Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, May 18, 2013

Tham luận: DÂN CA VÍ, GIẶM XỨ NGHỆ TRONG ĐỜI SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI

May 18, 2013

Share it Please
DÂN CA VÍ, GIẶM XỨ NGHỆ TRONG ĐỜI SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI
( Tham luận của nhạc sĩ HỒ HỮU THỚI )

  Dân ca xứ Nghệ nói chung, Ví, Giặm nói riêng đều xuất phát từ lao động sản xuất; mới đầu còn thô sơ, mộc mạc, về sau do tác động của nhiều yếu tố khác nhau đã hình thành những điệu hát dân ca trữ tình, hấp dẫn làm say đắm lòng người.
Ví, Giặm là hai thể hát khác nhau, theo PGS Ninh Viết Giao:
Ví là “ví von”:
              “Thân em như hạt mưa sa
       Hạt rơi xuống giếng hạt ra ngoài đồng”
   Ví là “Với”, bên nam hát đối đáp với bên nữ.
Ví là “Vói”, bên nam đứng ngoài đường, ngoài ngõ hát vói vào trong sân, trong nhà đối đáp với bên nữ đang quay xa, kéo vải...
   “Giặm” là xuất phát từ tính phân đoạn trong một bài hát giặm; Giặm là giắm vào, diền vào như giắm lúa, điền nan trong một cái rổ; Riêng ý kiến của PGS Ninh Viết Giao: “Giặm là tiếng vang lại của tiếng nói con người nơi núi rừng, nhất là khi chúng ta đi vào những khu rừng có nhiều vách đá thẳng tắp cheo leo, khi nói một câu chúng ta thường nghe lại tiếng nói của chính mình”. Hát giặm có hai hình thức: Hát giặm nam nữ và hát giặm vè (tức vè sáng tác theo thể hát giặm).
    Ví, Giặm xứ Nghệ lúc mới ra đời chỉ là những câu hát riêng của chị em trong lúc lao động một mình, về sau có sự tham gia của những chàng trai, câu hát trở nên tình tứ, dịu dàng, uyển chuyển. Đặc biệt, từ khi có các nhà nho, nhà trí thức bình dân và một số nhà khoa bảng có danh tiếng tham gia, câu hát đã có thêm chất trí tuệ, chất uyên thâm, nho học; Buổi đầu đi chơi hát phường Vải họ thường bày câu hát cho bên nam, gọi là thầy gà. Rồi bên nữ cũng vậy, những buổi hát thế nào cũng mời cho được thầy gà. Dần dần các thầy gà trở thành người hát chính thức trong các cuộc chơi.

