Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Tuesday, February 5, 2013

LỄ ĐẬP TRỐNG - ĐÊM NGOÀI VỢ NGOÀI CHỒNG CỦA NGƯỜI MA COONG

February 05, 2013

Share it Please
 Ghi chép của nhà văn Nguyễn Quang Vinh 
Người Ma Coong trong lễ hội đập trống - nguồn internet
  Mỗi năm một lần, đúng đêm 16 tháng giêng âm lịch, người Ma Coong tổ chức lễ hội dân gian độc đáo: Lễ hội đập trống. Ngoài việc ước mong mưa thuận gió hoà, cầu Giàng phù hộ cho dân bản có cuộc sống yên bình, lễ hội còn là cơ hội cho trai gái tìm đến nhau, làm quen, bén duyên để sau này nên vợ nên chồng. Lễ hội còn là cái cớ cho bà con dân bản gặp gỡ, uống với nhau cốc rượu, giải toả những khúc mắc, va chạm trong đời sống thường nhật mà ngày thường chưa có cơ hội để giãi bày hoặc thanh minh, làm cho tình yêu thương giữa mọi người càng thêm bền chặt. 
  Người Ma Coong cho rằng, nói những lời yêu thương, nới những lời cầu ước hay đơn giản chỉ là những lời xin lỗi trong đêm lễ hội này đều có Giàng làm chứng nên rất thiêng liêng. Khi mặt trống được đập vỡ- và phải cố gắng đập vỡ mặt trống trước khi trời sáng, ngay tại thời đẻm đó, người ta được quyền yêu nhau, người ta sống được cái khoảnh khắc ngoài chồng ngoài vợ, tự do, công khai, hạnh phúc mãn nguyện mà không sợ bị Giàng phạt, không sợ đánh ghen, không sợ điều tiếng. Trống vỡ là yêu, là quấn quýt nhau trong rừng, bên khe suối, cho nhau một lần trong năm. Rồi sáng hôm sau, ai về nhà đó, coi như không ai biết ai, coi như hôm qua không có chuyện gì xảy ra, tất cả lại vui vẻ cùng chồng mình, vợ mình, người yêu mình lên nương vào rẫy. Lễ hội có từ ngàn đời. Sau hơn 100km xuyên rừng trên đường 20 lầy lội và gập ghềnh, tôi có mặt tại bản Cà Roòng 1, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, vào chiều 15 tháng giêng….năm ngoái.
   Truyền thuyết này ai là người Ma Coong cũng biết: Từ xa xưa, ở làng bản của người Ma Coong xuất hiện một con Khỉ già. Trong tay Khỉ già có một cái trống thần. Vào mùa thu hoạch, Khỉ già đánh trống thần, bao nhiêu lúa, ngô, của cải dân bản đều chạy về nhà Khỉ già. Đời sống người Ma Coong vì thế triền miên đói khổ. Chủ đất người Ma Coong nghĩ kế..
   Chọn đúng tối 16 tháng giêng, trăng sáng vằng vặc, Khỉ già quá no đủ, ngủ say như chết. Trăng sáng soi rõ từng hòn cuội trên suối. Chủ làng sai người bí mật vào hang đá, lấy trộm trống thần mang về, đốt lửa, lập bàn thờ cúng Giàng và nổi trống. Của cải, lúa ngô lại từ nơi Khỉ già chạy về với dân bản người Ma Coong. Từ bữa đó, Khỉ già trốn tiệt vào rừng và chết.
   Từ đó, tập tục đập trống đêm 16 tháng giêng thành một hoạt động tâm linh theo suốt hành trình tồn tại của người Ma Coong trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Chủ đất không chỉ xin Giàng no đủ, được mùa, trong đêm 16 này, chủ đất còn xin Giàng cho người Ma Coong được một đêm tình ái. Giàng thương người Ma Coong chân thật và cần cù. Giàng giúp người Ma Coong no đủ, giúp người Ma Coong được một đêm yêu theo cách người Ma Coong: Yêu tự do. Khi trống vỡ, ai có chút tình với nhau đều có thể làm vợ chồng trong đêm ấy, không ràng buộc, không phép tắc, không luật lệ. Một đêm Giàng cho người Ma Coong thỏa mãn yêu, thoảo mãn khao khát sống, khao khát dâng hiến…
