Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Tuesday, February 5, 2013

NĂNG LƯỢNG PHÓNG SỰ- YẾU TỐ SỐ 1 CỦA NGƯỜI VIẾT PHÓNG SỰ

February 05, 2013

Share it Please
NĂNG LƯỢNG PHÓNG SỰ- YẾU TỐ SỐ 1 CỦA NGƯỜI VIẾT PHÓNG SỰ
Nguyễn Quang Vinh
1. 
Đi.
Đi không có nghĩa là đi nhiều nơi, đến nhiều chốn, gặp nhiều người, chứng kiến nhiều hoàn cảnh, nhiều nhân vật, nhiều câu chuyện. Là nhà báo, ai chẳng đi nhiều, thậm chí có nhà báo đi quanh năm suốt tháng. Đi không hẳn là cần cho nhà viết phóng sự. Nhà viết phóng sự chọn cách đi riêng. Đi không ham hố, đi không thụ động, đi không mò mẫm. Khác với việc đi để đưa tin, viết bài thông thường, viết bài ăn lương, đạt chỉ tiêu, nhà viết phóng sự đi là để nắm lấy, chộp lấy, chiếm đoạt lấy, bao vây, trấn áp, móc ruột móc gan nhân vật, sự việc mà mình cần, để từ đó làm nên chất liệu phóng sự. Đi của nhà viết phóng sự không chỉ là đi đến nơi, gặp được nhân vật , sự kiện, mà trước khi làm chuyến đi đó, anh ta- tức nhà viết phóng sự, phải đi đến cùng văn hoá của sự kiện đó, nhân vật đó. Anh ta định đi lên các tỉnh miền núi, tìm viết một nhân vật miền núi là người Mường, Thái, Sán Dìu mà anh ta đã cảm thấy là nhân vật này, sự kiện này đang hút hồn anh ta? Thế thì trước khi đi trên thực địa, dứt khoát anh ta phải đi bằng tài liệu, bằng sách vở,bằng phong tục văn hoá, bằng địa lí, bằng truyền thuyết trước. Anh ta phải biết được nhân vật anh ta ở chỗ ấy, chốn kia tức là ở vùng văn hoá nào, nói năng thổ ngữ ra sao, phong tục tập quán, cách thức sống, sinh hoạt , sản xuất như thế nào? Biết như thế đã, mới đi đến nhân vật, mới chủ động phỏng vấn, hỏi chuyện, ghi chép, mới hy vọng dựng được nhân vật trong không gian, thời gian, trong hoàn cảnh một cách chân thực, viết mới ra được hồn vía nhân vật, mới thấy được một nhân vật động cựa, có chiều sâu, có tính khái quát và hấp dẫn. Như thế là bước đi của nhà viết phóng sự là bước đi chủ động, vững chãi, bước đi của uy lực một người cầm bút am tường văn hoá, lối sống, am tường thế sự, am tường cuộc đời. Không có những bước đi như vậy mà cầm bút viết phóng sự thì sẽ là những phóng sự sao chép máy móc, những photocopi lời kể của nhân vật, nghèo nàn, đơn điệu, nhạt tình, nhạt chữ, nhạt văn. Đó không là phóng sự, đó chỉ là gương người tốt việc tốt hay một bài phản ánh kéo dài theo kiểu tôi đến, tôi đi, tôi gặp, tôi thấy, tôi nghĩ rằng, tôi đề nghị, tôi thiết nghĩ như vốn vẫn xảy ra ở hàng trăm bài phóng sự vô thưởng vô phạt in rất nhiều trên các báo. Đó không phải là phóng sự. Chắc chắc không phải.

2.
Gặp gỡ, hóng hớt, phỏng vấn.
Nhà báo thì phải gặp gỡ nhân vật, trực diện với sự kiện để ghi chép, để phỏng vấn.