     Ví , giặm không chỉ hát đơn lẻ mà đã trở thành quy cách hát ví và thủ tục hát giặm (thủ tục hát giặm chỉ có trong hát giặm nam nữ). Quy cách hát ví thường có 7 bước, 3 chặng; Chặng 1 là các bước hát dạo, hát chào, hát mừng và hát hỏi; Chặng 2 là các bước hát đố và hát đối; Chặng 3 chặng quan trọng nhất, có nhiều câu hát hay gồm các bước: hát mời, hát xe kết và hát tiễn. Quy cách này đã hình thành trong dân gian từ lâu đời, mang tính chất nguyên hợp (Phoncolo). Quy cách này chỉ thể hiện đầy đủ trong hát ví phường Vải, còn các điệu ví khác không có hoặc không đầy đủ.
     Về thủ tục hát Giặm nam nữ cũng có 3 bước cơ bản: hát dạo, hát đối và hát xe kết. Trong bước hát dạo có khi chỉ hát chào, hát mừng, hát hỏi thay cho hát dạo còn hát đối hầu như vắng bóng. Quy cách hát cũng rất đơn giản, không đầy đủ như hát Ví. Vai trò nhà nho ít tham gia hát Giặm, nếu có chỉ là những nhà nho biết hát và thích hát, còn làm thầy bày, thầy gà thì rất khó. Vì hát Giặm nam nữ có bài tới ba, bốn chục câu; Thậm chí năm, sáu chục câu mà người hát phải hát liền một mạch thì không thể gà được.
    Bên cạnh việc hình thành quy cách hát và thủ tục của cuộc hát, tính chất, không gian và thời gian của hát dân ca nói chung, Ví, Giặm nói riêng cũng là một vấn đề quan trọng cần tìm hiểu. Hát Xoan Phú Thọ là hát nghi lễ, hát ở cửa đền; Hát Quan Họ là hát giao duyên, hát trên sông, hát sau đền, hát trong hội Lim; Còn Ví, Giặm xứ Nghệ là hát trong lao động, hát trong lúc đang kéo sợi, dệt vải, đan lát rổ, rá, đi cấy, đi gặt, hái củi, chèo thuyền trên sông... với những tên gọi khác nhau như: ví phường Vải, ví phường Đan, ví phường Cấy, ví phường Củi... Về thời gian, khắp vùng xứ Nghệ ở đâu cũng vang lên câu Ví, câu Giặm, hát suốt quanh năm, hát cả bốn mùa, hễ nam nữ có dịp gặp nhau, cùng nhau lao động là cùng nhau hát Ví, hát Giặm.
   Đôi nét khái quát trên để thấy rằng: Ví, Giặm xứ Nghệ, những giá trị vốn có mà chúng ta tiếp cận hôm nay không phải là bất di bất dịch, mà đã có sự bổ sung, hoàn thiện dần theo điều kiện phát triển của xã hội qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Ví dân ca là văn nghệ tự túc của người dân lao động, họ tự ngẫu hứng sáng tác và lưu truyền từ đời này sang đời khác; Quá trình ngẫu hứng sáng tác và diễn xướng truyền miệng là quá trình bổ sung, hoàn thiện và có thêm nhiều dị bản khác nhau. Tuy nhiên, dù bổ sung, hoàn thiện đến đâu thì dân ca nói chung, Ví, Giặm nói riêng vẫn nằm trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc, là tài sản vô giá của đất nước Việt Nam.
   Vậy, Ví, Giặm xứ Nghệ trong đời sống đương đại thì sao?
   Trong đời sống đương đại Ví, Giặm vẫn tồn tại, nói đúng hơn là tồn tại và phát triển một cách mạnh mẽ, khác với khái niệm bổ sung, hoàn thiện của thời kỳ còn mang tính chất nguyên hợp (Phoncolo), chưa bị ảnh hưởng các trường phái âm nhạc chính quy khác. 
    Vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước, khi phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh bùng nổ, câu Ví, câu Giặm chuyển tải nội dung đấu tranh của công nhân Trường Thi, Bến Thủy, của nông dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Và không những câu Ví, câu Giặm chuyển tải nội dung mới, mà còn có cả sáng tác mới có dấu ấn tác giả, mang đậm chất Ví, Gặm xứ Nghệ.
    Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lại xuất hiện những câu Ví, câu Giặm chuyển tải các nội dung: Tố cáo chiến tranh, tiễn người thân lên đường nhập ngũ, những mất mát hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ; Kể cả những sáng tác mới của các tác giả mang đậm chất Ví, Giặm như: “Cùng nhau đi hùng binh”, “Ta lại đào công sự”, “Thần sấm ngã”...