    Vật thiêng của lễ hội là trống. Thành một quy ước thần bí, tang trống phải được làm từ cây gỗ Chicúp (một loại cây rỗng ruột), tang trống này được gìn giữ từ năm này sang năm khác, từ mùa rẫy này qua mùa rẫy khác, từ đời này sang đời khác, nó chỉ được thay thế khi không thể sử dụng được nữa và trước khi thay thế, chắc chắn phải được chủ đất đồng tình (chủ đất được hiểu như vị già làng).
    Nếu phải thay, chủ đất cũng phải làm lễ cúng Giàng xin phép. Mỗi năm trống được thay mặt một lần vào trước ngày lễ hội. Mặt trống làm bằng da trâu hoặc da bò. Tấm da trâu, bò này sau khi được lấy sẽ phơi khô, để nguyên lông, bảo quản thật kỹ càng, cất giữ ở nhà chủ đất một cách cẩn trọng như cất giữ một báu vật. Ngày 16 tháng giêng, công việc chuẩn bị lễ hội bắt đầu từ việc chủ đất hướng dẫn thanh niên trai tráng trong làng bịt mặt trống vào tang trống cũ.
   Già làng hướng dẫn lũ trai làng chẻ những sợi mây dài, chuốt kỹ, luộc trong một nồi đồng. Những sợi mây sau khi đã luộc kỹ thì bắt đầu tiến hành bịt mặt trống. Khoảng nửa ngày, những bàn tay rắn khoẻ của cánh thanh niên đã luồn kéo từng sợi mây vào tấm da trâu, bò, riết căng, ép chằng tấm da vào hai mặt trống.
   Sau đó, những sợi mây buộc giăng ngang dọc trên tang trống lại được làm căng lần nữa bằng những cái nêm tre đóng dày đặc, kích dây mây căng ra, kéo mặt trống phẳng. Già làng dùng cái dùi bằng gốc mây già thử đánh một hồi vào mặt trống, tiếng kêu vang to là được. Trống làm xong, treo lên cao ngang tầm đánh. Cạnh đó còn treo hai cái chiêng nhỏ.
   Trống đã được làm xong
   Khoảng 7 giờ tối 16, cái lán dựng lên gần nơi treo trống đã được các già làng chuẩn bị kỹ càng ba mâm cúng Giàng, mỗi mâm cúng đại diện cho một dòng tộc người Ma Coong, mâm cúng thứ tư dành riêng cho chủ đất dòng tộc Đinh Keo, mâm cúng thứ năm dành cho chủ đất dòng họ Ma Năng. (Trước, chủ đất vùng Ma Coong là già làng Ma Năng. Sau đó, ông Đinh Keo lấy em gái Ma Năng làm vợ, Ma Năng liền chia đất, chia Ma cho vợ chồng Đinh Keo, cho phép Đinh Keo cũng được làm chủ đất. Suối Cà Roòng chảy qua các bản làng người Ma Coong được chia cho hai chủ đất: Từ bản Cà Roòng 1 đến bản Cóc là phần đất thuộc chủ đất Ma Năng. Từ bản Cà Roòng 1 đến bản Bụt thuộc phần của chủ đất Đinh Keo).
    Vào ngày lễ đập trống, cả hai ông chủ đất đều cùng dâng lễ cúng Giàng tại nơi tổ chức đập trống. Vị trí đập trống này cũng đã có từ ngàn đời, không thay đổi.
Mâm cúng Giàng cũng đã chuẩn bị
    Mỗi mâm cúng, lễ vật gồm: Một con gà luộc, một đĩa cá nướng, một đĩa đọt mây luộc, một đĩa đọt cây đooác luộc. Trên mỗi mâm có một nến sáp ong. Riêng mâm dành cho chủ lễ có hai nến sáp ong. Sản phẩm cúng đều tự làm lấy. Gà nuôi trong vườn, cá bắt dưới suối (suối để bắt cá trước đó 3 tháng đã bị cấm dân bản đụng vào, ai tự ý lội xuống đoạn suối cấm này sẽ bị phạt nặng, cá được làm lễ bắt vào ngày 15).
    Sau khi các chủ đất và các già làng trưởng bản quỳ trước mâm cúng của mình, quỳ trước các vò rượu (mỗi mâm cúng kèm một vò rượu), chủ lễ bắt đầu khấn vái Giàng, xin Giàng yểm hộ mùa màng xanh tốt, dân bản khoẻ mạnh, trai gái lớn lên thành chồng, thành vợ, sinh con đẻ cái, mọi việc đều thuận lợi, an bình. Sau ba lần cúng mới đến tục uống rượu cần ở các vò rượu.