Nhưng nhà viết phóng sự có cách thức gặp gỡ nhân vật, sự kiện khác với nhà báo viết tin bài. Hay nói chính xác hơn, nhà viết phóng sự khi gặp nhân vật lại chủ yếu hóng hớt chuyện nhân vật hơn là phỏng vấn một cách nghiêm chỉnh và bài bản. Càng tiếp xúc nhân vật nghiêm chỉnh và bài bản theo cách như thưa anh, thưa chị, thưa ông, xin anh, xin chị, xin ông cho biết ...là hỏng, không thể là cách tiếp xúc tài liệu để viết phóng sự. Tôi gọi hóng hớt vì có lí do. Hóng hót là hóng chuyện, là nghe chuyện người ta, là gợi mở, là kích thích, thậm chí là kích động cho nhân vật được nói hết, được bộc lộ, được giải bày, được gào lên, hét lên, nức nở lên, hả hê khoe khoang, thì thầm trò chuyện, nói cho hết, cạn kiệt ý nghĩ, công việc, cảm xúc, thậm chí cả những oan khuất, cả những vương vấn, cả những khát vọng, tham vọng, cả những ẩn ý, cả những âm mưu, cả những toan tính, cả những xuýt xoa, cả những nuốt tiếc, cả những mơ mộng của chính họ, đích xác là họ và chúng ta- những nhà phóng sự phải há hốc mồm miệng ra mà nghe, nghe như nghe người tri kỉ, nghe như nghe chuyện người yêu, không cần ghi chép nhiều, bởi vì những câu chuyện hóng hót bao giờ cũng thấm vào ta sâu sắc nhất, rõ nhất, xúc cảm nhất. Nhưng hóng hớt một cách chủ động, hóng hớt nhưng phải biết lái nhân vật theo đúng ý định của nhà phóng sự, thậm chí khi cần thì mớm cung cho họ, để họ nói được cái mà ta cần. Nhưng làm sao mà có được cái mà ta cần khi hóng hớt nhân vật?
3.
Kịch bản của phóng sự
Không đùa một chút nào. Nếu đi viết phóng sự mà không có trước kịch bản cho bài phóng sự thì không thể thành công. Kịch bản phóng sự là một cách thức giúp ta chủ động, giúp ta đỡ mất thời gian mò mẫm tìm kíêm tài liệu, kịch bản chính là một bộ xương chi tiết và việc gặp nhân vật, hóng hớt với nhân vật chính là thao tác để đắp da thịt vào bộ xương ấy. Mỗi bài phóng sự có một cách hình thành kịch bản khác nhau. Mỗi đối tượng nhân vật, mỗi tầm cấp nhân vật lại có một kịch bản khác nhau. Kịch bản tạo ra từ bố cục, từ khúc đoạn, từ cách sắp xếp các chi tiết để tạo ra một phong cách phóng sự tốt nhất, hấp dẫn nhất, kịch bản giúp nhà phóng sự kĩ lưỡng hơn khi tiếp xúc với nhân vật, chủ động hoàn toàn khi nhảy vào sự việc, và nhanh chóng rút êm khi đã có đủ tư liệu cho kịch bản phóng sự của mình. Kịch bản phóng sự là thứ thiên biến vạn hoá, là cách để nhà phóng sự tìm được một cách chắc chắn chìa khoá để giới thiệu nhân vật, sự kiện, là cách để nhà phóng sự mê hoặc độc giả, làm náo động ruột gan độc giả, cuốn hút độc giả, lôi kéo độc giả ngay từ tình huống đầu tiên, ngay từ câu thoại đầu tiên của nhân vật, ngay từ khung cảnh đầu tiên của sự kiện. Kịch bản có thể đột ngột thay đổi khi trực tiếp tiếp xúc với nhân vật, sự kiện, nhưng dù có thay đổi thì cũng phải có ngay một kịch bản được thay đổi. Phải biết một cách chắc chắn phóng sự này là hai kì, một kì, là 1500 chữ, 800 chữ, hay 2000 chữ, phải biết một cách chính xác độ dài của phóng sự ngay khi tiếp cận nhân vật, sự kiện, và muốn vậy, không gì hơn là phải có kịch bản phóng sự.
4.
Giọng.
