Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, June 21, 2013

NGẪU HỨNG NHÀ BÁO NHÀ THƠ

June 21, 2013

Share it Please
TNX: Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Tây Nguyên Xanh có lời chúc các nhà báo và các cộng tác viên báo chí luôn có sức khỏe để viết khỏe và đem sự thật đến với công chúng. Có một điều thú vị là có nhiều người làm văn nghệ đã thử sức với báo chí. Trong đó có nhà thơ Vương Trọng. Vậy chúng ta cùng đọc những dòng được tác giả cho là "ngẫu hứng" khi bàn về nhà báo và nhà thơ và mối tương quan giữa hai "nhà" này.
NGẪU HỨNG NHÀ BÁO, NHÀ THƠ
Tùy bút của nhà thơ Vương Trọng
   Số đông bạn đọc coi tôi là một nhà thơ. Vâng, điều đó không nhầm. Nhưng, tôi còn là một nhà báo, bằng chứng là đã có Thẻ nhà báo hơn ba chục năm nay; và đã được nhận Huy chương vì sự nghiệp báo chí. Có người hỏi tôi rằng, làm thơ khó hay làm báo khó? Trả lời: làm cho giỏi thì cả hai đều khó, nhưng nếu làm dở thì làm thơ dễ hơn! Câu trả lời này có thể làm ai đó vì quá yêu thơ mà phật ý, nhưng đó là một sự thật. Bài báo dù dở đến mấy thì người viết cũng phải tìm hiểu thực tế, rồi sau đó mới viết, còn thơ dở thì trước khi viết chẳng phải chuẩn bị gì, trong khi viết cũng chẳng cần huy động gì, hơn nữa, số chữ nói chung là ít hơn, có khi chỉ vài ba chục chữ, cũng gọi là xong một bài thơ, ít hao tổn nơ-ron thần kinh, đỡ tốn công cơ học. Hơn ba mươi năm biên tập thơ tại một tờ báo văn nghệ, tôi thấy trong số bài cộng tác viên gửi đến, số bài thơ dở dễ viết hơn các bài báo dở phải lên tới con số hàng chục ngàn bài. Sinh thời, khi gặp một bài thơ dở, tuỳ tiện, nhà thơ Xuân Diệu thường buông một câu: " Làm thơ sướng thật, muốn nói thế nào thì nói!".
   Làm thơ hay và viết báo hay, cả hai đều khó, thật khó nói thứ nào khó hơn. Có người nói nhà thơ không cần phải đào tạo, còn nhà báo có thể đào tạo được. Nói như thế, theo tôi cũng chỉ đúng một phần. Ta có thể đào tạo được các nhà báo nho nhỏ, còn các nhà báo lớn, ngoài việc đào tạo ra (và có khi họ cũng không qua một trường báo chí chính quy nào cả) cần có những tư chất bẩm sinh của nghề báo, đồng thời có vốn hiểu biết rộng rãi, sâu sắc các lĩnh vực chính trị, văn hoá, kinh tế, xã hội…
   Đối với một số khá đông bạn đọc ở nông thôn hoặc vùng sâu, vùng xa, người ta coi những gì đăng lên tờ báo là báo cả, nên họ chẳng phân biệt nhà thơ hay nhà báo. Thực tế, nhà thơ và nhà báo được phân biệt, và các nhà thơ khi đi thực tế xuống cơ sở có lúc muốn được coi là nhà báo hơn là nhà thơ. Và trong một thời gian dài, Thẻ nhà báo có giá trị hơn Thẻ nhà văn ( gồm văn xuôi, thơ, phê bình và dịch thuật) trong việc ưu tiên mua vé tàu xe, qua cầu phà không mất tiền…Điều đó chưa hẳn đã nói rằng trong xã hội, người ta quý nhà báo hơn nhà văn, nhưng người đời nể nhà báo hơn, ít làm phiền nhà báo hơn… là một thực tế. Sao thế nhỉ? Đầu tiên do đặc trưng nghề nghiệp, do tính cập nhật của báo chí, có chuyện gì xẩy ra, nhà báo cần có mặt ngay, nên khi các nhà báo chưa có xe của cơ quan mình, thì các phương