    Hòa bình lập lại, miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa, cùng miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Câu Ví, câu Giặm lại tiếp tục chuyển tải kịp thời, đầy đủ những nội dung mới của thời kỳ này. Câu Ví, câu Giặm không chỉ đứng một mình mà còn liên kết với nhau thành những tiết mục hoạt ca, hoạt cảnh để chuyển tải nội dung lớn hơn, phong phú và đa dạng hơn. Đặc biệt, từ khi phong trào sân khấu quần chúng của tỉnh phát triển (1960), nhiều vở kịch ngắn (kịch hát dân ca) xuất hiện, trong đó có các vở “Không phải tôi” của Nguyễn Trung Giáp, “Khi ban đội đi vắng” của Nguyễn Trung Phong, “Hỏi ai quan trọng” của Nguyễn Tiến Đang... Nhất là từ khi Đoàn Dân ca Nghệ An được thành lập (1973) (nay là Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ), hàng chục vở diễn được thể nghiệm thành công; Ví, Giặm xứ Nghệ không chỉ là điệu hát độc lập mà còn là lời hát của nhân vật trong các vở diễn sân khấu. Và một điều tất yếu là phải cải biên và phát triển Ví, Giặm xứ Nghệ, vì các làn điệu nguyên gốc trong những vở diễn hiện đại không đủ sức để chuyển tải tâm trạng, tính cách của nhân vật, nhất là những xung đột kịch sâu sắc. Nhiều làn điệu cải biên và phát triển Ví, Giặm xứ Nghệ đã đáp ứng được yêu cầu hình thành và phát triển bộ môn sân khấu “kịch hát dân ca xứ Nghệ”. Những làn điệu đó không chỉ sử dụng trong một vở mà nhiều vở diễn khác nhau, gọi là đa dùng; Không chỉ sử dụng trong sân khấu mà còn sử dụng độc lập trong các cuộc giao lưu gặp mặt thân mật, tiệc cưới, mừng sinh nhật…
     Nhiều thập kỷ qua, phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh phát triển mạnh mẽ, nhiều lễ hội dân gian, truyền thống được phục dựng, một số lễ hội mới cũng được hình thành và phát triển như: Lễ hội làng Sen, Lễ hội uống nước nhớ nguồn, Lễ hội sông nước Cửa Lò... Gần đây nhất là phong trào đưa dân ca vào trường học đã thực hiện hơn một thập kỷ qua trong hầu hết các trường phổ thông ở Nghệ An. Ví, Giặm xứ Nghệ thực sự đã đi vào đời sống cộng đồng, bằng những chương trình, tiết mục hát dân ca của các đội nghệ thuật quần chúng; Bằng những giờ dạy hát dân ca trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh; Bằng những giờ dạy hát dân ca của các thầy cô giáo trong các trường phổ thông; Và bằng những cuộc liên hoan hát dân ca hàng năm của tỉnh, của Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An tổ chức. Tháng 6 này là cuộc Liên hoan Ví, Giặm xứ Nghệ lần thứ nhất được tổ chức tại thành phố Vinh, có sự phối hợp của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
    Ví, Giặm xứ Nghệ không những đi vào đời sống cộng đồng người Nghệ ngay chính quê hương, mà cả người Nghệ xa quê và những người không phải quê hương xứ Nghệ nhưng rất yêu thích dân ca xứ Nghệ. Họ được gia đình, người thân thường xuyên gửi tặng những đĩa hát dân ca, tiếp xúc với những vở diễn sân khấu hóa dân ca xứ Nghệ trên Đài Truyền hình Trung ương, những chương trình dân ca nhạc cổ Bắc, Trung, Nam trong đó có dân ca xứ Nghệ trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Họ không những tiếp xúc với các làn điệu Ví, Giặm nguyên gốc được đưa vào sân khấu thể nghiệm, đưa vào các chương trình hát dân ca, mà còn tiếp xúc với những bài ca đi cùng năm tháng như: “Trông cây lại nhớ tới Người”- Đỗ Nhuận, “Câu hát quê hương”- Hồ Hữu Thới -Nguyễn Trọng Tạo, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”- An Thuyên…