Cũng không được đùa với điều này. Nó quan trọng lắm. Giọng phóng sự là hồn vía, thần thái của nhân vật, câu chuyện mình đang phản ánh và trước hết là mang giọng của chính tác giả, phong cách tác giả, nét riêng tác giả, không lẫn được. Che tên tác giả đi, vẫn nhận ra được bài phóng sự này là ai viết. Đạt được như vậy tức là phóng sự có giọng. Giọng phóng sự là một cuộc phấn đấu kì khu, có thất bại, có thành công, nhưng nhất định muốn thành nhà phóng sự phải tạo ra được giọng của phóng sự. Giọng phóng sự bật ra từ cách hành văn, từ bố cục, từ câu chữ, từ cách dựng nhân vật, chi tiết, từ chữ nghĩa. Một câu chuyện rất buồn, nhưng không phải ai kể ra cũng thành một câu chuyện buồn, cũng lấy được nước mắt người nghe. Người kể chuyện hay phải có giọng. Nhà viết phóng sự muốn hay cũng phải có giọng, giọng riêng, không lẫn vào ai cả, giọng của mình, giọng ấy được phát lộ từ một quá trình rèn giũa, tu luyện, từ sự kiên nhẫn vô biên của người cầm bút và từ cách thức mà người viết phóng sự muốn mê hoặc độc giả của mình.
5.
Ngôn ngữ.
Nghèo chữ thì đừng viết phóng sự, chỉ uổng công, bởi vì nhà báo nghèo chữ không thể chuyển tải nỗi tâm sự, câu chuyện, hồn vía, tính cách nhân vật đến người đọc một cách đa chiều, đa ngôn, đa phương diện, đa cảm xúc. Rốt cuộc thì trên giấy vẫn là chữ. Chữ là ma thuật, là thế giới thiêng liêng, là phương tiện tối ưu để mang hơi thở cuộc sống, nhân cách của nhân vật, câu chuyện thế sự đến độc giả. Chữ của phóng sự còn cao hơn thế, mỗi chữ trong phóng sự có sự động cựa vô cùng vô tận của nhân vật, của hoàn cảnh, của sự việc. Không giàu chữ không viết phóng sự được. Không giỏi văn chương, đừng cố viết phóng sự. Văn chương cần vô cùng cho nhà phóng sự. Văn chương giỏi, bộc lộ nhanh tính cách, số phận của nhân vật , tính cách của họ, công việc của họ, nhanh chóng hút hồn hút vía độc giả vào sự kiện, vào nhân vật, vào hành vi mà mình phản ánh. Lựa chọn, sắp xếp. kĩ càng áp ngôn ngữ cho từng đối tượng nhân vật, cho từng hoàn cảnh. Ngôn ngữ mang được đặc thù khu biệt của không gian, thời gian, địa lí mà nhân vật đang sống, sự kiện đang xảy ra. Phái bật ra được những câu văn thiết tha, cháy bỏng tình người khi viết về những con người cao đẹp, những câu chữ đứt đoạn, nao lòng người đọc, kéo hết nước mắt người đọc khi viết về những hoàn cảnh éo le, oan khuất, đau đớn. Bặm trợn, điêu ngoa, hàm súc, mạnh mẽ, cháy bỏng khi viết về những nhân vật, sự kiện mang tính đấu tranh giữa xấu và tốt, cao thượng và thấp hèn, tham lam và ích kỉ, độc ác và nhu nhược...Phải tung tẩy chữ nghĩa trên từng trang viết. Phải thổi vào chữ nghĩa phóng sự toàn bộ nhân cách của mình, tâm hồn của mình, tâm huyết của mình, ruột gan của mình, ý chí của mình, cảm xúc của mình, phẩm chất công dân của mình. Đọc phóng sự có thể biết người viết là ai, anh ta mạnh mẽ hay yếu ớt, anh ta nhập cuộc hay chỉ là người ngoài cuộc. Những con chữ máu thịt nhờ vào những chi tiết máu thịt. Những con chữ giỏi là biết dựng lên được vóc dáng nhân vật, phải làm cho độc giả nhìn thấy, nắm được, đeo bám được nhân vật, sự kiện mà mình phản ánh với toàn bộ ý thức, cảm xúc, toàn bộ niềm hứng khởi, sự đam mê, nỗi niềm xúc động. Chữ là vũ khí của nhà phóng sự, vũ khí đó phải sắc, ngọt, đa diện, và trên tất cả mọi điều, nhà phóng sự thông qua con chữ phải mang đến cho độc giả những câu chuyện chân thực, những nhân vật chân thực, lôi kéo, an ủi, động viên, kích động, kéo tay độc giả đi theo nhân vật tốt, noi gương họ, đẩy xa độc giả rời khỏi sự cám dỗ của cái ác.
