không làm gì được. Chúng liền tuyên bố vụ sau con người phải nộp tất cả gốc cây và ngọn cây, chỉ cho hưởng thân cây. Thấy vậy, Phật bèn trao cho con người giống cây ngô để trồng và năm ấy lũ quỷ lại bị một phen ngậm đắng nuốt cay. Tức quá, quỷ liền bắt người trả lại hết đất đai cho chúng, không cho người làm ruộng rẽ nữa. Phật lại bảo con người điều đình với quỷ cho tậu một miếng đất bằng vừa bóng chiếc áo cà sa. Quỷ hí hửng bằng lòng. Con người liền trồng một cây tre. Phật đứng trên ngọn cây tung áo cà sa toả ra, rồi hoá phép cho cây tre cao vút lên mãi tận trời làm cho bóng áo cà sa che kín hết cả mặt đất. Bọn quỷ cứ dắt díu nhau lùi mãi, lùi mãi để nhường lại chỗ đất đã bán cho người. Chúng lùi mãi, lùi mãi đến khi không còn đất nữa đành phải chạy ra tận biển Đông.
  Tiếc vì mất đất, Quỷ đem quân cướp lại. Cuộc chiến giữa quỷ và người vô cùng ác liệt. Phật liền ra tay giúp người. Ngài cầm cây gậy tầm xích đánh giúp làm cho quân của quỷ không thể tiến lên được. Hai bên thăm dò nhau. Phật nói cho lũ quỷ biết là mình sợ nhất là hoa quả, oản, chuối, trứng luộc. Quỷ cũng phải nói ra điểm yếu của mình là sợ máu chó, lá dứa, tỏi. Thế là quỷ bị mắc lừa. Phật bảo con người dùng những thứ quỷ sợ để tấn công chúng nên cả ba lần tấn công đều chiến thắng. Cuối cùng, lũ quỷ bị Phật bắt đầy ra biển Đông nhưng vì lòng từ bi hỉ xả nên sau khi chúng van lạy, Phật thương hại đồng ý cho chúng mỗi năm được vào đất liền ba ngày để thăm nom phần mộ tổ tiên. Vì thế, hàng năm cứ vào ngày tết Nguyên đán là ngày lũ quỷ được vào thăm đất liền nên mọi người theo tục cũ trồng cây nêu để ngăn không cho quỷ vào chỗ ở của mình. Cũng vì vậy mà truyền thuyết về cây nêu và tục trồng cây nêu mặc dù đã có từ trước đó nhưng vẫn mang dấu ấn của văn hoá đạo Phật, nhất là khi đạo Phật chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của người Việt.
   Bây giờ thì hầu hết người dân trong các vùng nông thôn Việt Nam không còn trồng cây nêu trước cổng nhà mình vào mỗi dịp tết Nguyên đán nữa nhưng truyền thuyết và biểu tượng của nó thì vẫn được truyền tụng và vẫn in sâu, vẫn được truyền lại cho nhau trong tâm trí người Việt.

Nguồn bài và ảnh tại Hoàng Trọng Muôn Facebook 

0 comments:

Post a Comment