    Những người có chức sắc và già cả được mời uống trước. Sau đó lần lượt mọi người đều được uống thoả thích, uống đến say. Những cô gái bản xinh nhất trong những bộ áo váy dân tộc mình, bắt đầu múa quanh chiếc trống. Khoảng năm thanh niên được chọn trước bắt đầu dùng những chiếc dùi trống làm bằng thân cây mây đánh dồn vào hai mặt trống. Hai người già cầm trịch hai cái chiêng.
Cứ năm nhịp chiêng thì thỉnh ba nhịp trống với tốc độ nhanh: Chèng chèng tùng/ chèng chèng tùng/ chèng chèng chèng tùng. Hàng trăm người đứng quanh đấy khi nghe đến tiếng chiêng, nhịp trống thì bắt đầu hò reo nhảy múa. Xong những thủ tục này là xong phần lễ.
    Ai cũng có thể vào đập trống, con trai con gái, người già người trẻ, lũ con nít cũng được, người Kinh người Thượng đều được, cả bà con người Lào bên kia biên giới vượt rừng cả ngày trời cũng qua đây đập trống. Trai gái ở 18 bản người Ma Coong của xã Thượng Trạch đều tụ về. Người ở bản xa đi cả ngày đường. Trai gái làng hoặc đã quen mặt biết tên từ trước, hoặc đã bén tình từ trước nay kéo về, nhưng phần lớn là kéo nhau tới đây làm quen, tỏ tình trong đêm hội này thôi.
    Con gái diện những bộ váy áo mới nhất, cũng son phấn, cũng xức nước hoa. Trong khi tiếng trống dồn vang lên, con gái con trai kiếm nhau, làm quen, thì thầm chuyện trò, giới thiệu, tặng quà làm quen. Muôn kiểu quà làm quen: Một trái ổi mời nhau, một quả cam, một gói kẹo, một điếu thuốc, sang nữa thì một chai nước hoa nhỏ, chiếc khăn mặt, cái kẹp tóc, những thứ này được bày bán rất nhiều xung quanh lễ hội trước cửa các nhà sàn quanh đấy. Giá trị món quà không quan trọng, đó chỉ là cái cớ cho con trai, con gái tìm đến nhau.
   Từ chập tối đến tầm nửa đêm, trai gái chủ yếu làm quen, tâm sự, hẹn hò, tặng quà, uống rượu, thay nhau đập trống.Tình cảm chan chứa, khát vọng tình, khát vọng yêu, những khao khát bản năng bắt đầu bùng lên dữ dội như bếp lửa đang cháy nóng rực cạnh nơi đập trống là bắt đầu về sáng. Khi ấy rượu đã ngà ngà say, chuyện đã nồng, ánh mắt đưa tình đã ướt nóng, thanh niên trai tráng chen nhau vào đập trống. Người ta đập dồn dập, mãnh liệt, thúc liên hồi vào mặt trống, mong cho nó thủng. Trăng sáng vằng vặc, gà cũng đã gáy le te, hàng trăm đôi nôn nao chờ phút giây vỡ trống.
    Lễ hội đập trống suốt đêm
    Những thanh niên khoẻ nhất, có cánh tay rắn chắc nhất lao vào cầm dùi mây đập không ngừng nghỉ vào mặt trống. Tiếng trống nghe dồn như tiếng thở. Mặt trống rung lên bần bật. Cả trăm con mắt đổ dồn về phía mặt trống. Tiếng gào thét xoáy lấy tiếng trống vang thấu trời đêm: Roa lữ, roa lữ Giàng ơi …( Sướng lắm trời ơi). Ai lao vào đập trống cũng gào lên, rú lên câu đó: Roa lữ Giàng ơi…Roa lữ Giàng ơi..Tiếng gào thét nghe đến tội nghiệp, nghe đến kích động. Rồi bất ngờ một tiếng bụp. Mặt trống vỡ. Cả mấy trăm con người đang nôn nao chờ phút giây trống vỡ đứng chết lặng. Không gian đang náo nhiệt đột ngột lặng phắt. Trống vỡ. Chỉ chốc lát, khu vực lễ hội vắng thưa người. Trai gái đã dắt tay nhau mất hút. Trên mảnh sân rộng nơi hàng trăm con người đang náo nhiệt đấy, giờ vắng tanh…
    Ai đó kéo tôi mất hút giữa trời trăng…
    Và đâu ở bên bờ con suối, trong rừng, dưới thảm cỏ, trên mặt đá tiếng trai gái, tiếng động yêu và tiếng kêu lên níu cả vầng trăng: Roa lữ Giàng ơi…Roa lữ Giàng ơi…
Hình như tôi cũng Roa lữ Giàng ơi…

Nguồn bài tại Nguyễn Quang Vinh Facebook 

0 comments:

Post a Comment