    Ví, Giặm xứ Nghệ trong đời sống đương đại không còn có không gian thật và môi trường diễn xướng vốn có, mà thay vào đó là sự tái hiện bằng sân khấu, sàn diễn các không gian và môi trường diễn xướng cũ. Người diễn xướng là diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên và những người yêu thích dân ca, nhất là học sinh trong các trường phổ thông. Các nghệ nhân hát Ví, Giặm xứ Nghệ tuổi cao, sức yếu đã lần lượt ra đi, số còn lại chỉ đếm đầu ngón tay. Họ không còn đủ sức để tham gia diễn xướng như ngày xưa, chỉ làm được một số việc như: hát cho các nhà sưu tầm, nghiên cứu ghi âm để gìn giữ cho muôn đời sau, hát để truyền dạy cho lớp trẻ, trao đổi những vấn đề mà báo chí và các nhà nghiên cứu cần tìm hiểu…
   Ví, Giặm trong đời sống đương đại cũng không còn có hình thức văn nghệ tự túc như ngày xưa ông cha ta đã làm. Mặc dù ở đâu đó, trong các đội nghệ thuật quần chúng, thỉnh thoảng vẫn có các tiết mục tự biên, tự diễn; Nhưng tự biên, tự diễn ở đây vẫn khác với ngày xưa, tự biên tự diễn ở đây có dấu ấn tác giả, văn nghệ tự túc ngày xưa là của nhân dân. 
   Vậy, cần phải tiếp tục làm gì đối với Ví, Giặm xứ Nghệ trong thời gian tới?
   Không phải đến bây giờ mới đặt vấn đề cần phải làm gì và làm như thế nào đối với tài sản vô giá Ví, Giặm xứ Nghệ, mà năm, sáu chục năm qua chúng ta đã làm, kết quả đạt được đại bộ phận người dân xứ Nghệ đều biết. Công việc cần làm hiện nay là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để lập Hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận “Ví, Giặm xứ Nghệ là Di sản phi vật thể của nhân loại, cần bảo vệ khẩn cấp”. Lập Hồ sơ khoa học trên cơ sở những giá trị vốn có của ông cha để lại, không thể đưa những kết quả cải biên, phát triển Ví, Giặm xứ Nghệ vào Hồ sơ khoa học. Vì vậy, cần gấp rút tiến hành việc điều tra, khảo sát, đánh giá lại toàn bộ kho tàng dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ một cách khách quan, khoa học; Cần phục dựng lại một số quy tắc và thủ tục hát dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ để tuyên truyền rộng rãi ra cả nước và bạn bè quốc tế; Cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chương trình đưa dân ca vào trường học, dạy hát dân ca trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, định kỳ tổ chức Liên hoan Hát dân ca... Làm cho Ví, Giặm xứ Nghệ đi sâu hơn nữa vào đời sống cộng đồng, được cộng đồng đón nhận, lưu truyền gìn giữ và phát huy, cộng đồng là chủ nhân của dân ca Ví, Giặm.
   Trong đời sống đương đại, không chỉ có cách làm là đưa Ví, Giặm vào các tác phẩm lớn như: kịch hát dân ca, kịch hát mới phát triển Ví, Giặm, thanh xướng kịch, opera, operette dựa trên chất liệu dân ca xứ Nghệ mới đáp ứng được đời sống tinh thần của nhân dân. Chúng ta đang ở ngay chính giũa thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập và phát triển tiềm năng du lịch, trong đó kể cả di sản Ví, Giặm xứ Nghệ, là những sản phẩm vô giá để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Chỉ cần tổ chức những chương trình hát dân ca Ví, Giặm ngắn gọn, nhỏ nhẹ ở các điểm du lịch quan trọng, có thể làm thỏa mãn đời sống tinh thần của nhân dân địa phương và du khách gần xa. Chính đây mới là cái cần làm đối với dân ca Ví, Giặm trong đời sống đương đại, còn cái mới (ví, Giặm cải biên và phát triển), họ đã được nghe nhiều trên hệ thống thông tin đại chúng.
   Ví, Giặm xứ Nghệ trong đời sống đương đại chắc hẳn còn nhiều cái phải bàn và nhiều việc phải làm. Một số nét khái quát trên là quá trình chúng tôi sống với Ví, Giặm, lặn, ngụp cùng Ví, Giặm để làm nghề, xin được nêu ra để cùng tham khảo. Hy vọng, Ví, Giặm xứ Nghệ sớm được UNESCO công nhận là “Di sản phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp”. Đến lúc đó, nhân dân xứ Nghệ nói riêng, nhân dân cả nước nói chung sẽ cùng vui mừng chào đón lễ vinh danh Ví, Giặm xứ Nghệ.

Đăng lại bài trên:  Blog Nguyễn Trọng Tạo 

0 comments:

Post a Comment