6.
Chi tiết.
Chi tiết của một bài phóng sự nghe có vẻ rất dễ hiểu nhưng lại vô cùng mơ hồ. Nhưng không có chi tíêt, phóng sự không đứng vững trong lòng người đọc, không lay chuyển được tâm tư, tấm lòng, trí não của người đọc. Mà báo chí là phải lay động dữ dội độc giả về những nhân vật, sự kiện mà mình phản ánh. Chi tiết phóng sự có khi không cần to tát, không cần nổi trội, không cần sắc sảo. Nhà viết phóng sự khôn khéo tìm kiếm, nhặt chi tiết từ cuộc sống nhân vật, từ cuộc nói chuyện hóng hớt, từ sự kiện, để rồi đẩy vào bài viết của mình những cái gai nhọn chỉa thẳng vào tâm trí người đọc. Cuộc sống có muôn vàn chi tiết. Nhân vật nào cũng có muôn vàn chi tiết về đời tư, về phẩm chất, về công việc, về hoàn cảnh, vấn đề của nhà phóng sự là tìm kiếm, sắp xếp một cách khôn khéo, đặt đúng chỗ, nói đúng nơi, gợi mở đúng lúc các chi tiết để chính các chi tiết làm ra dung nhan nhân vật, phẩm chất nhân vật, chính chi tiết vẽ ra cuộc sống, vẽ ra sự kiện. Không có chi tiết, đừng viết phóng sự, bởi vì như vậy thì độc giả dễ quên, dễ bỏ qua, dễ chán. Chi tiết có được còn nhờ vào sức sống, sự từng trãi, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm cầm bút của nhà phóng sự. Tìm chi tiết là đãi cát lấy vàng, phải kiên nhẫn, phải thông minh, phải khôn ngoan, thậm chí phải mưu mẹo mới hòng móc ra được những chi tiết quí giá cho phóng sự của mình.
7.
Tên
Lại không thể đùa với cái tiêu đề bài phóng sự, cái tên bài phóng sự quan trọng và chiếm một vị trí hết sức độc lập của bài viết. Tên phóng sự thực chất là tên một bài báo, vì thế, nó không thể chấp nhận những từ ngữ đưa đẩy sáo rỗng, bay bướm như tên một bài thơ, một truyện ngắn, nó cũng không thể qúa mơ hồ, xa lạ với các thể loại báo chí thường dùng, nhưng nó cũng không được quá đơn gỉan, quá phàm tục, quá thật thà. Tên bài phóng sự phải là cái gì đó động cựa, sống sít, sôi nổi, ấn tượng, tạo ngay cho độc giả trước hết là sực tò mò, sau nữa là cảm thấy, cảm nhận một điều gì đó mới lạ cần phải đọc. Tên phóng sự có thể rút ra từ ngay trong nội dung bài viết nhưng trước hết, trước khi làm điều đó, nhà phóng sự phải chọn ngay được điều mình muốn nói nhất, trực diện, không vòng vo, chỉ rõ cái chuyện đang xảy ra nơi nào, hay nhân vật đó là ai, giản đơn, thuyết phục và gây một cú sốc nho nhỏ cho người đọc. Tên bài phóng sự thực sự phải được chưng cất từ muôn vàn chi tiết của bài phóng sự, được rút ra, tôn cao lên, thăng hoa, phù phép, thổi hồn thổi vía của nhân vật, sự kiện lên những con chữ làm tên bài viết này. Có khi nhà phóng sự đặt tên bài viết xong mới lên đường tìm đến nhân vật sự kiện. Có khi tên phóng sự chỉ xuất hiện một cách vững chắc sau khi đã viết xong bài hay ngay trong lúc nhà phóng sự tiếp xúc với nhân vật, với sự kiện. Hãy ma thuật hoá số chữ của tên bài, có thể là ba chữ, năm chữ, bảy chữ, nói chung cảm giác đặt tên phóng sự bằng số chữ lẻ vẫn bắt mắt và gây cảm hứng cho độc giả nhiều hơn là số chữ chẳn. Bài phóng sự có thể xuất hiện ngay từ một bản tin của đồng nghiệp, ngay từ một bài báo của đồng nghiệp, ngay từ câu chuyện vỉa hè ở quán nước, ngay từ một phiên toà, ngay từ một lá đơn kêu cứu. Và như vậy, ngay khi đó, tên phóng sự có thể xuất hiện cùng đồng thời với ý định đi viết phóng sự của tác giả. Những phóng sự hay đều bắt đầu từ tên hay của bài phóng sự . Tên là cõi thiêng. Đặt tên đúng là thắng lợi coi như được một nửa.