tiện giao thông công cộng, người ta ưu tiên, để nhà báo có thể đến nơi cần đến sớm nhất. Đó mặt tích cực của sự ưu tiên, sự nể. Còn sự nể cũng có mặt tiêu cực, như không muốn làm phiền mấy ông nhà báo, nếu không, sợ sau này mình có gì sai sót, các ông ấy cho lên báo thì nguy. Chẳng thế mà có chuyện nhà thơ và nhà báo chơi thân, mải nói chuyện với nhau rồi vô tình phóng xe vào đường ngược chiều; thế mà nhà báo được nhắc nhở rồi cho đi, còn nhà thơ kia bị giữ xe, cái Thẻ nhà văn không giúp được gì. Bình đẳng trước pháp luật, xem ra là điều không dễ.
Nguồn ảnh internet
Nhà thơ, nhà báo ai giàu, ai nghèo?
    Nhà thơ xưa nay nghèo thì rõ rồi. Nguyễn Bính từng khuyên con gái: "Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ / Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con!". Còn Xuân Diệu thì thốt lên: "Cơm áo không đùa với khách thơ ", bạn đọc chúng ta chẳng xa lạ gì. Cũng có một thời gian dài, nhà báo chung nghèo với nhà thơ, như câu tổng kết của Thanh Tịnh:" Nhà thơ, nhà báo nhà đài/ Cả ba nhà ấy bằng hai nhà nghèo!". Đó là thời bao cấp, chứ sang thời đổi mới, thời kinh tế thị trường, thì nhà thơ nói chung vẫn còn nghèo, còn nhà báo làm ăn khấm khá, số đông có đồng ra đồng vào và một số không nhỏ phải nói là giàu. Thế nào là giàu nhỉ? Nội hàm tính từ này cũng thay đổi theo thời gian. Lúc đầu người ta xem ai có xe máy thì đã chạm tới chữ giàu, sau đó phải xây được nhà lầu…Và gần đây chữ giàu để chỉ ai mua được ô tô riêng hoặc có con đi học tự túc ở nước ngoài. Với hai tiêu chí đó, nhà báo giàu không phải là cá biệt.
    Đặc trưng của báo chí là thông tin. Thời gian qua ( và cả hiện nay) là thời kỳ bùng nổ thông tin, tất nhiên nhà báo lên ngôi cũng không có gì là lạ. Có tờ báo lúc đầu chỉ ra tuần báo, sau thành nhật báo mà còn thêm tờ cuối tuần, cuối tháng, thế mà tia-ra mỗi số lên mấy chục vạn số. Trong thực tế, tờ báo nào có tia-ra một vạn là đã có lãi, tia-ra năm vạn bắt đầu khá, mười vạn là có của ăn của để, hai mươi vạn trở lên là giàu. Thế mà ở nước ta hiện nay, không ít dưới năm tờ báo có tia-ra trên hai mươi vạn. Vậy nên có hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà báo giàu có cũng không gì lạ. Tuy nhiên với nhà báo công tác tại các tờ báo tỉnh, bảo đảm cuộc sống thường thường bậc trung là phổ biến, và các nhà báo giàu có chỉ mới nằm trong chuyện kể của họ mà thôi.
    Nhà thơ sống bằng gì? - Bằng báo ! Đó là câu trả lời của không ít nhà thơ. Làm thơ là cái nghiệp, làm báo là cái nghề, nhiều người bảo thế. Cái nghề cứu sống, còn cái nghiệp nhiều khi chỉ đày đọa con người. Có nhiều nhà thơ biết nén cái nghiệp thơ lại, theo cái nghề báo thì cũng đỡ khổ. Không những thế, khi chuyển sang làm báo, một số nhà thơ như phát hiện ra sở trường của mình; họ tả xung hữu đột, có khi làm nhà báo chính thống cũng phải nể. Nhưng số đó không nhiều, phần lớn nhà thơ tay viết báo mà đầu lởn vởn ý thơ, có khi thừa cám xúc mà thiếu đi lượng thông tin cần thiết. Nên vì thế, có bài báo nào đó không thành thì họ cũng không buồn, mà đổ lỗi tại "trời bắt làm thi sĩ" như nhà thơ Nguyễn Bính một thời.