8.
Những sự bịa vô hại
Viết báo mà còn dám dùng từ bịa vào đây thì đúng là quá đáng. Nhưng xin lỗi, nói nhỏ với nhau, viết phóng sự mà nhà phóng sự không biết bịa, không có cách bịa, không tìm được lối bịa thì e rằng, sức cảm hoá của bài viết sẽ giảm đi rất nhiều. Nhưng như thế nào gọi là bịa một cách vô hại? Bịa vô hại là sự bịa đó không ảnh hưởng đến nhân vật, sự kiện, sự bịa đó chính nhân vật cũng không thể biết, không thể phản ứng và chỉ nhằm mục đích thăng hoa chi tiết lên, đánh bóng chi tiết, cảm hoá, lay động cảm xúc của người đọc mà thôi. Nhưng phải giỏi bịa mới được phép bịa. Phải giỏi tâm lí, giỏi phán đoán, giỏi liên tưởng, giỏi nhận định. Bịa thêm cho nhân vật một đêm mất ngủ, một tiếng thở dài, một câu hỏi, một giọt nước mắt, không có gì đáng ngại, chỉ tôn vinh nhân vật lên mà thôi. Phaỉ đan cài chi tiết bịa vào chi tiết chân thực, không làm tổn hại đến sự thật mà có tác dụng đưa sự thật đến với độc giả nhanh hơn mà thôi, ngọt ngào hơn mà thôi, xúc cảm hơn mà thôi. Nhưng nếu chưa giỏi viết thì không nên bịa. Bịa là cách để nhà phóng sự tạo thêm cho nhân vật, sự kiện một không gian khác, một miền không xác định nhằm tôn vinh phẩm chất, tính cách, công việc của nhân vật hoặc chì chiết, khắc họa, xô đẩy đến cùng chân dung của cái ác.
Tôi là một nhà báo chưa được học một ngày nào về lí luận báo chí. Tôi viết bằng toàn bộ kinh nghiệm sống, có thêm chút láu cá của người cầm bút, có thêm cách thức của một nhà văn, nhà viết kịch, nhưng trên hết, tôi là người luôn khao khát tìm kiếm mọi cách thức để cho độc giả yêu dấu của mình tiếp cận được với nhân vật, sự kiện một cách hoàn hảo nhất với một phương pháp viết báo chuyên nghiệp nhất. Với một nhà báo, trở thành nhà phóng sự là một hạnh phúc to lớn. Nhưng để trở thành nhà phóng sự, nhà báo đó, trước hết, phải có năng lượng phóng sự, mà năng lượng phóng sự, thì như cách tôi đã nói ở trên, cho tôi, và chừng mực nào đó, với thể loại phóng sự, tôi đã thành công.

Nguồn bài tại Nguyễn Quang Vinh Facebook 

2 comments:

  1. Một bài quá hay mà giờ mới đọc được ,cám ơn TNX!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hihi. Tây Nguyên Xanh cũng thích nên sưu tầm bác HHP ạ. Cảm ơn bác đã khen nhé

      Delete