    Có người bảo rằng viết báo nhiều thì hỏng mất hồn thơ. Tôi không nghĩ thế, ngược lại, nhờ qúa trình thâm nhập để làm báo, người ta có điều kiện chứng kiến những cảnh ngộ, những trạng huống gọi dậy hồn thơ và có được những bài thơ hay. Bởi thế mà có không ít nhà báo, sau một thời gian thì sáng tác thơ khá thành công, bằng chứng là chúng ta từng được đọc trang thơ, tập thơ của nhiều nhà báo.
    Đời sống khấm khá của các nhà báo, cộng thêm cái danh nhà báo làm không ít em học sinh ngay từ khi mới bước vào cấp ba đã có định hướng trở thành nhà báo. Và trong nhiều năm, các khoa báo chí của nhiều trường " bội thực" đơn xin thi, và đều đều hàng năm, các trường cho ra lò hàng trăm nhà báo trẻ. Từ nhà báo trẻ ở đây muốn chỉ những em vừa tốt nghiệp khoa báo chí, chứ có trở thành nhà báo thực thụ hay không còn cả một vấn đề. Có người bảo rằng, trong số các sinh viên tốt nghiệp, sinh viên khoa báo chí xin việc khó khăn bậc nhất. Trừ trường hợp thật xuất sắc, hoặc bố mẹ có chức kha khá ở các toà báo, trừ trường hợp gia đình có vai, có vế…một số khá lớn sinh viên báo chí ra lò thật khó trở thành nhà báo bởi không thể tìm được một chân trong bất kỳ tờ báo nào.Thế là sinh ra những người làm báo tự do. Làm báo tự do nhọc nhằn lắm nỗi. Tất nhiên là tự thuê lấy nhà ở, phải tự sắm "đồ nghề"như máy ảnh, máy chữ hoặc máy vi tính… Những khó khăn đó có thể vượt qua. Điều khó nhất là không có Thẻ nhà báo, nhiều khi cơ sở họ không tiếp, nói chi chuyện lấy tài liệu để viết bài. Khó khăn này làm không ít người nhụt chí, tạt ngang sang ngành khác, chỉ có một số ít đầy bản lĩnh mới vượt qua được thử thách, cho đến ngày một tờ nào đó có cặp mắt xanh ngó tới, may ra mới được trở thành nhà báo.
    Một chức năng quan trọng của báo chí là phán ảnh thực tế; cho nên đi thực tế là nhu cầu không thể thiếu được của nhà báo. Thực tế có hai mặt: thực tế tích cực và thực tế tiêu cực. Và hầu hết các cơ quan đơn vị, nơi nào cũng thích báo chí nêu thành tích của mình, chứ chẳng có nơi nào muốn báo chỉ nêu hạn chế, khuyết điểm. " Khen sai còn dễ chịu hơn chê đúng" là một thực tế. Bởi thế, nếu mục đích đi tìm hiểu gương tốt để biểu dương thì nhà báo được đón tiếp tử tế, nhưng nếu ai đó với mục đích phát hiện những sai trái của một cơ sở nào đó thì nan giải vô cùng. Anh em làm báo thường nói với nhau rằng, với một bài báo khen ngợi, biểu dương thì khi bài báo đăng xong, nhà báo coi như hoàn thành nhiệm vu. Còn đối với các bài báo phê phán những sai trái, phát hiện ra các vụ bê bối, bài báo in ra là khi nhà báo bắt đầu vào cuộc. Nhiều nhà báo "trầy da tróc vẩy" bảo vệ chính kiến của mình, bất chấp những lời đe doạ hoặc mua chuộc. Trong công cuộc phấn đấu cho một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh…vai trò những nhà báo như thế không thể thiếu được.
    Hơn ba mươi năm làm báo, hầu hết các chuyến đi thực tế, tôi thường được tiếp đón chu đáo, chỉ vài chuyến bị cơ sở dửng dưng hoặc tuyên bố thẳng thừng là không tiếp. Chuyện đó xẩy ra cách đây trên hai chục năm rồi, vào mùa hè năm 1988. Tôi về công tác ở Nghệ An để phản ánh công tác thương binh liệt sĩ ở địa phương. Sau khi lấy xong tài liệu ở huyện Đô Lương, tôi ghé thăm nhà. Về tới nhà một lúc thì có mấy thương binh kéo đến, vừa gặp tôi, một đồng chí đã vừa khóc, vừa nói: " Anh ơi, cứu chúng em với, nếu không thương binh chết hết". Hỏi ra mới biết hai anh ấy quê Đô Lương, là thương binh đang điều trị tại trại thương binh Tân Kỳ. Họ đã kể tôi nghe nhiều chuyện khủng khiếp ở trại đó. Tôi quyết định đi tới tận trại thương binh Tân Kỳ, nhưng giám đốc tuyên bố thẳng thừng không tiếp bất cứ nhà báo nào. Cũng may trong trại có một số cán bộ không tán thành cách cư xử của giám đốc đối với thương binh cũng như đối với nhà báo, họ đã bí mật cung cấp tài liệu cho tôi để viết được bài phóng sự Thương binh trại Tân Kỳ kêu cứu, đăng ở Tạp chí Văn nghệ quân đội số 12 năm 1988, đồng thời đài Tiếng nói Việt Nam phát đi. Kết quả, ban giám đốc trại bị cách chức, trại được chuyển về Hưng Nguyên gần biển, chứ không đóng ở địa bàn sốt rét của huyện miền núi Tân Kỳ. Đối với các nhà báo nổi tiếng khác, thành tích của tôi vừa kể chả là gì, nhưng với tôi, đó là chuyện đáng nhớ và qua chuyện này tôi càng thông cảm với những khó khăn của đồng nghiệp phải vượt qua để có những bài viết có ích cho đời nhưng trái ý những người phụ trách nơi mình thâm nhập.
    Người xưa bảo rằng: "Thi trung hữu hoạ", nghĩa là trong thơ có hoạ. Tôi thấy rằng, có một số trường hợp, trong thơ cũng có báo. Đặc trưng của báo là đưa ra một lượng thông tin, một hướng giải quyết để tìm sự đồng tình của dư luận. Nếu vậy, bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du (viết năm 1982) và Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc(1995) của tôi cũng đã gánh được một phần chức năng báo chí, vì từ bài thơ thứ nhất, trong dư luận dấy lên vấn đề cần xây dựng lại mộ cụ Nguyễn Du và sau đó mộ cụ Nguyễn Du được xây lại; còn cái ý tưởng trồng vài cây bồ kết ở nghĩa trang Đồng Lộc đã thành hiện thực sau khi bài thơ thứ hai ra đơì được ba năm (1998).
Những ngày này, tôi thích bạn đọc coi tôi là một nhà báo!
Nguồn bài viết tại Facebook Vương Trọng 
                   

10 comments:

  1. Cám ơn bác Vương Trọng và chủ trang EGTN!

    ReplyDelete
  2. Sang chúc mừng TNX nhân ngày 21 tháng 6, nhưng bài viết lôi cuốn quá nên Ngựa đọc luôn! Bài viết nói đến địa danh mà chị Ngựa đã từng sống những năm học cấp 3: Tân Kỳ Nghệ An. Nhớ miền quê có những lèn đá bạc ấy quá!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ôi. em cảm ơn anh đã ghé trang nhé. chúc anh vui

      Delete
    2. Ùi! Chị Ngựa nỏ phải là anh!

      Delete
    3. Hề hề. tại cái avartar của chị nhìn giống con trai nên em tưởng cái anh hihi

      Delete
  3. Chúc mừng nhà báo nghiệp dư nhé

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ôi. em cam rơn anh đã chúc mừng nhưng mà tiếc rằng em không phải nhà báo hihi

      Delete